Lệ Hằng

Le Hang

Đò Duyên

Lên chùa khất nợ tiền duyên
Nhặt chín sợi úa đan thuyền sang sông

Trời thương, cho đọt phấn hồng
Dã cho bớt đắng cải ngồng tháng ba

Mười rằm lỡ liệm bóng hoa
Bướm ong đỏ mắt khóc ma vô thường

Hóa vàng bảy nhịp âm dương
Ba sinh duyên nợ lần đường tìm nhau

Trầu mơ kiếp phượng cùng cau
Thiếu vôi mãi chẳng lên màu phấn son

Thuyền tình một chiếc cỏn con
Sông sâu sào vắn bến còn mù xa

Nhớ Tết

Tôi lên chuyến tàu tuổi thơ về Tết xa
Hành trang mang theo chỉ là nỗi nhớ
Tấm vé vào ga là thuở còn bỡ ngỡ
Háo hức mong xuân mang Tết đến bên thềm

Nhớ bó lạt mềm cha vót hồi đêm
Thếp lá dong cắt sau vườn xanh mướt
Mây nếp trắng, thịt ướp tiêu óng mượt
Hạt đậu vàng như những cánh hoa cau

Lũ trẻ con thức đợi bánh chín mau
Lách tách củi rơm, lửa hồng đôi má
Tam cúc lơ khơ đến khi mệt quá
Ngủ thiếp lúc nào cũng chẳng ai hay

Xuân ủ mùa cho sắc đào hây hây
Chúm chím nụ xinh như môi em bé
Nhớ vị mứt gừng ngọt thơm của mẹ
Thoang thoảng hương cay ấm cả góc nhà

Chú gà trống vàng ươm miệng ngậm hoa
Chễm chệ ngồi trên đĩa xôi nếp cái
Nụ tầm xuân còn thơm mùi ngai ngái
Sương ban mai cha mới hái sau vườn

Tết sắp về nên mai vàng tỏa hương
Ông nâng niu giò thủy tiên hoa trắng
Thược dược, lay ơn – cúc vàng như màu nắng
Hoa hiểu lòng người nhớ Tết phải không?

Chợ chiều ba mươi người vẫn chen đông
Tấp nập sắm đồ làm tất niên cúng Tết
Mẹ không quên lá mùi già, bồ kết
Cho con gái yêu ủ tóc gội đầu

Mâm ngũ quả đón Tết đủ sắc màu
Nải chuối xanh, bưởi vàng – cam quýt đỏ
Táo chín mọng, dăm quả hồng lấp ló
Bánh mứt, xôi chè mẹ mới sắm hôm qua

Trời cuối đông rải nắng ấm làm quà
Cháu ríu rít theo chân ông dạo chợ
Ghé Quảng bá ngắm quất vàng rực rỡ
Xuống Nghi tàm thăm đào nở trong mây

Đêm giao thừa cha đốt bánh pháo dây
Chị sợ bịt tai, em cười thích thú
Sớm mồng một mặt trời còn ngái ngủ
Nhìn xác pháo hồng cứ ngỡ là hoa

Năm mới gõ cửa chúc Tết mọi nhà
Mừng tuổi lộc non bằng mưa xuân lất phất
Cháu xúng xính theo bà lên chùa lễ Phật
Cầu ước một năm hạnh phúc đủ đầy

Tết chưa về mà nỗi nhớ đã đâu đây

Dao Cắt Trong Lòng

Vợ ông Hàn tên Thục An. Cô ấy là một trong những người đẹp nổi tiếng của vùng này. Hục hặc với gia đình anh chị sao đó, cô ấy đem chồng con qua Hawaii lập nghiệp. Vài năm sau cô bỏ chồng Việt, lập gia đình với một người Mỹ. Vân quen Thục An ở Hawaii . Bẵng đi vài năm, Vân lại được mời đi dự tiệc cưới của cô ấy với ông Hàn.

Vân kể, hôm đó An từ Hawaii bay về, hối xe chạy dốc tới bệnh viện. Bà cụ nằm im lìm trên giường. Ảnh cụ đã để sẵn trên bàn rồi. Trong ảnh nụ cười của cụ quá đỗi hiền lành, môi thoáng một chút son, gương mặt cụ như rực rỡ hẳn lên.

An hết nhìn ảnh lại nhìn đăm đắm vào vầng trán lạnh trơ của mẹ. Sau đó An đi ra, tránh không nhìn gương mặt nặng chình chịch của chị dâu. Tránh luôn đôi mắt sưng húp của chị Thúy. Không một lời dù nặng, dù nhẹ hé ra từ đội môi mím chặt của cô ấy. Chẳng cần nhiều lời, An biết, bốn ông con trai sẽ bày ra đủ trò lễ nghi cho một đám tang rình rang để trấn an lòng lành, hiếu thảo. Cháu nội, cháu ngoại, khách khứa, bạn bè, thân sơ sẽ kéo tới nghìn nghịt sân chùa.

An tìm một hàng ghế khuất kê dưới lùm cây trong khuôn viên bệnh viện ngồi suốt buổi chiều. Hai mắt An đỏ ké lên, nhưng cô ấy nhất định không khóc.

Lúc mẹ còn khỏe, còn viết được thư than thở với cô, cô đã không có thì giờ để trả lời cho mẹ, dù chỉ một hai hàng chữ nhỏ cũng lờ luôn. Cô bận lắm. Cô túi bụi với việc nhà, việc công ty. Lòng dạ cô ở đâu? Lưu lạc ở phương nào? Buồn hay vui cô còn không có thì giờ nhỏ to với nó. Huống gì nhỏ to với người khác, dù người khác đó là mẹ ruột của cô. Cho nên bây giờ, cô nhất định không cho mình được quyền khóc mẹ. Cô không xứng đáng để khóc mẹ.

Mẹ thọ 83 tuổi, ở góa 49 năm. Cô lẩm bẩm một mình:
– Thọ 83 tuổi. Góa – lạnh – không – chồng – bốn – mươi chín – năm.
Cô rùng mình. Một cái đau nhói lên, buốt từ trong óc buốt vào quả tim. Cô phải dướn người lên để thở, tay chặn lên ngực, mặt cô tái ngắt.
– Tội ngiệp mẹ! Tội nghiệp mẹ!
Cô tiếp tục làu bàu:
– Đừng khóc! Mày không đủ nhân cách để khóc một người mẹ như thế.
Cô thấy mình buốt từ trong hồn buốt ra. Buốt trong tủy sống, buốt lên đỉnh đầu. Cô mỏi quá, cột xương cô chết xụm. Suốt đêm qua không ngủ, 4 giờ sáng hộc tốc phóng ra phi trường. Vật vã ở phi trường, bồn chồn trên máy bay, rồi hụt hơi chạy đến bệnh viện. Bây giờ cô thấy mình vữa dần từng mảnh như một cái xác không hồn . Cô ngả oặt người ra sau, cố dựa hẳn đầu lên thành ghế. Ngửa mặt nư vậy, cô nhìn thẳng được lên trời. Mây hôm đó không có hình thù. Mây như bị trời nén chặt. Lòng cô cũng bị nén như là dưa khú. Đá tảng xù xì từng khối đè nghiến trong đầu cô. Thấy cổ mình đau, muốn đứt lìa, cô ôm đầu gục xuống.
Thế rồi, người ta thấy cô đứng lên bỏ ra đường . Cứ như thế cô đi hoài. Đường rộng thênh thang. Xe vùn vụt chạy. Những con đường nước Mỹ chạy xa tít tắp, xa tít tắp…

Sáng hôm sau, An gọi Taxi ra phi trường, bay thẳng một lèo về Hawaii. Tang lễ trọng thể của mẹ có đủ mặt con trai, con gái, dâu rể, cháu họ, cháu ruột. Ai cũng khen bà cụ Trương có phúc, dâu hiền rể thảo, con cháu thành đạt. Chồng của An lúc đó cũng đội mũ mấn, dắt hai con đi sau quan tài mẹ vợ. Người ta xầm xì sự vắng mặt của cô út Trương Thục An. Chị dâu của cô cứ phải mỏi miệng phân trần rằng cô út nghe tin mẹ qua đời, ngã lăn ra bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện, bác sĩ cấm không cho đi máy bay nên cô út không thể nào về kịp .

An về Hawaii, gia đình chồng một rề ỏ vây quanh nhà . Thấy cô về một mình, đầu không quấn khăn tang, hai con mắt lạnh tanh thấy sợ . Họ sững sờ nhìn cô . Có một cái gì cực kỳ băng giá đã bọc chặt cô mất rồi. Đến nổi cả nhà không ai dám lên tiếng hỏi cô một lời .
– Thọ 83 tuổi, không chồng 49 năm .
Cô nghe mình lảm nhảm suốt đêm câu nói cụt đầu cụt đuôi này mãi không biết chán .
Cô biết rõ mẹ cô đa cảm và yếu ớt hơn cô nhiều . An nhớ lúc nhỏ đi học về, cô hay chạy vào bếp lục chạn thức ăn tìm bánh ngọt hay chè mẹ thường nấu sẵn để ăn vụng . Rất nhiều lần An thấy mẹ dấm dúi chùi nước mắt . Lần nào mẹ cũng vội vàng cười gượng với cô . Nụ cười của mẹ không bút mực nào tả xiết :
– Mẹ ham rẻ mua nhằm than sống, khói làm mắt mẹ xót quá .
Cô vô tâm, hay tại cô giống cha? Thừa hưởng ở cha cái bộ ruột nguội ngơ của bên nội . Cha quá đổi vô tình, lòng cha phải lạnh lẽo lắm, nên mới dụt đại cho mẹ một bầy con, bốn trai hai gái rồi lăn quay ra như thế .

Dì Tư vẫn nói cha An mê mẩn ba cái trò chính trị nên làm khổ mẹ . Cả đời cha cứ hục hặc với chuyện vá trời lấp biển của người khác, cứ xớn xác như Don Quixote vác kiếm cùn đánh nhau với cái cối xay gió . Lâu lâu buồn đời lại về tặng cho mẹ An cái bầu rồi hiên ngang vác bị gậy đi nữa . Cho tới ngày mẹ nhận hung tin cha chết ở một xó rừng, mẹ khóc hết nước mắt lặn lội đi tìm mộ cha . Ba lần đi tìm như vậy, hai năm sau mẹ mới mang về được một hũ tro . Người ta bảo đó là xác của cha . Mẹ cũng gắng tin đó là tro cốt của cha .

An cứ thế lớn lên theo các anh, các chị . Mẹ xoay đủ nghề, buôn ngược bán xuôi . Mua vùng quốc gia bán cho vùng xôi đậu . Những năm tháng lẽ ra là thanh xuân tươi đẹp nhất của một người đàn bà bình thường và khỏe mạnh, mẹ ôm sáu đứa con chạy hết loạn này đến giặc kia . Phải chi mẹ xấu xí vô duyên cho đành . Đàng này, da mẹ mịn hồng, môi tươi ngọt như cánh hoa, mắt lung linh sâu thẳm, chân tay đài các hơn người . Vậy mà mẹ đành lòng xoa bụng, răng nghiến vào răng, đêm đêm chong đèn, nghe da thịt, lông tóc mình than thở với nhau .

Bốn mươi chín năm ròng, không một bàn tay đàn ông đụng vào xương thịt . Không một lời thầm thì an ủi . Làm sao mẹ lại có thể sống được một đời đòi đoạn đến như vậy . Rồi ngày chồng lên tháng, tháng chồng lên năm . Bầy con sáu đứa nghiến hết tuổi thanh xuân của mẹ lúc nào cũng không hay .

Đã nói An thừa hưởng máu vô tâm của bố . Lúc nhỏ xíu thấy mẹ khóc hoài, An cũng nhắm mắt tin bừa khói làm cay mắt mẹ . Lớn lên chạy được ra nước ngoài sớm . Lúc thấy tóc mẹ bạc rồi, đời đã hành cho bầm dập trăm bề, khóc như vậy chắc hẳn mẹ phải cay cực lắm . Chắc trong lòng mẹ phải đau lắm, nước mắt già mới ứa ra như vậy . Nhưng khổ quá, An làm gì cho mẹ được bây giờ . An bận chồng, bận con, bận làm tiền, bận trả nợ, bận mua sắm, bận nghỉ hè, bận tiệc tùng …
Đêm hôm sau chồng An gọi điện thoại về trách :
– Em có giận gì cũng vừa vừa phải phải cho anh vuốt mặt ngó người ta chứ . Ai lại bỏ về ngang như vậy bao giờ . Anh không biết ăn nói làm sao với anh chị Hai . Nghĩa tử là nghĩa tận, em phải biết mình là phận em …
An điên lên :
– Dẹp cái nghĩa tử nghĩa tận của anh đi . Mẹ tôi chắc chắn không cần cái nghĩa tử của anh đâu . Hồi mẹ tôi bị vợ anh Hai đuổi khéo, tôi bàn với anh sửa sân sau thành cái granny flat đón mẹ sang ở . Tôi còn hứa với anh, sẽ nói mẹ tôi ở riêng nhà sau . Không héo lánh lên nhà trên, không ăn chung mâm, không xài chung toilet .Không mó máy đụng vào túi tiền của mình . Mỗi tối đi làm về tôi sẽ xuống thăm mẹ tôi một lần … Chính anh đã cản tôi . Trời ơi ! Tôi nể chồng, sợ con nên bây giờ không dám khóc mẹ .
– Em à ! Hãy nhớ lại đi, anh không hề từ chối nhé …
– Đúng rồi . Cái mặt nghĩa tử nghĩa tận của anh dại gì từ chối . Anh chỉ nhỏ nhẹ thốt ra thành lời, rằng anh sợ mẹ vợ, mẹ chồng ở chung rồi ra thế nào cũng có chuyện . Thằng nào nói câu đó ? Anh giỏi chối đi .
– An à, em có điên không ? Anh gọi cho em để nói anh Hai giận em lắm . Tại sao em lại quàng xiên nhắc chuyện mẹ chồng mẹ vợ vào đây làm gì .
– Dẹp anh Hai đi . Tôi không muốn ngó cái mặt họ nữa . Thư từ của mẹ tôi còn cả hộp đây . Tôi sẽ ném cả xấp vào mặt, cho họ hết dài cái giọng nghĩa tử nghĩa tận ra với tôi .
Chồng An năn nỉ :
– Đừng có nóng, từ từ đâu còn có đó .Mẹ già thì mẹ chết . Bộ em muốn mẹ lột da sống mãi chịu chi nổi . Già quá sống chỉ thêm khổ cho mẹ .
– Anh khỏi cần dạy tôi . Còn mẹ anh thì sao ? Mẹ anh bộ trẻ hơn mẹ tôi chắc ?
– Này, đừng có vác mẹ anh, mẹ tôi ra mà kiếm chuyện nữa . Anh chỉ muốn em làm hòa với các anh chị của em . Mẹ vừa mới mất, em không thắp cho mẹ được cây hương, làm như vậy không sợ mẹ buồn sao ?
– Đời mẹ có vui bao giờ đâu mà anh sợ mẹ buồn . Anh nghĩ coi, mẹ làm vú em, làm con ở cho họ mấy chục năm . Xoay vần nuôi hết cháu nội đến cháu ngoại . Đến lúc mẹ bị ngã gãy xương, không nuôi được cháu nội cháu ngoại, không nấu cơm, lau chùi được nữa . Anh Hai, chị Thúy, anh Tư tìm cách đùn mẹ đi . Cuối cùng cả bọn hè nhau tống mẹ vào viện dưỡng lão . Anh coi, họ gan thật, còn dám tổ chức lễ tang . Dám mời thầy tụng kinh . Dám đội khăn tang xì xụp lạy quan tài của mẹ . Tôi không thể làm như vậy được . Anh biết quá mà, tôi lo bốc cả gia đình nhà anh từ Việt Nam sang đây . Tôi là con đàn bà ngu nhất trên đời này . Tôi nói với mẹ tôi, mẹ ơi con sợ mất chồng . Hạnh phúc của con là chồng, là bầy con của con . Hạnh phúc của con không phải là mẹ . Con khốn nạn này nó nói với mẹ nó như vậy đó . Cho nên tôi phải bỏ về ngay lập tức . Cho nên tôi tự thấy mình không xứng đáng đi sau quan tài của mẹ . Anh nghe thủng ra chưa ?
Cô cứ thế nổi điên trong điện thoại . Cuối cùng cô cũng không nhớ chồng cô, hay chính cô hét lên một tiếng rồi cúp máy .

Sau tang lễ, chồng cô đem hai con về lại Hawaii cho vợ . Anh chạm mặt một người đàn bà hoàn toàn xa lạ ngay trong ngôi nhà bề thế của anh . Bà mẹ lọm khọm gọi con trai ra một góc vườn thì thào :
– Mày lấy phải một con điên rồi . Từ hôm đó tới chừ nó câm như mụ hến . Đêm tới cứ ngồi một đống như bị thịt, lảm nhảm một mình . Hỏi không thưa, gọi không đáp .
Anh xua tay chào mẹ rồi bước thẳng vào nhà . Anh tiếp tục đưa con tới trường, đón con về nhà ngày hai bận . Năm ngày sau, chẳng hiểu nghĩ sao, cô đùng đùng mua vé máy bay, gọi tài xế của công ty đưa thẳng ra phi trường .
Từ phi trường Los Angeles cô kêu xe chạy một mạch vào bệnh viện . Cô biết hôm nay người ta sẽ thông báo rành mạch mọi chi tiết bệnh lý về cái chết của mẹ cô . Đúng là một đại gia bề thế, hai con gái, bốn mụ dâu, bốn con trai, một ông rể, chồng cô rể út vắng mặt, lý do chánh đáng phải ở nhà lo việc công ty .

Đến trể nhất, cô ngồi phịch xuống ghế không buồn chào hỏi ai hết . Mọi con mắt sầu nặng đều nhìn chăm bẳm vào cô . An rùng mình . Đúng là những con mắt đóng hộp mất mẹ, trao tráo, tanh lạnh, rập khuôn nhau . Thế là tay cô mở bóp tách một cái, lôi ra xấp thư cũ của mẹ, cô đứng dựng lên phóng hai đồng tử chiếu thẳng vào mặt anh Hai, anh Tư, rồi anh Minh, anh Kỷ .
– Có phải chúng ta là bầy con lớn lên không có cha, đúng không ?
Không ai trả lời .
– Có đúng mẹ ở góa nuôi hết sáu đứa con no đủ hơn người khác không ?
– Chị Hai, một mẹ già bằng ba con ở . Chị cho tôi biết ai nuôi bầy con của chị lúc còn đỏ hỏn để vợ chồng chị đi học . Chồng bác sĩ mổ, vợ nhổ răng, ai nuôi con hầu hạ cơm nước lúc chị đi học ?
Máy lạnh chạy ù ù . Giọng cô cũng ù ù khàn khàn như bị cái máy lạnh làm cho cảm :
– Anh Tư ! Tại sao anh để vợ anh thò tay lấy tiền nhà của mẹ ? Bộ anh cho mẹ già share phòng hả ? Bộ anh nghèo tới mức phải ăn xén vài trăm tiền già của mẹ ? Ai đem vòng vàng cưới vợ cho anh ? Ai nuôi anh từ nhỏ tới lớn ? Ai bị mìn lúc buôn hàng chuyến nuôi anh ? Ai nhường thịt nhường cá cho anh ăn chóng lớn, đi học, còn mẹ chan nước rau luộc hả ? Trả lời cho tôi ? Trả lời cho tôi đi ?

Cô vẫn nói một mình, phòng bệnh viện không khí bị ép nặng hơn bên ngoài . Cô phải vươn cổ lên để lấy hơi :
– Chị Thúy, hồi mới qua, chị mượn tiền mẹ deposit mua nhà . Bây giờ chị giàu quá mà . Tại sao chị cứ lơ đi không trả tiền cho mẹ ?
Thúy đứng phắt lên, xỉa tay về phía em :
– Cô khôn hồn thì im ngay đi . Tiền của mẹ còn nguyên đây, không mất đi đâu hết . Tôi không đưa cho mẹ, vì hở ra đồng nào, mẹ cúng chùa đồng đó . Ở đây chùa đông lắm . Cô bỏ mẹ dông tuốt qua Hawaii cun cút cơm bưng nước rót hầu bố mẹ chồng . Cô nấu cho mẹ được bửa cơm nào chưa ? Cô là con út, mẹ nhớ cô khóc hoài . Cô có đoái hoài gì tới mẹ không ? Con nào nói với mẹ hạnh phúc của nó là chồng là con nó ? Hạnh phúc của nó không phải là mẹ . Con nào nói với mẹ câu đó ? Nãy giờ ai cũng biết cô điên diên tàng tàng nên mặc cho cô nói xỏ nói xiên . Tôi nói cho mà biết, cô vác thân cô đi Hawaii như thế, có lý gì đến mẹ già . Lẽ ra cô nên câm đi thì hơn
An tím tái măt, cô ngồi phịch xuống ghế . Xấp thư của mẹ cô rơi xuống sàn nhà, cô nhặt lên, thở không ra hơi . Ơn trời, đúng lúc đó hai nhân viên hành chánh của bệnh viện đi vào ngồi sau bàn lớn . Mọi người đều im phăng phắc . Bà Mỹ, tóc ngắn ép sát đầu, mở hồ sơ kêu sột soạt . Cô y tá ngồi bên cạnh cũng mở ra một xấp phim khổ lớn .
– Đây là tất cả hồ sơ bệnh lý của bà Trương . Còn đây là chứng nhận của pháp y sau khi xét nghệm người chết . Bà Trương không chết vì gảy xương hông . Bà chết vì uống quá nhiều thuốc ngủ và thuốc chống đau đã để dành từ mấy tháng trong viện dưỡng lão . She killed herself .

Tóc Mây

Tôi đứng lặng người trước khung cửa nâu đen của phòng chàng . Tay tôi buông xuôi và run rẩy trong cơn mơ huyền hoặc . Hành lang hôm nay tự nhiên dài hun hút . Buổi chiều hôm nay tự nhiên ngừng hơi thở . Tôi đã lang thang trên những con đường êm mơ bóng cây . Tôi đã nhủ thầm sẽ tìm đến chàng vào giờ mà một ngày sắp tàn, vào giờ mà chàng cô đơn nhất, một mình với phím đàn, với nhạc sầu Chopin .

Tôi đã nhủ thầm với mình, tôi đã vỗ về trái tim nồng buốt yêu đương là sẽ tìm đến chàng, sẽ gõ nhẹ ba tiếng lên cánh cửa nâu đen . Chàng sẽ hiện ra giữa khung cửa mờ mờ đèn vàng hắt ra . Sau lưng hàng chiếc dương cầm kiêu sa chờ đợi . Rồi không đợi chàng mời tôi ngồi, rồi không chờ chiếc áo tôi muốn chiếc áo chùng đen dài lượt thượt của chàng quăng vào xó tủ, để chàng mặc sơ mi xanh nhạt, quần tây đậm màu như trưa hôm nào bất ngờ tôi đẩy cửa vào tim, chàng ngồi quay lưng ra ngoài đang mải mê đọc sách .
Cổ sơ mi xanh nhạt và vùng gáy gờn gợn đam mê trong tôi, tôi đứng nhìn chàng tim như ngừng đập, lúc chàng ngẩng đầu lên thốt nhẹ .
– A Kim!
Tôi muốn gọi thầm “anh ơi” mà không dám .
Chàng nhìn tôi:
– Có chuyện gì đó Kim ? Sao cha thấy Kim có vẻ buồn buồn .
Tôi cúi đầu mân mê chiếc kẹo hồng nước mắt rưng rưng:
– Tại cha đó .
Chàng ngạc nhiên:
– Tại cha ? Cha chẳng hiểu gì cả .
Tôi muốn hét lên “anh phải hiểu, phải hiểu rằng em đang yêu anh”.
Tôi ngẩng mặt lên, tôi vụt đứng dậy, khoảng cách còn quá ngắn khi tôi tiến dần đến chàng .
Đôi mắt, đôi mắt thật tuyệt vời cúa chàng có một vùng trời đang xao động ngất ngây trong đó . Tượng Chúa gục đầu dưới một vòng gai, chàng để trên mặt chiếc dương cầm bóng loáng bỗng như sáng lên . Tôi lảo đảo ngồi phệt xuống ghế, môi tôi mấp máy nói không ra lời, những lời khe khẽ như hơi thở, nhưng chàng nghe được:
– Xin lỗi, Kim xin lỗi cha, tha thứ cho Kim .
Chàng hiền từ:
– Chắc con đau rồi Kim ạ, học dữ quá đó mà, để cha đàn những bài Kim thích, rồi về nhà ngủ cho khỏe nghe không .
Tôi ngoan ngoãn gật đầu . “Chúa ơi, chút nữa thì con làm tan vỡ mộng đẹp như sao băng Chúa nhỉ ? Không được, chàng cao quí quá, con phải giữ gìn tình yêu âm thầm này mãi mãi cho êm đẹp đời chàng”.
Chàng ngồi trước đàn, dáng nghiêng nghiêng, chút nắng chiều hắt vào từ vuông cửa sổ, làm bóng chàng chìm chìm nổi nổi trong tranh tối tranh sáng . Sóng mũi cao cao, mái tóc gợn buồn như mây trời phiêu lãng .
Âm thanh vang lên chạy khắp căn phòng chàng, rồi âm thanh tung tăng quấn quít ngoài khung cửa . Tôi đứng nhìn chàng đàn, hồn tôi xao xuyến, tim tôi ngất ngây, chàng chìm trên phím ngà; tôi chìm trong mê say .
Tôi tiến đến đứng sau lưng chàng khe khẽ hát theo, chàng vẫn đàn, phiến lưng xa xăm gợi thèm cơn mỏi . Tôi nóng bừng hai má, cơn rạo rực căng căng da thịt dậy thì trong tôi .
Tôi tròn mắt rồi tôi mím môi lại lùi dần cho xa chàng chút nữa, chút nữa . Một hương thơm ngai ngái nồng nồng phả ra từ lưng chàng, gáy chàng . Nỗi đam mê, niềm ân hận xâu xé hồn tôi .
Một tiếng gọi thầm nhắc tôi hãy ra về, hãy để chàng yên bình trong đời tu sĩ, hãy để chàng với những bản thánh ca vời vợi nỗi yêu thương thần thánh . Một trái tim nồng cháy tình yêu, đòi tôi hãy ở lại, hãy tiến đến gần chàng, hãy cúi xuống để tìm nụ hôn đầu đời yêu dấu .
Tôi như một tên trộm rình mò của quí báu . Tiếng đàn rưng rức trong cung sầu Tristeste . Tôi nghẹn ngào ngó chàng, lúc đàn chàng gần tôi như người yêu gần gũi người yêu, cùng lúc chàng xa tôi như bóng mờ hạnh phúc trên đỉnh gió lao xao . Tôi thương mình đến quắt quay đau đớn, tình câm nín đẹp vô ngần, nhưng chua xót vô biên .
Chàng đứng lên . Tôi bàng hoàng nhìn sâu vào mắt chàng, hai bờ mi rậm che hờ màu mắt buồn lênh đênh . Chàng cười khẽ:
– Kim hết đau chưa ? Mai gặp má Kim, cha sẽ nói bà cấm Kim đọc sách . Đau đầu hoài mà không chừa gì cả .
Tôi lắc đầu:
– Cha đừng lo, Kim không đau nữa mô . Kim khỏe nhiều rồi mà . Cấm Kim đọc sách thì Kim làm chi bây giờ hở cha ?
Chàng lắc đầu:
– Bướng lắm ha, vừa thôi nhé, thần kinh Kim yếu lắm đấy . Để cha nói má gả chồng cho rồi .
Tôi tròn mắt ngó chàng:
– Không . Kim không thích cha đùa như rứa . Kim không cần ai thương Kim mô . Kim có chết cũng mặc xác Kim kia mà . Cha có cuộ c đời của cha .
Chàng ngạc nhiên vì cơn giận bất ngờ của tôi:
– Con gái mới lớn rắc rối thật . Cha chịu thua rồi đó, chắc hôm nay cha đàn hơi vụng phải không Kim ?
Tôi bùi ngùi:
– Không . Kim xin lỗi cha, tại cha coi thường Kim quá,c ha chẳng để ý gì đến Kim cả .
Chàng hững hờ:
– Thế à ? Cha đâu có biết . Chắc muộn rồi đó, thôi Kim về nhé kẻo má mong chết .
Tôi tiu nghỉu đứng lên, cúi đầu chào chàng rồi lui ra ngoài . Thêm một chiều đẹp đã tan vào dĩ vãng . Thêm một chiều đẹp mình lại bơ vơ .
Tôi lang thang dưới những hàng phượng vĩ đầy hoa đỏ ven sông . Con đường Lê Lơi giờ này im vắng lạ . Hai bên đường cỏ mọc xanh, êm như tấm thảm . Tóc tôi bay bay . Gió sông nhè nhẹ đưa lên, văng vẳng tiếng ai hò lênh đênh trên sóng nước, văng vẳng tiếng hát nào từ khung cửa nhà ai quên khép kín .
Tôi giận tôi vô chừng . Dự định bao nhiêu lần, rồi mỗi chiều lại trở về tay trắng bơ vơ . Chàng vẫn không hay biết hoặc cố tình không biết . Tôi vẫn trằn trọc từng đêm với mối tình đơn phương đầy cách biệt . Có tiếng gọi tôi ơi ới đàng sau:
– Kim ơi Kim! Mi đi mô về rứa ?
Tôi quay lại mỉm cười với Phương, cô bạn thân cùng lớp:
– Chiều đẹp nên lang thang chơi, có chi lạ hôn mi ?
Phương nhe chiếc răng khểnh:
– Sướng chưa, lãng mạn ghê hỉ . Tao đi ghi tên ở Văn Khoa đây mi nợ . Mi định học chi Kim ?
Tôi ngập ngừng:
– Chưa biết nữa, mạ tao bảo nghỉ ở nhà bà dạy nấu nướng ba cái đồ chua ngọt mai mốt về hầu chồng . Mạ tao sợ học riết tao điên mi nợ .
Phượng cười giòn:
– Ngộ ác, cũng hay đó, mạ mi nhắm ai chưa mà chuẩng bị ráo riết rứa mi ?
Tôi lắc đầu:
– Mô, có ai đâu mi, bà nói rứa chứ tao đâu có chịu . Học ba cái bánh mứt với lại kho trách cá nục chán mớ đời mi hỉ .
Phương nheo mắt:
– Mi cũng chì đó chứ, đau đầu quanh năm mà thi chi đậu nấy, thấy mi đậu bình tụi nó ngán dữ .
Tôi cười:
– Tán vừa thôi chứ, mũi tao dài ra cha mô thèm mê nữa hí ?
Phương dí mũi tôi:
– Càng đẹp chứ răng, mũi nhòm mồm càng tây mi nợ .
Tôi kê Phương:
– Quê! Bà ni chẳng biết chi cả, mốt mới người ta đang thích mũi hếch kia kìa . Ngó kiêu sa lắm mi nợ .
Phương hỏi:
– Rứa hả, kiêu sa lắm hả ? Ở Huế mình chưa có chỗ mô sửa mũi mi hỉ ?
Tôi lên giọng người lớn:
– Tự nhiên đẹp hơn chứ bộ, sửa sang này nọ tốn tiền thí mồ, tụi mình mua sách cũng phải nhịn quà vặt, bàn chi chuyện xa vời nớ mi .
– Ơ, ờ … nói cho vui vậy mà .
Phương thì thào :
– Có hai tên theo mình mi tề, chết cha, mần răng chừ mi ?
Tôi len lén quay lại, có người đang làm cái đuôi dài dài cho hai đứa thật . Hai anh chàng cao cao, tóc để dài, đang phì phèo hút thuốc .
Chẳng đứa nào rủ, tôi và Phương đều che vội nón bài thơ lên đầu .
Phương láu lỉnh:
– Cũng khá khá mi nợ, đẹp trai chứ hỉ ?
Tôi suỵt :
– Con khỉ, khẽ chứ, nó nghe được thì chết .
Phương nghiêng nón:
– Theo lúc nào mà mình không biết tề, cha, lúc nớ tao nói to qua, bô bô giữa đương, e tụi hắn nghe được mắc cỡ chết đi được Tôi càu nhàu:
– Im cái miệng đi nào, ai biểu mi léo nhéo hoài, phải làm bộ tỉnh khô như không chứ mi .
Phương gật đầu kéo nghiêng vành nón bài thơ có tết quai nhung tím, mắt Phương sáng long lanh, nụ cười chúm chím sau quai nón xinh .
Hai chàng thấy chúng tôi nghiêng nón hơi kỹ có vẻ sốt ruột nên tiến sát lên ép tôi và Phương vào lối cỏ . Phương đỏ bừng hai má, con bé thật kỳ, lí lắc không chịu được, chê con trai ỏm tỏi cả ngày, vậy mà có chàng nào theo chân tay cứ ríu cả lại, mắt chớp lia lịa thấy mà thảm . Anh chàng đeo kính trắng lên tiếng:
– Chiều đẹp quá, hai cô cho phép chúng tôi đi chung mô;t quãng đường nhé .
Phương nhìn tôi, môi tôi mím lại dấu một nụ cười:
– Đường của chính phủ, mời hai ông cứ tự nhiên cho .
Anh chàng có đôi mắt dài, tình tứ nói:
– Con nhà ai mà ăn nói dễ thương rứa ? Ngọt cứ như đường phèn . Xin lỗi hai cô, đường ni tên chi đây ạ ?
Phương nhập cuộc dù mắt vẫn chớp, run run hai hàng mi cong:
– Đường Lê Lợi, có rứa mà cũng hỏi, kỳ!
Hai chàng cười, chàng mắt nhung tấn công:
– Không, chúng tôi muốn hỏi tên của con đường mà không có bảng nào của chính phủ ghi nổi kia .
Tôi nháy Phương:
– Ông ấy hỏi mi tề .
Phương đỏ mặt:
– Chi rứa, mi nói không được sao ?
Tôi nghiêng thêm bờ nón:
– Đường “áo trắng bay”. Thôi xin phép hai ông hỉ .
Hai chàng cũng khá đàng hoàng, nghiêng người kiểu cách chào chúng tôi rồi đi lên cầu Tràng Tiền cong cong những nhịp buồm .
– Mong có dịp gặp lại hai cô, cám ơn hai cô nhiều lắm ạ . Tôi tên Thụy, anh bạn tôi tên Quang .
Khi hai lưng áo sơ mi nhgà nhuộm chút nắng chiều trên nhịp cầu chơi vơi, Phương mới dám cười toe toét với tôi:
– Hết hồn, cha! Tim tao muốn rụng luôn mi nợ .
Tôi càu nhàu:
– Mi kỳ thấy mồ, người ta theo thì can chi mô mà mi run như cầy sấy hỉ .
Phương lí nhí:
– Tao cũng nói được đó thôi, run mô mà run, con ni hách dữ, hôm nay mi la tao hoài hỉ .
Tôi bật cười:
– Tiến bộ dữ, ở nhà mi léo nhéo hoài, la em như bà la sát rứa mà răng gặp con trai mi câm như hến, buồn cười quá .
Phương bỗng nhìn tôi đăm đăm:
– Ừa, mọi khi mi cũng như tao, nhát như thỏ đế răng hôm nay mi ăn nói ngon lành rứa ? Ngọt sớt với con trai thấy mà sợ luôn Tôi thở dài:
– Rứa hả, có lẽ tại tao bắt đầu biết đau khổ .
Phương tròn mắt ngó tôi:
– Mi nói chi lạ rứa, mi cũng đau khổ cơ à ?
Tôi ngao ngán:
– Đến một lúc nào đó tuổi thơ sẽ bỏ chúng mình . Có điều chuyện tao gay go quá, tao điên lên được mi nợ .
Phương tò mò:
– Tao chẳng hiểu mô tê chi cả . À, mi yêu ai phải không ?
Tôi ngập ngừng:
– Ờ, có phải tự nhiên mình cứ nhớ họ hoài, mình muốn gặp họ suốt ngày là yêu phải không mi ?
Phương lên giọng bà cụ:
– Đúng rồi . Yêu là chết trong lòng một tí mà mi . Mi chết một tí hay chết cả người hở mi ?
Tôi lầm bầm:
– Khổ điên lên được mi còn đùa . Chán mi chi lạ .
Phương cười:
– Thì thôi, điều tao nghĩ mắc mớ chi mà mi buồn . Mi nói mạ mi gả cho họ là xong chứ gì . Mạ mi cưng mi kinh khủng cơ mà . Bà lại lanh nữa, chuyện chi bà cũng làm được hết .
Tôi xót xa:
– Không bao giờ tao dám nói với mạ, bởi vì người tao yêu không bao giờ lấy tao mô mi . Họ có thèm để ý đến mình đâu .
Phương kêu:
– Á à, tình một chiều hả ? Con ni rứa mà ngu, thì làm cho họ phải biết, dễ ợt, thiếu gì cách .
Tôi cáu:
– Thôi bà im đi, con nít mà bày đặt dạy khôn người ta hoài . Đoạn trường sai có qua cầu mới hay . Mi cứ lo ăn lo ngủ cho rồi phận mi đi, nói ngu như con bò .
Phương giận:
– Con ni kỳ, hôm nay mi dễ ghét chi lạ, khó tính như bà già . Thì kệ xác mi chứ ai rỗi hơi cho mệt . Cáu kỉnh hoài chó nó thèm yêu .
Tôi đỏ mặt :
– Kệ tui ư, thôi về đi “mệ”, để xem ai yêu mệ .
Phương dịu giọng khi thấy tôi rưng rưng nước mắt:
– Tao xin lỗi mi, đừng giận nghe mi, tao thương mi hoài à . Đừng thèm yêu ai nữa mi .
Tôi cười gượng:
– Thôi, dẹp chuyện ni qua một bên mi hỉ . Mi nói đúng, đừng thèm yêu nữa là xong .
Phương xiết nhẹ tay tôi:
– Tao về nghe, mai qua tao đi ăn bánh bèo Vĩ Dạ hỉ .
Tôi gật đầu đứng nhìn Phương đi vào con ngõ hẹp . Con ngõ xinh với hai hàng dậu thưa . Áo trắng Phương vờn gió, tóc thề Phương đựng bóng dáng chiều bay bay màu nắng nhạt . Bờ nón nghiêng nghiêng, dáng mềm như lá cỏ . Phương xinh như một áng thơ say . Lòng tôi bùi ngùi . Hồn tôi xót xa . Tôi thương mình, tình đầu son sắt trao nhầm chỗ . Cho đi không trọn, giữ lại thêm đau . Tôi gọi thầm, lời tình âm vang trong tim óc mù mờ:
“Anh ơi, em khổ quá đi anh, ước chi em được quyền yêu anh, nhu bao nhiêu cô gái khác trên đời này yêu người tình của họ “

Lệ Hằng

Lê Giang Trần

LeGiangTran-001

Tháng Tư Nhớ Vô Thường,
Tiếng Đàn Guitar Bất Hủ

Ngày nhạc sĩ Vô Thường mất, trên tuyến du lịch đến Phan Rang, Thúy, cô hướng dẫn viên cho phát những đĩa nhạc của ông đàn, và buồn bã loan tin “hôm nay 27 tháng 4 năm 2003, chúng ta mất mát người nhạc Sĩ Vô Thường quê quán ở Phan Rang, một địa danh mà lát nữa đây chúng ta sẽ đặt chân đến…”

Tháng Tư đối với người Việt tị nạn là tháng đau thương buồn thảm, còn gọi là Tháng Tư Đen và nhiều danh gọi khác. Cứ trong cái tháng ấy, tôi cảm thấy mình giống như một con chó xà mâu què nổi điên, tiếc là không tru hú được như con sói rừng. Năm tháng trôi qua, lòng nguôi phai im lặng nhưng với tôi tháng tư vẫn là cái tháng gương soi để nhìn ngắm lại mình một cách nghiêm túc. Nói chung là cái tháng buồn thấy bà, vậy mà Vô Thường lại chọn cái tháng của năm xưa ra đi làm tháng cuối đời trở về, trở về đất trở về nước hay trở về đâu? Dù sao cũng không mang ông ra biển, chỉ mang ông về đất vào đúng cái ngày 30 tháng 4 nghiệt ngã thê lương. Và cái ngày tháng lịch sử tang thương ấy, đã tròn 40 năm.

Vô Thường từ cái thời là cậu Kim Furniture tới cái thời trở thành nhạc sĩ Vô Thường, một cái vụt dòm lại đã hơn 20 năm ông sống trên xứ người và bây giờ là 40 năm từ cái mốc lịch sử ngày 30 tháng tư năm 1975. Tôi nhớ lại lúc ông đã đờn được khoảng năm bảy cuốn cassette, cuốn đầu tiên là liên khúc Trịnh Công Sơn, tiếng đàn nghe ma quái và buồn bã khó tả. Hồi đó, ông có cái máy cassette xách tay, trên mặt máy gắn keyboard có thể set nhịp điệu Slow, Rumba, Chacha, Tango v.v.. vậy là buồn buồn khi vắng khách ở tiệm bán bàn ghế trên đường số 5, ông vặn máy lên rồi tửng tửng đàn theo điệu nhạc, đổi tông thì vói tay nhận nút tiếp. Nhiều khi xe chạy ồn quá, mà ông còn đang hứng tay đàn nên rê cái máy vô bath room ngồi đờn thu cho nó êm.

Cứ mỗi chiều về, đàn chim tụ lại, những bạn bè hảo tửu, những tay có khiếu khôi hài nói dóc, bạn buôn bán, mấy thằng bạn văn thơ, vài người bạn nhạc sĩ như Phạm Hoàng Dũng, Trần Đại, Jimmy Long… tề tựu là cuộc nhậu bắt đầu. Cười đùa, đọc thơ, hát nhạc mới sáng tác, đọc bài mới viết, Vô Thường đờn và hát những bản nhạc ông vừa sáng tác xong tại nơi tiệm bàn ghế này.

Bạn bè nghe qua những cuốn băng ông đờn, thấy “ma quái” là lạ, ngọt ngào, có vẻ “ăn tiền”, bèn xúi ông ra băng nhạc. Cái ngày đầu tiên ông đem băng đi mời bán mới tức cười. Đến tiệm ông Tỷ đài truyền hình, ổng hỏi ai đờn? ông mà đờn? ai mua? sao bán được? thì cứ lấy thử, coi như tui gởi bán, chừng nào bán hết lấy nữa thì trả tiền đợt trước. Ừa… thôi lấy 5 cuốn thử coi… Ông buồn thiu, trong lòng nản chí anh hùng, lầm bầm rủa mấy thằng bạn mắc toi xúi đờn đem bán, in một đống mà bán hông được thì thấy mẹ tao… Nhưng ông cũng gắng ghé vô Tú Quỳnh, Thạnh với Yến thân tình nên sẵn sàng. Bước mấy bước qua Continental, làm bộ hỏi thăm mấy em bán hàng cho có trớn rồi gạ anh gửi ít băng nhạc hòa tấu anh đờn guitar, tụi em bán thử dùm, lấy tiền sau, 20 cuốn trước ha, hết gọi anh đem tiếp, ráng quảng cáo dùm anh nghe em cưng. Lái xe trên đường về, ông vừa hồi hộp vừa giận mấy thằng quỷ Lữ Mộc Sinh, Lê Giang Trần… xúi ông, khen ông… không bán được, ông chửi tắt bếp.

Về tới mở cửa tiệm, miệng lầm bầm thà ông bán bàn ghế chắc ăn hơn bán tiếng đờn. Nói vậy chớ bước vô liền đi thắp nhang ông Địa, vái rằng “Ông Địa ơi, lỡ tốn tiền in hết 500 băng rồi, Thổ Địa phù hộ cho bán được sẽ cúng đại tiệc, hổng cúng lèo tèo vài cam quít nữa”. Rồi sực nghĩ ra người bạn Đông Duy của ông, ông lại đổ thừa tại mày ỷ có nhà in rồi in bìa cho tao free, còn bỏ dấu sai lỗi chính tả, tình cũ mà nó chơi trên chữ cu dấu hỏi tỉnh bơ. Cái tựa “Ru Khúc Mộng Thường” cũng nó bày, mình nghe theo, khi in xong nó níu lại hỏi nhỏ “mày biết ru khúc mộng thường là gì không?” cái thằng Bắc kỳ đểu, thấy mình ngớ ra thì nó ré lên cười, kêu mày nói lái lại xem sao? ru khúc là rút ku… còn mộng thường là…. thiệt hết nói nổi!!! Đông Duy còn bỏ nhỏ, “cuốn sau là ‘Mộng Hà’…” Trời Đất! thiệt là thằng bạn quỷ quái, mình xuất quân mà nó coi là trò đùa. Bỗng điện thoại reo “Anh Kim hả? Gấp! Gấp! Gấp!! Em ở Continental đây, anh đem 50 cuốn Ru Khúc Mộng Thường ra liền ngay, khách họ đứng đợi nè, 20 cuốn anh đưa hồi nãy hết rồi, mang ra lẹ liền nghe anh, khách chờ đó!!!” Đó là niềm vui đầu tiên mà ông đã kể cho cho bạn bè nghe chiều hôm đó. Thượng Cầu (cậu Thường) Công Tử mặt mày sáng rỡ, cười nói líu lo, rượu Tây rót thoải mái. Nỗi lo âu ban sáng đã thay bằng rượu chúc mừng của bằng hữu.

Từ sau ngày đó, tất cả các tiệm nào có bán băng nhạc đều thi đua mở nhạc Vô Thường đờn guitar, hành hạ ỏm tỏi con phố Bolsa một thời gian không ngắn; rồi thì không biết bao nhiêu bài viết về tiếng đàn Vô Thường. À, còn cái tên nữa, Võ Thường mà Đông Duy bỏ dấu mờ ảo nên Phạm Công Thiện đọc ra Vô Thường, rồi kêu để luôn Vô Thường cho vô thường một chút. Ông tò mò hạch người Phạm Công Thiện về ý nghĩa hai chữ vô thường. Cao Xuân Huy khi biết tên Võ Văn Thường, giở giọng Bắc phê bình “văn cũng xoàng mà võ cũng xoàng”, lý do chàng họ Cao ức vì bỗng phát giác thằng bạn võ văn xoàng là “thần tượng” của bà vợ “yêu vấu” của mình cộng thêm cái list dài sọc trong family.

Vô Thường bỗng trở thành hiện tượng, trở thành người bày trò ra mắt băng nhạc. Những buổi ra mắt bán băng nhạc ấy được tổ chức ở nhiều bang và tất cả số tiền thu được, ông gửi đến các em bé mồ côi trong trại tị nạn. Không biết bây giờ, có em bé mồ côi tị nạn nào khi có dịp ghé đến thủ đô tị nạn Little Saigon, tìm đến nấm mộ của người nhạc sĩ có lòng nhân ái này, thắp cho ông một nén hương lòng hay đặt trên ngôi mộ ấy một đóa hoa dại tươi thắm để tỏ tấm tình với người nhạc sĩ vắn số.

Báo Register đến phỏng vấn Vô Thường. Một trang báo với hình ảnh trang trọng dành cho ông. Theo thời gian, ông được đưa vào sách những người nổi danh, ông có tên trong danh mục những nghệ sĩ tài danh của Pháp. Ông là nghệ sĩ nhận được thư khen tặng, thư cảm ơn của những thính giả ngoại quốc, hằng ngàn bức thư gửi đến ông qua đường bưu điện từ khắp thế giới. Những thính giả này sau khi nghe tiếng đàn của ông, gửi đến một lá thư khen ngợi thật cảm động, là niềm vui thỉnh thoảng ông mang ra khoe cùng bạn. Ông cho biết người ngoại quốc đa số đều mua một loạt toàn bộ những CD nhạc ngoại quốc ông đàn. Vài tháng sau khi ông mất, một tối tôi nghe có tiếng người ngoại quốc bên nhà Vô Thường, cặp vợ chồng Bác Sĩ người Phi, mua CD của ông đều đặn, rất ái mộ ông, hay tin ông mất đã ghé đến viếng linh vị ông và mua thêm nhiều CD để dành tặng cho bạn bè họ.
***
Có người sẽ hỏi “Vô Thường đàn thu nhạc ra sao?” Tôi nhớ có lần ông kể, có một nhạc sĩ tài ba gặp ông và phê bình ông đàn không đúng kỹ thuật. Ông trả lời đàn đại thôi, có kỹ thuật đâu mà đúng với sai! Ngón đàn thuộc về thiên tư, cũng là mấy ngón tay bấm vào dây đàn, nhưng bấm nhẹ, bấm nghiêng, bấm láy, bấm nhá, bấm nhún, bấm đẩy, bấm thẳng, bấm giữa đầu ngón, bấm mé ngón… âm thanh phát ra đều khác trên ngăn phím bấm ấy; chưa kể nội tâm đặt vào, sự hào hứng vui tươi hay buồn bã truyền vào cách khảy dây cùng với cách bấm phím lúc ấy, tạo nên độ rung âm thanh tải truyền sự truyền cảm réo rắt, mà có thể ở lần đàn khác khó diễn tả được hệt như vậy. Mỗi cầm thủ có ngón đàn riêng, không ai giống ai, nhưng phải là cái riêng, là cái khác, chứ không đồng dạng “đúng kỹ thuật”, kỹ thuật in khuôn chỉ là một phiên bản copy, thợ đờn chứ không mang tính độc đáo riêng biệt của một nghệ sĩ thả hồn người ấy nhập vào dây tơ đồng. The Venture ngón riêng, Shadow ngón riêng, Santana ngón riêng, mười ngón tay vàng Trung Nghĩa ngón riêng, Jimmy Long ngón riêng, Triều Thanh ngón riêng…

Vô Thường đàn tay trái không đổi dây, buộc phải sử dụng cách vuốt dây đổi nốt, trong khoảng mà âm thanh một nốt nhạc chuồi tuột uốn éo ấy, tạo ra nét đặc thù của ngón đàn tay trái. Ông đã từng là một tay đàn Mandoline nổi tiếng trên đài phát thanh; ông từng là một guitarist chơi trong ban nhạc cho Câu Lạc Bộ Mỹ ở Nha Trang. Ông kể thời còn bé, có người anh bà con đàn guitar rất giỏi, làm cho bao cô gái trong xóm mê tiếng đàn ấy. Yếu tố con gái mê tiếng đàn đã khiến ông nhìn người anh họ đó như thần tượng và phát lòng muốn trở thành một cầm thủ. Đó là cây guitar đầu tiên trong đời của ông khi thỉnh thoảng ông mượn được ra ngồi ngoài đường rầy xe lửa tập đờn. Chỉ có hai thanh sắt đường rầy lắng nghe ông đàn, gió mây trời đất cây cỏ lắng nghe, nhưng không có cô gái nào chịu lắng nghe anh nhóc tì ôm đàn tưng tửng tập mì fa sol la. Sau đó ông có khiếu về Măng cầm, có thể thời đó phong trào đàn Mandoline còn thịnh nên ông chuyên tập. Nhờ vậy, ngón đàn rung dây là một nét độc đáo hợp cùng nhấn láy và vuốt dây đổi nốt của Vô Thường. Nếu ai có nghe bài Giọt Mưa Thu do Vô Thường đàn sẽ thấy khó có ai đàn nghe buồn và diễn tả hay như vậy.

Tôi đã biết mỗi khi ông muốn đàn thì làm sao. Thường thì là những bản ông thích, có khi bỏ ra nhiều giờ để dợt bản nhạc ấy. Chừng nào thấy chàng khóa cửa không tiếp khách, suốt ngày hôm đó Vô Thường ngồi miệt mài đàn. Đó là những lúc chàng nổi hứng, nhập tâm với những bản chàng khoái, miệt mài đàn thu vào CD master. Có khi đàn một lèo mấy ngày, tính ra hai ba đĩa. Có khi một hai tháng chưa thấy ông cầm cây đàn, hỏi thì bảo chưa hứng, lúc này đi nhậu nhiều, bỏ bê đàn địch.

Cây đàn ông đàn đã được đi theo ông theo lời trăn trối, ông cắc cớ thiệt, nhứt định không để lại cây đàn, không muốn có tiếng đàn nào giống tiếng đàn ma quái của ông. Ông mua năm bảy cây, hiệu này hiệu nọ, dây sắt dây nylon, để rồi cuối cùng chỉ đàn được cây đàn đầu tiên, chỉ cây này mới thể hiện hết những âm thanh ông muốn hiện ra trong tiếng đàn, rồi khi chết vật bất lìa thân; kiểu này, tiếng đàn Vô Thường còn “onion summer” hành hạ thiên tiên hay địa quỷ một thời nữa. Mai kia ở Bolsa bỗng nhiều quỷ ma đến tị nạn vì tiếng đàn Vô Thường thì đừng ngạc nhiên nhé.

Sau khi ông đã đờn hầu hết những bản nhạc Việt nổi tiếng quen thuộc, ông bắt đầu lo. Ông lại sưu tầm những bản nhạc ngoại quốc nổi tiếng đối với thính giả Việt xưa nay, và bằng tự tin vào ngón đàn của mình, ông lại làm phiền lỗ tai người ngoại quốc. Vậy mà không biết bao nhiêu cánh thư ái mộ như từng đàn bươm bướm bay về, khen ngợi tiếng đàn ông, thế mới lạ chứ! làm ông tự tin và nghiêng qua đàn nhiều hơn các sáng tác ngoại. Nhờ vậy ông không lúng túng khi thị trường băng đĩa nhạc Việt Nam xuống thấp đến mức thê thảm do lạm phát. Đĩa Vô Thường vẫn lặng lẽ và đều đặn phát hành. Số dĩa Vô Thường đàn bán ra thị trường lên đến trên 150 tựa. Khi ông về thăm quê hương, phát hiện trong nước có nhiều tay làm băng đĩa giả từ CD của ông, ông về Cali cười ha hả kể với bạn “tui phải mua đĩa của tui đờn, nó biết tui mà nhứt định hổng bớt giá, còn ngang nhiên đề chữ to tổ bố ‘Đại Lý Độc Quyền’ nữa chứ!!”
***
Từ khi những búng máu tươi tràn ra miệng, ông dứt khoát không đàn nữa. Có hôm, sáng ông qua trước nhà tôi ngồi phơi nắng cho dịu những cơn ho vật vã. Tôi muốn gợi lại cho ông đờn, xách cây đàn mà ông tặng cho sinh nhật tôi 1989, ngồi trước mặt thợ múa rìu. Len lén nhìn qua gương mặt ông để dò tâm trạng, thấy ông thả hồn theo tiếng nhạc nhưng có cái gì đó như đau đớn, như chia lìa với tiếng đàn, như mất hút người yêu dấu, như chới với muốn chụp cái gì mà không chụp được. Một nỗi buồn vô cùng, toát ra. Tôi ngưng đàn. Ông bảo đàn nữa đi, bữa nay sao đàn hay vậy? Ông có biết đâu, tiếng đàn mà ông nghe là tiếng oằn oại của một kẻ sắp mất bạn, tiếng của đè nén đau đớn chia lìa, của nỗi buồn u uất định mệnh tàn khốc. Của muốn khóc mà không khóc được.

Tết sẽ lại về nhưng có lẽ bài thơ phổ nhạc “Mâm Cúng Chiều Ba Mươi” của ông sẽ không còn được đăng lại hằng năm như đã dai dẳng đăng trên báo của Lâm Tường Dũ và báo Mai của Hoài Điệp Tử. Chuyện cúng chiều 30 Tết “nhìn khói lên trời, nước mắt con tuôn” ở khoảng thời gian mà quê hương Việt chỉ như một xứ thần tiên đầy kỷ niệm, như Atlantic đã chìm sâu mất tích dưới lòng đại dương… khoảng thời gian ấy nghĩ lại vậy mà thơ mộng, dù nước mắt rơi mỗi khi Xuân về, dù buồn thúi ruột, nhưng quê hương rõ ràng là hình ảnh cách biệt phương trời khiến đem lòng tương tư nhớ tưởng khôn nguôi, mơ ước sum vầy một ngày tươi sáng… Tất cả, đã tạo cảm xúc cho ông, cụ thể bằng trang trọng mâm cúng ông bà chiều cuối năm, thành hình một bài thơ rồi ông phổ thành nhạc. Sau vài ly rượu ấm lòng trong bữa tiệc cuối năm đón giao thừa, chung quanh đầy bạn hữu, những con người thiếu tình gia đình, không thân nhân, sống kỳ hồ, cùng chia sẻ chung một tâm trạng xa nhớ quê nhà, ông dạo đàn và hát lên nỗi niềm của những tâm trạng như vậy. Không khí ồn ào chợt im lắng, nằng nặng trong lòng ngực, một cái gì buồn bã phủ trùm không gian… nhìn lên chỗ bày biện cúng kiến trưng hoa quả, ngọn đèn cầy yếu ớt lung linh, khói nhang phảng phất tỏa lên không trung, lòng tôi mông lung mong có sự thiêng liêng thật sự của tổ tiên ông bà ở trong nhang khói ấy, chứng giám thương cảm cho những tâm hồn khắc khoải quê hương đang trải lòng hồi niệm về quê cha đất tổ nơi sinh thành, rồi lớn lên trong chiến tranh, rồi sống sót sau cuộc chiến, rồi may mắn vượt thoát qua trùng dương bao la, giờ đây sống “một thời” tha hương trên xứ người.

Khoảng thời gian này còn Phở Ngon, Vô Thường chọc quê, quán tên “phở ngon” nhưng chỉ có “bia ngon”. Cao Xuân Huy “câu đối” hơn: “quán hông ngon, dám đặt tên Ngon, ngon thiệt!”. Quán rộng rãi, trang trí vài ba túp lều tranh, có cầu ván bắc ngang hòn non bộ nước chảy róc rách, treo những bức nhiếp ảnh về quê hương, tạo nên một khung cảnh rất Việt Nam, khách bước vào cảm thấy ấm cúng nỗi nhớ nhà. Quán bán khuya đến 3 giờ sáng, cuối tuần là điểm hẹn về khuya của những tửu hữu, những cặp tình nhân tìm thức ăn ấm lòng sau khi rời vũ trường. Đến đây có nghĩa là chín phần mười sẽ gặp bạn, có thêm ít thời gian vui đùa, mời nhau ly rượu trước khi trở về lại căn nhà thuê hay phòng trọ vắng lạnh. Quán có sân khấu nhỏ, đặt Piano và giàn trống, anh Lưu thổi kèn kiêm đại hồ cầm, anh Tâm múa dương cầm và Accordeon, Vũ Công Lý tình nguyện nhịp trống. Dù chỉ là một sân khấu khiêm tốn nhưng chia sẻ tình thân qua những bản nhạc hát cho nhau nghe.

Nhưng nhớ đến thời Phở Ngon không vỏn vẹn chỉ có thế, anh Cao Thy chủ nhà hàng (đã nằm xuống) mỗi năm tổ chức đón giao thừa. Trước cửa nhà hàng dựng Nêu, một cành tre cao nghệu treo liểng đỏ viết câu đối và xâu pháo giả, bên trong, trước sân khấu dựng bàn thờ tổ quốc với bộ lư hương to, cặp chân đèn cũng to tướng sáng bóng, cùng hoa tươi, ngũ quả tươm tất, lá quốc kỳ Việt Nam được làm nền trang trọng sau bàn thờ. Phần ăn đón giao thừa giá tượng trưng 5 đô, gồm miếng bánh chưng, nhúm dưa món và ly nước ngọt hay chai bia. Giờ giao thừa điểm bằng một hồi trống, vài bô lão lên nhang đèn và khấn nguyện, bài quốc ca trổi lên, mọi người đứng nghiêm trang chào quốc kỳ và cùng hát. Một phút mặc niệm cho những người hy sinh vì tổ quốc và những thuyền nhân đi tìm tự do bỏ mình trên biển cả. Tôi bấy giờ bỗng lồng ngực nghẹn cứng và nước mắt tuôn trào không kềm hãm được, liếc qua bạn bè chung quanh thì cũng vậy, người nào đôi mắt cũng ướt nhem, cái mặt buồn thê thảm… ôi… quê hương… sao mà thê lương, sao mà xa vời mơ hồ mất hút đến thế…

Vô Thường lúc nào cũng ho xù xụ, khò khạc luôn mồm vì cái mũi hành hạ quanh năm, ngồi nhậu thì kế bên là một đụn giấy đầy vun do chàng hỉ mũi; bởi vậy, tôi làm bài lục bát diễn tả về ông, có câu “thổ ra máu nhạc, khạc vào âm thanh” mà ông lại rất khoái. Không ngờ, ông thổ ra máu thật sự. Đó là khoảng 4 tháng trước khi ông chịu vào nhà thương.

Bên kia Út Khanh con ông lúc đó 22 tuổi, quyết liệt muốn sang Mỹ tìm “Già” (danh gọi dành cho ba) nên khiếu nại hồ sơ đoàn tụ. Khanh lớn lên chỉ biết Già qua hình ảnh thư từ, đón nhận tình cha qua số tiền gửi đều đặn và những món quà đóng thùng gửi về. Khi Khanh sang đây, kể lại ý muốn quyết liệt ấy và nếu sang Mỹ mà Già không thương không nhận thì Khanh trở về lại Việt sống với mẹ. Nhưng nhứt định phải qua Mỹ gặp tận mặt người cha không biết mặt mũi ra sao và đã ra đi khi bé vừa lên ba. Bỗng dưng bên này ông cũng mở lại hồ sơ, muốn sum họp cùng hai con gái. Cuối cùng hai cô con sum hiệp cha già. Trong ngày cưới của Khanh, ông ngậm sâm, cố nén cơn ho tức ngực và những bụm máu luôn tràn theo cơn ho. Hôm đó trên sân khấu cảm tạ quan khách, ông bình tĩnh, pha chút dí dỏm, kín đáo nói lên lời từ biệt thân ái với mọi người. Máu dịu dàng nén lại dưới lồng ngực. Giọng khàn không ra tiếng bỗng ấm áp bình thường. Chữ nghĩa bỗng duyên dáng đầm thắm. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của nhạc sĩ Vô Thường trên sân khấu.
***
Tôi nhớ ông dí dỏm kể “lịch sử lấy vợ” làm cho bạn bè cười bò lăn, ông kể một bữa tui ra Nha Trang chơi, ghé nhà bà dì thấy một cô gái tóc dài, nước da trắng bóc, tui hễ thấy con gái nước da trắng thì “hẩu” liền. Hỏi dò bà dì, biết cô này ở đây nên ở lại chơi ít bữa. Hổng biết tui ghẹo sao mà cổ chịu. Tui tìm cách ngủ cho được với cô, bật ngửa ra cô còn trinh. Hối hận và cảm động nên nói với cổ là em về nhà em đi, anh sẽ tới nhà hỏi cưới em. Tui trở vô Sàigòn. Tui quên bẵng cô gái này cho tới vài tháng sau, một hôm sực nhớ, chết mẹ, mình lỡ hứa, với lại người ta trong trắng trao thân, vậy là mình phải về Nha Trang tìm rồi tính. Hôm sau tui vọt ra Nha Trang, khổ nỗi có biết nhà cổ đâu, hỏi bà Dì thì không dám, tui chạy chiếc lambretta vòng vòng vô mấy cái xóm hỏi thăm. Mãi đến chiều tối, tui nản vì lục lạo khắp mà chả ai biết nhà cô Thuận, tui tự an ủi là đã cố gắng hết sức mà không gặp, chắc ông Trời hổng trách đâu, đảo thêm một vòng rồi mai về lại Sàigòn. Nhưng duyên nợ ông Trời đã tính rồi, tui quay xe sắp sửa ra khỏi xóm thì thấy có một cô tóc dài đang quét lá ngoài sân nhà trông dáng giông giống, trời sụp tối nhìn không rõ nên tui rề đại vô coi thử phải Thuận không. Vậy mà phải ông ơi!! Tui thở dài, trong bụng bảo ý trời.

Tui và Thuận vô nhà, Thuận ở với bà Dì. Tui thưa với bà dì tui xin cưới Thuận vì hai đứa thương nhau. Bà dì biểu ra chợ mua mấy chai xá xị đem về, rồi thắp nhang lên bàn thờ mẹ Thuận, vậy là xong thủ tục cưới vợ. Sau khi hai đứa lạy bàn thờ, bà dì nói bây giờ con có quyền dắt vợ con về nhà. Sáng hôm sau, tui đưa Thuận về trình diện mẹ tui ở Phan Rang. Bước vô cửa tui nói “Mẹ, đây là vợ con” Bả chưng hửng, nhìn Thuận từ trên xuống dưới, một hồi rồi nói “con đã quyết định thì mẹ chấp nhận thôi”, rồi quay qua gọi Thuận bằng con. Để vợ ở với bà già ngoài Phan Rang, tui lại vọt vô Sài Gòn lo làm ăn kiếm tiền, lại chạy về Phan Rang mở cái quán cà phê cho vợ, lúc đó vợ tui sanh xong bé gái đầu lòng được 1 tuổi, tui đặt tên Diễm và lấy tên Diễm cho quán cà phê. Tui sợ có thêm đứa nữa, nên vợ sanh xong, tui hổng dám hó hé, về thăm nhà thì đi nhậu với bè bạn, khuya về vác ghế bố ra ngủ ngoài sân “cho nó mát”. Trở vô Sài Gòn ở miết tới hai năm sau, cũng y tuồng cũ, nhưng đêm đó trời mưa to quá, nhậu khá say sợ ngủ ngoài trời trúng gió chết nên mò vô nhà. Mò vô có một đêm đó mà lòi thêm bé Khanh. Diễm lên 6, Khanh lên 3 thì 1975, tui lên tàu vượt thoát. Sau hơn 20 năm được sum họp hai con không bao lâu thì ông bỏ đi nữa. Chuyến này thì vĩnh viễn ra đi, đi về phương trời viễn mộng thần tiên, bỏ lại con phố Bolsa, bỏ lại bạn bè, bỏ lại hai đứa con mà ông coi như làm xong bổn phận.
Tôi nhớ bài thơ của Lữ Mộc Sinh thời đó:

Mai này tớ thấy ở Bolsa,
cảnh trí buồn thiu đám khỉ già
chống gậy ngu ngơ hồn lú lẩn
nói cười như thể sắp ra ma.

Vô Thường ơi, tôi giờ đây biến thành con khỉ già mất rồi. Phạm Công Thiện khi ấy trở qua Mỹ sau ba tháng ông ra đi. Mỗi đêm ngồi sau bếp nhà tôi ngó qua nhà ông, bên chai rượu và kinh kệ ngổn ngang, ngồi uống im lặng nghe đi nghe lại những CD ông đàn, nhất là đàn nhạc Trịnh vì thích bài “Chiều nay tôi ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe..” nên vừa dứt bài thì la lên “Vô Thường, đàn lại cho tui nghe” rồi nhấn nút trở lại đầu bản nhạc. Tui làm sao ngủ được, ra bếp uống nước, anh Thiện kéo lại, nói “Trịnh Công Sơn bạn tao, chết; Vô Thường bạn tao, cũng lại chết, cuộc đời sao hiu hắt tận cùng đến thế…” Rồi đổi giọng “Hông, Vô Thường nó đang ngồi đây với tao, đang nhậu với tao, đang đờn cho tao nghe” rồi huyên thuyên về cái tài đàn của ông mà có lần ảnh kể cho nghe chuyện cầm mấy cái CD ông cho mang về Úc khoe với má ảnh là của Vô Thường tặng, Má ảnh hỏi “Mày là bạn Vô Thường thiệt à?” rồi ảnh ha hả cười giải thích, ý bà già muốn nói là mày mà được quen với Vô Thường sao? Với tôi, hình ảnh Phạm Công Thiện ngồi hiu quạnh hắt hiu nghe hết ngày này sang đêm nọ chồng đĩa nhạc VT vài chục cái, và những ly rượu liên tục, những điếu Pall Mall đỏ không đầu lọc cũng liên tục rực cháy theo tiếng đàn văng vẵng giữa đêm khuya trong một xóm nhỏ nghèo nàn vắng lạnh, không những làm tui buồn đứt ruột… tôi còn thấy tận cùng của nỗi đau mất mát tình thân, của nỗi cô độc không can thiệp được của những con thú, mà ai về Việt có thể cảm nhận, cảm thấy mình giống như mấy con khủng long tiệt chủng đang cô độc lẻ loi tận cùng giữa phố xá Sài Gòn.

Vô Thường, tôi viết bài này vì mâm cúng chiều Ba Mươi ở năm thứ hai mươi mốt của ông là mâm cúng cuối năm cuối cùng, không còn có ông réo bạn đến để chia sẻ trong ngày cuối năm, cùng nhau bên ly rượu nhắc nhớ những kỷ niệm một thời, những xa tít bên kia bờ đại dương. Một thời, nghe mà buồn. Ông vì chứng bệnh nguy ngập không muốn có thăm viếng tấp nập nên lặng lẽ ẩn mình nơi nhà người em họ, nhưng cúng ông bà cuối năm thì không bỏ lệ nên Mộ Dung và Diễm, Khanh đã rước ông về cúng đưa ông bà, sau là ăn Tết ở nhà, tránh mang tiếng năm mới người em phải chứa người đau kẻ bịnh; hơn nữa chị Bạch Yến từ Pháp sang muốn chia sẻ cùng ông cái Tết không vui này. Những ngày Xuân cửa nhà ông đóng im lìm thì nhà tôi cũng lạnh ngắt vắng tanh… Những ngày cuối, qua thăm ông, ông nhìn tôi, đôi mắt gần như dửng dưng với tất cả, ông thều thào “Trần ơi, chỉ còn 10% thôi, 90% xong rồi. Ông ở lại mạnh giỏi, ráng nghe…”

Hôm nay, có một người rừng nhớ bạn, cho có chút ấm lòng trong trong cõi sống lặng im của những ngày cuối tháng Tư. Cây đàn ông đem theo ấy, nhớ mang ra đàn cho mọi người chỗ ông đang ở, nghe cho biết tiếng đàn một thời ở Bolsa. Một thời, ôi, nên nhớ… hay nên quên? Bạn bè đâu hết rồi? mình sống tệ đến vậy sao? mình trở thành bóng ma trong cõi đìu hiu này sao? sống như vậy để làm gì? tại sao có quê hương mà mình không sống ở quê hương được?

Giữa Sáng Và Tối

1.
những cánh dơi chập chờn
tôi sống giống như thế
bay mù
rừng thu lá đã nâu.

thanksgiving như bản án
tuyên bố về tôi
khi em còn, tôi là góc khuất
khi em xa, tôi tan biến
làm sao nói được về thứ không sắc màu
ngay cả cầu vồng còn phải khúc xạ
trong góc mắt khúc xạ em
tôi không hiện hữu.
thèm một tiếng gà gáy.

2.
bóng đêm cứ thế
rù quyến tôi, mê muội tôi
rằng đến ánh sáng cũng cần có nàng
(mới trở thành ánh sáng)
anh và thơ chỉ hiện ra trong đêm ‒ nàng bảo thế.

gian dâm với đêm trở thành tội lỗi
em bỏ đi
đêm lại huênh hoang chung tình
ghen với đau khổ tôi
đêm ngủ say bên tôi thức trắng
ngáy đều tiếng côn trùng tự tình.
thèm một bức tranh Van Gogh.

3.
mặt trời giống như cô gái điếm
giao hoan với mọi vây quanh
tôi bị từ chối.

đêm lại mang tôi về
an ủi một vầng trăng
rằng mặt trời là nàng sao bất hạnh
kẻ sống với nàng đều bất hạnh
nhìn kia, sáng sớm họ đã phải ra đi
tâm trạng chán chường công sở
đêm cho anh tự do
tuôn trào ý tưởng
đêm cho anh thiên đường
ái ân và cuồng say.
thèm câu tuyên ngôn của Nietzsche.

4.
ngày sáng là góc khuất
không ai nhìn thấy tôi ban ngày
những con phố đã quên lãng tôi
tôi lang thang như bóng ma
tôi mờ nhạt làm sao trong ánh sáng
ngơ ngác giữa sáng và tối.

đêm vừa tan
muốn ra khỏi địa đàng
tôi cần một Eva.

Thơ Tháng Tám

Thi sĩ buồn trái đất buồn theo
Xanh mượt mà như mạ vừa gieo
Để ai thả mắt nhìn ngun ngút
Nhớ hương đòng đòng chín sữa reo.

Tháng tám nắng hè nóng dậy men
Đà Lạt thì sao cô dế mèn?
Tôi hỏi vì đêm mơ hóa dế
Ra rả tấu bài tình không tên.

Tháng tám đã là mười năm tháng
Em đi theo gió vào hỗn mang
Còn tôi ở lại pho tượng đá
Mưa về mắt đá tình chứa chan.

Tháng tám mùa Vu Lan trên vai
Mẹ tôi và những tình yêu vay
Nặng gánh nợ người không thể trả
Tê hồn thi sĩ chuông ngân dài.

Ôi tiếng chuông rần trong xương tủy
Một đời sám hối lạy từ bi
Từ tâm trời đất nuôi tôi sống
Nàng thơ chưa nỡ bỏ ra đi.

Tháng tám lại buồn vàng trung thu
Trái tim như chiếc lồng đèn mù
Ngọn nến chờ ai về thắp lửa
Cho lung linh hồn giữa thiên thu.

Tháng tám vầng trăng đẹp đoan thục
Dương cầm bay lên những biệt khúc
Con ơi những đứa xa ba mãi
Hồ cầm lượn theo jazz trầm uất.

Tháng tám hồn tôi mơ Đà Lạt
Ôi nỗi niềm âm đầy khao khát
Tôi hát bài thơ vừa biến mất
Đứng giữa vu lan buồn trung thu.

Bến Xe Đò

Vào ra cái bến xe đò
Có hôm xe chở đời ta đến mình
Có hôm đổ xuống thình lình
Dưới con dốc khuất những tình tội xưa
Có ngày đợi chuyến xe thưa
Ngồi trong quán vắng giận mưa trách trời
Có khi bè bạn xa xôi
Về thăm gió bụi còn mùi phương xa.

Bến nào cũng lắm xót xa
Kẻ ăn xin sống ngả ba góc đường
Có cô xuống bến hỏi đường
Dung nhan ủ dột nét buồn man man
Có chàng bị túi than van
Đời trăm vạn nẻo đường thênh thang dài
Có em mặt ngọc mày ngài
Ngác ngơ lơ kéo bác tài xế vây

Có người lưu lạc về đây
Rượu giang hồ uống cho say lên đường
Có đêm khuya khách má hường
Lượn qua lượn lại trên đường ngớt mưa
Có ngày bến vắng xe thưa
Trẻ em cao ốc buổi trưa thả diều

Bến xe nhộn nhịp sáng chiều
Kẻ lên người xuống lúc nhiều lúc vơi
Bến đi, dậy tiếng thúc còi
Bến về, ran tiếng nói cười gọi nhau

Bến đời, xuân đã rời lâu
Chuyến xe chung cuộc khi nao khởi hành ?

Lê Giang Trần

Lan Đàm

LanDam

Uống Đi Em

“ Người ơi buồn lắm mà không khóc
Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Nguyễn Bính, Hành Phương Nam)

Uống đi em, này ly rượu đỏ
Men rồi say, tựa sẵn vai anh
Ừ đất khách xuân hoa cũng nở
Đàn bướm quen vội vã đầu cành

Uống đi em, thêm hồng chút má
Buồn mà chi, quê cũ mù khơi
Đã xanh ngọc thủy tiên xứ lạ
Và ngoài kia sương xuống trắng trời

Uống đi em, vơi sầu lưu lạc
Chiều lênh đênh đầy những âm xưa
Nghe đồng vọng kinh cầu man mác
Khói trầm vương, nhớ mấy cho vừa

Uống đi em, ấm bờ môi lạnh
Tháng giao mùa đêm sớm sang canh
Trăng huyền hoặc ôm vườn hiu quạnh
Sao ngại ngùng, cứ dựa lòng anh.

BRIGHTON

Nắng vừa nhạt, biển đăm chiêu,
Ta ngồi phòng lạnh nhìn chiều phôi pha.
Cà phê đen sánh tách ngà,
Thấy mênh mang chút quê xa, xứ người.

PHILLIP ISLAND

Chờ chim đêm bỏ trùng khơi,
Ta nghe trong sóng nghìn lời thiết tha.
Bãi khuya cát xám nhạt nhòa,
Hàng dương buồn, ngỡ ngày xưa đợi người.

GOLD COAST

Gió cuồng, biển nộ, sầu rơi,
Em buông tóc xõa, đầy trời mây bay.
Cát nào lọt nửa kẽ tay,
Thèm nụ hôn để mai này nhớ nhau.

BẠT

Thì đâu biển cũng một màu,
Nơi ta sao đã nương dâu xanh rì.

Vọng Cố Nhân

Từ ta lên núi tìm quên lãng,
Chiều vẫn hoàng hôn vọng cố nhân.
Vách núi cổ tùng sương chĩu nặng,
Thơ buồn, lều cỏ nến phân vân

Rừng thu phong nhuốm mầu quan tái,
Suối vắng mây trôi lạc nửa đời.
Lối mục cỏ lan bờ hoa dại,
Ngại ngùng bước sợ nát vàng rơi.

Chiếu chăn tưởng ngát hương ngọc nữ,
Đắng giọt rượu khuya, đêm ngẩn ngơ.
Chênh chếch song thưa vầng trăng cũ,
Gọi đàn, lạnh tiếng vạc bơ vơ.

Thủy Tiên 5 (Em Về)

Em về, Xuân vội vàng theo,
Vườn tôi từ đó lặng heo may buồn.
Em thơm, hương động hoàng hôn,
Đêm tôi, lục bát gọi hồn hoa tiên.
Em về, tỉnh giấc cô miên,
Liêu trai tôi, thoáng dáng hiền nghìn xưa.

Thủy Tiên 4 (Hàm Tiếu)

Ừ em về phân vân,
Ngập ngừng xanh ngọc nụ.
Tay ngà vừa ân cần,
Nâng niu tìm dáng cũ.
Ừ, thôi về cùng xuân,
Đã vàng hoa đầy ngõ.

Thủy Tiên 3 (Xuân Muộn)

Bụi trần lỡ vướng gót Tiên,
Thôi về, dù muộn, với miền đã yêu.
Lá xanh ngọc, nụ diễm kiều,
Tay người nâng giấc, ấm chiều cuối xuân.

Thủy Tiên (Em 2)

Nguời yêu, em bỏ cõi trời,
Mong manh cánh ngọc giữa đời phù vân.
Trắng trong, vàng nhụy ân cần,
Yêu người, em nhuốm bụi trần, thảnh thơi.

Thủy Tiên (Em 1)

Em xanh lá ngọc kiêu sa,
Mong manh cánh nhỏ nuột nà, vàng rơi.
Mùa sang em bước xuống đời,
Sắc hương đài các cho người ngẩn ngơ.

Khi Em Về

Em về, gió ngẩn ngơ theo,
Vườn tôi đầu hạ chợt heo may đầy.

Cuối ngày phố núi giăng mây,
Áo mong manh, dáng buồn gầy bước xiêu.

Em về, quạnh vắng thêm chiều,
Tôi ngây ngô đếm trăm điều nhớ quên.

Cồn ngực nhỏ ấm giữa đêm,
Gối chăn thơm, má môi mềm hương đưa…

Em về, trăng lạnh song thưa,
Tôi nghêu ngao đợi đời thừa tháng năm.

Lan Đàm

Lãm Thúy

Lam Thuy

Mùa Đông Đất Khách

Buổi sáng uống ly trà lạnh
Nghe mùa đông chợt dài hơn
Chiều về nghe chim vỗ cánh
Chạnh lòng ta nhớ cố hương

Chẳng biết xưa người lữ khách
Châm điếu thuốc buồn ra sao?
Chẳng biết xưa nơi đất Trích
Tráng sĩ sầu như thế nào?

Chỉ biết ta buồn quá đỗi
Ngó mây bay cũng nhớ nhà
Đêm nằm, lặng nghe gió thổi
Thương gì thương đến xót xa !

Nhiều khi thoáng nghe đâu đó
Mùi hương nguyệt quế trong vườn
Nhiều khi trên từng lá cỏ
Chở đầy nỗi nhớ quê hương

Nhớ nhánh sông mùa nước lũ
Nhớ bờ lau sậy lưa thưa
Nhớ cây Bằng lăng vườn cũ
Mương bèo, rụng tím mùa hoa

Chiều lạnh, mùa đông đất khách
Thương cha, nhớ mẹ, nghẹn ngào
Chẳng biết chim nào chim Vịt
Kêu chiều, thảm não như nhau.

Mưa Chiều Nhớ Mẹ

Mẹ ơi! Chiều nay sóng vỗ
Con sông có trắng mưa dài…?
Biết ai chở giùm nỗi nhớ
Mang về cho Mẹ, chiều nay…

Mấy ngày mưa như bão rớt
Trời buồn, tựa buổi đưa tang
Mưa ướt trong hồn ủ dột
Nhớ nhà. Sầu cũng mênh mang

Ở đây, lạc loài viễn xứ
Mưa chiều, sầu mấy ngả chia
Con đứng bên trời, ủ rũ
Nghe thèm khói ấm chiều quê

Nhớ bữa cơm nghèo đạm bạc
Thuở còn đông đủ – quây quần
Nhớ hiên nhà xưa, gió tạt
Đói no, ấm lạnh, chung cùng.

Bây giờ: người xa, người khuất
Đau lòng Mẹ. Nghĩ mà thương
Con biết: Chiều quê tịch mịch
Mẹ ơi! Mưa, nắng cũng buồn

Tha hương. Chiều mưa, nhớ Mẹ
Nhớ mưa trắng xóa sông dài
Mẹ ơi! Mưa nguồn, chớp bể
Lòng riêng một hướng, trông hoài

Nhẫn Nhục

Mẹ ngồi ăn chén cơm lưng
Tô canh chua nguội, buồn rưng rưng lòng
Ngoài vườn, bóng tối mênh mông
Dáng cô đơn, mẹ chìm trong vũng sầu

Mẹ ngồi đầu thấp, vai cao
Trái tim nhẫn nhục giấu vào đêm đen
Mà sao đầy ắp ưu phiền
Không gian quanh mẹ ngân lên não nề

Bây giờ mẹ đã ra đi
Bài thơ, đọc lại buồn chi lạ lùng
Không người nước rót, cơm dưng
Tuổi già hẵn mẹ đã từng tủi thân

Đứa đi lưu lạc phong trần
Đứa xa xôi, đứa ở gần – Đa đoan
Và dâu chẳng phải là con
Thờ ơ để mẹ ngậm buồn, nuốt cay

Lỗi mình, còn dám trách ai
Tha phương để mẹ thương ngày, nhớ đêm
Mẹ ơi! Dưỡng dục chưa đền
Cưu mang chưa trả mà duyên tận rồi!

Mẹ nay đã ngủ bên trời
Nhớ thương, con chỉ ngậm ngùi nhớ thương
Mai này về lại cố hương
Không còn mẹ đợi, vô phương giữ lòng!

Bài thơ viết mãi chưa xong
Lệ rơi thấm ướt mỗi dòng xót xa
Từ mẹ đất lạnh là nhà
Con thà lưu lạc xứ xa mãn đời!

Nói Với Kim Loan

Đời không gìn giữ nữa rồi
Mẹ đi về cuối chân trời xa xăm
Hôm kia là đúng hai năm
Ngày giỗ mẹ đốt hương thầm trong tim
Hết đời đâu dễ nguôi quên
Niềm thương nhớ cứ dài thêm tháng ngày
Chim chiều nhớ tổ còn bay
Từ ta mất mẹ, ngày dài đêm thâu
Xót xa, tưởng tiếc, âu sầu
Chém cơm chan lệ, hồn đau rã rời
Ngậm ngùi lắm, Kim Lan ơi!
Dù không trẻ nữa, mồ côi cũng buồn
Từ mẹ bỏ cõi vô thường
Ta như kẻ mất thiên đường. Ngẩn ngơ
Trôi trong kiếp sống vật vờ
Tóc tang đã hẵn còn ngờ chiêm bao
Lòng không ai đập mà đau
Khóc chi mẹ cũng qua cầu tử sinh
***
Tạ lòng nhau một chút tình
Dẫu chưa diện kiến cũng thành tri âm
Đêm nay về dưới mưa dầm
Trong tim chợt nẩy chút mầm tin yêu.

Tạ Ơn Đời Gìn Giữ

Biết Mẹ vẫn chờ nơi quê cũ
Lòng con bất chợt rộn niềm vui
Ngước mắt. Tạ ơn đời gìn giữ
Hạnh phúc chờ con ở cuối trời

Nhưng rồi nghĩ lại tim đau xót
Một góc trời xa Mẹ vẫn mong,
Mà con nhớ Mẹ, sầu như nước
Sóng dồn lên sóng, lệ mênh mông…

Làm thân lữ thứ , đời lưu lạc
Cách nửa vòng quay cố quận xa
Nắng sớm cũng xui lòng tan nát
Đâu chỉ hoàng hôn mới nhớ nhà!

Thương Mẹ quê xa mòn mắt đợi
Đếm ngày , đếm tháng , ngóng tin về
Không dám cất lên lời kêu gọi
Sợ bận lòng con chốn cách chia!

Con tạ ơn đời: còn có Mẹ
Nhưng mà hạnh phúc quá mong manh
Lá vẫn cứ rơi, dù gió khẽ
Chỉ đành ơn nguyện: Mẹ trường sinh.

Lãm Thúy

Lâm Hảo Dũng

Lâm Hảo Dũng

Khi Qua Khu F Bidong

Dĩ vãng buồn vui chuyện nhớ quên
(Chiều trên biển vắng bước âm thầm)
Đâu hay thấp thoáng đồi tôn giáo
Sương mỏng mơ hồ kỷ niệm xanh

Gío thổi hồn ai lạc đến đây
Nghe trong tâm thức rất lưu đày
Những hàng thông đứng ru ngày tháng
Sóng vỗ ngàn năm sầu kín tay

Em của tôi mùa thu rất xa
(Bidong làm một kẻ không nhà)
Núi cao cây vẫn xanh màu lá
Cát vẫn u hoài hạt tiễn đưa

Dốc khuỷu đồi cao hàng mộ dựng
Những người giữ đất không quê hương
Một đêm nào đó trăng đưa lối
Ai hát tình ca ngủ dọc đường

Khu trại hoang vu nắng ngập ngừng
(Thấy trong sum họp có chia tan)
Sầu tôi chạy suốt vùng hoang đảo
Ngùi nhớ “longhouse” đổ bóng tàn

Và trong qúa khứ không tên tuổi
Đời sống quay đều những nhánh đau
Có khi vết cắt chưa hàn gắn
Lại mở mênh mang biển cát sầu…

Gởi Ngọ Pleiku

Một sáng đưa em vào bệnh viện
Trời cao mây tím hay mây đen ?
Tường im có những hành lang tối
Tôi đến bao giờ tôi mất em ?.

Không nói gì nhau tay nắm tay
(Bàn tay chắc chắn rất hao gầy)
Mũi kim là vết dao oan nghiệt
Em cố cười tôi nghe đắng cay

Ảnh chụp hình trong nhánh phổi đau
Chút màu hy vọng rất xanh xao
Ngồi nghe giọt máu âm thầm chảy
Hàng ghế trơ nghiêng mặt phẳng sầu

Tuổi trẻ sao sa rụng cuối trời
Buồn tung mái tóc để đùa vui
Thản nhiên trên bước đường sinh tử
Em dịu dàng như mãi có tôi

Trên khuôn mặt ấy tôi nhìn thấy
Những núi rừng xưa cây ngủ quên
Khi gío gọi chiều buông cửa tối
Sương đầm chắc lạnh đáy hồn em?

Đường về hôm nay đường thênh thang!?
Đường ngày mai đường ôm nắng vàng?
Đường tôi em buồn ôi mênh mang
Đường tương lai quay vòng xe tang…

Gợi Nhớ Về Châu Đốc

em khóc dòng sông khóc nước sông
ta đi sầu ngát tận trong lòng
nhớ trăng đầu núi trăng đông nội
và những mùa trăng sông Cửu Long

em ở bên kia trời cách biệt
mắt buồn vây kín núi Sam xa
ta như lữ khách không nhà cửa
ngủ đậu trên chùa mỗi tháng ba

em khóc dòng sông đó phải không
ngàn năm vẫn nhớ má em hồng
vẫn yêu đường đá miền Châu Phú
những chuyến đò đêm nước ngược dòng

bởi ta lười biếng làm sao thấy
em đẹp như là hoa hướng dương
vu vơ em hát hay ta hát
mà tóc tung bay rất ngập ngừng

em khóc dòng sông đó phải không
đêm mơ về thấy chín con rồng
vẫy đuôi trên nóc Tây An Tự
đón hội Long Hoa một tối rằm

ta nhớ một đời riêng để nhớ
những mùa trăng cũ bạn hiền xưa
Cồn Tiên bên quán ngồi châm thuôc
rượu ngất ngây hồn vị tiễn đưa

Lâm Hảo Dũng

1 8 9 10 11 12 18