Phạm Thu Dung,
Kể Chuyện Thời Gian
Theo Dọc Đường Đất Nước
Khi gấp cuốn sách của Phạm Thu Dung lúc 2 giờ sáng, ý nghĩ đến với tôi đầu tiên, như thể tôi vừa xem xong một bức tranh. Việt Nam Yêu Dấu như một bức tranh cuộn, đang bung ra cho người xem, những thời gian nối tiếp nhau, người xem tự mình cảm nhận sắc mầu của nó, nhận những ánh sáng tối tùy theo chỗ đứng của mình và tự họ khoác cho nó ý nghĩa theo cách nhìn của họ. Có muốn tìm họa sĩ thì chẳng thấy đâu nữa…
Chỉ nghe đâu đây giọng kể trầm tĩnh nhẹ nhàng về ký ức thời gian… Hoàn cảnh đất nước qua nhiều giai đoạn, khung cảnh địa lý các miền, nơi chốn xinh tươi…, nơi chốn đạn bom…, mà thành Việt Nam Yêu Dấu, trong đó người đọc đi theo nhịp sinh động của một gia đình dẫn dắt bằng những ý nghĩ hồn nhiên trong sáng của một cô bé tên Uyển Nhi. Gia đình ấy từ lúc mẹ gặp cha, đến thuở mẹ về là về với cha, đến thuở mẹ mang ối a đầy lòng* những đứa con… Từ chữ Từ cho đến những chữ Đến…, không tưởng được là những gì đã ập vào mái ấm ấy. Họ như luôn ở trên một con tàu bập bênh giữa đại dương, cứ vượt qua cơn sóng gió này lại tiếp đương đầu với bão táp khác. Và vì giọng kể tự nhiên như của một khán giả chứ không phải là nhân vật chính mà Việt Nam Yêu Dấu đã đập vào ta những nhịp tim đau buốt. Tôi biết cái bình tĩnh trầm lặng của người đã chạm mặt với tận cùng đau khổ. Và tôi quá khiếp hãi cái đại dương cuộc đời! Mà cuộc đời ấy lồng trong phận nổi trôi của một đất nước mà tác giả đã trìu mến gọi, Việt Nam Yêu Dấu (VNYD).
VNYD đan xen những thời hạnh phúc ngắn ngủi lẫn bi thương trong những giai đoạn khốc liệt của lịch sử Việt Nam. Trong đó kẻ phải hứng chịu thiệt thòi là trẻ thơ. Mà theo tác giả, ở đâu trên trái đất này, những quốc gia bé nhỏ không có quyền quyết định vận mạng của mình thì nơi đó là nơi để những đại cường quốc mở cuộc thư hùng. Trước lời hỏi này, hỏi ai có rúng động lương tri:
Ai đánh cắp tuổi thơ và giam cầm chúng tôi trong những hình hài tàn phế này? (trang 18)
Với bất hạnh mà Phạm Thu Dung và triệu triệu trẻ em, nạn nhân của chiến tranh, phải chịu, chúng ta chỉ biết im lặng và cúi đầu. Ngôn ngữ bất lực. Hãy nghe trái tim ấy đập những lời,
Tôi bắt chước Chizuko, gấp giấy thành hình chim hạc, tặng em Iraq, Libya, Syria cầu xin hòa bình đến trên quê hương các em. Tin tưởng nơi Thượng Đế và tha tội cho tôi nếu em hiểu rằng chúng ta cùng là nạn nhân của các Đại Cường Quốc. (trang 19)
Thật tình, tôi không hiểu những kẻ nắm vận mạng những đất nước bé mọn khi đọc những dòng này có chút hổ thẹn nào không, có chút phản tỉnh nào chăng? Chính một nạn nhân trực tiếp của chiến tranh lại lên tiếng thú tội và cầu xin tha thứ! Có phải vì chính mình là nạn nhân mà tác giả cảm thấy mình đủ tư cách gánh lấy trách nhiệm trước nỗi đau của kẻ cùng số phận và lên tiếng thú tội nhân danh thân phận mình đã, đang gánh chịu? Không lên án, không phê phán, mà là Lời Thú Tội (trang 15). Tôi cứ phải ngừng đọc để đưa tay lên chận những nhịp thổn thức trong tim mình.
Cũng chính vì thế, dường như, qua lời kể của tác giả, chúng ta chợt nhận ra người lớn phần nào đã đánh mất lòng tin cậy của trẻ, khi tác giả đã nói, Tôi viết cho trẻ con xem…(trang 16), tôi càng nhận thức rõ cái tàn nhẫn và vô tâm của thời đại chúng ta đang sống. Mỗi ngày người ta được làm quen nhiều hơn những tàn ác mà con người gây ra cho nhau, thậm chí, cái đói, cái chết của trẻ thơ -mà người ta luôn nói là tương lai của nhân loại-, cũng không được đặt lên bàn chính trị để cân nhắc khi nhóm một ngòi nổ chiến tranh. Lợi lộc trước mắt khiến người ta đã lờ đi cái tương lai ấy. Vậy trẻ thơ tìm gì để nương tựa vào người lớn, có chăng, là những con người cùng chung số phận lên tiếng và đứng tựa vào nhau. Tiếng gọi nhân ái yêu thương ấy, là Việt Nam Yêu Dấu, mà bạn đang cùng tôi mở ra từng trang, theo nụ cười và nước mắt, trên từng dặm con đường cong cong chữ S.
Những thời gian tuần tự hiện ra theo ký ức tác giả, như trên tôi đã nói, nếu chúng ta kéo ra thành một bức tranh dài để nhìn một cách tổng quát, tự nhiên nó sẽ đưa đẩy ta tới nhận xét, quãng thời gian nào trong lịch sử Việt Nam, con dân đã có được an lạc hạnh phúc, thông qua nếp sống của gia đình bé Uyển Nhi, điều ấy, vô hình chung, họ là những chứng nhân của lịch sử. Tác giả có được bình tĩnh để chỉ đưa ra sự việc, qua suy nghĩ hồn nhiên của cô bé, không biết, và một đứa trẻ thì không cần biết gì khác ngoài việc, em và gia đình sống với nhau, no ấm hạnh phúc. Chỉ cần một chỉ tiêu này quyết định sự nhận định về một thể chế, một quốc gia hạnh phúc.
Chương 1 và 2, Mùa Xuân Phú Thọ và Mùa Hè Ở Đồ Sơn. Nói về thời trẻ của ba mẹ Uyển Nhi. Đi theo bước tác giả vào bức tranh một miền Bắc yên ả, thanh niên thiếu nữ tân thời miền Bắc được sống, học hành và ăn diện rất theo trào lưu của thế giới, dù còn vài hạn chế theo quan niệm cổ xưa, con gái thì không cần học cao lắm, như mẹ cô Phương Quỳ nói “không, phải giữ phong tục cổ truyền. Cha mẹ đã nhầm lẫn khi cho con học Đệ Nhất Cấp. Hết năm nay, con ở nhà sửa soạn lấy chồng” (trang 28). Rồi những phong tục đón Tết thời đó, chúng ta thấy được đó là một nét văn hóa đẹp đã phôi pha ít nhiều theo thời gian, thật tiếc. Thấy được không khí đi Chùa Hương ngày xuân, có cảm giác như nam thanh nữ tú thời đó rất hợp với không khí u tĩnh của Chùa Hương, không như bây giờ nghe nói cảnh viếng chùa rất bát nháo và xôn xao buôn thần bán thánh. Lại nghe tiếng sóng reo chân những kẻ yêu nhau đi dạo trên bờ cát Đồ Sơn. Nhịp sống chậm chậm để tận hưởng an vui là điều mà bây giờ nhiều người nhắc đến để ước mơ. Xem bức tranh này tự nhiên tôi ước gì mình được sống những giây phút gia đình và bạn bè trong khung cảnh trữ tình ấy. Những con người ấy đang sống hạnh phúc. Hạnh Phúc. Đó không phải là mục tiêu của mọi chủ thuyết, chủ nghĩa, chế độ chính trị hay sao? (trừ những kẻ lợi dụng nó làm chiêu bài che đậy những mờ ám khiến con đường đến nó phải lát bằng máu và sinh mệnh.) Người ta còn cần gì ngoài Hạnh Phúc?
Chương 3, Mùa Lúa Hải Dương, đây là bức tranh tôi nghe vang vang tiếng hát đệm, thương em từ thuở mẹ về là về với cha…, cô dâu Phương Quỳ về nhà chồng ở Hải Dương. “Đồng lúa chin vàng trải tận chân trời. Đàn ông cắt, đàn bà buộc thành bó gánh đi. Một thôn nữ hát, Con cò bay lả bay la / bay từ cửa phủ bay qua cánh đồng…”(trang 99). Lúa chín và tiếng hát hò. Đó là gì nếu không là ấm no và hạnh phúc. Nhưng bức tranh đã phảng phất những mảng mây nặng báo hiệu một cơn mưa. Tác giả nói bằng một giọng bình thường như tường thuật một hiện tượng của thời tiết, cho ta thấy le lói cái thòng lọng oan nghiệt chực chờ trên mỗi số phận gia đình Việt Nam. “Quang Lưu, hao hao giống anh, nhưng tính lại khác. Trong lòng luôn căm hờn người anh. Vài năm trước có bạn giới thiệu chủ nghĩa Cộng Sản, thuyết Karl Marx, Lenin. Quang Lưu hấp thụ thuyết này và tôn sùng đảng trưởng Hồ Chí Minh.” (trang 101)
Cho ta thấy, bàn tay bạch tuộc của nước lớn, “Anh Vinh viết thư: xin ba mẹ tha tội bất hiếu. Con không thể làm gì đến khi người Pháp cuối cùng rời khỏi Việt Nam. Con chỉ có một tình yêu duy nhất: sống và chết cho quê hương…” (trang 109)
Gia đình cô bé Uyển Nhi đã bắt đầu sóng gió theo cơn lốc của chiến tranh. “… kháng chiến nổi dậy chống thực dân xâm lược. Ngày ngày, người Pháp xử tử những thành phần chống chính quyền Đông Dương… (trang 111), lời văn như một bản tin tức trên đài, đẩy người đọc đến câu hỏi, họ nhân danh gì để xử tử người dân mà họ đang đứng trên đất nước người ta? Trong cùng một gia đình cũng phe này phái kia. Khi gia đình người anh đi Hà Nội lánh nạn thì người em chận xe: “…Dừng xe không tôi bắn! Ông Phạm nhấn ga, xe vọt đi trước khi Quang Lưu nổ súng. Phương Quỳ ôm con sát vào lòng…” (trang 116). Đây là nỗi bất hạnh kéo dài từ bấy đến nay trên đất nước Việt Nam chúng ta. Nỗi huynh đệ tương tàn. Lẫn vào đó tôi nghe tiếng trẻ thơ thủ thỉ hồn nhiên (lối kể chuyện đan xen đặt những tình huống trái ngược bên cạnh nhau của Phạm Thu Dung gây cảm xúc rất cao nơi người đọc,) Mẹ mua cho con búp bê và quần áo mới nhé… (trang 116). Phải, tôi muốn hỏi như tác giả, Ai đã đánh cắp tuổi thơ?
Chương 4, Hà Nội Trong Bom Lửa. Bức tranh đã tỏa mùi khói của chiến tranh. Ngay thủ đô Hà Nội. Không còn hình ảnh những cánh đồng vàng trĩu lúa chín. Mà là những xác chết trên những con đường làng mạc, thành phố. Gia đình tản mác, người ta nhớn nhác sống, trong bước trốn chạy bom đạn. Những nỗi sợ len vào cuộc sống. Sợ Cộng Sản, Sợ Pháp. Sợ Quốc Dân Đảng. Sợ tên bay đạn lạc. Trong thời gian này, bé Uyển Nhi ra đời, mùa thu Hà Hội. Ra đời trong cảnh miếng đất nhỏ bé là nơi tranh giành thử nghiệm vũ khí, chủ nghĩa. Trong một trận oanh tạc ở Hà Nội, em đã bị miểng bom cắt ngang xương sống, hậu quả là mang thương tật suốt đời. Giọng văn ở chương này làm tôi có cảm tưởng tác giả đang cố kìm dòng nước mắt… Tác giả ơi, sao không khóc đi cho những con chữ kia bớt làm đau lòng người đọc,.
Chương 5, Vượt Dòng Bến Hải (trang 159). Bức tranh tang thương nhất trong 7 bức của Việt Nam Yêu Dấu. Hiệp định Genève ký kết, Việt Nam thành hai miền hai chế độ. Cuộc di cư 1954 đưa hàng triệu người không chấp nhận chế độ Cộng Sản vào Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Vì bệnh tật của Uyển Nhi gia đình em không thể đi bằng máy bay, người cha quyết định dùng thuyền vượt sông Bến Hải. Họ trốn đi vì đó là vấn đề sinh tử của gia đình họ. Đây là bức tranh tôi phải dừng lại để quay mặt đi, như thể hồi bé xem phim tới đoạn nào sợ, lấy tay bịt mắt lại vì không chịu nổi một đối diện trực tiếp với cái ác. Và tôi liên tưởng đến cuộc vượt biên của hàng triệu người 20 năm sau đó, nhân lên n lần nỗi thương tâm. Cuộc vượt biên quá sức bi thương khốc liệt trong lịch sử nhân loại. Không một lời nào chối được tội này trước lương tâm con người. Tôi mong bạn có cuốn VNYD trong tay để mở những trang này và đi theo nó bằng chính dòng nước mắt của mình. Tôi chỉ xin trích đoạn làm tôi xúc động, cảm giác của nhân vật sau khi vượt sóng gió, súng đạn chết chóc, đến được đất liền: “…Chẳng rõ lành hay dữ, miền Bắc? không thấy cờ đỏ sao vàng miền Bắc, chàng tiếp tục đi. Xa xa có túp lều đánh cá, bên cạnh treo cờ vàng ba sọc đỏ miền nam. Quang Bảo quì gối: Cảm ơn Trời Phật. Chàng chạy về gốc dừa nơi gia đình tạm trú, reo: Phương Quỳ! Chúng ta ở miền Nam.” (trang 172) …“Người mẹ tự nhủ đây là sự thật…Nàng lấy bẹ và lá dừa làm tấm ván buộc vào lưng Uyển Nhi. Cái bướu sau lưng lớn dần làm gẫy gập thân hình nhỏ bé… em hỏi mẹ: Mẹ ơi, con bị làm sao vậy?” (trang 171). Lối kể chuyện của Phạm Thu Dung luôn vậy, trong cảnh bi khốn, bỗng một câu hỏi trẻ thơ như thế như một cú nốc-ao cảm xúc ta vậy!
Hậu quả chiến tranh đã làm em phải chịu thiệt thòi tức tưởi đến thế, và lúc này có bao nhiêu bao nhiêu Uyển Nhi như vậy trên trái đất chúng ta?
Hãy nghe tác giả đã thốt lên, dõng dạc: “Tôi tên Phạm Thu Dung, muốn thú tội. Tôi viết Việt Nam Yêu Dấu với mục đích: cầu mong Hoa Kỳ cùng các Đồng Minh chấm dứt chiến tranh Iraq, Libya, Syria… và ở đâu nữa?”
Ngang đây có một ước mơ, thật bi hài, chính một nạn nhân chiến tranh lại nói lời thú tội! Tôi mơ, tôi tin, lời ấy sẽ góp phần thức tỉnh lương tri thế giới, một thế giới không còn nằm trong bàn tay điều động của những Đại Cường Quốc chỉ biết cân đo đong đếm tài lợi hơn là sinh mạng con người. Giấc mơ, Niềm tin ấy có chân để đi đến thành tựu không?
Chương 6 và 7, Tuổi Thơ Nha Trang và Khung Trời Gia Long. Cảm ơn tác giả đã để những bức tranh này cuối cùng sách, để trái tim người đọc bớt co thắt vì những cảm xúc đau đớn. Một hình ảnh vui để đối cực với thương tâm bức tranh vượt sông. Ta đã theo thời gian đi từ Hà Nội đến Sài Gòn. Tác giả dừng lại lúc Uyển Nhi 13 tuổi, với ước mơ: “Tiếng ve vang rền trong nắng hạ. Hoa phượng đỏ thắm dưới trời xanh, chim líu lo ca lẫn tiếng cười của nữ sinh trong khung trời Gia Long. Thời gian hỡi, ước chi thời gian đứng lại, cho tôi một giây phút thôi để khung cảnh này mãi mãi chẳng đổi dời.”(trang 406)
Đúng vậy, hãy dừng nơi đó thôi. Vì chúng ta đã biết rồi, những gì xảy ra sau đó, cho đến 30.4.1975, cho đến lúc này, chúng ta, một phần của con dân Việt Nam có mặt ở đây, California, và ở tản mác khắp nơi trên thế giới.
Tôi xin kết thúc bằng chút cảm nghĩ mình về tác giả, một người từ nghịch cảnh bản thân đã khiến được ý chí mạnh mẽ, cộng thêm thừa hưởng một nền giáo dục tuyệt vời từ cha mẹ, đã sống và dựng cuộc đời mình một cách thành công bằng sự tự tin, lạc quan, kiên định. Với số phận và lòng quả cảm mình, tác giả đã chinh phục được người đọc rồi huống chi còn thêm một văn tài như thế, lại còn vẽ nữa. Tôi muốn nói thêm một điều mà tôi rất quí ở Việt Nam Yêu Dấu, là tác giả đã lồng vào đó những câu truyện cổ tích như Tấm Cám, Trầu Cau…, những trò chơi của trẻ con xưa như Nu na nu nống, Thảy cuội…, và những bài đồng dao. Điều này góp phần vào sự gìn giữ, truyền bá những vốn quý của văn hóa Việt cũng như cho ta thấy cách giáo dục trẻ thơ bằng cách kể chuyện, hát, sẽ gây được cho trẻ em những tình cảm tích cực, yêu cuộc sống, con người, như ta thấy các em trong gia đình Uyển Nhi. Tôi tự hỏi, cái gia đình gặp đầy cảnh ngộ như thế có vượt qua nổi không nếu dưới mái ấm ấy không từng ngày vang vang tiếng hát trẻ thơ? Đây là cách giáo dục theo tôi nghĩ những bậc cha mẹ trẻ nên theo và gìn giữ. Hiệu quả tốt của nó khiến tôi khẳng định, nếu Uyển Nhi, không thừa hưởng được sự giáo dục và yêu thương từ bậc cha mẹ như thế hẳn em đã không vượt qua số phận một cách đáng ngưỡng mộ và không thể là một Phạm Thu Dung tài năng như hôm nay. Xin một biết ơn đến bậc phụ huynh của tác giả và trân trọng Việt Nam Yêu Dấu.
Với chỉ trong 3,000 từ và cảm nghĩ của một người, ắt hẳn là có hạn chế khi nhận định tác phẩm này. Tôi biết mỗi người đọc sẽ góp thêm cảm nghĩ của mình, thì bức tranh Việt Nam Yêu Dấu sẽ có được nhiều màu sắc khác lạ, cho dù chủ ý của tác giả khi viết sách chỉ là mong ai đó “… nếu có khi nào, chạnh lòng còn trông lại chốn xưa…”
Mùa Thu. Những Chiếc Ô
Và Dải Nơ Vàng
Calif. đang ở vào những tuần đầu của mùa thu, cảnh vật đang bị quắt queo vì cơn nóng trái mùa, tuần này hầm hập 85 đến 100 độ, người như bị vặt đến héo hắt không chỉ vì thời tiết đất trời mà còn như vỡ dưới tiếng đập của thời sự. Dư vang chết chóc của mùa hè từ những thảm hoạ máy bay, dịch ebola, chiến tranh, khủng bố vẫn đang còn làm thế giới rung rinh, như cái thòng lọng thắt lại dần, thì thử hỏi chúng ta làm thế nào để có thể sống an lạc, như vẫn thường chúc nhau cuối mỗi e-mail? Chưa bao giờ, sống là một thử thách như thời này. Mỗi hơi thở là mỗi mạo hiểm, không biết lúc nào sẽ sập xuống cái bẫy của những tin tức mà cứ mỗi lúc lại đem đến một khủng khiếp khác nhau. Khi sự chịu đựng của người ta tăng lên, có nghĩa là cái ác đã trở nên bình thường, cứ thế, chai dần cảm xúc. Quen dần với những điều mà mới hôm qua tưởng sẽ không thể xảy ra được trên đời này. Cái ác đang tôi luyện chúng ta thành vô tính chăng.
Chợt, một ngày, trong cái cối xay tai trời ách người như thế, vòng quay được lơi ra bởi hình ảnh những chiếc ô, những dải nơ vàng. Nó như tiếng phong linh trong trẻo rộn rã vang lên. Nó như vạt óng ả phết lên mùa thu hiu hắt của mọi tâm trạng này. Nó mang chất lãng mạn. Nó là cái gì như sinh khí.
Toát ra từ dáng vẻ thư sinh với cặp kính trắng, lấp lánh tuyên bố “Tôi không muốn đùn đẩy cuộc đấu tranh dân chủ cho thế hệ sau. Đó là trách nhiệm của chúng ta”. Sẽ có một mùa hoa mọc lên bởi hạt giống nhiệt huyết trong sáng ấy, đó là Joshua Wong, 17 tuổi, được xem là một lãnh đạo cho phong trào đòi dân chủ tại Hồng Kông, phát động vào những ngày cuối tháng 9, tới nay vẫn còn tiếp tục, thu hút quan tâm của thế giới.
Toát ra từ không khí sôi sục mà ôn hoà, được mọi người khâm phục, một cuộc biểu tình mang tinh thần bất bạo động, không hỗn loạn, không xả rác, không hôi của, không gây hấn, những cái không chỉ có được của một nền giáo dục chú trọng đến Đức, Trí con người, mà họ đã được thấm nhuần ngót một thế kỷ qua tại Hồng Kông. Báo Slate magazine gọi họ là “những người biểu tình lịch sự nhất thế giới”
Toát ra từ không khí trẻ trung, sáng tạo, của hình ảnh những chiếc ô, và được gọi là cuộc Cách Mạng Dù. Tham gia biểu tình, đa số là thanh niên, cả lớp tuổi teen, ai cũng cầm theo dù, để che mưa nắng, nhưng khi bị vòi rồng xịt nước và hơi cay thì nó trở thành một thứ bảo vệ, họ nằm xuống để tránh vỡ hàng ngũ và phủ lên nhau những chiếc dù. Như hàng ngàn cây nấm nhỏ đủ mầu mọc lên sau trận mưa của nghìn tấm lòng trẻ trung đang sống cho lý tưởng của mình. Chiếc dù, nó có rộng một không gian để che thêm cho người bên cạnh, có chút chi vì người… Không biết là tình cờ tự phát của đám đông hay là ý tưởng của những đầu óc lãnh đạo rất sáng tạo, mà chiếc dù đã là một đại diện hết sức thơ mộng cho một phong trào chính trị. Phải chăng nét ấy là một trong những điều đã gây sức cuốn hút? Và, đánh động nhịp tim lãng mạn của tôi. Chiếc ô. Chả phải hai người yêu đi bên nhau nắng hay mưa thường cũng là chiếc ô xinh trên đầu, và còn dùng che cho một nụ hôn vội vàng nữa, ôi là, chiếc dù, giờ nó che cho nghìn nghìn tấm lòng bất khuất kia dưới sức mạnh tấn công của vòi rồng và hơi cay. Họ ngủ dưới những cây dù ngoài đường để duy trì tinh thần tranh đấu, họ viết những biểu ngữ trên dù cho lộng lẫy nắng tự do, chưa bao giờ thấy cây dù lại nhiều công dụng và đáng yêu đến thế. Có thanh niên còn cầm dù che cho cảnh sát lúc trời mưa, và hình ảnh làm xúc động được truyền đi trên facebook, một sinh viên áo đen cầm dù đứng bất động trong mù mịt khói cay, một cảnh sát sau khi bắn hơi cay đã vội lấy chai nước rửa mắt cho một sinh viên qua hàng rào, thật tình chưa có một cuộc biểu tình nào có những hình ảnh đẹp, nhân bản đến thế, chả bù cho những bạo lực của công an ở Việt Nam trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng, oan sai…
Lại nói đến một biểu tượng thơ mộng nữa, là dải nơ vàng, phong trào đã dùng nó làm biểu tượng cho khát vọng dân chủ. Hình ảnh những chiếc dù và những dải nơ vàng, cùng những tấm giấy đủ mầu ghi lời cầu chúc, khẩu hiệu đấu tranh, dán kín những bức tường làm không khí biểu tình đầy sắc mầu như lễ hội, họ cài trên ngực áo, họ đeo vào cổ tay, treo trên hàng rào, cửa nhà, cột điện, khắp các nẻo đường vàng rực một loại hoa dân chủ ấy. Tôi càng thích hơn khi biết nguồn gốc của dải nơ vàng. Theo nghiencuuquocte.net, 400 năm trước, ở Anh người ta rất yêu thích bài thơ “Dải ruy băng vàng trên vai cô ấy” (She wore a yellow ribbon), nói về người vợ đeo dải nơ vàng để tưởng nhớ và hy vọng chồng phương xa sẽ trở về. Trong cuộc nội chiến Anh vào thế kỷ 17, những người lính ra trận đeo ruy băng vàng trên cổ như thể đeo sự nhớ thương của người vợ bên mình. Kỵ binh Hoa Kỳ ở thế kỷ 19 cũng đeo trên cổ ruy băng vàng với ý nghĩa như thế, như truyện tranh anh chàng Lucky Luke với dải băng vàng ở cổ áo, xem lúc nhỏ mà giờ nhờ cuộc biểu tình Hồng Kông, tôi mới được biết rõ nguồn gốc. Đến khi Irwin Levine viết bài hát “Cột một dải ruy băng vàng lên cây sồi già”(Tie a Yellow Ribbon Round the Ole Oak Tree) thì nó được phổ biến trên toàn thế giới thập niên 1970. Bài hát nói về một anh chàng bị kết án 3 năm tù về tội buôn lậu(!). Trước khi được về nhà, anh viết cho vợ, If you still want me, Oh, tie a yellow ribbon ’round the ole oak tree… “Nếu em còn yêu anh thì hãy cột một dải ruy băng vàng lên cây sồi trước nhà…” Và khi chàng về đến nhà thì thấy cây sồi như mái tóc vàng óng ánh bởi ngàn sợi ruy băng! Sao tôi thấy mê những ý tưởng thiên thần này quá. Từ đó yellow ribbon mang ý nghĩa của Hy Vọng, Chiến Thắng và Tình Yêu. Phong trào biểu tình đã chọn nơ vàng để gửi đi thông điệp họ tin vào một chiến thắng bằng vũ khí Bất Bạo Động và Tình Yêu. Cũng có nghĩa, chấp nhận hy sinh để hái được đoá hoa Dân Chủ.
Một nét thơ mộng, mà khẳng khái, nữa là họ chọn bài “Do you hear the people sing” (Bạn có nghe mọi người hát) trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” (Les Miserables) để cùng nhau ca vang trong cuộc biểu tình, đây là bài mà các nhà cách mạng Paris hát trong cuộc nổi dậy chống chính phủ. Một nét dễ thương và thông minh, họ hát vang bài Happy Birthday để thông báo cho nhau có kẻ lạ trà trộn vào hàng ngũ để gây rối, và sẽ bị tống khứ dưới sức mạnh của hợp ca.
Điểm qua những biểu tượng, thì đã có hai trong số đó lấy từ kho văn học, tôi thấy bị quyến rũ bởi ý tưởng của một phong trào chính trị mang đầy tính nghệ sĩ này. Chỉ có một biểu tượng buồn là chiếc áo thun đen mà họ mặc khi đi biểu tình, màu sắc đen trong vô vàn sắc rực rỡ của dù, của nơ vàng, của những tấm giấy nguyện cầu, là để tưởng nhớ sự kiện Thiên An Môn, cũng hàm ý lên án sự đàn áp bằng bạo lực. Màu đen ấy là nét quyết liệt bên cạnh những hình ảnh thơ mộng kia. Với những biểu tượng vừa dịu dàng vừa kiên cường được chuyên chở bởi một lớp thanh niên có ý thức chính trị và có trình độ văn hoá cao, có phải vì vậy mà cuộc biểu tình này gây được sự chú ý và tình cảm thế giới?
Trong những giờ khắc căng thẳng ấy, có những hơi thở ra nhẹ nhàng từ những người trẻ tuổi, trẻ trung thì cái gì cũng có thể xẩy ra, và đã xẩy ra một cách ngộ nghĩnh, đẹp đẽ, như vầy, một cặp đôi đã đính ước nhau trong lúc cô Crystal Chan còn mặc chiếc áo mưa trong suốt để phòng hơi cay, trên cánh tay cậu Yau Chi-hang thì đầy khẩu hiệu đấu tranh, sau đó cả hai cùng hô “phổ thông đầu phiếu thực sự”. Lại có cặp chụp hình cưới trong hàng ngũ biểu tình (tienphong.vn). Cái lãng mạn của thời phải sống chung với quá nhiều khắc nghiệt, cũng có khác, và có lẽ nó quý hơn xưa, vì nó quá khó khăn, trắc trở.
Tôi muốn nói đến một ánh sáng xanh vào đêm 29 tháng 9. Thay vì là đêm thắp nến như thường tình, thì họ, những người trẻ của thế hệ hôm nay đã thắp bằng ánh sáng điện thoại di động, hàng chục ngàn iPhone toả ra màu xanh huyền diệu trong đêm. Lồng trong không khí sôi sục của một cuộc biểu tình chính trị là ánh sáng của bài thơ. Bài thơ xanh hy vọng. Hy vọng họ sẽ chiến thắng, và sẽ gây được hiệu ứng tới những nơi trên thế giới còn vắng bóng tự do dân chủ, dân quyền.
Đó là những chi tiết làm tôi cảm động và rung động.
Trong một lan can ở khu Admiralty (khu Kim Chung), người ta thấy một biểu ngữ màu vàng, chữ đen, câu “You may say I’m a dreamer. But I’m not the only one”Bạn có thể cho rằng tôi là một kẻ mộng mơ, nhưng không chỉ riêng tôi” (thanhnien.com.vn). Ai đó đã nói, hầu như những điều thành tựu trên cõi trần gian này đều khởi đầu từ một giấc mơ. Những người trẻ ở Hồng Kông hôm nay đang thức dậy để hiện thực giấc mơ của mình, để nhân dân họ được sống trong cảnh mà họ ước mơ. Cho tới hôm nay, những đòi hỏi của sinh viên học sinh và dân chúng chưa được chính quyền Hồng Kông đáp ứng, và chúng ta chờ đợi những ngày sắp tới trong cầu nguyện và tin tưởng. Tôi xin thắt trên cổ tay mình một dải nơ vàng.
Hôm nay, 14 tháng 10, kể từ lúc bùng ra ngày 26.9, cuộc biểu tình đã bước sang ngày thứ 19, chính quyền Hồng Kông đã động đậy, không phải để đối thoại với sinh viên học sinh và nhân dân, mà lịnh cho cảnh sát dỡ bỏ rào chắn của họ ở khu Admiralty, sau khi những hàng rào bằng kim loại bị cắt thì sinh viên dựng lại bằng hàng rào tre, họ nói: “Chúng tôi có thể rời đi vì chúng tôi không thể chống lại các anh, nhưng chúng tôi sẽ không bỏ cuộc”, “Chúng tôi sẽ dựng lại chướng ngại vật sau khi cảnh sát dỡ bỏ. Chúng tôi sẽ không đối phó với họ bằng vũ lực” (vnexpress.net)
Ngày 15 tháng 10, theo tin tức RFA “Cuộc biểu tình bất bạo động của sinh viên học sinh Hồng Kông đã bước sang một bước ngoặc mới khi cảnh sát tiến hành các cuộc đàn áp bằng sức mạnh bất kể người biểu tình vẫn kiên cường không tỏ thái độ chống lại hay bỏ cuộc. Liệu sức chịu đựng của họ kéo dài được bao lâu và thử thách này phải nên chấp nhận trong thái độ nào?… 46 người bị bắt, hàng trăm căn lều bị xé rách, mọi chướng ngại đều bị giải tỏa và nhất là đã có máu đổ. Xét về bề ngoài thì sự đàn áp chưa đến nỗi thô bạo nếu so với các cuộc cách mạng khác…tuy nhiên đối với Hong Kong, xứ sở có truyền thống dân chủ từ hơn trăm năm qua thì việc cảnh sát đánh đập sinh viên, học sinh là hành động khó tha thứ.”
Tôi thấy buồn và lo lắng. Cầu nguyện cho họ giữ được lửa đấu tranh, xin Thánh Gandhi ban cho họ sức mạnh bất bạo động. Cơ hồ như một đường chỉ mong manh, khi những tấm thân, đầu óc thư sinh ấy bị khích động bằng bạo lực, liệu họ có đủ bình tĩnh bất bạo động không, có đủ đoàn kết và lì đòn để phong trào không bị dập tắt không. Tôi sợ thấy hình ảnh những chiếc dù bị rách, nằm thúc thủ trên những con đường, tôi sợ những đoá hoa vàng dân chủ bị héo dưới nắng bạo lực… Cuộc tranh đấu này sẽ kéo dài tới bao lâu. Thời gian ơi, xin ở cùng họ, những tấm lòng yêu nước trẻ trung, nghệ sĩ và trong sáng.
Những Mùa Nắng Nha Trang
Nếu tôi là họa sĩ, có lẽ những giọt nước mắt xa Nha Trang sẽ được vẽ bằng một mầu sắc nào đó rất lung linh trong một bức tranh mùa nắng, có đôi mắt to của một cô bé 16 tuổi đựng suốt năm tháng ấu thơ dạt dào tiếng sóng, một ngày con sóng bật ra khỏi khóe mắt thành những hạt lệ, nên nó sẽ là một mầu rất mặn biển, để người xem tranh biết được nỗi chia lìa đó đã cứa xót lòng tôi đến thế nào.
Tôi không là họa sĩ, cũng không là một tài năng cụ thể nào đó để có thể thưa thốt cùng người một cách diễm lệ hình ảnh 16 mùa nắng Nha Trang, Nha Trang nhi đồng, Nha Trang dậy thì, và, Nha Trang khói sương giật lùi sau chuyến xe lửa đang chở tia nhìn nuối buồn đau của tôi ngày tôi bị gỡ đi cái núm gió nắng mặn mòi ấy. Thế nên tôi cứ khắc khoải khi đêm về thốt nghe như có tiếng tầu lửa vang bên ngoài cửa sổ. Thế nên tôi nghĩ mình nợ Nha Trang một món nợ ân tình. Tôi nghĩ, vâng, tôi nghĩ nếu cho tôi trở lại mười sáu năm đầu đời để lại dung giăng dung dẻ với Nha Trang, thì có lẽ tôi sẽ biết nạp một cách tận tình hơn hơi thở phập phồng của phố biển, để bây giờ có thể viết về nó một cách tròn đầy hơn, tha thiết hơn.
Thật sự lúc này tôi thấy mình đã sẩy đi ít nhiều ký ức về Nha Trang, Người đã cùng tôi một thời bé dại. Tôi đâu biết rằng mỗi bước nhảy cò cò của tôi là từng bước một ánh nắng buổi mai đi về sau lưng, mỗi mảnh ngói nhỏ ném xuống đánh dấu ô “cái nhà” của mình chỉ là một không gian hư ảo, tan đi khi những đường phấn kẻ ô chơi bị xóa vội vàng dưới cơn mưa …Tôi cũng không hay mỗi trái banh thảy lên là từng thẻ đũa bị tóm, tờ tợ như từng mảnh thời gian bị lấy đi, để khi tàn một ván chơi thẻ thì thời gian không còn dấu gì trên vuông gạch…Chắc không ai lúc bé mà không chơi trò u mọi, tôi nhớ, chỉ với 5,6 anh em trong nhà nên chia phe không đều, luật chơi lại ấm ớ, chơi miễn sao mấy anh em thấy ổn là được, chỉ mỗi mình tôi là con gái, lại nhỏ bé, hơi thở ngắn nên hình như tôi làm tù binh hơi bị nhiều, chỉ mong phe ta u u tới cứu. Tiếng u u xa vời không đến được để gỡ ra cho tôi nỗi buồn xa quê, nó ở đó mở mắt hoài vọng một bàn tay Nha Trang. Còn gì nữa bé thơ ơi, Nha Trang ơi, hãy về trong giấc mộng để tôi được kinh nghiệm thêm lần nữa những nhịp đập ban sơ đầu đời. Có nước sông mầu nhiệm nào cho mình trẻ lại, chắc tôi sẽ tham lam như người đàn bà trong cổ tích, uống cho đến khi hóa thành trẻ sơ sinh, để lại được lớn lên từ hạt gạo thơm ruộng đồng nước ngọt Nha Trang, để lại học nói từ hương biển mặn. Để lòng xanh đại dương. Để tóc lại được mướt xanh dương liễu. Để tâm an bình như ngọn núi trầm lặng tím đứng trên biển trong hoàng hôn. Để bước chân được lay động khi trong chiều trên con đê thấy đoàn tầu xe lửa nhả khói phía xa bên kia những cánh đồng quê nội. Để lại được lớn lên, lần nữa, Nha Trang… Lớn lên da ngào muối biển/Lớn lên cát trắng chân quen/Lớn lên môi cười nắng ấm/Lớn lên mắt xanh trời rộng/Lớn lên sóng vỗ trong lời/Lớn lên tóc rằm dương liễu/Lớn lên biển ở trong tim* (thơ ntkm)…
Người đem tôi vào không khí mẹ ấy, là bà nội tôi, là vòng tay của mẹ tôi, dĩ nhiên là có yếu tố hoàn cảnh nữa nhưng cái đó không là điều cụ thể trong tôi. Bà nội từ Thuận Mỹ, đã mua vé máy bay cho mẹ và các anh tôi, bay từ Hà Nội vào Nha Trang, lúc ấy tôi chỉ được mấy tháng, ngủ say trong tay mẹ. Tôi chưa nghe mẹ tôi kể về những ngày đầu ở Nha Trang thế nào. Cho đến bây giờ, chỉ biết một cách lâng lâng vui sướng rằng, bước chân đầu tiên chạm đất của tôi là đất Nha Trang, âm thanh bập bẹ tiếng con người của tôi là âm thổ nhưỡng cát trắng biển xanh. Hình ảnh đất trời đầu tiên mà tôi biết cảm xúc là vòm trời cong giáp biển, là con mương ốm o chảy loanh quanh ở làng nội. Màu sắc thơm vị giác tôi là màu cà phê sữa của con mương, đầy mắt tôi là màu tím rưng rức bụi trâm ổi. Và hương, một thứ hương tôi đã gọi là bùa, cái hương đồng nội trộn lẫn mùi nắng trưa, đất bùn, phân trâu bò, lá tre xanh. Âm thanh quyến luyến tôi là tiếng xình xịch xe lửa mỗi cuối tuần đưa gia đình tôi từ thành phố về quê, và tiếng sóng vẫn là vọng âm quen trong “giấc ngủ nhớ nhà”. Tôi nhớ khi tôi mới tới ở Santa Ana, đêm đầu tiên tôi giật mình thức giấc vì tôi đã nghe như có tiếng sóng rào rào vọng tới, tôi hỏi và được giải thích đó là tiếng xe hơi chạy trên freeway, trời, sao giống âm tiếng sóng xào biển khuya vậy, không biết tôi cảm giác chính xác không hay là vọng ảo, bạn ơi? Nói nhỏ cùng ông Tạo rằng, chân dung người tình Nha Trang của tôi đấy, chỉ cần người “điểm nhãn” nữa là thành duyên nợ. Nhưng mà thôi, chỉ hẹn hò cũng đã ngất ngây một kiếp tôi rồi…
Trên con đường hò hẹn ấy, là những bước theo mẹ tới trường, trên một con dốc ở Cầu Đá, rồi con đường nhỏ lởm chởm ở phố Sinh Trung, bước ngắn bước nhỏ nên gõ nhịp rất mơ hồ trong cõi nhớ, ở đó những cây muồng bên vệ đường luôn là bóng mát cho những đứa trẻ ngồi chơi đùa, nhà ba mẹ tôi nhỏ lắm, tôi nhớ nền nhà màu xi măng đen, và ngạch cửa với hai bậc tôi vẫn thường bước lên bằng đôi guốc mộc quai nhựa trong, sao bé thế mà lại đi guốc nhỉ, nhưng đó là hình ảnh tôi rất thích về mình, bé xíu, mặc quần lụa trắng hai ống so le ít nhiều, lại lênh khênh trên đôi guốc, đứng dưới gốc muồng, bên cạnh hai ông anh, cũng bé, đang chơi bắn bi. Đó là thời gian của chồi nắng. Chồi 3, chồi 5 tuổi. Nắng ăn nắng ngủ và nắng khóc nhè.
Trên con đường hò hẹn ấy, là giàn hoa ti- gôn hồng, hoa giấy đỏ giăng ngang cổng một ngôi nhà trên con đường đất dẫn tới cuối là một ngôi trường tiểu học, ở đầu con dốc nhỏ, con dốc mà anh Khoa tôi đã có lần ngã rất đau, đến nỗi cái bánh xe đạp nhỏ bị quẹo thành số tám. Nhà ba mẹ tôi lúc này lớn hơn ở Sinh Trung nhiều lắm, có một cái thềm rộng hình chữ L ngược, được che rợp bởi giàn hoa giấy và thiên lý tây, hương rất thơm vào những đêm khuya, dù chưa đủ lớn để bắt kịp được mùi hương với ý nghĩa tâm linh của nó, nghĩa là, chỉ đơn giản mùi mình thấy thơm, không phải hương làm mình bâng khuâng. Bạn hiểu ý tôi không? Thềm nhà ấy như biển trên đó có chiếc thuyền chở ba mẹ anh em tôi những buổi tối chơi đùa đến khuya, để kết thúc có khi là một bữa phở xe mà anh em chúng tôi lúc chờ đứa nào cũng chảy nước miếng, tôi thề là chưa có bát phở nào trong đời tôi ngon đến thế, mà nghe kể lại giá chỉ có 5 cắc một tô. Thềm nhà ấy cũng là nơi chúng tôi ngủ vào những ngày nóng, thời đó ban đêm nhà không phải đóng cửa, tôi nhớ rõ như thế, đó là vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Những ngày mưa thì thềm nhà lại biến thành một sân trượt nước, có lần anh cả tôi nhảy từ thành cái hồ nước xuống thềm và anh trượt thẳng vào cơn bất tỉnh, làm cả nhà cuống sợ, anh Khôi ơi, anh còn nhớ hương vị thứ thuốc chữa cơn ngất của anh không? Từ ấy chúng ta không còn được trượt nước dưới mưa lạnh nữa.
Thềm nhà ấy, nắng xiên vai 7 tuổi ngồi chơi thẻ một mình, có khi tôi rủ được Khuê, cậu em kế chơi cùng, nhưng nó là con trai, đâu kiên trì với trò chơi “lẻ tẻ”, các anh tôi vẫn kêu những trò của tôi là thế, phải là chơi bắn súng giàn trận đánh nhau, đúc kiếm trong những khuôn củ khoai, anh Khoa, anh Khải à, còn nhớ cách đúc kiếm này không vậy, em nhớ, những cây kiếm nhỏ rất đẹp, sáng loáng, ngày đó, em rất thích, những muốn xin một cái để dành vào kho đồ chơi lẻ tẻ của mình. Những trò chơi như thế kéo tuổi thơ chúng ta đi qua tháng ngày, em là con gái ở giữa 3 ông anh và 3 cậu em, không theo nổi những trò chơi lớn, nên ngày đó em hay đứng một mình… em thích chơi năm mười, ẩn núp mà không muốn bị tìm thấy…dường như em đã lớn lên trong cái kén của riêng mình, như thế.
Trong kén ấy, nắng 8, 10 tuổi nhả những sợi tơ…, nắng sắm vai cổ tích, nắng chuyện trò với búp bê. Không hiểu sao, cái ông anh họ bên nội, lớn hơn tôi nhiều lắm, giật lấy con búp bê của tôi và làm hư tóc, rách cả cái áo đầm đỏ của nó, rồi anh ta bỏ đi, tôi đứng ôm con búp bê bị thương trên thềm trưa nắng, mẹ tôi lại đi vắng, tôi chả biết mách ai, chỉ đứng đó ôm con búp bê chờ mẹ, hình như búp bê cũng khóc. Tôi rất ghét người anh họ này, thậm chí đến khi lớn tôi cũng không thể nào tha thứ cho anh ta được, vì từ lúc đó tôi không còn chơi búp bê nữa, hễ thấy một con búp bê nào là hình ảnh con búp bê áo đầm đỏ bị thương lại làm tim tôi co thắt. Đó là con búp bê tôi thích nhất. Lúc này thì cái đau đó đã là một vết sẹo phai dấu, người anh họ kia cũng đã không còn. Sau này tôi có thêm một con búp bê khác, phần thưởng một bài thơ thiếu nhi, nó cũng mặc áo đầm đỏ, nhưng tôi không tha thiết nữa, có điều nó làm tôi nhớ đến một ông bác nhà văn, bạn của ba mẹ tôi, ngày đó bác ở Sài Gòn ra Nha Trang chơi cũng khá lâu, hình như bác bị ốm nặng hay sao mà tôi thấy khăn tay bác có dính máu, tôi nhớ mãi câu bác nói, bác không chết đâu chờ con thành thi sĩ làm thơ người lớn, bác xoa đầu tôi, không phải thơ búp bê nữa nhé. Thế mà, vào một ngày cuối tháng tư sau đó rất lâu, bác đã tử nạn trên một con tầu, và mộ bác là lòng biển xanh thẳm. Ôi biển của tôi, biển rất hiền rất bao la của tôi, bỗng một thời nổi lên những con sóng oan nghiệt. Bác ơi, con xin lỗi bác là con đã yêu biển, không ngờ rằng đó là nơi vĩnh viễn bác ở lại, và con cũng không là thi sĩ viết những bài thơ người lớn như bác nói. Nhưng con viết những lời của con búp bê với trái tim biết đập dẫn dòng máu đỏ về tim nuôi sống những cảm xúc, con sẽ tặng bác một bài thơ như thế, hòa âm những nỗi đau…
Nắng thời này đúng là tơ là lụa, nắng nối một đường hoa thơm cỏ lạ từ lòng bố mẹ thị thành đến lòng bà nội quê nhà, nắng mở con mắt ngạc nhiên từ ô cửa sổ toa tầu. Có lẽ thời gian này, thích nhất là những cuối tuần được về quê nội bằng xe lửa, và cả những con thuyền giấy thả ra ngoài cửa sổ khi tầu đi qua cầu, các anh tôi reo lên khi những chiếc máy bay giấy tung theo gió, rồi, cắn ngón cái, vẫy những ngón còn lại để lêu lêu tôi, thuyền mà lại bay lên trời, hí hí… Tôi cũng khá ngẩn ngơ vì điều ấy, ôi hay vì vậy mà những ước mơ không bến đỗ của tôi vẫn là hoài vọng cho tôi một đời ngóng theo? Và giấc mơ của tôi là chiếc thuyền giấy mỏng manh, bay đi…? Nói đến xe lửa, thì lại gắn với những giọt nước mắt trên thềm ga Nha Trang những lần tiễn ba tôi đi Sài Gòn. Ngày đó ba tôi phải dạy học hai ba nơi. Thế là, có những ngày ba tôi xa nhà và tôi thấm mùi đưa tiễn, chín mười tuổi đã biết cái mặn của nước mắt khóc vì xa người yêu mến, ba tôi rất thương tôi, vì chỉ có hai đứa con gái trong một đàn con trai, lúc ấy em gái tôi chỉ khoảng một hai tuổi, nên chắc vì thế mà cứ mỗi lần đưa ba đi xa là mẹ chỉ dẫn theo mình tôi. Ưng ức mãi trong nhớ hình ảnh con tầu khuất dần để lại đường khói đen dài, để lại mẹ và tôi đứng trên thềm ga rộng bên cạnh những đường ray bị bỏ lại im lìm, tôi nắm chặt tay mẹ òa khóc, gió thổi lộng hai tà áo lụa màu mỡ gà của mẹ, tôi khóc hoài, đến nỗi mẹ phết vào vai tôi, tiên nhân con bé này làm má cũng khóc đây này, có nín đi không. Lúc này nhớ lại lời mẹ, tôi thấy tức cười và thương mẹ quá, giọng nói mẹ ướt nặng như tấm khăn bị nhúng nước. Rồi hai mẹ con líu ríu ra về, tôi nhớ thường là ngồi trên một chiếc xe xích lô đạp, ghé vào nhà bạn thân của mẹ, bà giáo Hương, chắc có lẽ mẹ tôi muốn chia sẻ nỗi buồn chia tay, tôi thì vẫn rấm rứt cho tới giấc ngủ đêm…
Nắng đẫm trang vở học trò. Ôi nắng 11, 13 tuổi. Tuổi bản lề giữa nụ nhi đồng và hàm tiếu hoa, chẳng phải tuổi 13 mà đã được gọi là nàng của nhà thơ tình yêu Nguyên Sa đâu. Nắng non bình minh mặt trời vừa nhú trọn khỏi mặt nước xanh. Nắng chưa nhấn mạnh hơi thở mặt trời mãn khai, đêm chưa mơ màng trăng liễu vào giấc ngủ say. Biển còn vỗ sóng ngoài tầm mơ mộng.
Hồi này vì nhảy một lớp nên tôi bằng lớp với anh kế, và thế là chơi với toàn bạn của anh, nên cũng khá là được cưng, anh em kết nhau tới tuổi Tú Tài, chắc là có rất nhiều hình ảnh trùng trong ký ức của nhau. Nhưng đâu có dòng sông nào trở lại, phải không các anh, trôi theo ngàn xanh những hạt biển, bao giờ nữa dòng sông đưa đám lục bình quây quần trở lại với nhau trong ánh tím thơ ngây… Anh Tấn Khải, Toàn, Huy, Được, nhớ không, một góc trời Nha Trang, các anh đã có một người em gái, là tôi? Và các bạn Kim Anh, Hoàng, Dìn, Tường, Phong, Như Ngọc, Hiên, Hồng… giờ nhìn lên mảnh trăng thượng tuần có cảm thấy đó là ánh sáng của mắt nhìn chúng ta thời thơ ấu? dù cho sợi thời gian dài đã mấy mươi năm, tôi tin thế, nếu có ngày chúng ta gặp lại và nhìn nhau…
Nắng chẻ xanh ngàn tia lá dừa đường vào Vĩnh Điềm, có mắt cười, giọng nói vui của một người anh bên ngoại, sao anh hiền và sao anh chiều tôi đến vậy, tôi rất ngưỡng mộ anh vì anh học rất giỏi, nhất là toán, và vì tôi dốt toán. Mẹ anh tần tảo nuôi con nên anh mơ ước một chiếc xe gắn máy hoài mà không có, nghĩ thương anh quá, tôi lấy một tờ giấy vẽ thành tờ giấy bạc ghi số tiền đúng giá chiếc xe ấy, bảo anh cầm đi mua xe, anh cười rất vui với hàm răng khểnh, nói, đây là số tiền lớn nhất đầu tiên anh có. Anh Quế ơi, chưa ai chiều và nhịn em như anh, em nhớ những buổi anh cặm cụi dạy em học toán, em đổ lười không chịu học, chỉ muốn nghe kể chuyện, vậy mà anh vẫn nhỏ lời dỗ dành… em nhớ con gió thổi heo hút trong cái hẻm nhỏ vào nhà anh, đâu nghĩ gió thời gian, gió cuộc đời thổi anh em mình xa nhau mấy chục năm trời, khi vừa gặp lại mới đây, em không ngờ chúng mình còn khóc được nhiều đến thế, thấy như biển Nha Trang dạt dào bao năm, đang vỡ…
Trên con đường hò hẹn ấy, tôi dừng lại bởi sắc hoa sầu đâu trước ngõ, nó còn có tên là soan, sầu đông. Những cánh tím nhỏ nhỏ ray rắt gió se lạnh Nha Trang. Lại là sắc tím. Ngay trong vườn nhà. Nhà ba mẹ tôi lúc này ở trên một con đường mới mở phía phải cuối đường Phước Hải, tên Lữ Gia, con đường cao như một con đê, nhà cửa còn ít nên tôi nghe được cả luồng gió chạy, có lần tôi đã té xe đạp xuống vệ đường sâu khi những chiếc xe GMC chở lính Mỹ vượt qua, có lẽ tôi giật mình vì tiếng la hét của họ, mỗi lần nhìn vết sẹo té xe trên đầu gối là tôi nhớ đến Thu Hương, cô bạn ngày hai lượt cùng tôi đi học trên con đường thênh thang gió này.
Dưới bóng cây sầu đâu thả những cánh tím trắng mơ màng ấy, tôi và các bạn thường họp nhau những tối ăn chè và hát hò. Vẳng lại rất xa. Đến nỗi như mơ hồ, tiếng đàn guitar của Thi, của anh Khải, tiếng hát của Minh Tâm, Thu Hương, Nguyễn Được, tiếng cười nhỏ e ấp của Tuyết Mai, các bạn nhớ coi ngày đó tôi có ngâm thơ không. Tôi đã mê thơ Quang Dũng lắm mà. Âm thanh thời đó của chúng ta bay lên tàng cây tím rồi theo mỗi đứa một mảnh trời riêng…sầu ơi tan về đâu…
Nắng ấy là nắng tím. Nắng dậy thì. Nắng biết im lặng bên cửa sổ nhìn hoa tím sầu đâu. Biển khẽ đi vào quỹ đạo mộng mơ.
Tôi và Thu Hương mỗi ngày đi bộ đến trường, đã có những bước chân ai đi ở đằng sau, ngày đó chưa có bài thơ Em Tan Trường Về của Phạm Thiên Thư để bạn hát tôi nghe nhỉ. Thế mà cũng nắng mưa một đoạn đường đưa đón, một thoáng con dốc đá lên Nhà Thờ Núi trao vội lá thư nói chuyện nhớ thương, tả tình tả cảnh hoa lá cành, ấy vậy mà cũng bận rộn lòng để vướng chút tơ. Nhưng tôi phải kể cho có ngọn ngành. Một đêm anh Khải, tôi cùng các bạn, dĩ nhiên là có người bạn đã giăng tơ kia, đi chùa núi leo lên đến Kim Thân Phật Tổ, tượng Phật mầu trắng sừng sững trên đỉnh núi, chúng tôi gặp một bọn du đãng, chọc ghẹo tôi và Thu Hương, tôi sợ muốn chết, nhất là sợ đám con trai đánh nhau thì thế nào cũng có đổ máu, tôi nói với anh Khải tôi, thôi anh, mình chạy đi tụi nó dữ lắm, em sợ. Và thế là chúng tôi nắm tay nhau chạy, nói thế nào nhỉ, ừ, chạy nhanh hết sức có thể của tuổi 15, 16, chạy băng qua những ngôi mộ ở sườn núi. Có câu tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu lận mà. Về đến nhà mới hoàn hồn. Hoàn hồn thì tỉnh người ra, và người bạn kia, chẳng phải là người hùng cứu người đẹp như trong xi-nê gì gì nữa, “mối tình” bốc hơi nhanh hơn hạt nước trên thềm nắng. Hôm nay ngồi nhớ lại tôi không khỏi bật cười cái tuổi mười sáu, dễ thương dễ ghét ấy. Thu ơi, mi có nhớ không, con đường Phước Hải mòn bao chiếc guốc, phai bao nắng những chiếc áo dài trắng đầu đời…, những buổi trưa ngồi lục cơm nguội ăn với sườn ram trong căn bếp nhỏ ở nhà mi, những buổi chiều cùng nhau xách giỏ đi chợ sau ngôi chùa Kiều Đàm, mi bày cách lựa cá nục tươi, những buổi tối ngồi học bài cứ canh nhìn qua cửa sổ nhà nhau để xem đứa nào tắt đèn trước, thế là thức học đến khuya… này, Thu, nhớ cả đôi mắt buồn mơ màng của mi khi hát bésame, bésame mucho… cả hai đứa đều 16 tuổi như cô tác giả bài hát ấy, chưa hề tưởng đến một nụ hôn, thế mà cứ du dương hồn nhiên bésame… bésame… tuổi mười sáu như được Nha Trang mớm cho cái ngát xanh của trời và biển, sóng cứ vỗ đều trên cát, gió cứ lộng những hàng dương …
Trên con đường hò hẹn ấy, một ngày tôi bước lên một toa tầu để lại đôi mắt Nha Trang buồn thẫm trên ga. Trên con đường hò hẹn ấy, đã rêu phong bao cột mốc thời gian?
Nắng bây giờ là nắng biết được mệnh trời. Nắng trôi theo con sông Cái chảy những dòng hẹn với biển xa. Đã hẹn đã hò, cũng ước cũng thề, thì dẫu con đường có dài, thời gian có mịt mù thế nào đi nữa thì cũng có lúc chúng mình sẽ gặp lại, nói cho sâu lắng đá vàng hơn, thì chúng mình sẽ tái ngộ, nối lại một đường tơ lơ lửng, Nha Trang ơi, Giấc Mơ ơi. Từ lúc cất bước vào kiếp người là tôi đã bước lên một con đường mang tên Hò Hẹn. Và xa nơi tít tắp kia, cuối đường, thời gian sẽ trả lại cho tôi những gì nó đã lấy.
Cách đây một tháng, ngồi trong quán mì Triều Châu ở Santa Ana, anh chị Thành bảo, em viết một cái gì về Nha Trang cho đặc san số tới đi, kỷ niệm một chuyện tình chẳng hạn. Tôi đã cười ú ớ, một chuyện tình ư (ơ, nhờ vậy mà tôi có bài viết này), từ sơ sinh đến 16 tuổi ở đó, tôi chỉ có một người tình duy nhất, Nha Trang, viết hoa một cách nắn nót, gửi trao. Cả hai đều thủy chung gắn bó. Tôi biết, khi tôi trở về, tôi sẽ về bằng nhịp đập trái tim 16 tuổi, và chàng, Nha Trang, vẫn sẽ vòng tay ấm ngày cũ đón tôi. Cả chàng lẫn tôi đều là hòn đá vọng, chờ nhau, trên con đường hò hẹn trẻ trung ấy.
Và tôi cũng xin được một lần nói nhỏ, mối tình ấy hóa thân vào giấc mộng, một đời tôi mơ. Mối tình ấy là chiếc bóng, theo tôi không rời. Để tôi luôn quay đầu lại, nghe được tức khắc tiếng của biển, chiếc khăn lụa xanh trên con đường người bỏ dấu tôi tìm… Đó có phải là phút giây tôi chạm được khói sương của cõi hẹn hò?
Nhà Thơ Lữ Quỳnh
Và Con Mắt Của Giấc Mơ
Một buổi sáng tháng 7 của mùa hè này, tôi được gặp gỡ ba người anh trong cõi văn chương.
Một đến từ Virgina, nơi quanh năm rét mướt, nên hơi cọ của anh đầy lửa, lửa xanh khơi từ trái tim phết lên tranh sắc mầu của hy vọng, hoạ sĩ Đinh Cường.
Một đến từ miền bắc Calif. miền đất nở ra một thung lũng hoa vàng thơ mộng, nên thi sĩ đi trong thời gian của mình những bước thao thức của giấc mơ, người thơ Lữ Quỳnh.
Một, ở ngay đây, lần đầu tôi được diện kiến dù từ lâu đã văn kỳ thanh, nhà thơ Thành Tôn, nhớ nhất câu thơ của anh, buổi sáng soi gương và đội mũ/ lòng đã hồ nghi khuôn mặt quen. Đôi khi soi gương tôi cũng có cái nhìn ngờ ngợ mình như thế.
Nhưng sáng nay thì khuôn mặt mùa hè thấy được niềm vui rất rỡ ràng từ những tình thân. Tôi đang thời gian dưỡng thương chờ phục hồi, cũng hơi e ngại khi phải xuất hiện với một dung nhan sau cuộc mổ và đi đứng với cái walker, nhưng kinh nghiệm đã cho tôi biết rằng, những phút giây quí, có thể sẽ không trở lại trong đời, lần nữa. Nên sau đó tôi có được tự nhiên chuyện trò, nhìn anh Đinh Cường ngồi xem world cup với nhà tôi với phong thái của các ông say mê bóng đá. Thật thú vị khi tôi chợt nghĩ rằng, tôi biết một hình ảnh khác của hoạ sĩ khi không cầm cây cọ. Còn anh Lữ Quỳnh thì đã vội vã đi công việc cùng anh Thành Tôn.
Mà lạ ghê, lần nào gặp anh Lữ Quỳnh cũng chớp nhoáng như thế. Nhớ lại, lần đầu tiên, là nghe anh LQ nói, hôm ở Viện Y Dược Học Dân Tộc, nghe anh Trương Thìn gọi tên khánh minh, thì biết đó là KM. Vậy cũng như không, coi như chưa quen nhau. Lần thứ hai nơi đám cưới con anh TT, tôi ngồi với Ngọc Sương, Quý Loan và Trần Lê Sơn Ý, cô nhà thơ trẻ măng, thơ rất hay, được anh Lữ Kiều vô cùng hâm mộ, anh LQ ngồi đối diện tôi, và được giới thiệu đàng hoàng, đó là lần tôi gặp và được nói đôi ba câu với anh. Lần thứ hai, gặp anh ở toà soạn Việt Báo, Little Saigon, cũng vội vã, anh em chụp với nhau tấm hình rồi chia tay, vì rằng tôi không lái xe, nên có người đến đón thì phải đi về. Lần này, cũng như mây xẹt ngang, rồi đi.
Trong nhóm Ý Thức, chỉ có anh Nguyên Minh, Lữ Kiều, Lê Ký Thương là tôi được gặp và nói chuyện nhiều, còn anh Lữ Quỳnh thì chỉ, như thế. Những nhân vật này luôn cho tôi cái nhìn rất quý về một thế hệ của những chàng lãng tử. Thế hệ được thời gian trao tặng rất nhiều và cũng lấy đi của họ không ít, có khi keo kiệt đòi trả lãi. Tặng phẩm đẹp nhất là họ có được thời gian để sống cho giấc mơ, và cũng nghiệt thay đó cũng là điều đầu tiên bị tước đoạt. Cái chông chênh giữa được và mất ấy đã để lại trong thơ văn tranh của họ những nét đặc biệt, vừa thơ mộng vừa bi thương.
Thơ mộng ở chỗ họ theo đuổi rất quyết liệt niềm đam mê văn chương nghệ thuật, trong một không gian vốn vô cùng trắc trở của cuộc sống còn, lại lọt vào quãng thời gian khắc nghiệt của lịch sử.
Chính vì vậy mà Bi thương. Trong kề cận sinh tử, những chàng nghệ sĩ có tâm hồn như mây ấy đã nương tựa vào sự gắn bó của tình bạn, có phải vì ý thức được sẽ có những ra đi bất ngờ mà họ hết mình hơn trong những lúc còn bên nhau với ly rượu đầy vơi? Và họ phổ những nét đẹp đau thương ấy vào câu thơ lời văn tranh vẽ?
Họ đã khắc hoạ được một dòng văn chương thơ- mộng- bi- thương.
Cho nên khi đọc họ tôi luôn thấy lòng mềm theo những lãng mạn kiêu bạt cùng ngậm ngùi cho những mất mát mà họ chỉ đủ sức buồn trong phẫn nộ, hay đôi khi là tiếng cười, vì tận cùng của nỗi đau không phải là hạt lệ. Tôi thấy rõ hơn những điều mà tôi đã không thấy hết vào lúc điêu linh ấy. Cái thời mà Lữ Quỳnh đã buông câu cười nhạt “Cánh vừa mọc nhưng thiên đường đã mất”(Hôm Nay, Ngàn Sau). Ôi! Như Thi Sĩ Du Tử Lê ở lời tựa trong thi phẩm Sinh Nhật Của Một Người Không Còn Trẻ, đã nói, “hôm nay, đọc những trang văn của Lữ Quỳnh tôi vẫn còn nghe được tiếng reo vui, hân hoan của những con chữ búng mình trên mặt sông máu/xương gập ghềnh nghiệt, oan vận nước”.
Đọc thơ Lữ Quỳnh, cái ánh sáng lấp lánh pha lê choáng mắt tôi, là của tình bạn. Không chỉ mình tôi thấy như vậy, thi sĩ Du Tử Lê cũng nói trong bài tựa “…tôi cũng còn nghe được tiếng gọi rộn rã thanh niên, đi ra từ trái tim sóng sánh nhiệt-hứng-trẻ-thơ tình bằng hữu”. Vậy xin nghe,
Kể với quê hương
Chuyện núi rừng- máu xương
Và rất nhiều anh em đã chết
…Mỗi lần ước ao cầu nguyện
Chỉ cần giơ hai cánh tay lên
Mà nói với Trời
Niềm vui sẽ nở ra trên nụ cười trắng dã
Nhưng anh biết đã muộn rồi
Khi đất là da thịt anh em
Khi mùa xuân bắt đầu hồng lên sắt máu
Nên em ơi anh phải cúi đầu
Nhận số phận quê hương
Ánh vinh quang trong mắt chúng ta
Những người còn sống
Cũng là của bùn đất các anh
Những người đã chết
Nỗi Nhớ Từ Cao Nguyên
Anh hãy nằm yên đó
Chờ lũ bạn thân này
Chiến trường đang lửa đỏ
Máu còn xanh cho cây
Sân Bay Buổi Chiều
Đường địa cầu thấp thoáng vành nôi
Vạn dặm không dài hơn tiếng khóc
Đường Vạn Dặm
Hôm nay thì tôi biết thêm cái muôn trùng khác của tiếng khóc, cái thăm thẳm của hạt lệ vành nôi. Và cái tràn đầy của chiếc ly không, khi người một mình vắng bạn.
Đường thuốc lá chiều nay vắng bạn
Một ly mình. Và một ly không
Điếu thuốc lá ngậm hoài thấy nhạt
Khói lang thang khói cũng ngập ngừng
Quán hoa giấy chiều nay lãng đãng
Uống ngụm nắng tàn trong chiếc ly không
Chiều Tân Định
Tuổi trẻ không quê hương
Chúng tôi nghèo đủ thứ
Năm tháng thèm quê hương
Như khát lời ru ngọt
Tuổi Đời
Nghèo đủ thứ nên nhà thơ lãng mạn của chúng ta đã giàu những giấc mơ. một ánh sáng, mầu sắc khác trong thơ Lữ Quỳnh.
Trắng như những giấc mơ
Có bạn bè khuất núi kéo nhau về
Thêm Một Năm Xa Tiếng Nói Cười
Lòng ta quanh năm chỉ một mùa vàng lạnh
Giấu bạn bè trong những giấc mơ
Một Lần Rồi Xóa Tan
Giấu bạn bè trong những giấc mơ. Đẹp và cảm động quá.
Và, để có được giấc mơ, chắc cũng không ít lần, nơi ấy, nhà thơ phải chịu giá rất đắt. Cũng cam.
Chiều về nặng trĩu vai
Vác cây đời thánh giá
Đêm nằm canh giấc mơ
Sợ những điều trả giá
Tiếng Chim Lạ Ở Trại Cồn Tiên
Cũng vì, bất cứ giá nào cũng không để tắt ánh sáng của giấc mơ, nên trái tim dẫu có héo hon, cũng nhờ ánh lung linh ấy cấy lại niềm khát khao cuộc sống, và nhà thơ đã thu gặt được mùa màng đầy những mùa thu chín trái.
Những ngọn nến thắp bằng ánh sao
Soi trái tim khô
Đang nẩy mầm bất tử
Giấc Mơ
Lúc mở mắt gặp mùa thu chín trái
Nên lời anh vi vút tiếng chim rừng
Nên hồn hiền như những lứa nam trân
Và hơi thở thơm mùi hoang dạ thảo
Bài Tình Trăng Sao
Ở trên tôi đã nói, ánh sáng tôi thấy rõ nhất trong dòng thơ Lữ Quỳnh là tình bạn. Và ẩn chìm trong ánh sáng ấy là con mắt của giấc mơ. Vì, trong những giờ phút đẹp, thực của cuộc sống Lữ Quỳnh cũng dùng con mắt giấc mơ để hưởng thụ nó, để cảm xúc vui buồn cùng nó. Như một nghệ thuật (hay kinh nghiệm?) để trộn lẫn giữa thực và phi thực. Cái phi thực là áo khoác của thơ mộng lên tất cả những niềm vui lẫn đau buồn, trong thơ Lữ Quỳnh. Tôi có được cảm giác ấy từ bài thơ này,
thường có những giấc mơ
gặp gỡ bạn bè
những người bạn ra đi đã nhiều năm
nay kéo về
nói cười ấm áp
tôi rất vui
rất vui trong từng đêm như thế
để lúc tỉnh ra
ngồi một mình trong bóng tối
quạnh hiu.
Giấc Mơ
Tôi nghĩ, anh quí thương bạn bè, và anh đã được hạnh phúc chia cùng họ, rất thực, những phút giây đẹp đẽ, đẹp đến nỗi anh cho nó là giấc mơ. Mơ trong lúc sống thực nhé. Rồi khi một mình anh lại sống thêm một lần nữa thời khắc ấy, bằng giấc mơ. Trời ạ, người thơ sao biết sống quá vậy! Bởi vì lúc tỉnh hay mơ anh đều mơ cả… Cho nên, cái lúc tỉnh ra thấy quạnh hiu kia, tôi nghĩ, chắc nó chỉ xảy ra ở vào giấc ngủ cuối cùng, cho đến khi anh nhắm con mắt của giấc mơ.
Nhà Thơ Lữ Quỳnh đã giải thích hiện thực cuộc sống bằng giấc mơ. Đã hoá giải những buồn đau của hợp tan bằng giấc mơ. Con mắt của giấc mơ ấy là Mật Ngôn, mà tôi thấy trong tranh Hoạ Sĩ Đinh Cường, con mắt cá không bao giờ ngủ. Bởi tỉnh thức, và mơ.
Tôi muốn chấm hết bài bằng một ý vui. Đọc thơ Lữ Quỳnh tôi ngộ ra một điều rất giản dị
Tôi không còn trẻ để cầm tay em nữa
Nhưng lòng luôn sẵn lửa để cho em
Chiều Mưa Trên Thành Phố Nhỏ
Ra người ta không cầm tay mình chỉ vì người ta nghĩ không còn trẻ nữa nên ngượng, chứ không phải vì giảm lòng yêu thương. Mà chuyện cầm tay chỉ để dành cho tuổi trẻ thôi ư, lạ thiệt, thế nào thì được xem trẻ, bị coi già? Thưa nhà Thơ? … vậy thì, bây giờ tôi sẽ chủ động cầm tay người thương trước, để chứng tỏ mình còn trẻ, biết đâu sẽ được thấy lửa để cho em, và để anh bước qua nỗi tự coi mình già, như nhà thơ Lữ Quỳnh kia. Có đồng ý với tôi không? Và nếu vậy thì phải cảm ơn Nhà Thơ Lữ Quỳnh.
Nguyễn Thị Khánh Minh