Nguyễn Cát Đông

Trn_Bang_Thch_2(1)

Chuyện Con Cá Đuối
Ở Huyện Lấp Vò

Về phương Nam
Ta về phương Nam
Vượt biển Đông trùng trùng sóng dữ
Nào, tất cả hãy cùng ta tống tửu
Phương Nam hề
Ta về phương Nam

Ta cả đời bể ngạn dung thân
Hơn nửa kiếp vào ra xó bếp
Biển cả thì mênh mông mà chí ta thì hẹp
Nên tủi phận mình giá áo túi cơm

Chén rượu đầu từ biệt vợ con
Chén thứ hai chia tay bè bạn
Nào, tất cả, hãy cùng ta uống cạn
Trăm phần trăm, xả láng, trăm phần trăm

Về phương Nam
Ta về phương Nam
Chẳng ôm mộng Kinh Kha thích khách Tần Hoàng
Cũng chẳng phải trượng phu trượng phen gì ráo trọi
Ta chỉ là kẻ hèn mọn muôn năm

Nhưng ta về phương Nam
Làm thằng mõ phương Nam
Theo biển mặn về nơi bãi thấp
Theo sóng dữ mang về tin dữ
Về phương Nam
Ta báo bão phương Nam

Phương Nam hề, phương Nam
Đất màu mỡ rờn xanh ngọn lúa
Phù sa ngọt rồng bay chín cửa
Đã ngàn năm vun đắp một cơ đồ

Ta thật hài lòng làm kẻ thất cơ
Người cứ lưới ta đi để thấy ta là giặc
Để thấy nước mặn từ đầu nguồn bể Bắc
Đã về đây xâm lấn một cơ đồ

Người ngư phủ đồng bằng quần vải áo thô
Người có thấy người đang vào trận chiến
Sông rạch miền Nam phải đâu là biển
Hà cớ chi nước mặn tràn bờ

Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Vang trên sóng lời xưa truyền hịch
Nay nước mặn tràn vào kinh rạch
Đâu khác gì giặc dữ năm xưa

Ta thật hài lòng để làm kẻ thất cơ
Thất cơ, hề, thất cơ !
Lỡ vận, hề, lần này ta không lỡ vận.

(Tin báo chí: Cuối năm 1999, một con cá đuối, loại cá chỉ sống ở nước mặn, bị mắc lưới ỏ huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, là vùng nước ngọt. Tai họa: nước biển đã tràn vào đồng ruộng miền Nam.)

Nắng Xưa

nắng từ cuối dãy hành lang
nắng qua cửa lớp, nắng quàng tóc em
lòng tôi nắng cũng vừa lên
nắng lau mắt ướt, nắng mềm áo tơ
trong tôi con nắng bây giờ
cũng là nắng cũ Cần Thơ thưở nào

Mưa Cũ

tan trường không áo che mưa
để phai má thắm, để mờ nét môi
nầy tim tôi với tình tôi
hãy che mưa gió suốt đời nhe em
cơn mưa buổi đó còn nguyên
em còn nguyên đứng bên thềm ướt mưa

Đường Tim

theo em mấy chục con đường
em loanh quanh lượn phố phường đông vui
một con đường giữa tim tôi
sao em không chịu dạo chơi một vòng?

Trăng

dù em là Nguyệt hay trăng
ngàn năm em vẫn là Hằng Nga tôi
cao sang em ngựï cõi trời
tôi tên tục tử suốt đời say trăng

Liên Khúc Trường Xưa
Khúc Lạ Trường

Nghe sao lạ những ngói vôi
lạ em giữa lớp
lạ tôi giữa trường
Hạt mưa nào rớt qua đường
hay tôi mắt ướt giữa sương khói chiều

Khúc Lạ Lớp

Em trong cửa lớp nhìn ra
Ta ngoài cửa lớp thấy ta một thời
những thầy
những bạn
những tôi
những cơn mộng cũ
ngồi nơi góc nào?

Khúc Thầy Cũ

vẵng nghe tiếng trống trường thành
với câu chinh phụ còn quanh chỗ ngồi
Người xưa?
Người đã đi rồi!
Còn đây tiếng phấn nhẹ rơi giữa ngày

Khúc Người Trên Bến Lỡ

Người đi như sáo qua sông,
như con nước lớn nước ròng ngược xuôi
Tôi trên bến lỡ một đời
làm thân lá mục lạc trôi giữa dòng

Nguyễn Cát Đông

Nguyễn Bắc Sơn

nguyenbacson

Căn Bệnh Thời Chiến

Một ngày chủ nhật phơi giầy trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như là khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường

Mày gởi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Ðời tàn trong lứa tuổi thanh xuân

Chiều chiều ngồi nhà hút ống vố
Cao giọng ngâm chơi khúc cố văn
Chiến tranh xa tít như là mộng
Thôi kể ra mày cũng yên phần

Ta may mắn tay chân lành lặn
Nhưng tâm hồn trống rỗng bơ vơ
Mỗi ngày chữa bệnh bằng ly rượu
Tối nằm đánh vật với cơn mơ

Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô

Mai kia trong những ngày ngưng chiến
Ta chắc rằng không thể yêu ai
Nhà thương điên nếu còn chỗ trống
Xin chiếc giường cho xác tàn phai

Mai kia khi thành đồ phế thải
Ta lên cao nguyên nằm dưỡng thương

Mật Khu Lê Hồng Phong

Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang

Ðêm nằm mắc võng trên cồn cát
Nghe vẳng từ xa tiếng cắc cù
Chợt thấy trong lòng buồn bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Ngày mai đụng trận ta còn sống
Về ghé Sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Ngày vui của lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoát đã ở phương tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn ta chắc sẽ thành mây

Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che giùm ta những nắm xương tàn

Bức Bích Họa
Về Một Thành Phố Ban Mai

Trong túi quần cậu học trò tiểu học
Có con dế than nồng nàn mùi đất ướt
Gáy lên đi ta
Gáy rung rinh làm rụng những lá me non.
Gáy niềm vui tích tắc trong trái tim chàng

Người lính đêm qua đi kích về gác chân lên
Chiếc xe chở đầy những ổ mì vàng nóng hổi
Cười nụ cười đầu tiên trong ngày.
Và bật que diêm đốt thuốc

Nhà văn đã hoàn thành tác phẩm
Ðứng ngoài thềm thích thú nhổ những chiếc chân râu
Như người phụ xe
Nhấp từng ngụm cà phê bốc khói

Nhân vật trong sách ông ta
Nhiều người chào đời nhiều người đã chết
Nhưng không ai hiểu vì sao mình được sinh ra

Vấn đề dở dang này không làm dở dang tác phẩm.
Người đọc chắc sẽ vô cùng thích thú
Dù cũng không hiểu vì sao

Những chiếc chân râu đế nhỏ
Trời sinh ra ta để sống
Gáy lên đi anh em

Những Năm
Tâm Hồn Còn Trữ Tình
Điên Mê Vì Thi Ca Và Triết Học

Ngoài nghĩa trang có một tòa cổ miếu
Trưa học về chàng hay trốn vào đây
Gởi tâm hồn vào những đám mây bay
Ði tranh luận cùng thánh hiền thiên cổ

Ðến thư viện chàng vội vàng trở lại
Chồng sách cao chôn mất nửa đời người
Còn thi ca? Ta không còn muốn nhớ
Những thiên đường không tưởng tuổi mê chơi

Có một lần trong đêm mù thác loạn
Trăng non nằm trên bãi nước vi vu
Tôi cất tiếng, tiếng chìm trong tiếng sóng
Chàng đi lùi như một kẻ miên du

Trùng bọt biển tấp chìm vào chân sóng
Em là chim bay thoát tới trời xa
Ta còn ta trong cánh rừng hoài vọng
Vuốt tóc bồng theo dấu vết em qua

Mùa bão rớt đưa tang trong thành phố
Anh không về theo ngõ tối bờ sông
Từng tối đến anh không về thổi sáo
Vì phố lầu không có kẻ ngồi mong

Nước dâng cao vùng biển chiều trăng đỏ
Một góc bờ ngồi đắp cát lên chơi
Chàng lặng lẽ gối lên chồng sách nhỏ
Ngủ âm thầm như chiếc bóng mùa đông.

Tha Lỗi Cho Tôi

Tiếc mày không gặp tao ngày trước
Ta cho mày say quất cần câu
Rượu bia bốn chục chai đồ bỏ
Uống từ chạng vạng suốt đêm thâu

Thành phố giới nghiêm ta ngất ngưỡng
Một mình huýt sáo một mình nghe
Theo sau còn có vầng trăng lạnh
Cao tiếng cười buông tiếng chửi thề

Thời đó là thời ta chấp hết
Lửng lơ hoài trên chiếc đu quay
Ðời mình như ly rượu cạn
Hắt toẹt đời đi chẳng nhíu mày

Thời đó là thời ta bất xá
Sẵn sàng chia khổ với anh em
Hơi cay, đạn khói, dùi ba trắc
Bước cũng không lui trước bạo quyền

Bây giờ ta đã thành ti tiểu
Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia
Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật
Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què.

Bỏ Xứ

Mười năm nhỉ, mười năm khuất nhục
Ngồi khua ly trong quán cô hồn
Cô độc quá người thanh niên khí phách
Trời đất bao la mà không chỗ dung thân.

Kỳ lạ nhỉ, giờ đây ta bỏ xứ
Theo trái phong du níu gió lên trời
Xin bái biệt cổ thành với nhà ga hoang không thiết lộ
Khói của chòi rơm, bãi cát trăng soi.

Xin bái biệt những người tin rằng thi sĩ chết
Và hi hô tát cạn dòng sông
Khi giã từ, ta tặng cho các ngươi cái búa
Ðể đốn đời thánh hạnh của cây thông.

Ở Ðà Lạt, ngoài khung cửa kính
Giàn su xanh thở ấm má em hồng
Và tôi, kẻ mười năm không áo lạnh
Biết đời mình đủ ấm hay không?

Ở Ðà Lạt ta tha hồ cuốc đất
Và tha hồ ẩn hiện giữa ngàn cây
Sẽ đi tìm cây cần trúc nhỏ
Ra hồ ngồi, câu đá câu mây.

Ở Ðà Lạt, lạc đàn dăm bảy đứa
Còng lưng ra mà cõng ba-lô
Những hào sĩ đứng bên bờ nhật nguyệt
Vỗ tay cười khinh lớp sóng lô nhô.

Không Có Gì
Để Khoan Dung

Ở các quận miền Bắc
Có nhiều nhà điếm và nhiều trại lính
Nhà tu được người đời tôn kính
Kẻ cầm quyền được người đời nể sợ
Kẻ giàu sang được người đời bợ đỡ
Các cô gái nhà lành được người đời chiều chuộng
Còn các gái điếm được người đời khinh khi
Ta không muốn tranh luận về vấn đề mãi dâm
Tôi chỉ muốn nói lên một điều dễ thấy
Nếu không có các nhà điếm ở bốn quận miền Bắc
Con số các cô nhà lành
Và lường gạt tình yêu
Ðương nhiên sẽ gia tăng
Người đời vốn có thói quen
Khinh rẻ bất cứ ai
Gặp những bất hạnh cùng loại
Tôi nhân danh một kẻ làm thơ
Có một điều khuyên các cô nhà lành
Là trước khi lên giường ngủ
Nên nguyện cầu cho các ân nhân.

Thảo Khấu

Buổi sáng xuất quân về phương Bắc
Âm thầm sương sớm toán quân ma
Qua cầu Sông Lũy nhìn quanh quất
Nước đỏ cầu đen chợt nhớ nhà

Nước reo bèo dạt mặt trời lên
Khói núi lời ca chú dế mèn
Cỏ gió cao che đầu tráng sĩ
Thanh cầu gõ súng nhạc leng keng

Vì sao ta tới đây hò hét
Học trò bẻ bút tập cầm gươm
Tập uống máu người thay nước uống
Múa may theo lịch sử điên cuồng

Vì sao người đến đây làm giặc
Ðóng trò tráng sĩ loạn Xuân Thu
Giận đời ghê những bàn tay bẩn
Ðưa đẩy người trong cát bụi mù

Buổi chiều uống nước dòng Ma Hí
Thằng Xuân bắn chết thằng Mang Khinh
Hỡi ơi sống chết là mưa nắng
Gió tối mưa đêm chớ lạnh mình

Ðốt lửa đồi cao không thấy ấm
Lính Chàm giận ghét Chế Bồng Nga
Chiến chinh chinh chiến bao giờ dứt
Sắt đá ồ sao lại nhớ nhà?

Nhị Hồng

Lòng vui sướng như một chiều nắng tốt
Cầm tay em chầm chậm bước qua sông
Tà áo em buồn trắng đã căng phồng
Những tình ý một đời chưa nói hết

Trong thành phố này từ lâu anh vẫn biết
Ở đâu đây còn chảy một dòng sông
Ở đâu đây còn có mặt trời hồng
Có bến tịnh đậu con thuyền trôi nổi

Thời tuổi nhỏ đời anh buồn quá đỗi
Nhà anh nghèo ngày không đủ cơm ăn
Mẹ hai tay lau nước mắt nhọc nhằn
Cay đắng quá đàn con đâu có biết

Khi lớn khôn nhiều đêm anh hối tiếc
Ðã bao ngày mê mải với văn chương
Nhưng bất tài không viết nổi tình thương
Của người mẹ tóc dài đang nhuốm tuyết

Em cũng biết tình yêu anh bát ngát
Và ngây thơ như đồng mía lau say
Biết ngày xưa anh là ngọn gió tây
Thổi quanh quẩn con đường nhà em mỗi tối

Ta về với nhau vợ chồng không đám cưới
Khi em thành sương phụ áo màu đen
Anh bán đi chồng sách quí nuôi em
Cuộc tình hai ta sao cũng buồn quá đỗi

Khu vườn nhà ta sáng nay có nhiều lá mới
Những lá già rã mục tự hôm qua
Trong lòng anh cũng nở một bông hoa
Ðóa hoa chỉ mỗi mình em ngó thấy
Mai Sau Dù Có Bao Giờ

Ðêm phù cát dù bên ngoài trời rất lạnh
Nhưng trong ngôi nhà tranh của thiếu úy Hồ Ban
Có tình bạn nồng nàn như ly rượu chôn nhiều năm dưới đất
Có câu chuyện tình thi vị man man

Có khi nghĩ trời sinh một mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Ðể choàng vai ấm áp cuộc rong chơi

Vì đàn bà người nào cũng như người nấy
Nên ta bảo mình thôi hãy quên em
Nhưng đàn bà đâu phải người nào cũng như người nấy
Nên suốt đời ta nhớ nhớ, quên quên

Dù mỗi ngày ta xé đi năm mươi tờ lịch
Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh
Dù đen bạc là nơi cố xứ
Nhưng đi biền biệt cũng không đành

Ráng Tâm Đồng Cảm Với
“Rừng Sơ Nguyên*”

rừng sơ nguyên, mộng nguyên sơ
Đại Bi sư tử mần thơ động tình
vốn xưa trái đất đồng trinh
bây giờ quẫy cựa một mình đồng hoang
thơ mi tiếng vọng rú ngàn
như con nai tía như chàng du côn
đọc xong tưởng “Lá hoa cồn”
trôi ngoài Nam Hải gác cồn biển Đông

mà Minh nước kiệu vòng vòng
tiếng buồn đồng vọng ở trong tâm hành
ta ngồi ngắm đất màu xanh
nhờ thơ mi nhịp long lanh dập dồn
thiền sư gác cẳng lên cồn
nhìn con dế gáy nỗi buồn trăm năm
tử sinh trong cõi cát lầm
riêng hòn ngọc trắng còn cầm trong tay

Nguyễn Bắc Sơn

Nguyễn An Bình

Nguyen An Binh

Chuyến Tàu
Xuôi Về Miền Ký Ức

Mỗi chúng ta là một sân ga nhỏ
Cuộc đời là những chuyến tàu đi xa đôi lúc dừng lại sân ga mà chúng ta không nhớ rõ
Những chuyến tàu băng qua bao chiếc cầu, những khu chợ khuya, thảo nguyên nắng, thảo nguyên mưa
Mênh mông những núi đồi trùng điệp, những rừng cây lá úa đổi mùa
Những chuyến tàu kể cho ta nghe điều mới lạ ở nhiều vùng đất mà nó đi qua
Mỗi ngày hồi hộp chờ đời tiếng còi tàu từ xa xăm đưa về mỗi lúc một rõ đổ lại sân ga
Tiếng bánh sắt rít trên đường ray nghe rợn người nhưng từ lâu không làm ai khó chịu
Tiếng thở phì phò mệt nhọc nhả ra từng sợi khói mỏng manh của con ngựa sắt già tội nghiệp
Ta chú ý chờ nghe những điều hắn kể trong gió.
*
Mỗi chúng ta là một sân ga nhỏ
Nơi lưu giữ những gì bỏ lại của người lữ hành
Khi hắn vội vã bước lên tàu viễn du khám phá vùng đất mới
Bỏ lại sau lưng hơi thở, mồ hôi và những mối tình tạm bợ qua đêm trong làn tóc rối
Người đàn bà u buồn nhìn vào đêm tối
Mơ một giấc mơ kì lạ lạc loài
Mà người khách trọ vô tình hay cố ý bỏ quên trong một cơn say
Không nhớ.
*
Mỗi chúng ta là một sân ga nhỏ
Chứng kiến những chuyến tàu đi và về, tất cả đều hướng về hiện tại, tương lai
Nhưng chưa bao giờ có chuyến tàu nào lui về quá khứ đủ để chia tay
Nơi có những ký ức mong manh đang từng ngày dần tan trong sương khói
Nơi có bàn tay giữ lấy bàn tay ấm áp trong cơn bối rối
Rồi lại rời xa nhau khi tiếng còi tàu đưa một người đi xa
Mãi mãi không về
Khu vườn mộng mơ lóng lánh giọt trăng thề
Không còn chuyến tàu nào xuôi về miền ký ức
Để tôi tìm lại tuổi thơ tôi và mối tình đầu xanh thẳm?

Tháng 7-2015

Gịot Nước Mắt Không Màu

Khi cuộc đời quất ta những ngọn roi đầu tiên
Ta mới thẩm thấu được mùi vị của giọt nước mắt
Reo vui như những giọt thủy tinh trong vắt
vừa chào đời khởi nguyên cho cuộc sống trên thảo nguyên xanh
Nước bất tận từ sông suối biển khơi thác ghềnh
Một ngày nào sẽ biến mất chỉ còn trơ đá sỏi
Lạ thay từ một hốc nhỏ nước vẫn tuôn trào không mõi
Không pha tạp chút gì lại mặn suốt một đời ta.

Ta sẽ nhận ra trong ánh mắt thiết tha
Niềm hạnh phúc lăn dài trên má người đàn bà sau một ca sinh khó
Khi nhìn thấy một sinh vật nhỏ nhoi oe oe khóc dở
Đêm vượt cạn thiếu vắng người chồng yêu quí không về
Điều gì hiện lên trong hốc mắt đỏ hoe
Những giọt nước mắt chảy ngược trong lòng người mẹ
Khi hay tin con mình hy sinh tuổi còn quá trẻ
Chưa từng nếm được mùi vị ngọt ngào của nụ hôn
Chưa một lần nắm bàn tay người con gái yêu thương.

Trong lòng thằng đàn ông giang hồ tứ chiến
Ngày trở về chỉ thấy nấm mộ mẹ hiu hiu gió chướng
Nước mắt trào ra trong trái tim khô cằn từ lâu
lấp lánh như viên kim cương tỏa sáng nhiệm mầu
trong lòng tên cướp muốn hoàn lương hối lỗi
Bỏ đi một thời tăm tối.

Còn anh và em biết bắt đầu từ đâu
Lại chia tay khi chúng ta từng là hai kẻ tha thiết yêu nhau
Khi một người luôn chạy theo giấc mơ đầy ảo mộng
Nào biết được nửa kia cần nhau như hình với bóng
Sự cay đắng và ngọt ngào, niềm vui cùng hạnh phúc
Biết tìm ở đâu khi cuộc tình đã mất
Chỉ có người trong cuộc mới nhận ra nhau
Vì tất cả những giọt nước mắt đều không màu
Nhưng mang thật nhiều ý nghĩa phải không em?

Với Em Một Ngày Nào

Với em một ngày nào
Biển không còn sóng vỗ
Buồm nâu dạt về đâu
Thuyền thét gào bão tố.

Một thời xa xôi quá
Cát xóa nhòa dấu chân
Mắt em màu sương khói
Cuộc tình thật mong manh.

Với em một ngày nào
Sông không còn chảy nữa
Đôi bờ trắng cỏ lau
Áo phơi mùi lá úa.

Thoảng mùi hương thạch thảo
Lạc theo dấu chân người
Cheo leo đồi dốc ngược
Tiếng ai hát bên trời.

Với em một ngày nào
Vườn xưa chim thôi hót
Hoa rụng đầy chiêm bao
Trái mơ già rớt hột.

Cơn mưa chiều tháng sáu
Ướt một đời hư hao
Tình tôi thời mới lớn
Ai nỡ quên tìm nhau.

Hoàng Sa Hành

Cát vàng, cát vàng đảo biên cương
Mênh mông sóng bạc giữa trùng dương
Phên dậu ngàn đời vùng đông trấn
Ngăn loài quỷ dữ gieo tai ương.

Biên ải mịt mù xa vạn dặm
Thuyền nan chèo mõi bao đêm trường
Vâng lệnh vua truyền đời nối tiếp
Khao lề thế lính giữ biên cương.

Giáo nóp lên thuyền theo mệnh nước
Gạo mắm chu toàn chẳng quân lương
Lính thú một đi không trở lại
Trông lại quê nhà mờ khói sương.

Ứa mắt vẫy tay người vợ trẻ
Mẹ già con dại nhờ em nương
Thân trai có ngại gì sóng cả
Vẹn toàn trung hiếu với quê hương.

Sóng gào gió thét tràn cơn bấc
Tay chèo nghiêng mạn giữa trùng dương
Thuyền đi muôn dặm quên sinh tử
Nào có tiếc gì chút máu xương.

Đảo chìm đảo nổi bao hải lý
Núi dựng trùng trùng mù mịt sương
Bão to bão nhỏ càn mấy lượt
Mưa gió trắng trời lạnh thê lương.

Mỗi năm chờ đến mùa gíó chướng
Thiếu phụ không màng đến lược gương
Bến đợi trông chồng như hóa đá
Nào thấy buồm neo về cố hương.

Mộ gió rì rào cùng sóng biển
Mộ ở đây mà người biệt phương
Con hỏi mẹ ơi chờ chi biển ?
Chỉ thấy gió gào suốt hàng dương.

Nào hay Hoàng Sa quần đảo dữ
Beo hùm lang sói chẳng tay nương
Một trận thư hùng không cân sức
Pháo gảy tàu tan nát thịt xương.

Hải chiến Hoàng Sa biển dậy sóng
Cát vàng chôn lấp bao cốt xương
Bảy mươi tư linh hồn tử sĩ
Xác hòa vào đáy nước đại dương.

Ngàn năm xương cốt vùi biên ải
Hồn vẫn quay về với cố hương.
Chỉ thương đôi mắt người vợ trẻ
Mòn mõi đợi người đau vết thương.

Một dãy san hô bừng sắc đỏ
Phải chăng thấm dòng máu kiên cường
Dáng núi còn in hình cô phụ
Rừng xanh lưu giữ hận chiến trường.

Thôi em hãy quay đi đừng khóc
Yên lòng người lạc cỏi âm dương.
Nhạn biển bao lần chào tiển biệt
Xác không còn danh mãi lưu phương.

Biền biệt người đi vào vô định
Hải mộ quan soi ánh tà dương
Vách đá khắc ghi bao dấu tích
Nước thẳm sâu mang đầy tai ương.

Biển đảo cha ông không giữ được
Giặc thù còn đó gây nhiễu nhương
Bên tai văng vẳng lời sông núi
Cát vàng cát vàng đảo biên cương.

Tháng 6-2015

Màu Mắt Biếc

Tìm trong lá màu mắt em dịu ngọt
Ẩn sau cành lấp lánh tiếng ve sôi
Người đã xa theo mùa hè rực cháy
Cánh phượng hồng thắm đỏ cả hồn tôi.

Tìm trong mưa bước chân son ngày nọ
Sao vô tình bong bóng vỡ đầy tay
Đường hoang phế giữ mối tình cũ kỷ
Chỉ lòng tôi quay quắt đợi chờ ai.

Nhớ đôi mắt nhớ cả mùa phượng đỏ
Thương dòng sông thăm thẳm cánh bèo trôi
Con nước cuốn đem tình tôi đi mất
Mảnh trăng gầy theo năm tháng đầy vơi.

Tìm trong mây màu mắt em huyền thoại
Một trời mơ theo sóng vỗ đêm ngày
Chiều xuống thấp cánh cò về đâu nhỉ
Bờ núi xanh sương lạnh lạc loài bay.

Tôi tìm đâu giữa trần gian bụi đỏ
Chiếc lá học bài ép giữa trang thơ
Màu mắt biếc mơ màng bên cửa số
Rưng rưng buồn chiếc quán nhỏ chiều xưa.

Nợ Một Đời Quê Hương
*Tặng anh Vĩnh Điện và Luân Hoán

Tháng tư lại về đây
Niềm đau kiếp lưu đày
Bao năm chưa trả hết
Tình một đời tôi vay.

Trả tình yêu cho em
Cùng ơn cha nghĩa mẹ
Nắm xương tình đồng đội
Mỗi ngày chợt xa thêm.

Trả đôi môi em hồng
Cho bao mùa xanh lá
Trả cuộc tình lưu vong
Tuyết bay mù đất lạ.

Bao năm đành xa xứ
Ngỡ quên mất cội nguồn
Mây xuôi về quê cũ
Trong nỗi buồn hoài hương.

Gởi một phần da thịt
Làm cỏ xanh chiến trường
Biết bao giờ trả hết
Nợ một đời quê hương.

Áo Mơ Phai

Qua đi bao mùa nắng
Đã tàn mấy mùa mưa
Ngược xuôi từng năm tháng
Tình ngày xưa rất xưa.

Tường vôi màu rêu úa
Rộn ràng trái tim non
Gió bay tà áo lụa
Thắm hồng bờ môi son.

Nghe như tiếng chuông mơ
Của một thời xa quá
Để tình tôi ngẩn ngơ
Bên hiên đời trút lá.

Thời gian như cánh bướm
Mang theo hạt phấn vàng
Tìm đâu mùi hương nhụy
Giữa hai bờ nhân gian.

Em ơi chân trời cũ
Bụi xóa nhòa vết chân
Tiếng chim bên cửa lớp
Còn thoảng hương ngọc lan?

Tình tôi sao em giữ
Tình em tôi lạc loài
Đường phượng bay mù lối
Chỉ còn áo mơ phai.

Những Hàng Me Sài Gòn

Những hàng me Sài Gòn
Bao năm rồi vẫn thế
Áo trắng đường Gia Long
Giữ hương tình tôi trẻ.

Tan trường ai đứng ngóng
Tung tăng gót sen hồng
Tiếng cười tôi say đắm
Qua hết cả mùa đông.

Xuân xanh ngời ánh mắt
Bỗng bừng sắc me non
Khẽ khàng từng giọt nắng
Đậu trên bờ vai thon.

Cánh phượng cuối mùa thi
Chỉ còn trơ nỗi nhớ
Em như cánh chim di
Hàng me đầy bụi đỏ.

Áo vàng của thu xưa
Người xa không trở lại
Nhạt nhòa trong cơn mưa
Nụ hồng chưa kịp hái.

Ôi hàng me Sài Gòn
Bốn mùa qua lặng lẽ
Tìm đâu dấu chân son
Tình tôi thời thơ trẻ?

Tình Cờ

Tình cờ mưa gặp nắng
Bất chợt nên vợ chồng
Phút giao hòa vĩnh cửu
Hóa bảy sắc cầu vồng.

Tình cờ suối gặp sông
Hẹn xuôi về biển rộng
Giữa đất trời mênh mông
Theo nhau vờn đuổi sóng.

Tình cờ bướm gặp hoa
Cho mùa xuân kết trái
Cùng hát khúc tình ca
Bốn mùa xanh trở lại.

Tình cờ ta gặp nhau
Giữa đám đông xa lạ
Em tươi đóa hoa đào
Cuối mùa đông buốt giá.

Bởi thế gian nhiễu sự
Tôi thành người đa đoan
Lòng như trang sách cũ
Bên hồ bóng trăng tan.

Tình tôi bờ lau trắng
Em đi qua hững hờ
Ai hay trời mưa nắng
Cơn đau cũng tình cờ.

Lạc Tình

Trăng cuối mùa trăng mọc đầu non
Tình cuối mùa treo đầy nỗi nhớ
Tôi lận đận lạc loài đâu đó
Trong tim người còn giận hay thương.

Chim trốn tình đậu ở cầu sương
Cánh về đâu giữa chiều ráng đỏ
Mây xám núi hẹn hò bão tố
Chập chùng mưa vây khổn ngàn phương.

Bay lên đi tiếng hát yêu thương
Làm đuốc sáng thắp tình em nhé
Giữa nhân gian đôi bờ quạnh quẽ
Đâu lằn ranh địa ngục thiên đường.

Đã lạc mùa nhỏ của tôi ơi
Lời thở than còn xanh lá cỏ
Cành lộc non một lần gảy đổ
Lạnh tim người biết có sinh sôi.

Thôi cũng đành dòng nước chia đôi
Lá chờ mưa mấy tầng gió biếc
Nụ hôn nồng ngời con mắt liếc
Xa muôn trùng mắt lại có đuôi?

Trăng Cuối Mùa

Vẫn là trăng của ngày xưa
Mang theo nỗi nhớ tôi đưa tiển người
Mỏng manh tiếng hát bên đồi
Ngoài hiên hoa rụng trắng trời bóng mưa.

Vẫn là em của tôi xưa
Bao mùa lá đỏ sao chưa bước về
Ngày đi vàng nụ trăng thề
Long lanh sóng nước vỗ về hồn tôi.

Vẫn là ngày mộng đêm trôi
Nên tình dâu bể không lời thở than
Thôi thì xin hạt sương tan
Để quên một thuở trăng tàn bên song.

Vẫn là tình suối duyên sông
Nên gieo neo mãi tiếng lòng ai đan
Thôi thì buông sợi tơ vàng
Tình tôi nặng nợ giọt trăng cuối mùa.

Mùa Xuân Ở Một
Nơi Nào Để Nhớ

Đêm nay hoa rụng vô cùng
Một năm đất thở không chừng quên nhau
Mù tăm mắt nhớ môi sầu
Nơi nào để nhớ tình đầu năm xưa?
Em như ngọn cỏ gió đùa
Về chiêm bao động một mùa chim bay.

Đêm nay trời đất thở dài
Án thư sách cổ mưa hoài ngàn sau
Ngồi nhìn bạch lạp mờ chao
Tôi nghe tiếng gọi đêm nào quẩn quanh
Ngày mai hát khúc biệt hành
Tình tôi một thuở, thôi đành mất nhau.

Đêm nay em rũ tóc sầu
Một năm đã muộn hoa đào rụng thôi
Yêu em nước ngậm mưa ngùi
Sầu trăm năm gởi một đời tương tư
Nơi nào để nhớ lá thu?
Hàng bay lớp lớp tôi mù lối xưa.

Người Gieo
Hạt Mùa Xuân

Người gieo hạt mùa xuân
Lên bao nhiêu cánh đồng
Qua những mùa hạ nhớ
Mưa bụi mù thu đông.

Cuộc tình như cánh én
Bay giữa trời mênh mông
Em qua vùng biển động
Nỗi nhớ thành bão giông.

Người gieo hạt mùa xuân
Cho mắt môi thêm hồng
Tình yêu thành đốm lửa
Sưởi ấm suốt mùa đông.

Mây bay về quê cũ
Tiếng ai hát bên đồi
Em như cơn gió thoảng
Bước nhẹ qua đời tôi.

Người gieo hạt mùa xuân
Chờ nở hoa một lần
Nụ tình xanh muôn thuở
Trên tay đôi tình nhân.

Thời gian không trở lại
Tóc em có còn xanh
Hạt sương hồng trên mắt
Rơi xuống hồ long lanh.

Mùa Xuân Hoa Trắng
* Nhớ Đà Lạt mùa xuân
đầy hoa ban trắng nở.

Ai đem hoa ban giữa rừng Tây Bắc
Về điểm trang cho thành phố mù sương
Thiếu tiếng khèn giao duyên tình đôi lứa
Vẫn nồng nàn hơi thở đất phương Nam.

Em đem cả mùa xuân về phố núi
Nghe lòng mình xao xuyến gịọt sương mai
Từng sợi nắng vàng tươi màu áo lụa
Thả bên đồi đàn bướm ngất ngây bay.

Tôi trở lại ngày cuối năm phố núi
Ngỡ lòng mình lạc giữa chốn đào nguyên
Hoa ban nở trắng trong tình sơn nữ
Mắt mơ màng nghe tiếng hót chim quyên.

Tiếng suối chảy gởi tình tôi theo gió
Sợi tóc mềm em trói cả hồn tôi
Dáng ai nghiêng đợi bên hàng liễu rũ
Sóng ven hồ lất phất phấn thông rơi.

Lũ chim bay về gọi mùa xuân tới
Tôi lang thang tìm em trong giấc mơ
Em ơi có nghe đâu đây nhạc ngựa
Nhịp kiệu khua giòn một góc phố xa.

Đà Lạt xuân ngập tràn hoa ban trắng
Đường Quang Trung em về dưới cơn mưa
Tôi nhớ thương em qua mùa mê hoặc
Sao lòng còn thao thức những mùa xưa.

Tờ Lịch Cuối Năm

Cuối năm tờ lịch mỏng dần
Nhìn trăng xưa cũ mấy lần đầy vơi
Phố đêm ấm lạnh tay người
Hoa đào một thuở giờ rơi mất hồn
Áo hồng đã nhạt môi son
Tóc xanh chắc cũng dấu mòn đóm khuya
Sợi tơ mấy đoạn chưa lìa
Tình xa nên nỗi cách chia sông dài.

Cuối năm tờ lịch đã bay
Vèo qua ngày cũ phút giây bất ngờ
Xuống lầu vẳng tiếng chuông mơ
Đâu đây nhạc ngựa ngóng chờ qua song
Hoa vàng mấy nụ thu đông
Giọt sương trên mắt đôi dòng vừa rơi
Và tôi chiếc lá ngậm ngùi
Tiển em cánh nhạn cuối trời xuân phân.

Áo Huyền Sương

Hãy mang đi chiếc lá cuối mùa đông
Còn sót lại đầu cành cơn bão rớt
Cứa vào tim con sóng vỗ trong lòng
Ngày tháng tận cho đời tôi thấm mệt.

Có gì đâu em đừng buồn đến thế
Dòng sông đi chia năm bảy nhánh sầu
Nào ai biết tôi về tìm hương cũ
Chợt già cùng mưa nắng thuở chiêm bao.

Gió cuốn đi áo huyền sương ngày nọ
Màu tóc mây em thả lửng bên trời
Con đường xa đem theo bao bụi đỏ
Chỉ một lần mãi thương nhớ khôn nguôi.

Đã hẹn nhau về sao chẳng đợi trông
Tôi lên ngàn người xuôi về biển rộng
Gió thổi đầu nguồn mây bay mãi cuối sông
Tình hai đứa mong manh như áo mỏng.

Hãy trôi đi màu tóc xưa đã bạc
Nghiêng vai người từng sợi nhớ sợi thương
Em đã xa xin tình yêu ở lại
Hương thời gian còn thơm áo huyền sương.

Áo Lụa Vàng

Còn chút mưa rơi trên bàn tay ấm
Thuở yêu người nào biết chuyện gian nan
Em đã quên trong đời tôi hiu quạnh
Áo lụa vàng khóc một mảnh trăng tan.

Còn chút hương cho môi người thơm mãi
Dẫu muộn màng xin đừng nhạt môi son
Tôi và em chưa bao giờ gặp lại
Áo lụa vàng trôi vào cỏi mênh mông.

Còn chút sương thấm trên thềm rêu lạnh
Bên hiên người còn lại giấc mơ xưa
Tôi tìm em giữa mùa hoa lau trắng
Áo lụa vàng chìm theo những cơn mưa.

Còn chút gió theo chân người đi mất
Có chờ nhau khi năm tháng phai tàn.
Chùm thiên lý sân nhà ai thuở nọ
Áo lụa vàng em còn nhớ tôi chăng?

Còn chút nắng gọi bình minh thức giấc
Đợi chim về chờ nhả hạt tương tư
Chiếc lá úa bay theo mùa lưu lạc
Nhớ áo lụa vàng màu mắt tiểu thư.

Mười Năm
Bóng Ngựa Qua Thềm Cũ

Mười năm mộng trổ mây thành khói
Nhớ áo quỳnh hoa chợt ngẩn ngơ
Nhớ tóc hoàng kim chiều đông muộn
Cùng nhánh sông xưa khuất bến bờ.

Mười năm nước cuộn bao dòng nhớ
Quán trọ trần gian lạnh buốt hồn
Giấu mãi đời trong từng hạt bụi
Một mình còn lại mảnh trăng suông.

Mười năm tình đã phai màu tóc
Nắng ngậm ngùi trên ngón tay thơm
Tôi lặng nhìn hàng cây trốn gió
Thì thầm chiếc lá nhớ nụ hôn

Mười năm bóng ngựa qua thềm cũ
Bạn đã xa tình cũng rất xa
Cuối năm uống rượu tìm hơi ấm
Mắt chợt cay theo khói quê nhà.

Đêm Mùa Xuân
Xuống Núi

Ai đem mùa xuân xuống núi
Vàng hoa nở suốt lưng đồi
Lắng nghe suối nguồn vi diệu
Cỏ thơm bát ngát bên trời.

Em như hoa đào ủ nhụy
Long lanh từng giọt sương đêm
Về trong nắng mai rực rỡ
Ửng hồng đôi má nhung mềm.

Tôi đi tìm hương mật đắng
Lang thang uống giọt tình say
Ánh trăng ngày xa thăm thẳm
Chờ người về trong đêm nay.

Ai đem mùa xuân xuống núi
Nghe lòng còn mãi tơ vương
Mầm xanh đem theo chồi biếc
Dẫu lìa sợi tóc còn thương.

Én bay qua từng cơn bão
Cuối mùa còn giữ mê hương
Tôi trôi qua miền cổ tích
Mơ hoài tà áo huyền sương.

Tình bay theo từng hạt bụi
Em về mưa trong bóng mây
Nghìn trùng mùa xuân không tới
Áo vàng đã thoáng qua tay.

Xuân Qua Thành Phố Cũ

Chợt thấy nụ hoa vàng
Rung rinh theo làn gió
Giật mình ngỡ xuân sang
Về qua thành phố cũ.

Len theo từng góc phố
Hương xuân dậy đất trời
Ngày xưa em qua đó
Thương mãi trong lòng tôi.

Chuyện mười năm đã cũ
Chỉ còn giấc mơ phai
Chim ơi! buồn lá cỏ
Có về đậu trên vai.

Cúi hôn từng phiến lá
Tình nhỏ nay về đâu
Giữa dòng đời nghiệt ngã
Rơi rơi cánh hoa đào.

Nhớ em qua làn khói
Thèm một điếu thuốc thơm
Tiếc tình xuân qua vội
Nắng vàng như cọng rơm.

Dòng sông đã mang theo
Nụ tầm xuân xanh biếc
Em ơi con mắt liếc
Thương nhớ ai bên trời.

Giấc Mơ Mùa Đông

Một ngày mùa đông chim bay về phố
Lao xao cành bàng lá đỏ vừa rơi
Nghe bước chân quen qua con đường nhỏ
Em ở trong tôi nỗi nhớ đầu đời.

Thương cánh hoàng lan vàng như thắp nắng
Giọt nắng đầu đông quá đổi dịu dàng
Tôi đứng bên trời nhìn em lặng lẽ
Cơn mưa cuối mùa trôi trong lang thang.

Ngọn đèn đêm đông nhớ ai nhỏ lệ
Cơn sóng trong lòng theo gió qua sông
Những tán cây xanh mờ trong sương khói
Một khối tình sầu ai đợi mà trông.

Chỉ còn trong tôi giấc mơ mùa đông
Khao khát làn môi nụ hôn thơm nồng
Người ở chân mây qua bao sông suối
Em ở nơi nào biển người mênh mông?

Tháng Chạp Rồi
Chim Sáo Ơi

Tháng chạp về đem nỗi nhớ qua đây
Tờ lịch trên tay mỏng đi từng ngày
Chim sáo ơi về đâu trong mưa gió
Cơn bão cuối cùng vừa cuốn lá bay.

Ai giấu mùa đông trong trời thu cũ
Để tóc em buồn trốn nắng trên cây
Mắt môi xưa trôi qua thời thiếu nữ
Tôi mãi đi tìm chiếc bóng trong mây.

Tháng chạp về đem theo cuộc tình xa
Giữa dòng nước chia hai bờ thương nhớ
Bao mùa trăng thấp thoáng đã trôi qua
Khung trời cũ từng thơm hương tóc rối.

Thôi vẫy tay chào mùa đông lạnh giá
Gởi theo người những năm tháng biệt ly
Cơn mưa nhỏ cuối năm còn run rẩy
Ướt vai mềm theo từng bước em đi.

Tháng chạp về chim sáo nhỏ tôi ơi
Nụ tầm xuân còn thơm ngát bên trời
Tôi vẫn đợi bên hàng cây nhớ gió
Em có về áo trắng mãi tinh khôi.

Mộ Khúc

Ơn người
Tôi nợ thu đông
Tiếng chim đêm
Thức
Lời buồn ai nghe.

Đường chiêm bao
Mấy người về
Dù sông biển cạn
Suối khe vẫn tình.

Chờ em
Tôi đứng một mình
Bánh xe thổ mộ
Gập ghềnh đời nhau.

Biển xanh
Sao
Sóng bạc đầu
Để tình tôi phải
Dãi dầu phân ly.

Tìm người
Vạn dặm chim di
Đường tử sinh
Biết
Một đi, biệt mù.

Hành trình tôi
Cuộc viễn du
Về trong một cỏi
Thiên thu nghìn trùng.

Thì thôi huyễn mộng vô thường
Thế gian lạc bước thành đường tôi qua.

Nguyễn An Bình

Ngô Tịnh Yên

Ngô Tịnh Yên

Rồi Đá Hay
Tôi Có Khác Gì

Rồi đá hay tôi có khác gì?
Ngày mai tôi hoá đá
Cần gì hoa nở không?
Rồi đây thành kẻ lạ,
Đừng đợi đá đơm bông.
Ngày mai đừng đến đừng miễn cưỡng,
Khi đã yêu mấy núi cũng trèo,
Còn không yêu thì dù một hướng
Cũng chẳng thể nào vói trông theo.
Ngày mai tôi thành đá,
Lặng nhìn những đổi thay,
Hay làm người vô cảm,
Cám ơn thế giới này.
Ngày mai đừng nhớ đừng ghi khắc,
Phút giây hạnh ngộ có là chi?
Vì đá nhiều khi không cảm giác
Nên đá và tôi có khác gì…
Ngày mai tôi là đá,
Thiền định những vô tri,
Hoặc là cây thánh giá,
Xin rửa tội tình si.

Trái Tim
Bé Nhỏ Vô Bờ

Có thể chút mưa là lòng se sắt
một chút nắng đủ hiu hắt cơn buồn
có thể đêm thâu nhưng đèn không tắt
và ngày tàn tôi tiếc ánh chiều buông

Có thể thương yêu triệu lần chưa đủ
cho rất nhiều mà vẫn nghĩ là chưa
có thể quên ai, quên rồi lại nhớ
mà trái tim bé nhỏ lại vô bờ

Ôi! Cái đẹp vạn đời ai hiểu thấu
tôi ra đi không biết lối quay về
đôi cánh đập phập phồng trong mạch máu
muốn bay ra khỏi những tế bào kia

Biết ơn hoa dù biết rồi hoa rụng
tạ ơn mây dù biết rồi mây bay
nhớ ơn đời dù cho đời tàn nhẫn
cám ơn người dù phụ phàng đắng cay

Và cám ơn Thượng Đế trớ trêu thay!
đã cho tôi còn được trái tim này
tấm lòng kia dù chẳng ai cần nó
tôi vẫn đem trao tặng đến muôn loài.

Trái Tim Bướng Bỉnh

Cái đầu tôi bảo thôi đừng đến!
những nơi đầy dấu kỷ niệm xưa
nhưng trái tim bất tuân thượng lệnh
cứ lang thang chiều tối sáng trưa

Cái đầu tôi bảo không được nhớ!
những yêu thương làm cho đớn đau
nhưng trái tim lại không biết sợ
trước lời đe dọa, cứ lăn vào

Cái đầu tôi bảo đừng liều lĩnh
cứ chơi dao có ngày đứt tay
nhưng trái tim thì luôn bướng bỉnh
giữ được hồn phách đã là may

Cái đầu tôi bảo đừng lưu luyến
những lòng đen bạc chẳng xanh đâu
nhưng trái tim không ưa sai khiến
muốn nó hàng phục cũng còn lâu!

Cái đầu tôi bảo đừng mơ tưởng
những bến bờ xa, sẽ hụt hơi
nhưng trái tim đôi khi rất chướng
dù không biết lội vẫn cứ bơi

Cái đầu tôi bảo đừng với tới
nhưng trái tim cứ thích trèo cao
ừ! thì cứ té không sao cả
lại yêu tiếp tục… có gì đâu…

Thơ Viết Ngày
Mẹ Lâm Trọng Bệnh

Tôi vẫn muốn cài một bông hoa đỏ
lên áo mình trên ngày tháng đang trôi
qua cuộc đời rong ruổi ngược xuôi
vẫn như còn nằm bên mẹ trong nôi

Tôi vẫn thích cài một bông hoa đỏ
dù mẹ còn đây hay sắp xa rồi
ước vẫn là đôi tay bé nhỏ
mẹ dắt đi qua gai góc đường đời

Tôi vẫn cứ cài một bông hoa đỏ
không thích màu hoa trắng chẳng vui
đó là màu của nước mắt đang rơi
khi gọi hoài mà mẹ vẫn xa xôi

Tôi vẫn mãi cài một bông hoa đỏ
lên áo mình ở phía trái tim thôi
mà cứ ngỡ mang hoài hạnh phúc đó
được suốt đời gọi hai tiếng Mẹ ơi!

Còn Lại Cho Nhau

Vẫn còn lại chút gì đó mong manh Còn Lại Cho Nhau…
sau bao nhiêu xót xa, đau thương và đổ nát
trong đắng cay, phôi pha và tan tác
sau những phũ phàng khi chiếc mặt nạ rơi

Vẫn còn lại chút gì đó chưa phai
trước bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống
nhiều dối trá khoe khoang và trống rỗng
những tầm thường được khéo léo đậy che

Vẫn còn lại sau những tiếng khen chê
sau những tràng pháo tay, những bó hoa
giọt nước mắt… và sau nỗi chia xa
sau cơn bão…

Vẫn còn lại chút gì đó xôn xao
của riêng ta không hề bị thất lạc
sau nhiều thứ rụng rơi và mất mát
còn giữ được hoài chút gì đó
để cho nhau

Còn giữ được hoài cho năm tháng mai sau
tóc có bạc mà lòng không đổi trắng
ta chết đi mà đời không ân hận
một chút gì không nhiều lắm…
chẳng quên mau.

Thiếu Thừa

Thiếu gì nắng – thiếu gì mưa
thiếu nhau lại thấy rất thừa thời gian

Thiếu chi gió – thiếu chi trăng
thiếu đôi mình thấy trần gian không hồn

Thiếu gì vui – thiếu gì buồn
chỉ thừa hơi ấm chiếu giường dửng dưng

Thiếu chi biển – thiếu chi rừng
chỉ thừa phố xá lạ lùng không quen

Thiếu gì bạc – thiếu chi tiền
thiếu một người cũng thừa thiên hạ nhiều

Thiếu gì… người ghét, người yêu
tấm lòng chân thật bao nhiêu mới thừa?

Một Nửa Này
Vẫn Gọi Nửa Kia Ơi!

Chỉ giận hờn thôi đã hết mười năm…
rồi hiểu lầm, mất thêm mươi năm nữa!
nếu khi xưa đừng vội vàng khép cửa
đã chẳng xa nhau đến tận bây giờ

Treo tấm gương lên phủi lớp bụi mờ
vẫn thấy chúng ta dại khờ năm cũ
cái bận chia tay bằng lòng lầm lỡ
đổi tình yêu cho hạnh phúc đời nhau

Để hôm nay khi sắp sửa bạc đầu
mới hiểu được nửa đời ta đánh mất
kể từ lúc góp trái tim chân thật
vào bão giông tan nát buổi xa người

Một nửa này vẫn gọi nửa kia ơi!
chẳng mất nhau làm sao yêu nhau thế!
sao hiểu được trong long lanh giọt lệ
hai nửa nhìn ra chẳng thể lại chia lìa.

Ngô Tịnh Yên

Ngô Thế Vinh

Ngo The Vinh

Lưu Vực Sông Mekong
Địa Bàn Thách Đố Của Hoa Kỳ

“Hoa Kỳ trở lại Đông Nam Á. Tổng Thống Obama và tôi tin rằng khu vực này là thiết yếu cho tiến trình toàn cầu, cho hòa bình và thịnh vượng và chúng tôi mở rộng cam kết với các thành viên thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á trên mọi thách đố trong tương lai.” Ngoại trưởng Hillary Clinton, ASEAN Summit 07/ 28/ 2009.

“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh của cư dân sống phụ thuộc vào con Sông Mekong với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” Thượng nghị sĩ Jim Webbs Press Releases 12/ 08/ 2011.

SỰ TRỞ LẠI MUỘN MÀNG CỦA HOA KỲ

Sau Chiến Tranh Việt Nam, sự vắng bóng của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á đã để lại một khoảng trống về địa dư chánh trị, và đây cũng chính là vận hội để một Trung Quốc với tham vọng mau chóng lấp đầy. Với sức bành trướng của Trung Quốc từ kinh tế tới quân sự ngày càng đè nặng trên 5 quốc gia trong lưu vực sông Mekong, cộng thêm với những động thái hung hãn của Bắc Kinh nhằm “Tây Tạng Hóa vùng Biển Đông/ Tibetization of South China Sea”, nói theo ngôn từ rất tượng hình của B.A. Hamzak, thuộc Viện Hàng hải Mã Lai / Malaysian Institute of Maritime Affairs, đang trực tiếp đe dọa tới những quyền lợi thiết thân của chính nước Mỹ, đã đến lúc chánh quyền Tổng thống Obama không thể không quan tâm tới sự thách đố của Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhất thế giới đang nhanh chóng vươn lên như một siêu cường cả về kinh tế lẫn quân sự. Bắc Kinh không chỉ cạnh tranh ráo riết mà còn với tham vọng vượt qua Mỹ trong thập niên tới của thế kỷ này. Nguy hiểm hơn nữa, nói theo ngôn từ của Jane Perlez, báo New York Time, đó là một “cạnh tranh mất-còn / zero-sum game.” [9] Do đó, một chiến lược trở lại với khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ là một tiến trình tất yếu chứ không phải là ngẫu nhiên.

Hoa Kỳ là một trong những nước tài trợ cho Ủy Hội Sông Mekong, đồng thời cũng đã từng viện trợ cho các quốc gia Mekong, lại có tiếng nói đầy quyền uy trên các tổ chức ngân hàng lớn của thế giới như World Bank/ WB và Asian Development bank/ ADB… với tư thế đó cùng với hành động tích cực dấn thân, Hoa Kỳ hy vọng có thể tìm lại thế đứng, với “vai trò đối trọng” hạn chế được phần nào sức bành trướng của Trung Quốc trong lưu vực.

KHỞI ĐẦU TỪ HÀNH PHÁP

Từ Hội nghị ASEAN [Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á], ngày 23-07-2009, theo yêu cầu của Mỹ đã có thêm một cuộc họp bên lề của Ngoại trưởng 5 nước: phía Mỹ là Hillary Rodham Clinton, cùng với 4 Ngoại trưởng vùng Hạ Lưu Sông Mekong bao gồm có Thái , Lào, Cam Bốt và Việt Nam tại Phuket, Thái Lan. Đại diện cho Việt Nam lúc đó là Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm kiêm Phó Thủ tướng.

Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh tới tầm quan trọng của vùng Hạ Lưu Sông Mekong/ Lower Mekong Basin và mỗi quốc gia đối với Hoa Kỳ, cùng với cam kết hỗ trợ nhằm thăng tiến hòa bình và thịnh vượng cho khu vực ASEAN như một toàn thể. Ngoại trưởng 4 nước Thái , Lào, Cam Bốt và Việt Nam hoan nghênh sự hợp tác chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ với các quốc gia Hạ Lưu trong những lãnh vực có ý nghĩa hỗ tương nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững trong vùng.

Tiếp theo đó là một tuyên cáo, liên quan tới những vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là trong các lãnh vực Môi trường, Y tế, Giáo dục, và Phát triển Hạ tầng/ infrastructure development trong khu vực.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã lên tiếng bày tỏ mối quan tâm về ảnh hưởng tác hại từ những con đập đối với “An Ninh Lương Thực” trong vùng, trong đó phải kể tới tầm quan trọng của nguồn cá sông Mekong là nguồn protein chính đối với cư dân trong lưu vực.

Tưởng cũng nên nói thêm, chính Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã và đang xây chuỗi 15 con đập thủy điện dòng chính sông trên khúc sông Lancang-Mekong thượng nguồn, và còn sở hữu thêm 4 dự án đập dòng chính trong số 11 dự án Hạ Lưu sông Mekong.

Ngoại trưởng 5 nước đã thảo luận về các lãnh vực bao gồm biến đổi khí hậu và làm thế nào để đáp ứng có hiệu quả; phòng chống bệnh truyền nhiễm; mở rộng ứng dụng kỹ thuật cho giáo dục và đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn; cũng như phát triển hạ tầng. Các Ngoại trưởng đã xét duyệt những nỗ lực đang tiến hành, và đồng ý mở ra những lãnh vực hợp tác mới; và đặc biệt hoan nghênh sáng kiến “Kết Nghĩa Giữa Hai Ủy Hội Sông Mekong và Sông Mississippi / Sister-River Partnership” nhằm chia xẻ kinh nghiệm chuyên môn trong các lãnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu, đương đầu với lũ lụt và hạn hán, khai thác thủy điện và lượng giá ảnh hưởng, quản lý nguồn nước và quan tâm tới an ninh lương thực.

Với Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ Lower Mekong Initiative / LMI của Ngoại trưởng Hillary Clinton, mục đích là tạo thuận và phối hợp cách ứng xử với những thách đố trong phát triển của toàn vùng qua các hội nghị trao đổi thông tin kỹ thuật, những cuộc hội thảo huấn luyện, và những những thăm viếng khảo sát,. Các quốc gia Mekong đều bày tỏ thái độ tích cực đón nhận Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong.

Với 22 triệu MK dự chi cho các chương trình môi sinh của 4 quốc gia Hạ Lưu sông Mekong; một phần ngân khoản ấy cũng được xử dụng cho việc “Kết Nghĩa giữa hai Ủy Hội Sông Mekong và Mississippi” nhằm thăng tiến quản lý nguồn nước xuyên quốc gia / trans-boundary water resources, qua kinh nghiệm từ Lưu vực Sông Mississippi. Số tiền ấy cũng được dùng qua cơ quan USAID/ US Agency for International Development cho việc nghiên cứu ảnh hưởng thay đổi khí hậu trên nguồn nước, an ninh lương thực và trên cuộc sống cư dân trong lưu vực.

Theo Aviva Imhof, Giám Đốc truyền thông của Mạng Lưới Sông Quốc Tế / International River Network thì qua Cơ Quan Khảo Sát Địa Chất Mỹ / US Geological Survey / USGS, Hoa Kỳ có thể đóng góp phần hỗ trợ kỹ thuật trong việc thu thập dữ kiện về thủy văn/ hydrology, sinh thái/ ecology, lưu lượng phù sa / sediment flows và phẩm chất nước với bảo đảm rằng những thông tin ấy cũng được phổ biến rộng rãi tới quần chúng. [2]

Sáng kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI được xem là có phần nào ảnh hưởng tới động lực phát triển trong lưu vực/ regional dynamics, và gây sự chú ý tới những vấn đề địa dư chánh trị/ geopolitics issues đang bị thử thách.

Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng đã tiến tới thành lập một “Nhóm Bạn Mekong/ Friends of the Mekong” hợp tác song phương với các cơ quan tài trợ như ADB và WB. Như vậy, LMI đã bước đầu kết hợp cả hai “quyền lực mềm và khôn ngoan / soft & smart power”. [3]

Cho dù thực chất ban đầu còn là chưa đáng kể, nhưng dấu hiệu tái cam kết của Mỹ với các quốc gia Mekong và ASEAN đã bắt đầu khiến Trung Quốc đã phải quan tâm nhiều hơn tới các cộng đồng cư dân và các chánh phủ hạ lưu sông Mekong. Gần đây, Trung Quốc đồng ý chia xẻ phần “thông tin vận hành/ operational data” nhiều hơn với Ủy Hội Sông Mekong và cũng rất tượng trưng, cho phép một số viên chức tới thăm 2 con đập Tiểu Loan/ Xiaowan [ 4,200 MW] và Cảnh Hồng/ Jinhong (1,350 MW) trong số những con đập thủy điện dòng chính thượng nguồn đang hoạt động thuộc tỉnh Vân Nam.

TỚI GIỚI LẬP PHÁP HOA KỲ

Cùng với tiếng nói bên Hành Pháp, đã có sự cộng hưởng của cả giới Lập Pháp nhất là từ Thượng viện Hoa Kỳ. Thượng Nghị Sĩ Jim Webb với tư cách là chủ tịch Tiểu Ban Đông Á và Thái Bình Dương Sự vụ của Thượng viện/ Senate East Asian and Pacific Affairs Subcommittee, đã rất năng động từ nhiều năm nhằm ngăn ngừa những tổn hại không thể đảo nghịch về môi trường / irreversible damages do hậu quả của các đập thủy điện trên sông Mekong.

Là Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ tiểu bang Virginia từ 2006, tốt nghiệp Học viện Hải Quân 1968, từng phục vụ trong đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam tới 1972 với nhiều thành tích và huy chương. Sau đó là một luật sư, thời chính quyền Tổng Thống Reagan, ông từng là Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng, sau đó là Bộ Trưởng Hải Quân. Jim Webb còn là tác giả của 9 cuốn sách, đoạt giải Emmy về báo chí, là một nhà làm phim. Ông nói được tiếng Việt. Jim Webb là một tiếng nói rất năng động, được báo Washingtonian Magazine bầu chọn là một “Ngôi Sao Đang Lên/ Rising Star” tại Thượng viện Hoa Kỳ.

Năm 2009, TNS Webb đã thực hiện chuyến du hành 2 tuần qua 5 quốc gia Đông Nam Á để khảo sát các dự án phát triển sông Mekong và các phương thức xử dụng nước xuyên lưu vực. Ông cũng vận động lôi kéo được nhiều viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, các chánh trị gia hoạch định chánh sách, các chuyên gia môi trường và giới học giả quan tâm tới những nguy cơ phá vỡ sự cân bằng hệ sinh thái của của con Sông Mekong và tầm quan trọng của Sông Mekong đối với phát triển kinh tế và xã hội của vùng Đông Nam Á.

Ngày 12/08/2011, Ủy Hội Sông Mekong/ MRC thông báo về quyết định từ Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng tại Siem Reap là hoãn xây con đập Xayaburi, cũng là con đập dòng chính đầu tiên thuộc Lưu Vực Dưới Sông Mekong, bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, với lý do để có thêm thời gian nghiên cứu về tác hại môi trường của con đập. Ngay cùng ngày, từ thủ đô Washington, TNS Jim Webb đã phát biểu “Đây là bước quan trọng hướng tới một chánh sách trách nhiệm / responsible policy nhằm bảo vệ những điều kiện kinh tế và môi trường cho hơn 60 triệu cư dân trong lưu vực.” TNS Webb tiếp: “Những nỗ lực của MRC để duy trì sự ổn định môi trường và kinh tế của vùng Hạ Lưu Mekong chứng tỏ ước muốn tôn trọng quyền hạn về nguồn nước của các quốc gia trong lưu vực và đồng thời cũng quan tâm tới “những tiêu chuẩn chính đáng về môi trường / proper environment standards” khi đánh giá những dự án xây đập thủy điện/ construction projects.” [4]

Trước đó, TNS Jim Webb cũng đã tổ chức một buổi điều trần ngày 23 tháng 09, 2010 trước Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện với đề tài: “Thách Đố về Nước và An Ninh Khu Vực Đông Nam Á/ Challenge to Water and Security in Southeast Asia” ngoài tiếng nói của Joseph Yun Phụ tá Thứ Trưởng Ngoại giao đặc trách Đông Nam Á/ Deputy Assistant Secretary of State for Southeast Asia phía Hành pháp, còn có những tiếng nói thẩm quyền và uy tín từ các tổ chức Phi Chánh phủ/ NGOs như Richard Cronin [The Stimson Center], Aviva Imhof [International Rivers Network], Dekila Chungyalpa [Greater Mekong Program World Wildlife Fund for Nature][1].

Ủy Ban Ngoại giao Thượng viện sau đó đã chuẩn thuận nghị quyết của TNS Webb kêu gọi các đại diện Hoa Kỳ nơi các ngân hàng phát triển đa quốc gia/ multilateral development banks cần tuân thủ triệt để/ strict adherence “những tiêu chuẩn quốc tế về môi trường” trong bất cứ một tài trợ ngân sách nào cho dự án đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong. Nghị quyết này như một hỗ trợ cho MRC tuân hành theo thủ tục “tham khảo trước / prior consultation process” cho mỗi dự án xây đập và đồng thời cũng kêu gọi cả Miến Điện và Trung Quốc gia tăng hợp tác với MRC.

Nghị quyết ấy cũng kêu gọi hoãn xây các con đập dòng chính sông Mekong đồng thời thuyết phục chánh quyền Tổng Thống Obama tăng thêm ngân sách cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI, hỗ trợ cho “các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở / infrastructures projects” và tìm giải pháp bền vững thay thế cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong.

Trong một lá thơ gửi Ngoại trưởng Hillary Clinton vào ngày 27 tháng 10, 2010, TSN Webb đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao tiến xa hơn nữa trong tăng cường hợp tác và thăng tiến phát triển bền vững đối với các dự án đập thủy điện dòng chính Sông Mekong.

TNS Webb phát biểu: “Là một thành viên tài trợ cho MRC, Hoa Kỳ chuẩn bị xem xét việc rút lại ngân khoản đóng góp nếu như các chương trình về con đập không đạt được tiêu chuẩn môi trường được quốc tế chấp nhận.” Và ông đề nghị Ngoại trưởng Hillary Clinton nêu lên các vấn đề ở mọi cập bậc, vói tất cả các quốc gia thành viên, bao gồm cả Thái Lan và Trung Quốc – là hai quốc gia tài trợ chính cho các dự án đập dòng chính Hạ Lưu Mekong.

“Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới có một cam kết chiến lược và nghĩa vụ tinh thần / strategic and moral obligation nhằm bảo vệ sức khỏe và an sinh / wellbeing của cư dân sống phụ thuộc vào con sông Mekong cùng với nguồn tài nguyên và nếp sống của họ.” [5]

Người viết thấy cần ghi chú thêm ở đây là ngân khoản Hoa Kỳ đóng góp hàng năm cho MRC không phải là lớn so với các quốc gia khác, hơn thế nữa phải thấy rằng MRC không có chức năng của một cơ quan điều hợp / regulatory agency, ngoài khả năng tích lũy những hiểu biết và có kỹ thuật để hỗ trợ và tham vấn các quốc gia thành viên.

Toàn văn bản Nghị quyết 227 của Thượng viện [thông qua 07/07/2011], và được đồng bảo trợ của các TNS John Kerry, Massachusetts, Chủ tịch Ủy ban Ngoại Giao Thượng Viện, TNS Richard Lugar, Indiana và TNS James Inhofe, Oklahoma với toàn văn bản nội dung như sau [6]:

Mekong là con sông dài thứ 12 trên thế giới, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy suốt 3 ngàn dặm qua Trung Quốc, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam. Khúc Sông Mekong Hạ Lưu là nguồn nước ngọt, nguồn thực phẩm và cơ hội kinh tế cho hơn 60 triệu dân lưu vực.

Sự đa dạng sinh học của sông Mekong chỉ đứng thứ hai sau con sông Amazon, với khoảng 1,500 chủng loại cá trong số đó có hơn 1/3 thuộc loại di ngư/ migratory fish, ngược dòng Mekong và các phụ lưu trong chu kỳ sinh sản và tăng trưởng; đa số thuộc loại cá đánh bắt trao đổi thương mại.

Sông Mekong cũng là cái nôi của 2 quốc gia xuất cảng gạo lớn nhất là Thái Lan và Việt Nam [Ghi chú của người viết: vựa lúa của Thái Lan chủ yếu phụ thuộc vào đồng bằng châu thổ sông Chao Phraya chứ không phải sông Mekong] và là vựa cá nước ngọt lớn nhất với 4 triệu tấn mỗi năm trị giá lên tới 9 tỉ MK và cũng chiếm tới 80% lượng protein động vật của cư dân lưu vực.

Trung Quốc đã và đang xây 15 con đập trên dòng chính Mekong thượng lưu; Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam cũng đang hoạch định xây hoặc tài trợ cho 11 con đập dòng chính trên khúc sông Mekong hạ lưu. Các cuộc nghiên cứu khoa học đã rất quan tâm tới ảnh hưởng tác hại của các con đập dòng chính trên dòng chảy, nguồn cá và sinh vật hoang dã.

MRC là một tổ chức bao gồm 4 nước Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam qua một Hiệp Định Hợp Tác Phát Triển Bền Vững được ký kết tại Chiang Rai tháng 04, 1995 với thỏa thuận hợp tác quản lý con sông Mekong, phát triển theo hướng bền vững, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Mọi thành viên MRC cùng đồng ý “bằng mọi cố gắng phòng tránh, làm nhẹ hay giảm thiểu những hậu quả tác hại trên môi trường, đặc biệt với lượng và phẩm chất nước, hệ sinh thái nước / aquatic ecosystem, và sự cân bằng sinh thái của toàn con sông/ river system, do phát triển và xử dụng các nguồn nước Lưu vực Sông Mekong.” [Điều 7, Mekong Agreement 1995]

MRC đã bảo trợ cho công trình Lượng Giá Môi Sinh Chiến Lược/ Strategic Environment Assessment/ SEA đối với dự án các con đập dòng chính hạ lưu sông Mekong, và đã đi tới kết luận là các con đập có thể gây hậu quả nghiêm trọng về môi sinh bất khả phục hồi, cùng với những tổn thất lâu dài về tính đa dạng sinh học và sự lành mạnh của toàn hệ sinh thái sông Mekong.

Những thay đổi ấy có thể đe dọa tới “An Ninh Lương Thực” trong vùng, ngăn chặn nguồn di ngư, gây tổn thất trên tính đa dạng sinh học, giảm dòng chảy phù sa, gia tăng nạn nhiễm mặn, giảm lượng nông phẩm, và gây bất ổn cho các nhánh sông rạch và cả gây xạt lở vùng cận duyên Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Hoa Kỳ có những quyền lợi đáng kể cả về kinh tế và chiến lược trong lưu vực sông Mekong và những quyền lợi ấy có thể bị đe dọa nếu như việc xây những con đập dòng chính ấy có thể gây bất ổn chánh trị trong vùng/ region’s political stability at risk.

Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI do Bộ Ngoại Giao Mỹ khởi xướng vào tháng 7, 2009 liên kết 4 quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam trong những “vấn đề an ninh về nước/ water securities issues”, xây dựng tiềm năng vùng, và tạo thuận cho hợp tác đa phương trong vấn đề quản trị hữu hiệu các nguồn nước.

Tài trợ cho Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong khởi đầu chú tâm tới tới ba trụ/ pillars: môi trường, y tế và giáo dục_ riêng trụ thứ 4/ fourth pillar, cơ sở hạ tầng / infrastructure thì hầu như bỏ ngỏ và không có ngân khoản/ largely unfunded. Trong khi cơ sở hạ tầng là yếu tố thiết yếu/ critical element thăng tiến khả năng điều hợp việc xây dựng các công trình thủy điện trong vùng.

Ngày 22 tháng 9, 2010, Lào gửi tới MRC dự án đập Xayaburi để dược xét duyệt/ review; đây là con đập hạ lưu đầu tiên trong chuỗi 9 con đập dòng chính trong lãnh thổ Lào [Ghi chú của người viết: 2 con đập kia là Stung Treng và Sambor trong lãnh thổ Cam Bốt].

Ngày 19 tháng 4 năm 2011, các đại diện Ủy Ban Liên Hợp / Joint Committee MRC họp để thảo luận về dự án đập Xayaburi đã không đạt được sự đồng thuận nhưng cũng đồng ý với nhau rằng quyết định sẽ được hoãn lại cho tới kỳ họp cấp Bộ trưởng của 4 nước sắp tới.

Ngày 8 tháng 5, 2011, chánh phủ Lào đồng ý tạm hoãn công trình Xayaburi với kế hoạch khảo sát thêm về lượng giá môi trường/ environmental assessment, nhằm đáp ứng mối quan tâm của các quốc gia láng giềng.

Từ những dữ kiện trên, Thượng Viện Hoa Kỳ…

(1) kêu gọi chánh phủ Mỹ nhận định rõ sự khác biệt hoàn cảnh giữa các quốc gia ven sông Mekong, bao gồm các khía cạnh năng lượng, tài nguyên thiên nhiên, và đồng thời hỗ trợ cho nền tảng phát triển hiệu quả/ cost-effective đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện, tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo khó.

(2) kêu gọi các đại diện của Hoa Kỳ trong các ngân hàng phát triển đa quốc gia vận dụng tiếng nói và quyền đầu phiếu đề chống lại việc hỗ trợ tài chính cho các dự án đập thủy điện dòng chính Mekong nếu chưa được phối hợp đầy đủ trong phạm vi vùng và có thể gây những tác hại đáng kể về môi trường, đời sông cư dân, và phát triển kinh tế ven sông và trong lưu vực.

(3) khuyến khích Hoa Kỳ gia tăng cam kết với các quốc gia Mekong qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI và gia tăng hỗ trợ “năng lượng và an ninh nước” thuộc vùng Đông Nam Á.

(4) kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ lãnh đạo Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI quan tâm nhiều hơn tới khả năng xây dựng các dự án về năng lượng và cơ sở hạ tầng nước.

(5) hoan nghênh quyết định của chánh phủ Lào tạm hoãn xây công trình đập Xaburi để đáp lại mối quan tâm của các quốc gia lân bang.

(6) hỗ trợ hoãn xây chuỗi các con đập dòng chính Mekong cho tới khi các cuộc lượng giá môi sinh hoàn chỉnh, đồng thời với kế hoạch điều hợp đa phương được hoàn tất.

(7) kêu gọi mọi quốc gia ven sông Mekong, bao gồm cả Trung Quốc tôn trọng quyền của các quốc gia khác trong lưu vực và cần quan tâm tới bất cứ sự bất đồng hay mối e ngại nào đối với các dự án đập sông Mekong.

(8) khuyến khích các thành viên của MRC tôn trọng thủ tục “tham vấn trước/ prior consultation” qua tiến trình xây đập trải với các giai đoạn như: Thủ tục Thông báo / Procedures for Notification, Tham vấn trước / Prior Consultation, Chuẩn thuận / Agreement.

(9) Kêu gọi các chánh phủ Miến Điện và Trung Quốc cải thiện hợp tác với MRC, chia xẻ thông tin về lưu lượng nước và tham dự vào các tiến trình quyết định trong vùng/ regional decision-making processes, trong phát triển và xử dụng sông Mekong. Và:

(10) hỗ trợ các quốc gia hạ lưu Mekong thu thập dữ kiện và phân tích ảnh hưởng các dự án phát triển dọc theo sông Mekong.

MỘT KHỞI ĐẦU RẤT
TƯỢNG TRƯNG CỦA HOA KỲ

Sự trở lại khu vực Đông Nam Á của Hoa Kỳ qua Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI, còn mang tính cách rất tượng trưng với một ngân khoản đầu tư chưa tương xứng so với tầm vóc của chánh sách và nhu cầu của các quốc gia trong lưu vực. Lại càng chưa thể nói là có khả năng “đối trọng” đối với áp lực bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, khi mà Bắc Kinh đang ở thế thượng phong trong Lưu Vực Lớn Sông Mekong / Greater Mekong Subregion/ GMS so với Hoa Kỳ trong nhiều lãnh vực:

_ TQ có một địa dư tiếp cận, sở hữu một nửa chiều dài con sông Lancang-Mekong chảy xuyên suốt qua 6 quốc gia thay vì là cả một khoảng cách đại dương.

_ TQ đang và sẽ sở hữu thêm những con đập dòng chính khổng lồ trên thượng nguồn khiến con sông Mekong trở “thành tháp nước và nhà máy điện” của Trung Quốc. [8]

_ TQ đã và đang mở rộng những đặc khu kinh tế SEZs/ Special Economic Zones “Made in China” trong lưu vực [ Lào, Cam Bốt, Việt Nam] với nhân lực tài lực và các hạ tầng cơ sở có khả năng bám trụ lâu dài.

_ TQ có một lực lượng quân sự được quyền ngang nhiên tuần tra trên sông Mekong bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc từ tháng 12, 2011 nhằm bảo vệ an ninh và những đặc quyền kinh tế. [7]

_ TQ đang tận khai thác tình trạng phân hóa khối ASEAN và các quốc gia Mekong, điển hình là sự rạn vỡ của ba nước Đông Dương với Cam Bốt và tiếp theo là Lào đang tách rời Việt Nam đi dần vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

_ TQ có một nguồn tiền gần như vô hạn, là chủ nợ của Hoa Kỳ, và dư khả năng để tài trợ cho các công trình cơ sở hạ tầng và cả những con đập hạ lưu sông Mekong.

Ngay cả chưa nói tới nguồn tiền từ Trung Quốc, khai thác thủy điện sông Mekong nay có phần dễ dàng hơn nhiều khi mà số vốn đầu tư có thể đến từ những ngân hàng thương mại địa phương [như Thái Lan, Mã Lai, Việt Nam…] thay vì như trước đây phải được tài trợ từ các tổ chức tài chánh quốc tế lớn mà Mỹ rất có ảnh hưởng như Ngân hàng Thế giới / World Bank, Ngân hàng Phát triển Á châu / ADB.

Thiếu thực chất / short on substance là thực trạng hiện nay của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI. Các viên chức Hoa Kỳ từ Hành Pháp tới Lập Pháp thì đã nói nhiều về cam kết với vai trò mở rộng của Hoa Kỳ trong Lưu Vực Sông Mekong nhưng “tổng số đầu tư thì chưa đáng kể” để có thể hỗ trợ cho các cuộc nghiên cứu về lượng giá ảnh hưởng tích lũy của các dự án đập trên dòng chính sông Mekong. Dĩ nhiên, có một cái giá tương xứng phải trả để Hoa Kỳ có thể trở lại khu vực Đông Nam Á với thế mạnh và có khả năng đối trọng với Trung Quốc.

Trong bài kế tiếp, người viết sẽ bàn về những bước triển khai và hiện thực của Sáng Kiến Hạ Lưu Mekong/ LMI cùng với những đề xuất.

Ngô Thế Vinh

*********
THAM KHẢO:

1. Challenge to Water and Security in Southeast Asia; U.S. Senate Committee on Foreign Relations; Presiding: Senator Webb, Thursday, September 23, 2010;
http://www.foreign.senate.gov/hearings/hearing/?id=4c2fd291-5056-a032-52fd-414f26c49704.

2. Testimony of Aviva Imhof, Campaign Director, International Rivers Before the Senate Committee on “Challenge to Water and Security in Southeast Asia”, Sept 23, 2010
http://foreign.senate.gov/imo/media/doc/Imhof.pdf.

3. Mekong, Tipping Point: Hydropower Dams, Human Security and Regional Stability; Richard Cronin, Timothy Hamlin; The Henry Stimson Center 2010; www.stimson.org .

4. Press Releases: Senator Webb: Mekong River Commission Announcement on Xayaburi Dam “Important Step Toward Responsible Policy”; December 8, 2011;
http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/2011-12-08-02.cfm.

5. Sen. Webb Calls on Sec. Clinton to Strengthen Cooperation to Avert Crisis in Mekong River Region of Southeast Asia. Says U.S. should consider withdrawing funding for Mekong River Commission if environmental standards are not met. http://webb.senate.gov/newsroom/pressreleases/10-27-2010-02.cfm.

6. In The Senate of The United Stated,; The full text of S.Res. 227 (as passed July 7, 2011), (Mr. Webb, Mr. Inhofe, and Mr. Lugar) A resolution calling for the protection of the Mekong River Basin and increased United States support for delaying the construction of mainstream dams along the Mekong River.

7. Mekong River Patrols in Full Swing but Challenges Remain
Publication: China Brief Volume: 12 Issue: 4
February 21, 2012; By: Ian Storey

8. The Damming of the Mekong:?Major Blow to an Epic River; Yale Environment 360 by fred pearce, June 16, 2009
http://e360.yale.edu/feature/the_damming_of_the_mekong_major_blow_to_an_epic_river/2162/

9. China Sees U.S. as Competitor and Declining Power, Insider Says; By Jane Perlez, April 2, 2012;
http://www.nytimes.com/2012/04/03/world/asia/chinese-insider-offers-rare-glimpse-of-us-china-frictions.html?_r=1&hp

Cựu Kim Sơn
Chưa Hề Giã Biệt
* Gửi Nguyễn Trùng Khánh

Thế rồi, cái gì phải đến cũng đến. Ngày trở về Việt Nam đã tới. Mấy tuần trước đó có vài người khuyên tôi nên ở lại. Nếu tôi muốn họ sẽ giúp tôi trốn sang Canada. Tôi lưỡng lự mãi. Một bên là cám dỗ của một đời sống mới, tự do và đầy đủ tiện nghi. Một bên là nỗi nhớ nhung, mái tóc bạc của bà mẹ già, ngọn gió rì rào trong bụi tre ngà, một tô phở nóng, một cái gì rưng rức khó tả. Và nhất là cuộc đối thoại ngắn ngủi giữa bác sĩ Rieux và Rambert trong La Peste của Camus : “Il n’y a pas de honte à préférer le bonheur, mais il peut avoir de la honte à être heureux tout seul”. Tôn Kàn, Quan hai lang tây lính thủy đánh bộ. (tr.94-95 TSYS 1993)

Tiếng leng keng của chiếc tàu điện đang đổ dốc với chật ních du khách đứng lan cả ra thành tàu, trên một nền xa mờ thấp thoáng chiếc cầu Golden Gate: cảnh ấy như biểu tượng của Cựu Kim Sơn không đổi thay từ bao năm trên tấm Postcard gửi đi từ thành phố thanh lịch mỹ miều này. Từ ngày hôm ấy, mười lăm năm sau, chẳng thể nghĩ rằng hơn một lần Phan trở lại nơi đây. Cảm giác như không hề có thật.

Cuộc hành trình qua suốt 15 tiểu bang, trong một khoảng thời gian không dài, để thấy cái mông mênh của tân lục địa và những cơ hội cho người lưu dân mới tới. Mỗi nơi là một quyến rũ bào chữa bảo chàng không về. Cùng chuyến đi với Phan, có Chính. Không thắc mắc vấn nạn, Chính đã có ý định ở lại ngay từ ngày còn bên nhà. Biết nhau từ hồi Đại học xá Minh Mạng. Chính học giỏi nhưng chẳng may Tú tài chỉ đậu bình thay vì ưu hạng nên đã một lần lỡ mộng du học. Sau đó Chính chọn Y khoa, là một trong số những nội trú xuất sắc, được chọn vào Ban Giảng huấn và cho đi du học Mỹ sau đó. Khi tới thăm Walter Reed, có dịp gặp lại Chính ở Hoa Thịnh Đốn giữa mùa hoa anh đào nở. Chính cũng đang bay qua nhiều tiểu bang cho những cuộc Interviews để được chọn vào chương trình Nội trú các bệnh viện. Câu chuyện rồi cũng lại xoay quanh chuyện ở hay về. Hắn thuyết phục Phan bằng vô số những “bởi vì”, rằng không chấp nhận cộng sản phía bên kia, cũng không thể chấp nhận thối nát của bên này, rằng sớm muộn Mỹ cũng sẽ bỏ rơi miền Nam. Chính đã dứt khóat khôn ngoan xử dụng trí thông minh và cơ hội để chọn một cuộc sống lưu dân êm ấm. Không phán đoán mà rất thản nhiên với chuyện lựa chọn của Chính. Phan còn lý luận tốt cho bạn, rằng thông minh như nó lại có cơ hội, biết đâu hắn chẳng trở thành một giáo sư y khoa lỗi lạc. Trường hợp Chính cũng như nhiều nhân viên giảng huấn được gửi đi mà không trở về chỉ nằm trong hiện tượng “brain drain” rất phổ quát của trí thức năm châu. Người ta luôn luôn nhắc tới một bà mẹ Teresa yếu đuối tận tụy hy sinh giúp những người bệnh nghèo ở Ấn nhưng chẳng ai chú ý tới sự hiện diện của hàng chục ngàn bác sĩ Ấn độ không thiếu những thành phần lỗi lạc vẫn tiếp tục hàng năm đổ thêm vào nước Mỹ. Chính cũng chỉ là một giọt rất nhỏ nhoi giót thêm vào lượng nước của một chiếc ly chẳng bao giờ biết đầy.

Bước vào tuổi 30, chưa xa lâu sân trường đại học nhưng những năm thực sự lăn lộn với những người lính chiến trận, Phan thấy mình vĩnh viễn bước ra khỏi đời sống sinh viên tự bao giờ. Cảm giác ấy thật rõ ràng khi vào ngày cuối tuần, Phan thường sang bên khu Đại học Berkerley hiện đại và cổ kính, tìm sự hoà mình để càng thấy rõ là người đứng bên lề. Khá đông sinh viên Việt ở nội trú trong Campus, đa số gốc con ông cháu cha ở Sài Gòn nhưng phản chiến hơn cả sinh viên Mỹ. Chưa hề biết đồng quê là gì nhưng lại biết mặc đồng phục bà ba đen khi lên sân khấu hát “Quảng bình Quê ta ơi” và tích cực quyên tiền giúp Mặt trận Giải phóng. Không, chẳng phải vì cái sân khấu ấy mà Phan có mặt; thực ra Phan có phần đời sống riêng tư ở bên đó. Phương Nghi em gái một đồng nghiệp, thông minh ngây thơ và mong manh trẻ đẹp, có thể chỉ là hình ảnh giấc mộng trăm năm của đời chàng. Làm sao nỡ đem cái mong manh dễ vỡ ấy trở về để mà bắt chia xẻ với chàng những giông bão và bất trắc. Lần gặp Phương Nghi tối qua rất khuya đi giữa các đường phố nhỏ chỉ có những nam nữ sinh viên, chưa hề nói câu từ biệt nhưng Phan cảm tưởng rất rõ đó là chuyến gặp nhau lần cuối cùng…

Buổi sáng nắng đẹp, cầu Golden Gate rực rỡ ửng hồng, nơi mỏm sương mù gần bệnh viện Letterman vẫn như còn sương khói ẩn hiện mờ mờ. Đứng trên chiếc du thuyền, phơi mình trong nắng chan hòa nhưng vẫn thấm lạnh vì từng đợt từng đợt những cơn gió từ biển thổi sâu vào trong vịnh. Không suy nghĩ, như một cử chỉ dứt khoát, Phan ném chiếc máy ảnh, cả những cuộn phim rơi sâu xuống lòng vịnh. Hành động trong khoảnh khắc tưởng như chẳng có ai có thể chứng kiến. Một bà Mỹ già, đôi mắt vui và rất sáng đang tiến lại phía chàng. Hình như ông đã để rơi chiếc máy hình xuống biển. Thay cho câu trả lời Phan nói rất bâng quơ. Gió thổi vào vịnh lớn quá thưa bà. Một tay giữ cổ áo, bàn tay trắng đẹp đẽ kia xuôi vuốt mái tóc bạch kim lấp lánh ánh nắng. Chả thế mà tôi cũng vừa bị thổi băng chiếc mũ lông xuống mặt nước. Rồi bà lân la gợi chuyện. “Ông có phải từ Việt Nam không? Tôi cứ nghĩ ông là người Việt Nam, tôi muốn hỏi tin tức và tình hình bên đó. Cứ theo tin truyền hình CBS thì rối mù, chỉ thấy cảnh lính Mỹ châm lửa đốt nhà dân quê, lại tới vụ thảm sát cả đàn bà trẻ em ở Mỹ Lai. Đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu tại sao thằng con trai tôi phải có mặt bên đó”. Thấy Phan không hào hứng bắt chuyện, người đàn bà vẫn lại vui vẻ đi về phía những du khách đang tụ lại nơi mũi tàu. Tuổi già, du lịch giúp bà trốn chạy ra khỏi căn nhà rộng trống trải của mình. Không ngờ cái xứ sở Việt Nam nhỏ bé xa hơn nửa vòng trái đất ấy đã bắt đầu để hằn sâu những dấu ấn trên lục địa này. Hôm sang Palo Alto tới thăm đại học Stanford, như mọi campus khác trên khắp nước Mỹ đang hừng hực những phong trào Sit-in, Teach-in phản chiến. Đốt cờ, đốt thẻ trưng binh, trốn ra nước ngoài, đến vụ tự thiêu chết ở Hoa Thịnh Đốn, xã hội Mỹ đang phân hóa đến cực điểm giữa cao độ của cuộc chiến tranh đã lan ra cả Đông Dương. Sau Thích Quảng Đức, tự thiêu không còn là một hình thức phản đối bất bạo động của Phật giáo mà đã trở thành phương thức đấu tranh của cả sinh viên Mỹ.

Phan được hướng dẫn dặn rất kỹ không bao giờ mang quân phục hay có dấu hiệu của quân đội vì có thể bị hành hung và cả đốt xe. Cũng ngày hôm đó một đám sinh viên Mỹ kéo tới nằm trên đường rầy xe lửa chặn không cho các chuyến tàu chở vũ khí bom đạn tới cảng Oakland để chuyển đưa sang Việt Nam. Vĩnh biệt Cựu Kim Sơn. Thanh thản nhẹ nhàng không lưu luyến buồn vui, để rồi ngày mai chưa biết ra sao nhưng chàng sẽ trở về với bà mẹ già, những người lính đồng đội và cánh đồng lúa thơm chín vàng của Việt Nam. Chẳng phải Cựu Kim Sơn, Phan đã để trái tim mình ở Sài Gòn. Chàng mơ ước cho xứ sở cái sung túc mà người Mỹ đang có nhưng bằng niềm tin tạo dựng với sức lao động vốn siêng năng của người dân mình…

Những năm sau hồi hương, trở lại cuộc sống của một bác sĩ quân y bình thường. Lương sĩ quan, không thể gọi là dư giả, cuộc sống người thầy thuốc bận bịu với những người lính và gia đình họ nhưng thanh thản. Vốn không nhiều lý luận, không mang nặng luân lý hy sinh của các bà sơ, nhưng Phan nhạy cảm sống nhiều bằng trực giác. Gặp khó khăn, phải làm việc trong những điều kiện thiếu thốn như một hoàn cảnh chung của cả nước, Phan vẫn tìm cách giải quyết mà anh cho là tốt nhất có thể được khi anh xem mỗi người bệnh ấy như phần ruột thịt thân yêu của gia đình mình. Không quá nhiều tham vọng, lại không thích chánh trị mà anh cho là thời cơ và giả dối; bằng những cố gắng bình thường mỗi ngày, Phan thấy mình có ích và nghĩ như vậy là hạnh phúc. Những tháng ngày sống ở Mỹ như một thế giới rất xa xôi với hiện tại của chàng…

Ngày hôm đó đang nghỉ phép giữa một Sài Gòn đầy xao xuyến, về chuyện ở đi, Phan lại có một quyết định, có thể gọi là lầm lẫn được không, lần thứ hai thay đổi cả hướng đi của đời mình. Chiếc máy ảnh và cả cuộn phim nằm sâu ở một nơi nào đó trong lòng vịnh Cựu Kim Sơn, vẫn ám ảnh Phan như một lời nguyền ngăn chàng không thể trở lại nơi ấy lần thứ hai. Khi mà cứ điểm cuối cùng là Sài Gòn cũng không còn hy vọng đứng vững, thì người ta bắt đầu chạy tứ tán ra các vùng biển, nhào vào các hải cảng và phi trường để tìm phương tiện thoát thân. Bọn du kích đã ra mặt kiểm soát các trục lộ ra Vũng Tàu, xuống Rạch Giá. Từ cảng Sài Gòn đa số tàu Hải quân đã theo đội hình tác chiến bắn phá dữ dội dọc hai bên sông trên đường ra biển từ hai hôm trước. Còn lại phi trường Tân Sơn Nhất, tuy lác đác bị pháo kích nhưng vẫn còn những chuyến bay lên xuống. Chuyến bay dân sự cuối cùng đã phải trở lại Hồng Kông. Số máy bay thưa dần nhưng lượng người đổ vào trong phi trường càng đông cho dù đám quân cảnh ra sức mạnh tay ngăn cản. Bây giờ chỉ những chuyến xe có người hướng dẫn với Manifest của chuyến bay mới được phép vào cổng phi trường. Đây là cơ hội cho những nhân viên trung cấp của toà Đại sứ Mỹ qua trung gian của các bà vợ Việt tung hoành. Cũng chẳng cần có liên hệ mật thiết với chánh phủ Hoa Kỳ hay toà Đại sứ Mỹ, nếu có tiền đô la hay vàng, là có thể thêm tên vào danh sách hành khách cho một chuyến bay nào đó sắp tới. Xứ sở này đã hơn một lần được báo Mỹ mệnh danh có một nền văn hóa tham nhũng/ culture of corruption, đã rất sớm dạy cho những người Mỹ cách tham nhũng, kể cả những vụ đổ hàng PX lậu từ Tân Cảng tới các bãi rác, đủ mọi thứ hàng gì, kể cả súng. Và bây giờ ở trận chiến tàn, trong chuyến tàu vét, họ đang thản nhiên ra giá cho những tấm vé nếu chưa phải để tới thiên đường thì ít ra cũng thoát ra khỏi quần đảo ngục tù hay cả cái chết.

Phan với vợ và con nhỏ, cùng bốn năm gia đình khác, mỗi người với túi hành lý nhẹ, ngồi kín chiếc xe van chờ bốc họ nơi sân sau của một khách sạn gần trung tâm thành phố. Mỗi người bước lên xe là một trao đổi sòng phẳng. Không biết bằng cách nào, có lẽ qua giúp đỡ của gia đình, vợ Phan đã đưa được tên cả ba người vào danh sách. Người đàn bà quá hiểu chồng, sống bằng trực giác phụ nữ, nàng tìm cách chuyển con sang tay Phan. Như vậy nàng có thể yên tâm cho tới khi vào được bên trong của phi trường. Dù lẫn cả trẻ con nhưng sao không khí thật nặng nề và im lặng. Chiếc xe lầm lũi chạy nhanh trên các đường phố nhao nhác. Đám người trên hè phố tụ tập bàn tán, chỉ chỏ nhìn dõi theo chiếc xe mà chắc họ cũng biết là đang hướng về phía phi cảng.

Xe tới gần Bộ Tổng Tham mưu, vẫn còn rải rác những người lính đứng canh giữ. Canh giữ cho một tổng hành dinh trống trơn. Không ra khỏi cổng, nhưng các ông tướng còn lại đã thoát khỏi bộ Tổng tham mưu bằng những chiếc trực thăng cuối cùng. Con bé lại làm xấu, nước đái thơm ấm thấm xuống cả đùi chàng. Chuyền lại đứa con sang tay vợ, như có linh tính con bé nhất định ôm chặt lấy bố, oà khóc khi lọt sang vòng tay mẹ nó. Khi chiếc xe vừa dừng lại nơi trạm kiểm soát, do một quyết định rất nhanh, không biết có tự bao giờ, Phan mở cửa bước xuống, dặn vói vợ. Em và con đi trước, rồi anh sẽ gặp hai mẹ con. Phan tránh không nhìn thẳng vào khuôn mặt vợ, vì biết mình chẳng thể cứng lòng quyết định dứt khoát về một cuộc chia ly như vậy…

Gần trưa ngày 30 tháng 4. Tướng Big Minh qua đài phát thanh kêu gọi buông súng. Hoang mang, ngỡ ngàng, rồi bàng hoàng đau đớn. Lệnh đầu hàng là “phát súng thi ân” cho những đơn vị quyết tâm tử thủ cho tới viên đạn cuối cùng… Trên đường Công Lý, từ hướng phi trường Tân Sơn Nhất, không biết từ bao giờ, chuẩn uý Ngộ và tiểu đội của anh vẫn trật tự lầm lũi theo hàng một tiến về hướng Dinh Độc Lập. Trước đó nhiều ngày đơn vị anh và các tiểu đoàn Nhảy Dù đã bám trụ ngày đêm từ Ngã tư Bà Quẹo tới cổng Phi long, như nút chặn vững chãi cho cửa ngõ đi vào Sài Gòn và cả bảo vệ vòng đai phi trường. Người chuẩn úy da sạm đen, gương mặt xương gầy với đôi mắt rất sáng nhưng buồn. Súng lục trễ bên hông, trên tay một cây gậy nhỏ, dẫn đầu tiểu đội 12 nguời lính da cũng đen sạm trong những bộ rằn ri lấm bụi bạc sờn. Không chút ảnh hưởng nao núng bởi những khuôn mặt dân chúng hoảng loạn giữa một thành phố xao xác, họ vẫn đều bước theo chân người chuẩn úy, với ba lô trên vai và mũi súng chúc xuống. Có điều gì đó rất thiết thân và thiêng liêng ràng buộc giúp họ thắng mọi sợ hãi trong nỗi sống chết không rời. Cuộc diễn hành kỳ lạ với không trống chiêng không cờ xí, hoàn toàn vắng mặt hàng Tướng lãnh đẹp đẽ trong nhung phục với ngực đầy huy chương trên kỳ đài, mà chỉ có những sĩ quan cấp thấp như chuẩn úy Ngộ và các đồng đội vô danh của anh vẫn can đảm bình thản tới gần tuyến lửa, đi tới trong kỷ luật đội ngũ, diễn qua rải rác những đám đông dân chúng lớn nhỏ tụ tập nhao nhác trên các con phố của một Sài Gòn đang chết dần.

Đã bao năm rồi, biết bao nhiêu nước chảy qua cầu, có quá nhiều điều để không thể nào quên. Ngay trong tù đày, những hình ảnh hồi tưởng chưa bao giờ là cuộc duyệt binh vĩ đại đày màu sắc và ồn ào của ngày Quân Lực; mà luôn luôn là những bước chân diễn hành thầm lặng của một tiểu đội lính vô danh ở ngày giờ cuối cùng của một thành phố trước khi mất tên Sài Gòn. Người chuẩn úy ấy bây giờ ở đâu, trong một trại cải tạo nào, còn sống hay đã chết, số phận những người lính can đảm kỷ luật tới giờ phút chót ấy bây giờ ra sao, cũng không ai được biết. Liệu có thêm được một giòng chữ nào giữa những trang quân sử viết dở dang để nói về cuộc diễn binh kỳ lạ cấp tiểu đội mang biểu tượng hào hùng của quân lực ở ngày giờ cuối cùng trước khi cả toàn quân tan hàng rã ngũ…

Ở cái tuổi gần 50 không còn trẻ nữa, mái tóc đã pha chút điểm sương, khi người thầy thuốc là con bệnh, lần thứ hai trở lại lục địa cơ hội này, lẫn trong đám đông phức tạp của những người tỵ nạn mà Phan tưởng rằng đã có thể tách ra từ bao lâu rồi. Được các nhân viên xã hội dắt từ sân bay tới trạm tiếp đón, đó là một hangar trống trải nhưng rộng mênh mông ngay trong phi trường, với trang trí chỉ là một lá cờ vĩ đại ba màu xanh trắng đỏ sặc sỡ những sao và sọc. Rồi cũng như mọi người, Phan chờ cho được kêu tên để đứng vào hàng làm thủ tục giấy tờ, để được phát chiếc áo ấm cùng một màu nâu đồng phục, để được hướng dẫn bước đầu hội nhập vào xã hội Mỹ. Người đàn ông cán sự xã hội rất nhanh nhẹn và hoạt bát, thao thao bất tuyệt với giọng Bắc nhưng vẫn là âm gốc Huế. Anh dí dỏm kết luận bài học công dân đầu tiên: “Xin nhớ cho đây không còn là ở Việt Nam nữa, quý vị bây giờ đang ở trên đất Hoa Kỳ, đã có hoàn toàn tự do, kể cả tự do phê bình tổng thống hay quốc hội, nhưng – anh ta ngưng lại một chút như để tự tán thưởng bằng một nụ cười riêng thú vị: nhưng quý vị sẽ không có tự do trốn thuế. Trốn thuế ở Mỹ thì chỉ có ở tù và được coi là tội nặng nhất…”

Phan vẫn còn ngạc nhiên không hiểu lý do nào vấn đề đóng thuế lại được quan tâm đến như vậy ở đám người tỵ nạn mới tới mà nguồn sống lợi tức trước mắt chỉ là đồng tiền “oen phe”. Quanh Phan, mấy chú ba gốc Chợ Lớn có vẻ rất tập trung và nghiêm túc tiếp thu bài lên lớp đầu tiên ấy. Mũi dao trên trái tim, đó là Chữ Nhẫn Phan học được ở những tháng ngày dài đẵng vô ích và lãng phí của tù đày. Lúc này, không có chỗ cho cảm giác mỏi mệt, không buồn bã, không cả dư vị đắng cay, như một thói quen vô cớ Phan tự mỉm cười và hơn bao giờ hết anh hiểu rất rõ vị trí của mình khi chưa có được “một tấm căn cước” để bước vào cuộc sống mới. Khoảng cách mười lăm năm ấy bỗng dưng bị xóa nhoà. Phải chăng có một ràng buộc định mệnh, Phan đã trở lại Cựu Kim Sơn như chưa hề nói một câu giã biệt.

Ngô Thế Vinh

1 4 5 6 7 8 18