Linh Phương

Linh_Phng

Để Trả Lời Một Câu Hỏi
* Kỷ Vật Cho Em

Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời mai mốt anh về
Không bằng chiến trận Pleime
Hay Đức Cơ – Đồng Xoài – Bình Giả

Anh trở về hàng cây nghiêng ngã
Anh trở về hòm gỗ cài hoa
Anh trở về bằng chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng

Mai trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Mai trở về bờ tóc em xanh
Vội vã chít khăn sô vĩnh biệt

Mai anh về em sầu thê thiết
Kỷ vật đây viên đạn mầu đồng
Cho em làm kỷ niệm sang sông
Đời con gái một lần dang dở

Mai anh về trên đôi nạng gỗ
Bại tướng về làm gã cụt chân
Em ngại ngùng dạo phố mùa xuân
Bên người yêu tật nguyền chai đá

Thì thôi hãy nhìn nhau xa lạ
Em nhìn anh – ánh mắt chưa quen
Anh nhìn em – anh sẽ cố quên
Tình nghĩa cũ một lần trăn trối.

Nhà Thơ Và Thiên Sứ

Chàng đi về phía biển
Mênh mông gió-mênh mông nước mắt
Gió thổi nỗi đau bay ra đại dương xanh ngát
Gió thổi nước mắt tan vào hư vô
Sóng thần dìm chàng giữa cơn cuồng nộ
Mặt trời thiêu rụi bầy kên kên rỉa xác người
Ngày tận thế được tính từng phút-từng giờ
Khi tên tông đồ rắp tâm phản bội
Để Chúa phải chịu bị hành hình trên thập giá

Thiên sứ chạy đến cánh đồng đầy hoa
Hái những bông hoa chảy máu trong đôi bàn tay xinh đẹp
Rải khắp chỗ Kosala akya Siddrtha ngồi nhập diệt
Bầy rắn hung hãn nằm dưới chân núi Hymalaya
Chờ giết chết sự lọc lừa-giả dối

Ngày tận thế được tính từng phút-từng giờ
Muhammad không thể thay đấng toàn năng khai thiên lập địa
Nàng quỳ xuống đọc kinh Qu’ran – kinh Thánh -kinh Phật
Khi tất cả nhân loại đều biến mất

Thuở hồng hoang tái lập
Sông Hằng chỉ còn hai người
Nhà thơ và thiên sứ

Mai Em Về Bên Ấy

Có một điều anh không thể quên
Khi bàn tay chạm vào khuôn ngực
Dưới lớp áo mỏng tanh nẩy hạt
Đợi mùa sang chớm nụ hoa tình

Mai em về bên ấy một mình
Anh gởi nắng quê nhà hong ấm
Má em hồng và môi em thắm
Nồng nàn hương trời đất Việt Nam

Mai em về bên ấy xa xăm
Đem theo nhé! Chùm hoa Phượng đỏ
Đem theo nhé! Con đường-góc phố
Để mà thương-mà nhớ Sài Gòn

Nơi ngày xưa anh đã lớn khôn
Tuổi mười tám bướm hoa mơ mộng
Tuổi mười tám lên đường ra trận
Mang tình yêu canh cánh trong lòng

Mai em về bên ấy buồn không ?
Rừng có nở đầy bông hoa tuyết
Gió có thổi tạt vào mắt biếc
Chút mưa bay mây xám giăng mù

Anh ở đây chờ lá vàng thu
Hồn hiu hắt hết đời lưu lạc
Chiều nay rồi bao nhiêu chiều khác
Vẫn là anh lặng lẽ đợi chờ

Anh Về
Không Lá Diêu Bông

Một hôm anh
nhớ cánh đồng
Lúa non vội chín
để vàng chiều xưa

Thương ngày
em đứng dưới mưa
Thuở anh yêu
lúc đời chưa
dập vùi

Một hôm
gió thổi vụt vù
Sông mênh mông rộng
mà đò bặt tăm

Anh về
không lá diêu bông
Cho nên chẳng được
làm chồng của em

Cây dằm
ai để giữa tim
Cho anh đau khổ
triền miên kiếp người

Bao năm rồi
vẫn còn ngờ
Ở đâu đó
em thẫn thờ
đợi anh

Tóc Em Thơm
Mây Khói Sài Gòn

Mùi anh xin gởi lại cho người
Tay níu vội khoảng trời xanh thương nhớ
Mắt em buồn sầu vương mây khói
Tóc em thơm mây khói Sài Gòn

Bàn chân hồng in dấu nụ hôn
Hương em đọng trên môi anh mãi
Vẫn tiểu thư của thời trẻ dại
Em hiền ngoan e ấp buổi hẹn đầu

Mấy mươi năm mình lạc mất nhau
Hội ngộ rồi em ơi đừng khóc ?
Ôm thật chặt -siết vòng ôm thêm chặt
Hơi hướm nào ngai ngái không tan

Mùi anh xin gởi lại Sài Gòn
Trao cho em dẫu đời còn xa cách
Trao cho em một tình yêu duy nhất
Anh giấu kín lâu rồi trong trái tim thơ

Giữ nhé em ngày đợi -đêm chờ
Tay níu vội giấc mơ chồng vợ
Giữ nhé em mắt sầu vương mây khói
Để tóc em thơm mây khói Sài Gòn

Linh Phương

Lê Văn Trung

Mộng Tàn

Nhớ mùa trăng cũ
Bên song
Em ngồi đan aó cho chồng phương xa-
Tôi về
Tạt ghé thăm nhà
Màu trăng vàng lạnh
Mắt nhòa hơi sương—-
Lênh đênh tôi
Cuộc tình buồn
Nửa đời lưu lạc
Tay không
Mông tàn

Yêu em
Thôi vậy
Cũng đành
Ba chìm bảy nổi
Gập ghềnh
Ngược xuôi
Yêu em
Đành vậy
Ngậm ngùi
Năm tàn
Tháng lụn
Bóng đời tàn phai.

Ta Về Một Bóng
Bên Đường

Ta về
Hiu hắt con đường cũ
Hàng phượng buồn
Quên chưa trổ bông
Mưa tạt qua sông rờn rợn sóng
Gió oan khiên buốt lạnh trong hồn

Ta về
Ga vắng
Con tàu nhỡ
Nét chữ ai đề lạnh vết rêu
Ta đọc như kinh
Bầm nỗi nhớ
Niềm đau dâu biển nửa câu Kiều

Ta về
Hiên vắng
Nhà hoang
Gọi
Tên người
Nghe vọng tiếng buồn phai
Ta gom hết lá vàng năm cũ
Mới thấy lòng xưa cũng đổi mùa

Ta về
Quên
Nhớ
Thôi đành vậy
Áo bạc màu theo cuộc nhiễu nhương
Em còn đâu đó
Phương trời lạ
Ru giùm ta mấy khúc đoạn trường

Ta về
Một bóng
Soi bờ nước
Thấy đời mình chao một thoáng maay
Tay mỏi vổ buồn thanh gươm rỉ
Đời người như sợi tóc tàn phai.

Bi Khúc 72…

Hãy khóc
dù một lần
cho cuộc đời này
cho cuộc tình này
cho tôi
và cho em
nước mắt sẽ chảy vào
mạch máu của nỗi khổ đau
của niềm khát vọng
của hạnh phúc bị chìm khuất
nước mắt sẽ chảy vào
từng thớ thịt của nỗi đam mê
từng tế bào của niềm bi uất
từng hơi thở của nỗi bất hạnh
nước mắt sẽ chảy vào
giữa trái tim chúng ta
đang từng nhịp đập
mòn mỏi
đang từng nhịp vỗ
muộn phiền
hãy khóc lên em ơi
nước mắt là dòng suối chảy qua đời ta
từ nguồn cội cô đơn
khi chúng ta chỉ là hai hạt bụi..

Bi Khúc 69, 70…

Em ạ em làm sao hiểu được
tôi là mây muôn vạn kiếp là mây
đời mây sẽ trôi tan vào trong gió
chìm trong sương và đắm giữa rừng cây
em đứng giữa đồi cao nhìn mây trắng
mây trong em mây trong mắt trong hồn
mây chảy xuống và mây chìm trong tóc
mây trườn qua ngực biếc buổi tình xuân
em đứng giữa vườn mây mà chợt khóc
mây trọn đời tan cuối cõi trời không.

70.
Cho tôi vui với! Cuộc đời!
hồn tôi mở cửa gọi người trần gian
cho tôi tình ái mê hoan
máu tôi đỏ thắm chảy tràn nguồn thơ
cho tôi môi mắt dại khờ
vườn tôi nắng hạn đã khô cháy long
cho tôi một chút son hồng
một chút hương một chút nồng nàn say
cho tôi vui vơí! một ngày!
trăm năm tôi trọn đêm dài bão giông
rồi trong suốt cuộc tình buồn
tôi xin tạ hết tấm lòng cỏ cây
bốn phương bải rộng sông dài
đời vui có vẹn một ngày không em?

Cùng Lận Đận
Bên Trời Một Lứa
* tặng Phạm Ngọc Lư

bao năm chưa gặp lại
giờ người đã thế này
áo giang hồ bạc thếch
rượu giang hồ còn say?

ta một trời dâu bể
người trăm phương bụi mù
tên lính già thất trận
vết thương cũ còn đau

ta mời người uống cạn
ly rượu tàn cuối đông
trôi theo dòng hoạn nạn
“thiên nhai luân lạc nhân” (2)

ta nhớ mười năm cũ
lòng như mây trắng bay
ta nhớ người ngày ấy
tình thanh xuân còn đầy

giờ mười năm gặp lại
áo giang hồ tả tơi
hồn giang hồ vữa mục
tình giang hồ muôn nơi

ta biết bởi gì đâu
hỏi nhau càng thêm buồn
ngươi cũng hiểu từ lâu
chuyện đất trời mênh mông

ai đã từng xuôi ngược
qua trăm bến ngàn bờ
hiểu những điều sau trứơc
lòng nào không xót xa

ta nhìn ngươi đứt ruột
ngươi nhìn ta ngậm ngùi
ôi cõi ngoài xa lắc
chỉ còn ta với ngươi.

Phương Trời Hiu Quạnh

tôi tìm em đứt mòn hơi
hai mươi năm dấu chân người mờ phai
tìm em suốt cuộc tình dài
đường vô tận
bến chờ
ngoài nẻo không
còn gì sau cuộc phù vân
lệ tình em ướt đẫm phần mộ tôi

tôi tìm em
một phương trời
một phương tôi
một phương người
quạnh hiu.

Thúy Kiều
Mời Rượu Chàng Kim

Xin mời nhau chén rượu này
Mừng trong luân lạc một ngày bình yên
Baõ giông chìm nổi lênh đênh
Mười lăm năm lệ ân tình chưa nguôi
Nâng ly nhìn tỏ mặt người
Đàn rơi mấy giọt đầy vơi đoạn trường
Xin mời nhau chén tình nồng
Từ trong sâu thẳm cõi lòng tang thương
Lạy này thâm tạ mười phương
Lạy này thâm tạ trăm đường phiêu linh
Triệu nỗi nhớ vạn niềm quên
Chút trinh xin nguyện đáp đền mai sau’.

Đêm Nằm Đợi Mưa

Đêm tôi nằm đợi mưa về
Tác kè gọi bạn tình nghe não lòng
Lời ru buồn lọt qua song
Như lời khắc khoải chờ mong nghìn trùng

Mưa đời em giọt tình nồng
Rơi về đâu giữa mịt mùng đời tôi
Bờ bãi tôi buổi xa người
Đìu hiu lau sậy ngậm ngùi khói sương

Mưa đời vạn nẽo nghìn phương
Giọt nào rơi chạm nỗi buồn đêm tôi ?

Lục Bát Lê Văn Trung

Hội An

Phố xưa
Người bỏ về đâu
Viễn Lai Kiều
Nỗi biển dâu
Vẫn chờ

Tôi
Người khách
Cũ
Nghìn xưa
Bước chân hụt giữa hai bờ Hoài giang.

Xa Lạ

Đôi khi dừng lại bên đường
Nhìn thiên hạ giữa phố phường ngược xuôi
Thấy ta lạ lẫm trong người
Thấy tình em cũng xa xôi nghìn trùng.

Có Còn Ai?

Muốn đưa tay níu tay người
Nhân gian rộng quá đất trời bão giông
Lòng khuya tăm tối mịt mùng
Có ai quay lại về cùng ta không ?

Trăm Năm Về Giữa

Đêm thức giấc, giọt sương buồn
Rơi lạnh căm giữa nỗi lòng hoang vu
Hỡi êm người của nghìn thu
Trăm năm về giữa mịt mù đời tôi.

Vẳng Nghe Tiếng Gọi

Tiếng ai gọi cuối con đường
Hay là tiếng của nghìn phương gọi về
Ta còn chìm giữa cơn mê
Vẳng nghe tiếng gọi mà se sắt lòng.

Ngang Qua Gò Dưa
Chạnh Nhớ Thi Sĩ Bùi Giang

* Kỷ niệm ngày mất của tiên sinh 7.10.1998

Ôi huyệt mộ trần gian này muôn thuở,
Ông nằm nghe sương rớt hột bình nguyên
Ngàn thu biếc tung tăng bầy dê nhỏ
Lá cồn lay xao xác gió xa miền
Ông nằm nghe tiếng chiều xanh nức nở
Con dế buồn vọng tới bến vô biên
Con bướm trắng con chuồn chuồn cánh đỏ
Con chồn loang những sắc mượt lông mềm

Ông đã đi từ bình minh nguyên thuỷ
Ông đã về từ cõi tịnh tinh khôi
Một con mắt khóc người xa buổi ấy
Còn một con dõi mông cháy bên trời
Ông đã đi , đã đành là đi vậy
Mà trần gian không nở khóc chia phôi
Trái tim đỏ vẫn ngời dòng máu chảy
Một vì sao rực lửa phía xa xôi

Mây trắng mãi bồng bềnh muôn vạn nẻo
Quê nhà ơi vượn hú cuối chân đèo
Hồn ông với hồn thiên thu lạnh lẻo
Dòng sông trôi bờ quạnh bến hoang liêu
Hồn ông với hồn trăng sao rạng chiếu
Rừng truông khuya lồng lộng gió muôn chiều
Hồn ông với hồn đất trời vi diệu
Đã vạn lần hổn hển một tình yêu

Ông đã đi từ mang mang nguồn cội
Ông trở về từ thăm thẳm cao xanh
Trần gian hỡi trăm năm chừng ngắn ngủi
Một lần qua là từ biệt sao đành
Ông đã đến và đi riêng một cõi
Đã phai vàng thổn thức mấy thu xanh
Đã hò hẹn, đã tương phùng, chờ đợi
Đã chia lìa muôn ngàn nẻo lênh đênh

Ông đã đi mà vạn lần gởi lại
Linh hồn ông thao thức mấy phương người
Ông đã về mà lòng sầu cháy mãi
Trái tim nồng nhịp mỏi chốn xa xôi
Mở đôi mắt muôn vì sao nhấp nháy
Khép bờ mi chìm mộng cuối chân trời
Ông đã đi, đã đành là đi vậy
Mà trần gian không nở khóc chia phôi

Các em hỡi những nàng tiên Mọi nhỏ
Tình lao xao da thịt cháy hương rừng
Các em hãy về đây quì bên mộ
Khóc một lần thương tiếc bóng thanh xuân
Nghe xương máu ngấm trong hồn cây cỏ
Tận cõi về thăm thẳm của riêng ông
Ông đã đi mang mang hồn thiên cổ
Vẫn còn đây lời Phụng Hiến sau cùng.

Bi Khúc 60

Ôi các em những con sâu con kiến
những cơn buồn lẫn lộn những cơn vui
tôi sống giữa trần gian tràn dâu biển
các em là cơn mộng cháy khôn nguôi
ta đâu có mời nhau đôi giọt rượu
mà hồn say như lá rụng bên chiều
ta đâu có vùi nhau trong khát đói
mà tình run như bóng đổ lưng đèo
ôi các em những con chim con chóc
nhảy tung tăng trên vực thẳm hồn tôi
tôi sống giữa trần gian buồn muốn khóc
các em là khăn lụa ấm màu môi
ta đâu có hẹn thề không chờ đợi
mà sợi buồn đã bạc đến trăm năm
ta đâu có bên mộ đời réo gọi
mà tình đau như nguyệt nở đêm rằm
tôi lầm lủi một mình trên mặt đất
các em là mây trắng là mù sương
tôi về giữa trần gian tràn tiếng hát
lời ngậm ngùi xanh biếc ngọc-đau-thương.

Lê Văn Trung

Lê Văn Thiện

Le Van Thien

Ngoại Lệ

Bây giờ còn sớm quá, trời đất lờ mờ. Kiên đạp xe nhanh xuống đường cái, một cây xoài to ngã nghiêng bên đường như một người khổng lồ mang áo tơi đứng đợi ai. Chưa có người nào đi chợ. Một chú gà cồ nhỏ trong cái nhà cạnh đường bỗng ó lên, nhưng tiếng gáy đứt phựt, tức tối. Kiên nhìn ra, tầm mắt không tới khúc quanh của con đường ngoài kia, chỉ thấy lối mòn trắng ở giữa, cong queo. Tháng này không phải là tháng Chạp. Những ngày cận tết người ta đi chợ sớm lắm, gà gáy một hai lần đã có tiếng nói ngoài đường. Hình như không ai biết mỏi cẳng vì quãng đường dài bảy cây số từ làng đến chợ lớn trên quận, nhất là những cô bé có khi hai ba tháng mới được đi một lần. Ở nhà làm quần quật cả ngày, được đi chợ là được nghỉ ngơi, lại thêm có dịp xem hàng quán nhộn nhịp, vui tươi. Nên đêm sửa soạn mấy thúng rau trái để sáng vô chợ bán cũng là đêm khó ngủ được.

Kiên chống xe, ngồi xuống cỏ. Khỏi làng một chặp có con truông khá dài, hai bên là rừng chồi, cây mọc trên cát, con đường lên quận bò ngang qua đó. Chiều xẩm và lúc mờ sáng qua truông thấy dễ sợ lắm, hồi trước sợ cọp bây giờ sợ ma. Mấy đứa trẻ nhỏ thì ngán bà Lên, Kiên cũng vậy. Trước kia vợ chồng bà ta có cái nhà ở đầu truông, nhưng làm ăn không khá nên cách đây gần hai năm hai vợ chồng bỏ vô một làng trong đó ở. Lối nửa năm sau, một buổi chiều, bà vợ ra mò cua dưới con sông cạnh đó chẳng may sụp búng, chết đuối. Xác bà ta theo nước sông chảy xuống, ra biển. Và dễ ớn hơn nữa là cái xác ấy lại lần mò tấp về làng cũ, dưới bến, chỗ neo mấy chiếc ghe chài. Sự việc hãy còn mới nên đi ngang truông một mình, mấy đứa bé sợ phải gặp bà Lên về ngồi trên nền nhà cũ, tóc tai phủ mặt phủ mày như cái xác khi được vớt bỏ nằm dưới bến.

Vẫn chưa thấy người nào qua lại. Kiên vơ vẩn ngước lên nhìn trời. Trống nhà làng đột nhiên vang lên, tiếng thật trong và rõ. Trống gọi dân làng đưa đám ma. Làng này có thói quen: nếu có người chết, mọi người phải nghỉ việc để đến thăm tang gia và phúng điếu kẻ quá cố, dù quen hay lạ. Cho nên nghèo cùng đến mấy, người chết vẫn được ấm cúng và tang chủ vẫn có đủ tiền làm ma chay. Để việc này mãi mãi hiệu lực người ta thường nhắc: ngày có người chết, ai bỏ đi làm, sau này trong gia đình người ấy có thế nào thì phải tự lo liệu lấy, ráng kênh vác xuống gò mà chôn. Tiếng trống đình luôn luôn thúc giục dân làng nên đi làm việc nghĩa, cho người và cũng là cho mình.

Kiên mừng rỡ đứng lên, vừa nghe có tiếng nhiều người nói chuyện xen tiếng cười. Một tốp năm người đàn bà gánh thúng mủng bước đi nhanh.
– Ý! Ông địa ơi!
Một bà đâm bổ tới sát chiếc xe đạp. Mấy bà khác dừng lại.
– Ai đứng kỳ vậy?
– Dạ con.
Bà mặc áo dài đến nhìn mặt Kiên.
– À thằng Kiên. Tưởng ai.
Bà la ông địa để gánh xuống, Kiên nhận ra dì Tâm:
– Mầy đứng tần ngần làm tao mất hồn. Đi đâu sớm vậy Kiên?
– Dạ, con vô chợ mua cho thằng Tình hộp sữa. Nay nó yếu quá.
Dì Tâm chặc lưỡi:
– Thằng bịnh cả đời. Tội quá, nếu để nó sống thì cho nó mạnh đi, hành hạ thân xác nó tội nghiệp.

Kiên thấy câu nói của dì giống mẹ mình. Những ngày em Tình trở bịnh nặng mẹ Kiên vẫn thường nói như thế. “Thánh thần cô cậu có để nó sống thì cho nó lành bịnh, còn số nó không ở được với cha mẹ anh em thì hãy đem nó đi, đừng hành nó tội nghiệp.” Thằng bé thân thể gầy gò trăn trở trên gường bịnh làm mẹ nó đau lòng, cúng vái lung tung. Kiên thì không tin rằng cô cậu nào bắt nó. Thằng nhỏ mang bệnh tật vào mình từ khi chưa đầy một tuổi. Thầy phù thầy pháp có, nhà thương bác sĩ có, nhưng nó vẫn phải mang lấy một cái tay quẹo, đôi chân đi không vững, và suốt bảy năm trời, bảy tuổi, chỉ mạnh được một hai năm là cùng. Bây giờ thì gần chết.
– Nhưng sao mày đứng đây? Thím Hải hỏi.
– Dạ, còn tối con sợ quá. Kiên cười.
– Thằng nhát như thỏ. Mày phải biết: mấy năm trước, hồi chưa có lính canh gác như bây giờ, một mình tao ở quận về lúc nửa đêm, còn dám nữa là.
– Dạ hồi đó chắc bà Lên chưa chết?
– Chuyện! Chết sống cũng vậy. Bây giờ đã nằm xuống đất bà ấy cắn mổ được ai mà sợ.

Thím móc túi, hình như lấy trầu. Kiên dắt xe theo sau, tốp đàn bà đi trước. Trống làng lại vang lên, nện mạnh từng tiếng. Mợ Tần sang vai gánh:
– Chắc cũng xế đám mới đi?
– Không xế thì trưa. Còn chờ thằng con út ông ấy về.
– Đứa nào?
– In như thằng Hạnh. Con trai ổng bốn năm đứa dễ lộn lắm..
Thím Hải trầm ngâm một lát:
– Đúng rồi. Thằng Cả nằm nhà, mấy thằng lớn đi lính xa, chỉ có thằng đó nhỏ nhất mà đi xa nhất, tận Kontum, Pleiku gì lận. Hồi còn sống ông Canh nhắc nó luôn.

Tới đầu làng bà mặc áo dài đi rẽ lên, bà viếng đám tang. Nghe có tiếng kèn đám chết kêu ngắc ngứ trong nhà thợ Năm, mợ Tần nói nhỏ:
– Gớm! Cái thứ ấy mà thổi thử trong nhà trong cửa. Hư hao gì thì đến nhà đám sửa chứ. Nghe phát khiếp.
Dì Tâm cười:
– Ông ấy thường làm vậy rồi. Đám nào ổng cũng đem kèn ra, thử đi thử lại cả buổi. Lại còn rung, còn ngân rồi khè khè xuống như khóc, ngán.
Dì quay lại:
– Thằng Kiên thật có công. Đem xe mà dắt bộ. Như tao thi nãy giờ đã gần tới chợ.
Mợ Tần hỏi:
– Liệu em mày có sống được vài ba tháng nữa không? Tao thấy sợ…
Mợ nghĩ một chút và tiếp:
– Như việc ai cũng phải đi phúng điếu người khuất, làng này có cái lệ thường chết cặp đôi. Để ý thì biết ngay. Tháng sáu năm ngoái ông Trường chết buổi sáng, xế một chút thì con Cương chết, cả hai đều bịnh lâu năm. Hôm tháng chạp bà Sáu chết bữa trước, hai ba bữa sau thằng nhỏ con ông Xê chết theo. Mấy năm trước cũng như vậy luôn. Nay ông Canh mới chết, mà thằng em mày bịnh nặng, tao e quá.

Kiên im lặng không nói gì. Dễ nhớ nhất là năm cha Kiên mất, hôm sau cũng có người chết: bà mẹ anh Thư ở cùng xóm, cách nhà Kiên một đám ruộng. Biết đâu lần này thằng Tình lại không theo ông Canh.

Qua hơn nửa truông, trời đã sáng tỏ. Kiên lên xe đạp đi, mấy người đàn bà bước thong thả đằng sau, tiếp tục nói chuyện.

Đến quận hãy còn sớm, mới có một vài hàng mở cửa, chợ chưa có ai. Kiên hỏi mua hộp sữa và về ngay. Mặt trời mọc, con đường lớn nhiều người qua lại, đông nhất vẫn là kẻ đi chợ. Kiên hối hả đạp xe nhanh, bây giờ có lẽ bọn học trò đã đến nhiều. Thằng Tình không ăn uống gì từ hôm qua. Kiên nhớ đến ông Canh. Lời mợ Tần ban nãy. Đứa học trò gái ngồi chồm hổm trên ghế, Kiên còn nhớ rõ cử chỉ con bé: nó xòe bàn tay ra, mấy ngón như cung lại, nó nói với mấy đứa bạn:
– Hòn dái ông Canh bây lớn vậy nè.
Mấy thằng nhỏ bật cười. Một đứa hỏi:
– Sao mấy biết?
– Hồi trưa tao theo con Lại vô coi. Con Lại nói ông nội nó gần chết rồi. Tao thấy ổng nằm trên giường, một đổi lại lăn qua bên này, rồi lăn qua bên kia. Ổng rên nữa, rên lớn lắm.
Nó chu miệng và giơ bàn tay lên, lập lại điệu bộ lúc nãy: xòe bàn tay ra, cung các đầu ngón lại:
– Lạ lắm! Ổng nằm ngửa trên giường, chỉ bận áo, không bận quần. Hòn dái ổng sưng thiệt là to, bây lớn vậy nè.
Mấy đứa nhỏ cười sặc. Con bé thêm:
– Cha con Lại quỳ ở đầu giường khóc, nó cũng khóc. Tao sợ quá bỏ chạy về.

Xế hôm qua ông Canh gần chết, sáng hôm nay ông ấy đã chết. Bây giờ thằng Tình yếu quá, nó gần chết. Chiều nay hay sáng mai, biết đâu nó lại…

Kiên đạp xe rẽ lên lối nhỏ về nhà. Một tốp học trò đang đi ở trước, thấy Kiên chúng dừng ngay lại, lật mũ bỏ nón chào:
– Anh Năm.
– Anh Năm.
– Đi đâu về sớm anh Năm?

Kiên gật đầu cười. Bọn nhỏ chạy theo xe, Kiên đạp chậm lại:
– Làng đi đám chưa các em?
Con Đan nhanh nhẩu:
– Dạ mới đi đây. Hai ông khiêng trống đi trước, ông xách chiêng sau, rồi tới mấy người cầm cờ, đi vô ngõ giữa. Lúc trống làng vô em chạy xuống coi. Người ta thiệt nhiều, có trò Trừ nữa, em rủ đi học, trò ấy biểu coi chút nữa, người ta đông đảo vui quá.

Thằng Quý hỏi:
– Sao hôm qua nó nói ở nhà ông Canh thấy sợ lắm, bữa nay nó lại xuống coi?
– Nay người khóc nhiều hơn hôm qua, nhưng ông Canh đã bị bỏ trong hòm, đậy kỹ rồi ít sợ. Đan trả lời thông thạo.

Kiên chống xe xuống sân, đem sữa vô nhà. Tình nằm, mắt nhắm nghiền, nó thở hơi lên. Mẹ Kiên ngồi đầu giường:
– Em nó mệt lắm rồi con ơi!

Kiên thấy mình muốn khóc.

Tám giờ đúng. Kiên móc túi lấy còi thổi. Bọn học trò ào ào chạy vô lớp, bàn ghế đụng nhau lạch cạch. Thằng Chút nói:
– Mình vô lớp sớm quá. Chưa nghe trường công đánh trống
Con Ngào nhìn nó:
– Ừ, bữa nào trường mình cũng vô trước một chút. Sớm càng ngon.

Kiên vỗ hai tay vào nhau:
– Các em nghe đây…
Bọn học trò ngẩng đầu lên, im lặng:
-…Em Tình bịnh nặng, các em không nên đùa giỡn inh ỏi như mọi bữa, nghe chưa?
Chúng nó đáp một rập:
– Dạ…ạ…

Kiên viết bài tập trên bảng. Sáu đứa Lớp Tư ngồi ngay ngắn trông. Bàn Lớp Ba, những đứa học trò lớn nhất trường,. còn lục đục, đứa viết, đứa kẻ, đứa cào bút sồn sột xuống mặt ghế. Chỉ có bọn Mẫu Giáo, lực lượng đông đảo nhất, là ồn ào hơn cả. Một số học bài, đánh vần rào rào, số khác quay qua quay lại cãi nhau. Tiếng con Đan:
– Sao không nghe tiếng trống đám chết nữa hé?
Thằng Châu nói:
– Chắc đã chôn rồi.
– Ẩu, người ta nói đến chiều mới đem đi
Con Phụ dự vào, tiếng nói ồm ồm:
– Ai nói? Cứ láo, đến xế thì chôn.
Mỗi đứa góp một câu, loạn lên. Kiên gõ mặt bảng cộp cộp:
– Im đi chứ. Em nào còn nói chuyện bị đòn bây giờ.

Học trò thì giống nhau, lớn hay nhỏ nghịch ngợm, quấy phá, ồn ào. Kiên thấy ngán bọn đệ tử nhóc của mình. Dù đã rất cố gắng quất mạnh tay roi lên đầu lên mông chúng, nhưng lũ nó vẫn không sợ. Không phải là không sợ. Chúng sợ, nhưng chỉ những lúc bị đánh, sau đó chúng lại tật nào hoàn tật ấy: thọc trước, thọc sau, thầm thì, rì rào rồi ồn lên, lan to ra như gió lốc. Cách đây chín tháng, Kiên cũng ở trong cái thành phần dễ sợ này. Lớp Kiên có sáu chục đầu nhưng thường thì ít khi có mặt ở trường đông đủ, mặc cho đó là năm thi. Không hẳn lớp này nghịch phá nhất trường, nhưng nó cũng loạn lắm. Nạn nhân bị đem ra quấy chọc nhất là hai ông thầy quan trọng: một cụ quốc văn, cụ này dĩ nhiên là già, vì già mới cụ. Thứ đến là ông toán, anh này trẻ trạc nửa đời thôi. Anh được ông trời tạo ra một cái hình dáng rất dễ cho bọn học trò vẽ. Chỉ cần vạch một cái đầu dài, phải cho dài, và cẳng cũng dài là đã giống. Thêm nữa, dường như để thuận ý trời, anh thầy này còn tự tạo cho mình vài nét dị biệt khác: cái đầu hớt cao, ít chải, trước trán thường có một lỏm tóc ngã phủ xuống. Và, theo trào lưu mới, anh mặc những cái quần ngắn mà mấy thằng bạn Kiên quả quyết rằng ống chỉ rộng chừng 16 hay 14 phân. Anh ta dạy toán, giảng mau, hay nhưng phải cái chứng hay gắt, cứ luôn cao giọng: “Các anh học lối này thì khi thi sẽ rớt như mít rụng, để mà xem.” Câu này anh đem áp dụng thường trực, giờ dạy nào cũng nói như vậy ít ra một lần. Và…lâu lâu, mới bước vào lớp, nhìn lên bảng anh ta đã thấy một hình người, đàn ông, mặt dài, chân dài, tóc hớt cao, mặc cái quần tới đầu gối, và từ đầu gối trở xuống lông mọc đâm tua tủa. Bên trên, trước cái gạch làm miệng có một vòng tròn lớn đâm ra trước, giống như một thầy phù thủy chụm miệng phun bùa phép. Trong cái vòng đó có hàng chữ: “Các anh phải liệu lấy thân, cứ học theo lối nầy thi khi thi sẽ rớt như mít rụng…để mà xem”. Anh thầy đứng trông, sững sờ. Bọn học trò im thin thít, ra tuồng đứng đắn.

Với cụ quốc văn trường hợp này cũng có thể xảy ra, nhưng chỉ độc một lần. Hôm đó, ngay khi thấy giữa tấm bảng đen có mấy nét nguệch ngoạc hình dung một cái đầu khỉ, khỉ có mang gương, cụ hầm hầm quay xuống, xông vào phòng ông hiệu trưởng và nằng nặc xin thôi. Cụ nói: “Tôi dạy đã mấy chục năm trời chưa thấy bọn nào quá quắt như vậy.” Ông hiệu trưởng nổi trận lôi đình, và sau đó toàn lớp bị đuổi cảnh cáo bảy ngày. Không ai chứng nhận nhưng bọn học trò đều đồng ý ngầm rằng cụ quốc văn giống hệt như con khỉ, giống ở cái mặt hóp. Từ đó, từ bữa bị chỉnh, cụ quốc văn không được thấy mình bị phác họa lần nào nữa, nhưng chưa phải đã là hết, chúng còn tìm nhiều cách chọc làm ông già giận phát run và đâm ra ngại mỗi khi bước chân vào cái lớp ấy.

Ra xong hàng chữ viết tập cho lớp Năm, Kiên cầm sách đọc chính tả. Tám đứa lớp Ba cắm cúi viết. Thằng Giác ngồi khuỳnh tay, bẹt chân, bộ tịch dềnh dàng, lấn cả chỗ đứa bạn bên cạnh. Tài huých hông Giác phản đối:
– Ngồi gọn lại chút mậy, giơ cả càng que ra làm sao tao viết.

Thằng Định mắt lấm lét, đang chăm chú viết bất thình lình chồm lên liếc nhanh qua vở Tài. Thấy rõ được cái chữ mình đánh vần mãi không ra, nó lanh lẹ viết lấp vào chỗ trống. Bắt được, Tài chộ:
– Ê, đừng cóp chớ. Tao mét anh Năm bây giờ.

Không đáp, Định cúi đầu sát vở mình, làm như chẳng nghe thấy. Có tiếng động ầm ỳ, tiếng máy nổ thì phải, nghe hơi xa.
Tàu lửa!
Đang viết Châu ngửng lên:
– Tàu lửa hả, đâu?
– Ầm ầm đó.
Con Đan trả lời và nhìn ra sân. Chúng lắng tai nghe. Chợt con Phụ nói, tiếng ồm ồm:
– Hổng phải.
Mấy đứa lớp Ba quay lại, ngơ ngác.
– In như máy bay, hổng phải tàu lửa.

Tiếng động cơ lớn dần và bây giờ đã rõ. Một đoàn phi cơ bay rầm rầm qua, chúng giống nhau, cũng trục lúc và mỗi chiếc mang một cái chong chóng to trên lưng, quay tít. Bọn nhỏ cũng chồm lên nhìn ra sân, Giác tỏ ra hiểu biết:
– Máy bay chong chóng, cứu thương.
Tài phụ họa:
– À, anh hai tao cũng nói, thứ này bay đi cứu thương.
Nó nhỏ giọng, vẻ quan trọng:
– Bữa nay chắc ngoài đó đánh nhau dữ lắm…Đến mười mấy chiếc cứu thương bay ra!
Định nghe, dáng chăm chú. Bỗng nó hỏi:
– Ở ngoài nào có đánh nhau, Tài?
Thằng nhỏ làm ra kẻ lớn, cau mày:
– Thì ở ngoài xa kia chớ đâu, ngoài Bắc ngoài Huế gì đó
Nó chống tay xuống bàn nói thật nhỏ:
– Tụi bay hổng thấy sao, chín mười ngày nay máy bay ra vô đầy trời, mà xe lửa thì…lạ…
Mấy đứa kia chụm đầu lại im thít.
-…Hổm nay thiệt lâu mình chẳng thấy hình dạng đâu cả, phải không? Chắc gãy đường rồi, xe chạy không được.
Mấy cái mồm cùng “À” lên một tiếng.
– Hèn gì- thằng Giác nói- hổm nay mình hổng nghe tàu lửa hú lần nào

Đoàn tàu bay qua đã xa, tiếng ầm ầm vẫn còn nghe rõ. Kiên nâng sách lên đọc tiếp một câu chính tả.

….Buổi học trôi qua bình thường. Lũ học trò ra về, xô lấn nhau, giành nhau đi trước. Kiên ôm chồng sách lên nhà trên. Bé Tình nằm không cựa quậy, mắt nó nhắm, duy có hơi thở thật mạnh, dồn dập. Mẹ Kiên vẫn ngồi, tay bó gối nhìn đứa con, thấy mình bất lực. Dễ chừng từ sáng tới giờ – không, từ hôm qua – bà đã ngồi mãi như thế. Kiên thấy thương mẹ như thương thằng em mang cái định mạng khốn khổ. Kiên ra giếng rửa mặt. Mợ Tần ngoài ngõ đi vào, tay nắm một nhánh cây nhỏ, chắc để dọa những con chó có tính thích dọa những chị đàn bà đi vào nhà lạ mà cầm những cành cây nhỏ, như mợ Tần.
– Có chó không mậy? Mợ Tần hỏi lớn.
– Dạ có!
Mợ đứng khựng lại, ngó xung quanh rất nhanh. Kiên cười xòa:
– Nhưng nó chạy đi chơi đâu mất rồi.
Mợ Tần mừng rỡ đi vô:
– Thằng làm tao hết hồn.
Mợ bước lên thềm:
– Chị Ba!
Tiếng mẹ Kiên hỏi:
– Cái gì. Ai đó?
Mợ Tần cẩn thận dựng cái roi tựa vào tường trước thềm:
– Dạ tôi. Cháu bớt chút nào không chị?
Mẹ Kiên đáp nhỏ, Kiên không nghe thấy, nhưng đoán được:
– Chẳng bớt chút nào mợ ơi, mà nó còn…có mòi nặng thêm.
Rồi có lẽ bà thút thít. Mợ Tần tới sờ trán thằng nhỏ, ngó sững nó và lát sau bước tới ngồi cạnh mẹ Kiên:
– Ừ, cháu thở nặng hơi quá, tôi sợ…

Mợ không nói nữa nhưng mẹ Kiên cũng biết được những tiếng tiếp theo:…”tôi sợ nó không sống nổi!”

Hai người đàn bà đứng dậy bước xuống giường và ngồi bệt dưới nền, đặt khay trầu ở giữa. Không nói gì, mợ Tần bỏ miếng trầu vô miệng, nhai nghe sào sạo. Mẹ Kiên dí viên thuốc lá vào sát hai hàm răng và chà mạnh qua lại.

Kiên xối thêm một gàu nước nữa lên đầu, mát lạnh da thịt. Vuốt tóc ra sau. Kiên chạy vào nhà. Mợ Tần hỏi:
– Con Nhẫn đâu?
Kiên đáp thay mẹ:
– Dạ nó đi chợ.
– Chưa về à? sao tao không gặp?
– Dạ nó bán chuối, làm gạo và vô tận chợ lớn mua cá nữa nên về trễ.
Mợ Tần cười:
– Một công hai ba chuyện, con nhỏ giỏi chớ!

Mẹ Kiên vẫn còn còn đánh răng thuốc. Mợ Tần với lấy ống thiếc nhổ đánh phẹt một búng nước trầu.

Nhẫn gánh gánh gạo nặng bước lên và đặt mạnh trước thềm. Kiên thấy trước:
– Con Nhẫn về.
Mợ Tần chồm lên ngó ra. Nhẫn vứt nón xuống thềm, bỏ cây đòn gánh ngang qua thúng gạo, vuốt lại mấy sợi tóc rồi đi vô, lại giường cúi xuống nghe hơi thở của Tình, xong nó bước ra:
– Ồ ghê quá…
Kiên hỏi:
– Cái gì Nhẫn?
Nhẫn nhìn mẹ, nhìn mợ Tần:
– Anh Lài chết rồi.
Mợ Tần giật nhỏm mình:
– Thằng Lài chết hả, Lài con chị Phó phải không?
– Dạ, anh Lài con thím Phó, ảnh đi lính. Nghe như ảnh chết đã hai ba ngày rồi, bị trúng đạn đầy mình. Người ta liệm xong chở về. Thím Phó khóc quá trời. Người ta giở hòm ra cho thím thấy mặt con lần chót.
Nó nói tiếp, mau mắn:
– Chị Bông cũng có tới. Chị ôm hòm khóc ồ ồ. Người ta coi bà con thăm đông nghẹt.
Mợ Tần chặc lưỡi:
– Thiệt ngán. Ông Canh chưa được chôn đã tới thằng Lài.

Con Bông chưa được cưới đã thành góa.

Kiên ngẩn ngơ, tay nắm cứng cái lược quên cả chải.
– Kiên, mầy thấy không?…
Mợ Tần bỗng gọi to, Kiên giật mình:
– Dạ, cái gì mợ?
Mợ Tần đứng dậy tới chống tay vào cạnh bàn, nhìn mẹ Kiên, quan trọng:
– Tôi nói thiệt mà , làng này đã có cái lệ dễ sợ…lúc nào cũng chết một lượt hai người, không cùng ngày thì cũng chỉ cách nhau một hai bữa. Lần này thì quả cùng ngày.
Mợ nuốt nước miếng đánh trót:
– Bọn thằng Bút, thằng Hưng để ý chuyện này trước hơn ai hết, tôi nghe thấy tụi nó nói và ngẫm lại thì trúng thiệt. Hồi mai tôi đã nói rồi mà, có thằng Kiên đây nghe, nay ông Canh chết thì không lâu sẽ có một người chết theo, trúng quá. Làng này đã có cái lệ…

Mợ nói luôn một hơi, như thích thú trước cái khám phá mới mẻ của mình. Mẹ Kiên ngồi nghe im lặng. Nhẫn kéo vạt áo lau mồ hôi trán:
– Gớm quá hé!

Nó đi ra bưng chồng hai thúng gạo lên nhau, đem đôi gióng đi cất. Mợ Tần đã đi lại ngồi xuống đối diện với mẹ Kiên như lúc nẫy. Đột nhiên như nhớ ra điều gì hay lắm, mợ vỗ cẳng mẹ Kiên một cái mạnh:
– Này, chị Ba!
Mẹ Kiên thót mình:
– Hả?
– Khỏe rồi đó…Chị chẳng khỏi sợ rồi…
Không đợi mẹ Kiên hỏi, mợ tiếp:
– Thằng Lài nó thế cho thằng nhỏ Tình đây rồi đó. Đã đủ cặp, đúng lệ rồi, thằng Tình chắc mạnh.
– À…
Mẹ Kiên “á…á” trong miệng, vì thật ra bà không được tin tưởng lắm:
– Được vậy thì sướng quá.
– Ừ, chắc rồi, nó không chết đâu, mai chiều nó sẽ mạnh, thằng Lài thế cho nó.

Bỗng thấy Tình động đậy, hai người đàn bà nghe tiếng khè khè phát ra thật to, từ cổ họng thằng bé, tay nó quơ mạnh lên. Mẹ Kiên đứng bật dậy. Mợ Tần đứng dậy theo…Thằng bé uốn mình, mắt nó trợn trừng, tiếng khè khè lớn hẳn, Mẹ Kiên ngồi bạch xuống giường và đột ngột khóc rống lên. Kiên chạy vô. Nhẫn ở nhà sau chạy lên.
– Em chết rồi con ơi! Kiên ơi! Nhẫn ơi!…
Bà mẹ ẵm xốc thằng bé dậy, nhưng nó đã xuội lơ.
– Trời!

Mợ Tần kêu lên và đứng ngay ra nhìn.

Kiên đưa tay quẹt nước mắt. Nhẫn ngồi bệt xuống khóc.
– Em chết rồi con ơi! Kiên ơ…ơi!

Lê Văn Thiện

Lê Thị Kim Oanh

Lê Kim Oanh

Đông Sớm… Vội Hè

Đông đi sớm nhìn hè trang điểm
Để người từ tiền kiếp trở về
Cho phượng mù lấp cả trời mê
Trọn lời thề thủy chung lửa bỏng

Tim rực cháy bừng trong cơn mộng
Xoa vết lòng một thuở xót xa
Nghĩa ân xưa dù có phôi pha
Hè yêu những thiết tha đến vội

Khúc Nguyệt Sầu
* Họa bài Nguyệt Tửu Khúc
cuả tác giả Phạm Tương Như)

Trăng khuất mây vạn dặm tình xa
Cây đời nghiêng ngã giữa phong ba
Đêm nay uống rượu đời phiêu lãng
Bóng với ta cạn áng trăng tà

Sương trắng phủ bóng ôm sầu lắng
Ru nhạc lòng canh vắng tình câm
Khơi vết hằn tim rên rỉ nhức
Tình trăm năm dù mãi xa xăm

Uống ánh trăng nhốt trọn bóng hình
Phương trời xa khuất một hồn linh
Trăng tha hương tình đêm nguyệt hận
Đời lăn quay trái đất chuyển mình

Gió giao mùa chiếc lá thu tơi
Xào xạc bay khuất nẻo rã rời
Than với trách vàng trời ảm đạm
Vai lạnh lùng sương lệ chẳng vơi

Nước mắt rơi cạn chén ngậm ngùi
Trăng bỏ đi người có gì vui
Bóng ngả say chân vùi lạc lối
Rượu cạn bầu sầu vẫn chưa nguôi

Cô Phụ

Thạch sùng chắc lưỡi đêm thâu
Hay lòng cô phụ gối đầu thở than
Lung linh dưới ngọn đèn vàng
Giọt sầu nhòe nhoẹt mờ trang sách đời

Bóng ai xa tình vời vợi
Gom mây ngàn phiêu bạt gợi hình xưa
Âm vang lắc rắc giọt mưa
Gục đầu trên sách đời chưa cạn tình

Nghẹn ngào cung oán biệt ly
Sờn vai áo mỏng người đi nghìn trùng
Rừng sâu đồi núi chập chùng
Bóng ai ẩn khuất trong khung cửa lòng

Nỗi lòng cô phụ dõi trông
Hương yêu ấp ủ chờ mong bóng người

Người từ đầu non diệu vợi
Có thấu lòng cô phụ đợi chờ ai
Thời gian dù có tàn phai
Bên song cô phụ đợi hoài bóng xưa.

Hương Thừa

Người đi
Thu lá vàng bay
Sương rơi mù lối
Gầy vai hơi người
Xa xôi
Quên phút bồi hồi
Gió buồn ngưng thổi
Lệ rơi mấy mùa…

Người Đi

Đông lạnh giá lùa
Tuổi đời chồng chất
Tóc thời úa phai
Mịt mùng
Mây phủ đường bay
Chim chiều kêu bạn
Năm dài … thê lương

Người đi
Khuất bóng mù sương
Gương xưa mặt lạ
Người thương xa lòng
Tỏ tường
Tình cũ hoài mong
Hỏi người còn giữ
Hương trong áo ngày…

Vì Sao Sáng

Từ KBC thư về phố thị
Anh mang bao thi vị rót vào đời
Tóc bím cài em chưa kịp kẽ ngôi
Em chơi vơi cùng tình thư ý nhị

Áo học trò màu trắng đẹp tinh khôi
Anh pha tím hoa sim rừng nhung nhớ
Em ngây thơ vương nắng tình bỡ ngỡ
Tóc mây dài vụng dại kẽ lệch ngôi

Lần về phép anh bồi hồi đứng đón
Tan trường …em bối rối bước song đôi
Anh khoác áo xanh rừng ôm hy vọng
Mộng đầu đời ngát ý…ướp hương môi

Đất nước chia đôi tình trôi muôn hướng
Anh xa rời Vì Sao Sáng vụt rơi!
Em ngỡ ngàng! Bàng hoàng cơn sóng dữ
Phủ lên đời! Em vào biển trùng khơi.

Chinh Nhân Hỡi

Thế là trước một lần đi
Anh chưa nói hết những gì anh thương
Tình xưa gãy gánh giữa đường
Lời thương chưa tỏ em vương vấn sầu

Từ giã anh bước lên tàu
Sân ga ngày ấy khắc sâu khối tình
Anh đi tắt nắng bình minh
Rêu phong chôn kín một linh hồn gầy

Anh đi biền biệt như mây
Em làm cơn gió theo mây lướt ngàn
Dù đời ngàn dặm quan san..
Giật mình tỉnh giấc ngỡ ngàng…là mơ

Thu tàn đông lạnh ơ hờ..
Gom tàn hương nhạt làm thơ ướp lòng
Góp lá khô sưởi tình nồng
Chinh nhân người hỡi! Cô phòng chờ ai.

Kim Oanh

Lê Ký Thương

Le Ky Thuong

Tiếng Chim

Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Dệt lụa tơ hồng
Mùa xuân hiển hiện

Tiếng chim chiền chiện
Chao liệng trên không
Ru giấc mục đồng
Tơ trời phụng hiến

Tiếng chim chiền chiện
Nhỏ giọt chân kinh
Khắp cõi ba sinh
Hưởng đầy phúc lạc.

Mơ Và Mộng

Trên tấm bố trắng tinh
Giữa bốn bề sóng động
Tôi thấy hiện nguyên hình
Một thảo lư thơ mộng.

Ân Tình Và Nước Mắt
Nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh

1.
Tháng 10 năm 1970, khi nhà thơ Tô Đình Sự vào Sài Gòn nhận Sự vụ lệnh biệt phái về Ty Thuế vụ Cam Ranh, thì bạn bè ở Phan Rang hết sức bất ngờ và ngỡ ngàng hay tin anh chết bất đắc kỳ tử vì tai nạn ô-tô!Mới cách đó hai hôm, anh còn kéo tôi đi nhậu với “băng” Thuế vụ, dẫu anh biết rằng tôi vẫn là… cá lòng tong chuyên phá mồi. Tô Đình Sự khoảng một năm trước khi mất, tính tình anh thay đổi hẳn.Từ một người ít nói, sống nhiều với nội tâm, với những mất mát, những khổ đau trong kiếp người, dù đang thanh xuân, anh trở thành một người “ồn ào”, lúc nào cũng “oang oang cái mồm”, ưa “cà khịa” với bạn bè, rất dễ làm mích lòng nhau. Trường hợp cụ thể nhất là giữa Tô Đình Sự với Chu Trầm Nguyên Minh.

Hai anh là bạn thân và bạn thơ với nhau. Khi Chu Trần Nguyên Minh in tập thơ “Quê hương Thơ và Nước mắt” do Mai thực hiện vào năm 1968 tại Phan Rang, ở căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học, thì hôm đó có cả Tô Đình Sự, từ trường Hạ sĩ quan Đồng Đế Nha Trang chạy xe Honda vượt đoạn đường hơn một trăm cây số, về dự buổi ra mắt tập thơ của bạn mình. Trong không khí thân tình giữa một nhóm bạn bè văn nghệ ít ỏi ở Phan Rang, Sự vừa nhìn thấy bìa tập thơ do họa sĩ Thanh Hồ trình bày đã vội thốt lên: “Quê hương thơ và nước mắm”. Không biết có phải vì quê hương Phan Thiết của Chu Trầm Nguyên Minh nổi tiếng nhờ nước mắm không, hay vì một lý do nào đó động chạm đến lòng tự ái và cả lòng tự trọng, nên Chu Trầm Nguyên Minh “đỏ mặt tía tai”, hét to: “Đm., mày dám nói xóc óc tao hở? Có ngon thì ra đây chơi!” – “Chơi thì chơi, tao sợ gì mày”… Sáng hôm đó, thay vì bạn bè văn nghệ sẽ kéo đến quán cà-phê Diễm “uống cà-phê nghe nhạc Trịnh” ăn mừng tập thơ còn nóng hổi mùi mực in ronéo, thì phải can ngăn một cuộc ấu đả sắp xảy ra giữa hai người bạn thân nhau.

Khi Tô Đình Sự mất, bạn bè thân đều đưa anh đến nơi yên nghĩ cuối cùng là nghĩa trang Cà Đú. Tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh đứng một mình một góc nghĩa trang, đầu trần giữa cái nắng cháy da người của Phan Rang.Lặng lẽ buồn. Đôi mắt hoe đỏ vừa khóc tiễn đưa người bạn thân vắn số. Những giọt nước mắt ấy đã xóa tan phút giây giận bốc đồng của tuổi trẻ thường có. Những giọt nước mắt ân tình và cũng là thân tình!

Bốn mươi ba năm sau, khi tập san Quán Văn chuẩn bị ra số “Viết về Sông Dinh – Phan Rang”thì Chu Trầm Nguyên Minh, người từng sống và dạy học ở Phan Rang 10 năm, sốt sắng bảo tôi viết về Tô Đình Sự vì biết tôi là bạn thân của Sựvà một người làm thơ sinh sống ở Phan Rang nữa là Ngọc Thùy Khanh. Nhưng vì lý do vừa khách quan vừa chủ quan, tôi thất hứa với anh. Tôi chỉ cung cấp một số tư liệu về Tô Đình Sự có sẵn trên mạng cho Nguyên Minh thực hiện số báo này. Còn Ngọc Thùy Khanh thì tôi không quen.

2.
Sau Tết 2013, Nguyên Minh rủ tôi, Lữ Kiều và Sâm Thương về Phan Rang ăn giỗ người Cô – mẹ kế của Nguyên Minh – người mà tôi và bạn bè của Nguyên Minh gọi là Cô Hai, hay vắn tắt là Cô, một cách trân trọng. Trước 75, thời gian tôi sống ở nhà Cô chừng bảy năm, nhưng không liên tục, đi xa một thời gian chừng hai năm rồi về lại “căn nhà số 11 Nguyễn Thái Học”. Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp ở nơi chốn này.Cô và những người em của Nguyên Minh coi tôi như một thành viên thân tín của gia đình.Nhưng ngày Cô mất, tiếc rằng tôi không có mặt ở Phan Rang.Bây giờ là dịp thuận lợi để về dự ngày giỗ Cô.

Chúng tôi hẹn gặp nhau ở ga Sài Gòn để cùng nhau đi chuyến tàu đêm. Trước khi lên tàu, Nguyên Minh cho biết có thể Chu Trầm Nguyên Minh cùng đi trên chuyến tàu này để về thăm lại Phan Rang, nơi anh đã dạy học ở Trường Trung học Duy Tân và Trường Trung học Pklong Garai bảy tám năm trời.Nói “có thể” vì anh quyết định về chuyến đi muộn trong khi chúng tôi đã mua vé tàu trước đó rồi. Khi tàu bắt đầu lăn bánh, tôi là người nhỏ tuổi nhất, được bạn bè “đề cử” đi khắp các toa tìm xem có anh không. Tôi đi dần về phía toa ghế ngồi thì gặp anh, tay bắt mặt mừng, nhưng thấy vẻ mặt anh không tươi, không vui chút nào, mà thay vào đó là nụ cười xanh xao và gượng gạo. Tôi đã biết anh mang chứng bệnh ung thư gan sáu bảy năm nay, tôi hỏi anh có cảm thấy mệt không và sao không đi toa giường nằm. Anh trả lời: mình ngồi quen rồi, nằm nó lại mệt. Anh hỏi lại tôi: Thương đi tàu có khỏe không? Sở dĩ anh hỏi vậy là vì biết tôibị tai biến mạch máu não đã hơn ba năm. Tôi trả lời vui, cốt cho anh an tâm: Sức khỏe của mình hầu như bình thường, tốt, chỉ còn cơ bàn tay hơi yếu, mình đi làm bằng xe gắn máy, còn làm tài xế chở bà xã dạo phố được mà…

Khi tới Phan Rang, chúng tôi đã được Sơn, em của Nguyên Minh, đặt phòng trước ở khu resort nằm trên bãi biển Ninh Chữ. Tôi, Nguyên Minh và Chu Trầm Nguyên Minh ở cùng phòng. Lữ Kiều cùng Sâm Thương ở một phòng. Chúng tôi nói đùa với nhaubốn thằng mình thuộc hạng VIP, đi chơi mà đem theo bác sĩ riêng. Bác sĩ riêng của chúng tôi là Thân Trọng Minh, tức LữKiều, cả bốn đều là bệnh nhân của anh.

Lúc này, chúng tôi thấy Chu Trầm Nguyên Minh tươi tỉnh hẳn lên, đã bỏ lại nụ cười gượng của anh trên chuyến tàu đêm.Trong ba ngày vui chơi thăm thú và dự đám giổ Cô Hai ở Phan Rang, Chu Trầm Nguyên Minh được gặp lại người học trò cũ mà anh dạy vẽ ở trường Poklong Garai. Anh đã phát hiện người học trò này có năng khiếu hội họa đồng thời khuyến khích, giúp đỡ cậu ta đi theo con đường nghệ thuật. Anh học trò Đàng Năng Thọ ngày xưa bây giờ trở thành họa sĩ, hiện nay là Giám đốc Bảo tàng Chăm Ninh Thuận. Ở Phan Rang anh còn một cô học trò nữa ở trên đường đi xuống làng Tấn Tài, chúng tôi phải “lặn lội” trong đêm vì đường xá mới mở, không có đèn đường, hỏi thăm nhiều người mới tìm ra nhà. Cô học trò này nói nhờ anh động viên từ thời còn “học thầy” mà đến nay đã xuất bản trên 30 tác phẩm (!).

Đêm trước khi chúng tôi rời Phan Rang, con trai của Ngy Hữu mời “mấy chú” đi uống cà-phê ở quán “xịn và to nhứt” ở đây. Trong không khí bạn bè ấm cúng, thân tình và khung cảnh nên thơ, Chu Trầm Nguyên Minh mặc sức trút bầu tâm sự. Anh kể lại cái duyên gặp lại Nguyên Minh vào năm 2012 để rồi không ngờ có hứng viết lại và viết nhiều, viết hăng sau khi “bỏ bút” từ tháng 3 năm 1975. Rồi anh kể sang giai đoạn đi “học tập cải tạo”, giai đoạn làm huấn luyện viên tennis ở Sài Gòn khi đưa cả vợ con từ Phan Rang vào, nhờ thế mà có tiền nuôi vợ, nuôi con ăn học đàng hoàng… Anh say sưa kể hết chuyện này sang chuyện khác, chúng tôi chỉ im lặng ngồi nghe. Lần đầu tiên tôi thấy anh phấn chấn nói nhiều như vậy. Tôi trộm liên tưởng tới trường hợp “đột biến” của Tô Đình Sự, bạn thân của anh và cũng là bạn thân của tôi.

3.
Trước Tết 2014, khi nghe Đỗ Hồng Ngọc cho biết tin Chu Trầm Nguyên Minh đã vào bệnh viện trở lại, tôi bèn gọi điện cho anh. Anh nói với tôi: mình khỏe lại rồi, để hôm nào xuất viện mình báo cho Thương biết, Thương đến nhà thăm. Sau Tết, tôi gọi cho Nguyên Minh hẹn hôm nào đến nhà thăm anh,cùng đi cho vui, thì Nguyên Minh báo cho biết anh đã nhập viện lại hôm mùng 2 Tết, và lần này ở bệnh viện Triều An, tít trên An Lạc, gần bến xe Miền Tây. Nguyên Minh phải chờ đứa con ăn Tết ở Phan Rang về, mới nhờ cháu chở đi được. Rất may , hôm 11-2 Trương Văn Dân điện thoại cho tôi hẹn sáng hôm sau đến thẳng bệnh viện thăm Chu Trầm Nguyên Minh, Dân cũng cho biết rõ khoa nào, phòng nào.

Khi tôi chạy xe gắn máy đến bệnh viện Triều An thìmọi người đã có mặt trong phòng điều trị rồi. Lúc đầu, tôi đã đứng trước cửa phòng của anh, nhưng không dám gõ cửa bước vào, vì thấy tấm bảng đề chữ VIP.Đến khi tôi gọi điện thoại cho Trương Văn Dân hỏi lại cho rõ, thì Dân mở cửa chạy ra đón tôi.Khu này ở tầng 2, dành riêng cho khách “VIP”, mỗi người một phòng.

Ngoài con dâu của anh, tôi thấy có vợ chồng Đặng Châu Long, vợ chồng Trương Văn Dân, Vũ Tiến Thành và một cây viết của Quán Văn (xin lỗi tôi quên tên) ngồi vây quanh giường bệnh. Trông anh gầy hẳn, chứ không vàng vọt như tôi tưởng. Tôi nắm cánh tay anh, hỏi thăm sức khỏe, anh trả lời “mình khỏe rồi Thương” với giọng mềm yếu hẳn, hình như anh rơm rớm nước mắt…

Lần thứ nhất, cách nay 44 năm, tôi thấy những giọt nước mắt của anh khóc vĩnh biệt một người bạn thơ, bạn thân.Lần này, những ngấn lệ của anh có phải để chuẩn bị tiễn biệt chính mình?

Lê Ký Thương

1 7 8 9 10 11 18