Song An Châu

Song_An_Chu

Đêm Thâu

Nhiều đêm
thức suốt canh thâu
Nghe xa tiếng hạc
lòng sầu vô biên.

Tiếng mưa
vừa đổ ngoài hiên
Sao nghe lạnh giá
từ miền xa xăm.

Lay thân
thay đổi chỗ nằm
Mà sao như thể
bao năm…xa vời.

Lần tay
tính lại tuổi đời
Tóc xanh đã bạc
đời trôi về chiều

Giờ tôi
như thể cánh diều.
Vời trông quê mẹ
buồn hiu xứ người.

Bao năm xa xứ người ơi!
Đứt từng đoạn ruột, rã rời tim gan.

Đêm Nghe
Tiếng Mưa Rơi!

Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi
Nghe trong giá lạnh, phiến đời vỡ tan
Nửa đêm thức giấc bàng hoàng
Nghe mưa tí tách, đêm miên man sầu
Hạt mưa rơi rụng hiên đầu
Nghe xa tiếng nhạc, từ đâu bay về
Giật mình tỉnh giấc trong mê
Nghe sao ai oán, đêm về buồn thương
Nỗi sầu như giọt mưa tuôn
Nghe thời gian chết, nghe chuông đưa hồn
Vọng xa từ buổi hoàng hôn
Nghe dư âm đến vẫn còn đâu đây
Bao năm lưu lạc xứ này
Thân như rã mục, hao gầy xác xơ
Từ khi xa cách đôi bờ
Tiếng ru của mẹ, ầu ơ … đâu còn!

Khung Trời Kỷ Niệm

Em có nhớ, khung trời kỷ niệm
Của chúng mình lúc mới yêu nhau
Bên hiên trường mưa gió dạt dào
Mình trú chân sau giờ tan học.

Mưa không dứt từng cơn gió lốc
Đứng bên em anh thấy ấm lòng
Dù bên ngoài gió bảo mưa dông
Anh vẫn thấy trong lòng ấm áp.

Ngày hôm đó tiết trời tháng chạp
Anh chỉ quàng chiếc áo mong manh
Tay trong tay anh không thấy lạnh
Truyền cho nhau hơi ấm từ lòng.

Lâu lắm rồi em có nhớ không ?
Kỷ niệm xưa khi mới yêu nhau
Giờ nhớ lại tưởng như hôm nào
Đôi tay nắm vẫn còn hơi ấm.

Nay xa cách biển trời xa thẳm
Nơi xứ người anh vẫn nhớ em
Và nhớ mãi kỷ niệm êm đềm
Dù thời gian nhuộm màu tóc bạc.

Khung Trời Kỷ Niệm

Em có nhớ, khung trời kỷ niệm
Của chúng mình lúc mới yêu nhau
Bên hiên trường mưa gió dạt dào
Mình trú chân sau giờ tan học.

Mưa không dứt từng cơn gió lốc
Đứng bên em anh thấy ấm lòng
Dù bên ngoài gió bảo mưa dông
Anh vẫn thấy trong lòng ấm áp.

Ngày hôm đó tiết trời tháng chạp
Anh chỉ quàng chiếc áo mong manh
Tay trong tay anh không thấy lạnh
Truyền cho nhau hơi ấm từ lòng.

Lâu lắm rồi em có nhớ không ?
Kỷ niệm xưa khi mới yêu nhau
Giờ nhớ lại tưởng như hôm nào
Đôi tay nắm vẫn còn hơi ấm.

Nay xa cách biển trời xa thẳm
Nơi xứ người anh vẫn nhớ em
Và nhớ mãi kỷ niệm êm đềm
Dù thời gian nhuộm màu tóc bạc.

Bình Minh
Nghe Tiếng Chim Kêu

Sáng nay thức dậy đã nghe
Tiếng chim ríu rít bên hè vui tai
Xa quê mấy chục năm dài
Nay nghe chim hót nhớ hoài quê hương
Ra đi một sớm mờ sương
Hàng cao ủ rũ, nhớ thương, chiều buồn
Giã từ đất mẹ lên đường
Lòng đau như cắt, sầu vương lối mòn
Qua cầu nước chảy bon bon
Một thời tuổi trẻ đi con đường này
Đến trường chân sáo hàng ngày
Vui cùng bè bạn mới đây đã tàn
Lỡ làng một chuyến đò ngang
Thuyền xa bến đậu, em sang ngang rồi
Bây giờ xa xứ nổi trôi
Nơi phương trời nhớ, đơn côi đò chiều
Sông buồn bến nước đìu hiu
Bóng xưa chợt dậy, yêu kiều dáng em
Môi son, áo lụa bên thềm
Lòng còn ngây ngất, bóng em xa ngàn.

Đêm Nghe
Tiếng Hạc Lưng Trời

Đêm nghe tiếng hạc lưng trời
Thương thay cánh hạc lạc lòi trong đêm
Đường xa tổ ấm cánh mềm
Trời đêm mưa gió càng thêm u sầu
Nay thân chiếc bóng về đâu
Đêm đen lạc bước đường nào về đây
Thâu đêm đã mõi cánh bay
Tìm đâu đúng hướng đêm nay về nhà
Gió đưa đôi cánh bay xa
Lạc lòi bóng tối về nhà đêm nay
Như tôi thân ở chốn này
Tạm dung xứ lạ đêm ngày nhớ quê
Mong cho có một ngày về
Thăm vùng sông nước của quê hương mình*
Sau ngày chinh chiến điêu linh
Tôi đi biệt xứ linh đinh xứ người
Như thuyền trôi giữa biển khơi
Nên lòng cảm thấy cuối đời buồn hiu.

Thôi Thì…

Thôi thì
em bỏ anh đi
Em còn ngoảnh lại
làm gì hỡi em.
Để buồn
chồng chất lên thêm
Để tình tủi hận
đêm đêm gối đầu.

Thôi thì
em muốn đi đâu
Em xây duyên mới
để sầu anh ôm.
Thôi thì
đừng nghĩ gì hơn
Xem như mình đã,
như đờn đứt dây…

Đêm Nghe Tiếng Mưa Rơi!

Đêm nằm nghe tiếng mưa rơi
Nghe trong giá lạnh, phiến đời vỡ tan
Nửa đêm thức giấc bàng hoàng
Nghe mưa tí tách, đêm miên man sầu
Hạt mưa rơi rụng hiên đầu
Nghe xa tiếng nhạc, từ đâu bay về
Giật mình tỉnh giấc trong mê
Nghe sao ai oán, đêm về buồn thương
Nỗi sầu như giọt mưa tuôn
Nghe thời gian chết, nghe chuông đưa hồn
Vọng xa từ buổi hoàng hôn
Nghe dư âm đến vẫn còn đâu đây
Bao năm lưu lạc xứ này
Thân như rã mục, hao gầy xác xơ
Từ khi xa cách đôi bờ
Tiếng ru của mẹ, ầu ơ … đâu còn!

Thu Bâng Khuâng

Chiều buồn qua phố mờ sương,
Nghe thu lá rụng bên đường quạnh hiu.
Chia tay mắt ướt một chiều,
Còn vương chút lệ, em yêu xa ngàn.
Từ ngày phượng đỏ hè sang,
Heo may gió thoảng lá vàng rơi rơi.
Mấy thu xa vắng em rồi,
Bóng câu qua cửa cuối đời lưu vong.
Yêu em anh giữ trong lòng,
Dù xa xăm mấy cũng không phai mờ.
Xa em, anh mãi đợi chờ,
Chờ ngày xum họp dây tơ nối liền .

Nhìn Thu Lá Rụng
Nhớ Người Tôi Thương

Thu về lá rụng ngoài sân
Sao lòng thầm nhớ mỗi lần thu sang
Nhớ sao, nhớ quá dáng nàng
Mỗi lần thu đến bàng hoàng trong mơ
Bao năm vẫn nhớ đến giờ
Từ thời áo trắng tình thơ học đường
Lời em nhỏ nhẹ dễ thương
Một lần chung bước đến trường năm xưa
Lao xao vàng lá gió đưa
Em chao nghiêng nón cho vừa tầm tay
Một cơn gió cuốn lá bay
Em vội hứng lấy, gió xoay đổi chiều.

Lá bay về phía bên tôi
Không ngờ chiếc lá bay rồi đáp vai
Tôi vừa đưa nhẹ bàn tay
Thì nàng cũng đến…chặp tay – tôi nàng
Trên vai…tôi nhặt lá vàng
Đôi tay êm ấm – tay nàng tay tôi.

Thế rồi từ đó trong tôi
Bàn tay mềm mại, nối đời thư sinh
Từng thu lá rụng đưa tình
Yêu thương càng lớn, thắm tình lứa đôi.
Trường xưa hết lớp, xa rời
Em vào đại học, tôi thời về quê
Từng thu, đôi lần em về
Thăm người bạn cũ, chân quê mùa này.

Tình đời lắm chuyện đổi thay
Thu nay lá rụng gió bay xa ngàn
Giờ đây tôi đã xa nàng
Nhìn thu lá rụng, bàng hoàng, nhớ thương…

Chút Tình Gởi Gió

Đêm về
thao thức canh khuya
Giọt sương rơi nhẹ
bay về hồn xa.

Buồn lên
che bóng chiều tà
Dung thân xứ lạ
quê nhà nhớ thương.

Xứ người
huynh đệ tứ phương
Mà sao vẫn nhớ
vẫn thương bạn bè.

Phượng rơi
đỏ lối vào hè
Đứa đi nhớ bạn
đứa về tủi thân !

Bạn xưa
đôi đứa xa gần
Bao lần gặp lại
bao lần … xót xa !

Chút tình
gởi gió bay qua
chút hương còn đọng
nay xa xứ… Buồn!

Nghe Như Tiếng Quốc

Từkhi cất bước phiêu diêu
Lần tay tính lại bao nhiêu tuổi đời
Ôi! Sao chưa được thảnh thơi
Còn đeo hệlụy, kiếp người trần gian?

Nay đâu nặng gánh giang san
Sao lòng nặng trĩu cưu mang trăm điều
Đời thường ăn ởbao nhiêu
Mà trong lo lắng thiếu điều đứt hơi!

Bao la trời biển chơi vơi
Lo vềquê mẹ, lo đời nơi đây
Xác thân nương náo chốn này
Mà hồn đểlại bên kia quê nhà

Cảm thương cho mẹtuổi già
Chân đi gối mõi, vào ra lưng còng
Cô thân, chiếc bóng trời Đông
Lạnh trong hơi thở, lạnh trong đời buồn

Bỗng dưng dòng lệrơi tuôn
Đêm dài thức giấc thấy buồn xa xăm
Ấm êm bên cạnh vợnằm
Nghe trong hơi thởthì thầm biển xa

Xạc xào cơn gió bay qua
Nghe nhưtiếng quốc gọi ta vềnguồn!

Mây Thu

Chiều về mây phủ non đoài
Nhớ thương tóc mẹ gió lay trong chiều
Mây thu ôm cõi tịch liêu
Dung thân xứ lạ buồn hiu nỗi mình
Nỗi nhà lo lắng bịnh tình
Mẹ nay chín chục cầu xin sống đời
Thu về biển nhớ xa khơi
Giang san cách biệt. Mẹ ơi nhớ hoài
Từ ngày xa xứ đến nay
Lần tay tính lại, ba hai năm trường
Biển đời trăm nhớ ngàn thương
Chia ly trăm nỗi đoạn trường, đắng cay
Quê hương nỗi nhớ đêm ngày
Mây thu bàn bạc xa bay phương nào
Trông về cố quận nao nao
Nay thân viễn xứ dạt dào nhớ thương!

Song An Châu

Trần Vấn Lệ

Trần Vấn Lệ-002

Nhớ Nhớ Nhớ Nhớ Nhớ Nhớ

Thường mà nhớ người ta không nói lớn
Nói nhỏ thôi, “Trời ạ nhớ vô cùng”
Tôi mới vừa đọc lại bài Ngập Ngừng
Thấy Hồ Dzếnh nói như là thỏ thẻ:

Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn tôi dạo khắp trong sân
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Tôi nói khẽ: Ôi, làm sao nhớ thế! (*)

Tôi nhớ em, bao nhiêu lần, không kể
Bởi, nhớ hoài, khôn kể siết, thưa em!
Nhớ giống như “cái dĩa phần mềm”
Cái dĩa đó chứa trái tim mềm nhũn?

Nghĩ cũng ngộ, trái tim không bất động
Khi người ta còn sống ở trên đời
Đi đó, đi đây, bao cuộc đổi dời
Nhớ ai đó, nhớ…bởi vì mất mát?

Tới bao giờ…trái tim thất lạc
Mình mất mình, mất hơi thở thì thôi
Từ tuổi thanh xuân đến tuổi xế đời
Người ta còn sống, còn nhớ người trong mộng!

Hồ Dzếnh nói, cuối đời, không lúng túng:
Nếu trót đi em hãy gắng quay về
Tình mất vui khi đã vẹn câu thế
Đời chỉ đẹp khi hãy còn dang dở!

Đó, hệ quả của một lòng nhung nhớ
Đó, còn gì “có hậu” để mà thương!
Em ơi em, tôi không hiểu chữ Vô Thường
Nó có phải mây ngàn phương tan, tụ?

Nhớ, không biết bao nhiêu cho đủ
Nhớ, đong đầy, tràn đó, nhớ hay mong?
Nếu em đừng mười bảy tuổi sang sông
Mưa không ướt áo ai, một người lính trận!

Tôi nhớ Huế, nhớ một chiều mình đứng
Ngó vườn cau Nam Phổ nắng vàng
Tim tím ngọn cau sương khói bay ngang
Những người tôi thương yêu, bóng-hình-sương-khói!

Đường Quạnh Hiu
Chiều Không Bóng Người

Em ạ, mùa Thu tới thật rồi
Nửa chừng tháng Bảy lạnh lên hơi
Heo may đã thấy về ngang ngõ
Đường quạnh hiu chiều không bóng người…

Năm nay có thể Thu về sớm
Biến đổi đất trời, hết tự nhiên
Anh có bài thơ làm chửa trọn
Thì thôi không dám gửi cho em!

…Và em không đọc thì không biết
Anh nhớ thương em lạnh thế nào
Khăn thắm choàng đầu, em biệt biệt
Hạ hồng Thu xám, giấc chiêm bao!

Ngày lửng lơ buồn ơi lửng lơ
Đây như là Huế Hương Giang mờ…
Chiều vàng hay tím, em nhìn thử:
Có phải trời như thuở Huế xưa?

Có phải Trường Tiền như nối nhịp?
Dài hơn, một chút, đã dài hơn…
Em ơi anh nhớ em như nước
Đang đóng băng, kìa, một chữ Thương!

Đêm qua nằm mộng thấy Thương Thương
Má đỏ au lên đẹp lạ thường! (*)
Hàn Mạc Tử đau hay rất khổ?
Chuyện đời xưa kể mãi chiều hôm!

Chiều hôm, hôm nao, nao nao lòng
Em ơi, em à, em nhớ không?
Buổi sáng, em sang đò, buổi sáng
Buổi chiều, Nam phổ nắng rưng rưng…

Ai Biểu Em Giai Nhân
Cho Lòng Anh Bát Ngát

Sáng nay, anh chưa nói
Với em một tiếng nào
Ít ra một tiếng chào
Good Morning Người Đẹp!

Sáng nay trời như khép
Cánh cửa bình minh rồi
Anh chờ giọt mưa rơi
Xuống đóa hoa mới nở.

Hoa vẫn đẹp rạng rỡ
Dù ngày rất âm u
Bốn mùa, Xuân, Hạ, Thu
Và Đông, bình thường, vậy!

Nhìn lại em, anh thấy
Một nụ hoa sắp cười
Một ngày mới nữa, thôi
Em, muôn đời vẫn đẹp!

Em nhắm đôi mắt biếc
Hèn chi sáng nay còn
Bóng trăng nằm trên non
Và cơn mưa sắp tới…

Anh nhủ lòng khoan nói
Với em một tiếng chào
Nghĩ em chắc chiêm bao
Thấy anh ngoài muôn dặm…

Chúng mình còn xa lắm
Lời nào cũng đóng băng
Em cứ nằm nghiêng lưng
Ngủ đi! Trời chưa sáng…

Ánh trăng nằm trên trán
Của em, mà xa vời
Biết chừng nào biển vơi
Cho thuyền về bến nhỉ?

Em ơi hai Thế Kỷ
Và muôn năm cũng bằng?
Ai biểu em giai nhân
Cho lòng anh bát ngát…

Ngày Của Cha

Hôm nay,
Ngày của Cha.
Những người nhỏ tuổi
Còn Cha Mẹ
Những người lớn tuổi
Thường mồ côi.
Xin bạn hãy coi tôi như còn nhỏ tuổi
Ngày hôm nay thui thủi
Nghĩ đến Cha Mẹ
Thấy đầy ắp trong lòng mình
Tình Mẹ Nghĩa Cha
Hai chữ Yêu Thương xin được hiểu là
Tình Cha và Nghĩa Mẹ!

Hôm nay, mới sáng thôi
Thấy bầy chim sẻ
Líu lo trên mái nhà
Và tung tăng như một bầy con nít
Quả thật tôi yêu thích chúng
Yêu thích cái gì đã thành thân thuộc
Như hương thơm điếu thuốc
Khói bay bình minh.
Quả thật tôi biết mình không còn Cha Mẹ
Đời tàn bóng xế
Thường người ta mồ côi!
Có vẻ vời
Lại một thời thơ dại
Chẳng qua là nói đi nói lại…
Mẹ và Cha, một định nghĩa của Tình Yêu!

Lát nữa trưa, lát nữa chiều
Ngày-Của-Cha qua như ngày-thường-bữa
Tôi viết những điều trên đây, để đó
Sang năm lại mở ra nhìn…
Cái Tình trước mặt!
Bao nhiêu người xa khuất
Đi qua trong đời tôi
Bao nhiêu người xa xôi
Có tôi đang dấn bước
Ôi những người-đi-trước
Hồn ở đâu bây giờ?

Sáng như trời bỗng mưa
Té ra là giọt nước mắt
Ba cây nhang vừa thắp
Khói như mù sương nhớ thương…

Chiều Qua Chợt
Thấy Heo May Nổi

Sắc trời nhàn nhạt dưới khe
Chim bay lá rụng cành nghe lạnh lùng…
Huy Cận

Trời đất năm nay có bất thường
Nửa chừng tháng Sáu đã mù sương
Chiều qua chợt thấy heo may nổi
Chợt thấy có màu lá héo hon…

Thung lũng mờ sương, chiều cũng mờ
Chim về tổ cũ lạc bơ vơ
Có con bay ngược về phương Bắc
Tưởng chỗ về không phải chỗ xưa?

Chim bay. Lá rụng. Hoàng hôn xuống
Chiều trải ra rồi lịm tắt rồi…
Những ánh đèn xanh, vàng, đỏ hiện
Tưởng sao chìm nổi rất xa xôi…

Người đi có lẽ đi ngàn trước
Để lại ngàn sau thơ quá buồn:
Lá rụng, chim bay, ngơ ngác đó
Từ nay ai đếm những hoàng hôn?

Khăn thắm choàng đầu, ai, tưởng chị
Mùa ơi đồng nội gió còn thơm…
Chút heo may chợt lòng se sắt
Ai vỗ về cho rụng bớt sương?

Chim bay. Lá rụng. Cành trơ trụi
Đừng nhé bây giờ. Mai mốt nha…
Lúc đó tha hồ chim quốc gọi
Tha hồ mỏi miệng cái gia gia…

Tùy Bút Trưa

Trưa
Ngạc nhiên
Cây không rung rinh lá
Gió mô rồi trời xanh bao la…

Trưa
Nắng trải trên sân gạch đỏ
Con chim sẻ về
Đậu đó rồi. Bay…

Trưa
Không có chút gì nao nức
Cỏ xanh mềm
Lả ngọn. Nắng ơi!

Chiếc xe bus đậu
Không ai xuống
Một người lên
Im lặng. Ngày xuôi…

Xuôi như nước
Trên sông đổ dốc
Dốc mơ hồ
Như bàn tay đưa ngang…

Nếu bây giờ
Thấy trăng trên núi
Gối đầu trăng
Mình ngủ chắc ngon?

Giọt mồ hôi
Chảy từ chân tóc
Hai bên thái dương em
Hay biển trong lòng?

Nâng vạt áo
Lau mồ hôi trên mặt
Tôi nhớ nàng một thuở long đong
Tôi cũng long đong một thời Cải Tạo.

Hoa thạch thảo
Nở vàng ánh nắng
Ôi màu trăng
Cũng vàng đêm nao…

Có Một Ngày
Như Thế Đó Em

Có một ngày thơ rất đỗi thơ
Đó, ngày không nắng cũng không mưa
Chỉ con bướm trắng trên bờ giậu
Hôn đóa hoa vàng gió phất phơ…

Có một ngày êm ả lạ lùng
Giai nhân yễu điệu giống con sông
Vầng trăng buổi sáng còn soi bóng
Mây ở đầu non bỗng ngập ngừng…

Có một ngày nhìn sông nước xuôi
Ước chi tôi sóng quyến chân người
Dĩ nhiên ai đó, người trong mộng
Tôi, cánh bèo thôi, sông nước trôi…

Có một ngày tôi chẳng giống ai
Không lên xe bus kiếm cơm ngày
Mà nhìn từ vệ đường hoa nở
Mái tóc thề bay, cửa kính bay…

Có một ngày tôi có bài thơ
Dẫu không ai đợi chẳng ai chờ
Tôi nghe tim đập, lòng tôi nói:
“Không có gì đâu, cả nắng mưa!”

Trời không mưa nắng – trời không bệnh
Tôi nhớ người ta, bệnh suốt đời
Nam, Bắc, Đông, Tây, trời bốn hướng
Lòng tôi, chỉ nhớ một-em-thôi!

Có một ngày tôi hứng nguyệt tà
Cầm trên tay, bỗng, nguyệt thành hoa
Xa nhau, chưa có đêm nào tận
Vì bởi…mỗi ngày – một thoáng qua!

Memorial Day

Người Mỹ không thắp nhang
Nhưng cúi đầu một phút
Nghĩ tới người đã mất
Trên những chiến trường xưa…

Memorial Day không mưa
Bầu trời một màu xám
Màu của sự ảm đạm
Màu của buồn, rất buồn…

Xe vẫn chạy ngoài đường
Cờ vẫn bay trong gió
Nhà nhà khép cửa sổ
Im lặng, ngoài tiếng xe…

Không ai mắt đầm đìa
Nhưng hình như gợn sóng
Chuông nhà thờ vang vọng
Tưởng như là mưa rơi…

Những tiếng buồn rụng, rời
Lá ngoài đường lác đác
Biết có hồn nào lạc
Về cõi trần gian không?

Một phút, một tấm lòng
Muôn tấm lòng nức nỡ
Một ngày thật đáng nhớ
Không ai nhắc nhỡ ai…

Tôi, kẻ đứng bên ngoài
Lịch sử của nước Mỹ
Thấy người ta như thế
Thấy lòng mình cũng đau…

Nước Việt mình ra sao?
Ơi những người thiên cổ
Xác thây nằm trong cỏ
Có ai thắp nén nhang?

Tôi hỏi chắc vội vàng
Chắc chi mình về muộn
Có thể mình ngủ nán
Giấc Thiên Thu ở đây…

Biển Và Sóng

Sóng hay ghê! Dẫu giữa vùng biển thẳm
cũng vào bờ mà vỗ nhịp hoàng hôn.
Rồi lại đi… như nước tự trời tuôn
ra biển lại ở với vùng biển thẳm!

Anh nói gì vậy em?
Biển kìa, mênh mông lắm!
Biển của những con thuyền đắm…
những con thuyền chở nặng tình quê.

Những người đi, đi mãi mãi không về,
chỉ có sóng vào bờ hôn hoàng hôn đắm đuối!
Dưới lòng biển biết bao nhiêu hòn cuội
– những trái tim người cô đọng giấc Thiên Thu!

Em em à, anh đang ở nơi đâu
mà sóng vỗ nghe như bên lầu Ngưng Bích?
Sóng vỗ hay tiếng ma Hời thút thít…
tiếng của ai thầm thì đêm tối mịt chia ly?

Sau mười năm tù anh cũng đã ra đi,
cũng chỗ này em đi, Má mong chờ, Má chết…
Sóng còn đó, sóng không bao giờ hết,
biển không bao giờ cạn kiệt, tại sao?

Sóng hay em đang khóc đang gào?
Sóng hay anh đang trào sóng lệ?
Biết bao nhiêu bài thơ đã thành truyện kể.
Biết bao nhiêu bài văn, ai ghé mắt một lần?

Anh đang nhìn chiều, nhìn biển phân vân.
Santa Monica biển gần như con mắt mở.
Tiếng sóng dội như ai nằm ngủ mớ
một Việt Nam mờ mịt vạn trùng dương…

Em em à em rất đỗi nhớ thương,
níu sóng được anh níu bàn tay em nhỉ,
hai đứa mình về dạo chơi Phan Rí,
mua chiếc thuyền thúng bé tí, mình bơi…

Em em à em ơi em ơi…
sóng ở giữa biển bao la còn vào bờ được, đó!
Anh không tin em chừ là ngọn gió…
đuổi sóng về cho anh đau đớn thêm…

Bến Xe Đò

Chiếc xe Nhan Nhựt không còn nữa
Đời biển dâu và em biển dâu
Thành phố xưa về ngơ ngác nắng
Xưa và sau có hẹn gì đâu!

Bến xe Nhan Nhựt bây giờ vắng
Những chuyến xe đò về Vĩnh Long
Thiên hạ hình như thôi cách trở?
Người tù chớp mắt thấy mênh mông!

Hỏi thăm, ai biết người trong mộng?
Thành Thái đường kia cũng đổi tên!
Ôi lạ lạ từng cây trụ điện
Chỉ còn quen lắm cái không quên!

Là những con chim bồ câu đậu
Nhặt cái thải thừa của tháng năm
Nuốt cái buồn đau thời quá khứ
Rồi thì vỗ cánh…cũng xa xăm!

Sài Gòn khác hẳn xưa mình đến
Không có leng keng xe bánh mì
Không có “Chị ơi mua giúp với
Số chiều nay xổ, cặp năm đây!”

Chiếc xe Nhan Nhựt mờ trong bụi
Chinh chiến còn đây chút nhớ người
Lòng nhủ thôi thì quên cũng được
Bọt bèo sông nước vạn dòng trôi…

Mà em ơi hỡi sao tôi vẫn
Cứ tưởng em kìa trong nắng trưa
Mái tóc thề ngang vai gió thổi
Ngày xưa, như thế,
bến xe đò…

Em À Đêm Nay
Đêm Trăng Mười Bảy

Em biết mà em, đêm nay Mười Bảy.
Tuổi em Mười Bảy không phải năm này!
Còn kia hàng cây. Hai bờ lau lách.
Vầng trăng nguyệt bạch khuyết mất mấy phân.
Cõi đời phù vân từ em Mười Bảy!

Em ngó lên thấy vầng trăng phải không?
Tại em lấy chồng anh nhìn trăng mãi.
Em thời con gái mãi mãi muôn năm!
Anh nói với trăng, trăng muôn năm, đó!
Trăng nằm trên cỏ, trăng nằm trong tim…

Anh quá nhớ em tìm trăng anh ngắm.
Hồi lính, anh bắn, không hề bắn trăng.
Anh đói, không ăn sợ trăng sẽ hết!
Em ơi anh chết nếu trăng hao mòn…
Nếu trăng không còn…buồn anh nguyên vẹn!
Dẫu là lời hẹn gió đã bay đi…

Em tuổi Xuân Thì nhớ gì không nhỉ?
Dòng sông thanh thủy? Vầng trăng vàng mơ?
Em có nhớ thơ, Hoa Đào Thôi Hộ?
Đào nhà em nở, anh cũng có thơ…
Chuyện tình nào xưa cũng là tình đẹp,
Giống như đôi giép lạc mất, cũng xinh!

Em ơi ngói Đình đếm hoài đếm hủy,
Cành trúc ủy mị nghiêng nghiêng vầng trăng…
Anh từng bâng khuâng bên bờ lau lách,
Nhớ em ôm sách tan buổi học về.
Nhớ em tóc thề năm em mười sáu…
Nhớ em tà áo, tà áo gió bay…

Sáng Nao
Đóa Hoa Vàng

Sáng sớm, mặt trời lên
Ngỡ mặt trăng chưa lặn
Đến khi trời rực nắng
Mới biết là trăng tan!

Dĩ nhiên là nhớ nàng
Người con gái mười bảy
Hết rồi được nhìn thấy
Thấp thoáng trong vườn hoa…

Thấp thoáng. Mờ. Tan. Xa
Còn chăng sương kỷ niệm
Ngỡ khăn choàng màu tím
Sáng nao nàng che trăng…

Sáng nao đóa hoa vàng
Nở cho nàng đứng lại
Nở cho chàng cúi hái
Nở…cho tình yêu thôi!

Sáng nao xưa lắm rồi
Biết ai mô mà hỏi
Con đò ngang đã tới
Bến nào hỡi Hương Giang?

Mặt trời đã hiên ngang
Vượt lên đầu ngọn núi
Tôi biết tôi có tội
Vì quá thương nhớ trăng!

Khi Không
Mà Trời Trở Gió

Khi không mà trời trở gió
Gió nồm nam thổi đem mưa
Mưa không phủ kín rừng thưa
Mưa chỉ làm thừa hiu quạnh…

Gió nồm nam gió không lạnh
Chỉ làm nhớ nước nhớ quê
Mùa này Việt Nam mùa Hè
Nhớ ca dao mong chúa Nguyễn!

Hơn hai trăm năm mờ nhuyễn
Những tình những tự dân gian
Bây giờ khắp nước Việt Nam
Tìm đâu được một chúa Nguyễn?

Mùa Xuân mùa chim én liệng
Mùa Hè đuổi chúng đi xa
Mùa Hè ở xứ người ta
Đen trời những con chim quạ!

Chim quạ mang về điềm lạ
Buồn hiu những ngọn gió nồm
Nhiều người lớn tuổi đi luôn
Nghĩa trang gió luồn lối cỏ…

Ơi người tôi nói gì đó?
Tôi còn nhỏ lắm hay sao?
Môi ai kìa nụ hoa đào
Thơ tôi bỗng dưng trào lệ…

Ước gì tôi về ngó Huế
Ngó chùa Linh Mụ mây giăng
Ngó Thầy bật lửa châm nhang
Ngó lại từng trang lịch sử…

Gió nồm ngừng nơi Bến Ngự
Tiên Vương những nấm mộ nằm
Mới đó mà mấy trăm năm
Mới đó trời đây trở gió!

Cá Tháng Tư

Ngày đầu tháng Tư…
Nhiều người tư lự
Có một tin dữ:
Trái đất vỡ tung!

Tôi ngó lên trăng
Trăng vừa mới nhạt
Một ngày mới khác
Đang bắt đầu lên…

Tôi nghĩ tới em
Tung mền chưa vậy?
Có nghe cá nhảy
Cá nhảy tháng Tư!

Loài người có dư
Những chuyện nói láo
Họ bỏ túi áo
Rút ra nói… chơi!

Có người nghe, cười
Có người nghe, sợ
Chuyện không chứng cớ
Mà ồn một ngày…

Con chim thì bay
Chuyện ai cũng biết
Con cá ngộ thiệt
Có cá tháng Tư!

Cảm ơn nụ cười
Của ông Di Lặc
Ông cười sằng sặc
Nào ai nghe đâu!

Chuyện không có đầu
Cũng không có cuối
Vậy mà ai nói
Mình cũng trầm tư…

Bao giờ như như
Thản nhiên như nước
Chảy từ đầu thác
Chảy ra biển khơi…

Em ơi em ơi
Tung mền chưa vậy?
Con cá nó nhảy
Con chim nó bay…

Đóa hoa chào ngày
Anh mừng em đó!
Một câu nói nhỏ
Tôi nói tôi nghe…

Không thấy em về
Ngõ vàng hoa đợi
Quê nhà mất lối
Cũng từ tháng Tư!

Nhật Ký Tháng Tư

Ngày đầu tháng Tư, em cười trong máy, dù mặt không thấy… vẫn nghe trái tim, nho nhỏ, êm êm, của em rộn rã. Nếu đừng xa quá thì đóa hoa hồng trong tay anh bồng là em đó nhé! Ôi… đời không lẽ mình cứ hoài xa, xa nước xa nhà… và xa vạn dặm! Máy bay bay thẳng cũng mất năm giờ, mà bắt xe đò hai ngày mới tới. Gặp nhau sẽ nói, nói gì em thương? Gặp nhau sẽ hôn… hôn trăng trong mộng!

Có hình không bóng, có bóng không hình, nói giữa mông mênh, đâu là thực tại? Anh nhìn cây trái mùa Hè xum xuê, anh nhớ bờ tre, anh thương lối trúc, em mở trang sách, em nhìn xa xôi… Xưa, những ngọn đồi, mình lên đó ngắm mây vờn trăng xa. Ở đó, mùa hoa, hoa quỳ tháng Chạp, em là đỉnh tháp cho anh nhìn lên. Anh nói với em: Em Là Đỉnh Tháp! Nếu đừng có giặc, mình không xa nhau…

Bữa nay ngày đầu, hăm chín ngày nữa, không ai không nhớ Ngày Cuối Tháng Tư – ôi những tiếng cười bỗng nhiên mà tắt! Ôi những lồng ngực bỗng nhiên vỡ tan! Ôi nước Việt Nam bỗng nhiên đổi chủ! Ôi người nằm ngủ bên vệ đường kia! Những bàn tay chia, chia lìa muôn thuở…Kẻ đi người ở, ngày đó muôn năm!

Sáng nay lâm thâm mưa bay nhè nhẹ anh hôn em nhé chỗ nào em ơi…Một câu văn xuôi, em cười gió ngược, ôm em mà được cái phone ném đi…

Em Khăn Lụa Cầm Tay
Đuổi Mây Mùa Hạ Đỏ

Hai con nai tội nghiệp, đứng nhìn suối khô ran. Chắc chúng biết lỡ làng / tới chi vùng khô hạn…

Lòng suối khô vẫn sáng / những viên cuội tròn vo / giống như những trái nho / được mùa đang mọng nước…

Những nhánh liễu dài thượt / đong đưa và đong đưa / gió không thấy chuyển mùa / hai con nai chạm mặt…

Hình như chúng muốn khóc / nước từ mắt chúng kìa / không biết con nào chia / cho con nào nước mắt…

Ruột tôi bỗng đau thắt / bật nắp một lon bia / bọt tung bia vàng khè / bướm xập xòe bay lại…

Mấy bông hoa vàng dại / nở bung dưới nắng vàng / con hummingbird bay ngang / ngập ngừng rồi bay tiếp…

Hai con nai tội nghiệp / lững thững len rừng thưa / chúng không nghĩ là mưa / bây giờ đang đâu đó…

Bây giờ tôi sực nhớ / em có mong tôi không? Có đứng bên ni đồng / ngó bên tê bát ngát…

Hay là em hờn mát / sao mưa chưa chịu về / hai con mắt đỏ hoe / hai Thế Kỷ rồi đó!

Em ơi tình thiên cổ / chắc cũng giống đời nay? Em, khăn lụa cầm tay /đuổi mây mùa Hạ đỏ…

Vầng Trăng
Như Ai Tô Màu Vàng

Vầng trăng như ai tô màu vàng? Nằm trên mây, kìa mây lang thang…Vầng trăng không bay không như chim. Vầng trăng thâm nghiêm như môi nàng…

Vầng trăng nghe chăng tôi kêu mưa, về đi về cho trăng bơ vơ. Không ai thương trăng bằng tôi thương / ngay khi trăng trong rồi trăng mờ…

Trăng buồn hay không bao giờ buồn? Tôi đau lòng trăng run trong sương. Tôi làm sao ngờ trăng vô tình / khi thân ngà trăng nghiêng trên non…

Trăng nghiêng về đâu? Trăng muôn màu / xinh vô ngần trăng soi hoa cau / trăng thơm lừng hương cau mơn man, vườn cau xưa hương bay me ngào…

Đêm Rằm nhìn hình trăng hình tròn, dù môi trăng không hề tô son / mà đại dương ba lan êm đềm / từng cù lao mời trăng nghiêng lưng…

Từng cù lao mời trăng xin hôn, xin cho đêm ma không còn hồn, trăng nằm im trên vai từng người, trăng chan hòa từng câu yêu thương…

Ôi trăng ơi tôi yêu trăng nhiều, chưa bao giờ đong xem bao nhiêu / chưa bao giờ trăng vơi trăng đầy / mà muôn lần trăng nguyên đăm chiêu!

Tôi yêu trăng yêu từ tương tư, từ Tương Giang mây giăng trăng xưa, lòng tôi trong vì trăng pha lê, trăng là hoa, hoa mai tôi mơ…

Từ sa trường tôi cầm hoa mai. Trên non sông đôi khi trăng gầy. Tôi hôn trăng cài trên buồng tim. Tôi chung tình trăng không chia hai…

Mai Chúa Nhật

Bạn tôi nói quán cà phê đó ngon
Mai Chúa Nhật hai đứa mình tới đó
Bạn tôi già mà giống như đứa nhỏ
Một câu mời hai tiếng “đó” giòn tan!

Bạn tôi làm tôi nhớ thuở Việt Nam
Thời đi dạy học trò vui thiệt
Đứa nhỏ nào tóc trên đầu cũng xanh biếc
Và đầu Thầy tóc cũng …rất là đen!

Bạn tôi nói một câu rất là quen
Bao nhiêu chuyện đã quên, bỗng nhớ
Nhớ ngày vào lính xếp hàng ngồi trên cỏ
Như cái thời mình còn là học trò…

Nhớ những ngày mình mất tự do
Làm cúi mặt, mặc trời mưa hay nắng
Với chế độ biết rằng “không ở đặng”
Sống ngày nào thì hận đến muôn năm!

Bạn tôi gặp đây không phải bạn thân
Quen giữa đuờng mà cuối đời xa xứ
Tôi hỏi bạn tôi: “Tại sao ông không tự tử?”
Bạn tôi cười ruồi: “Tôi cũng giống ông thôi!”

Sáng Thứ Bảy hai đứa tôi cùng ngồi
Ở một quán cà phê có hành lang chật chội
Ai cũng hút thuốc nên hành lang đầy khói
Lòng tôi cũng đầy hư ảo ngày mai…

Mai Chúa Nhật, bạn tôi nhắc lại lần thứ hai:
“Mình đến đó, một quán cà phê nhiều gió
Mặc sức thả hồn cho hoa cho cỏ
Mặc sức ngắm nhìn hoa đỏ hoa vàng…”

Hai đứa tôi chia tay ở parking
Bạn tôi về Irvine, tôi về Los Angeles
Một ngày cuối tuần chấm hết
Trời rất xanh. Nhớ quá quê nhà…

Uống Rượu Làm Thơ

Rượu ngon không uống ào ào, ngậm một ngụm nhỏ, hít vào, thở ra. Cũng là Lục Bát, đó, ta! Cũng là Thơ, Phú, ngâm nga sớm chiều!

Tôi và người bạn mến yêu, khui chai rượu nắng hiu hiu rọi vàng. Giả vờ có lúc cũng sang, quên đi đất nước ngổn ngang chuyện buồn…

Tôi và bạn ngồi uống suông, không mồi nhấm nháp thấy hơn có mồi. Ngó mùa Xuân lá xanh tươi, cười khan: Mới Đó Mà Trời Đổi Thay!

…huống gì lòng chúng ta đây, còn đâu nữa nhỉ những ngày thanh niên! Rồi cầm chai rượu, nghiêng, nghiêng, rượu đo từng giọt và tiền gió bay…

Nghĩ thơ Lục Bát thật hay, từng đôi sáu tám nối dài thiên thu! Mới vô…như nói khai từ, lâu thêm một chút bây giờ đã khuya!

Cờ bay trên phố đêm về. Màu trăng năm mới não nề phố đêm. Xe vài ba chiếc chạy êm, người vài ba bóng thênh thênh bước thầm…

Rượu ngon cạn hết đầu năm, tay hai đứa nắm nhẹ nhàng, rồi xa. Đường muôn ngả, một ngả ba, còn chi bịn rịn hỡi ta hỡi mình!

Ngày Đầu Năm 2015

Ngày hôm nay, ngày-đầu-năm có khác:
Mặt trời lên từ lúc tám giờ
Không có mây, ngày chắc không mưa
Chim ríu rít hót chào Năm-Mới…

Ba trăm sáu mươi lăm ngày mong đợi
Chắc hôm nay ai cũng vui lòng?
Gió nhẹ nhàng đủ gợn nước con sông
Nắng dịu dàng làm màu hoa thêm thắm thiết!

Chiếc máy bay AsiaAir rớt-chìm-không-mất-biệt
Một trăm sáu mươi hai người rồi sẽ có mả mồ
Người làm vườn nâng nhẹ một chùm nho
Màu uất hận hẳn trôi về quá khứ?

Và năm qua đã thành năm lịch sử
Cà năm kia, năm kỉa, năm kìa…
Đã im lìm như sóng vỗ hồi khuya
Bầy chim hót sáng nay dẫu những lời rất cũ…

Người Việt Nam mình ba bốn triệu người xa xứ
Sáng hôm nay chắc đều ngó mặt trời?
Có người nào nét mặt không tươi?
Có người nào không mở lời thân ái?

Ở Trung Đông, ở Bắc Phi xa ngái
Tôi tin rằng tiếng súng cũng đang ngưng
Ngày đầu năm là ngày sáng trưng
Rồi mai mốt, thế nào kệ nó!

Hàng xóm tôi cửa nhà đã mở
Tôi thấy ai đang chải tóc trước gương
Ai có thấy tôi không nhỉ, trong vườn
Nâng nhẹ tay nụ hướng dương vừa nở…

Nếu bây giờ mà đường đi ngang ngõ
Có ai vừa yễu điệu dáng Xuân xưa
Dẫu cuối phố kia hoa cỏ sẽ nhòa
Thì… ai đã hiện ra như mặt trời đã hiện!

Tôi thú thật lòng tôi đang xao xuyến
Ngày đầu năm chưa trải hết bài thơ…
Những lời hôm nay tôi không nói vu vơ
Nhưng tôi sợ một mai tôi bâng quơ thương nhớ…

Đi Đón Mùa Xuân

Có vẻ như mùa Xuân đang tới
Em nhìn kìa, hoa cỏ đã tươi xanh
Em nhìn kia, em hãy tưởng tượng em và anh
Mình đi dạo trên đường Xuân buổi sáng:

Anh nói với em chúng ta đều lãng mạn
Dễ thương biết bao em cái hồ nhỏ nước trong
Như đôi mắt của em trăng sáng một vầng
Anh làm sóng lăn tăn những sợi lông măng của em gờn gợn…

Hai tay em hai tay anh chúng ta bắt cái bóng
Bóng thời gian và ôm vào lòng
Mình đã ôm nhau rồi đó, thấy không
Bóng thời gian và muôn năm tình nghĩa…

Mùa Xuân đang tới, mùa Xuân có vẻ
Thuở thanh bình êm ả chân son
Em của anh ơi nước chảy đá mòn
Mình hãy nói yêu thương nhau đến ngày nào mùa Xuân sang Hạ…

Cô gái để trên đầu một vòng hoa lá
Lá màu xanh và hoa tím dịu dàng
Năm bốn mùa trời đất thênh thang
Mình đi hết bốn mùa rồi trở lại…

Người xưa nói: Mùa Xuân bất tái…
Xưa lắm rồi. Thời đó chiến tranh!
Nước sông Hương đang xanh
Chúng mình tắm mùa Xuân, em nhé!

Tin Nói Hôm Nay Lạnh

Đọc bản tin thời tiết, đọc để biết rồi cười. Đời, chẳng gì là thiệt…ngay ai chìa đôi môi!
Tin nói hôm nay lạnh…mà có lạnh gì đâu. Sáng có gió thổi mau, trưa, xế thì gió nhẹ…
Lạnh, chưa phải lạnh xé: con gái áo mong manh, bà già áo mỏng tanh, ông già sơ mi ngắn…
Hay tại vì trời nắng đốt cái lạnh cháy rồi? Nở bao nhiêu môi cười: “Tin khí tượng nhảm quá!”
Ông già cười ha hả, vò tờ báo trong tay, ông ném cho chàng trai, chàng trai cầm cười nhạt…
Hiên cà phê bát ngát, khoảng trời xanh bao la, vài đám mây bay qua và lạnh bay theo gió…
Tưởng lạnh hoa tuyết nở, không ngờ trời trong xanh. Một ngày bao nhiêu tin, biết tin nào chính xác?
Nhớ lại thời trận mạc, tin thời tiết không cần; những người lính hành quân vẫn đội trời mưa nắng…
Bây giờ, đời bình lặng, tin tào lao xôn xao. Đọc báo rồi ồn ào. Đọc báo rồi ném báo…

Trần Vấn Lệ

Trần Tuấn Kiệt

Trần Tuấn Kiệt

Trầm Tư Về Thơ Trần Thiện Hiệp

Ở hai ngoại Trần Thiện Hiệp là một thi sĩ có tầm vóc lớn. Khi về thăm lai quê hương năm 2001, ông đã giao cho nhà xuất bản Trẻ ấn hành tập thơ lấy tên mình – Thơ Trần Thiện Hiệp – gồm 100 bài thơ chọn lọc trong số thơ ông đã xuất bản từ lâu ở Hoa Kỳ, Canada. Xuyên qua thơ ông sáng tác từ bàn viết tạm dung trong suốt thời gian dài gần 30 năm, ta có thể nói Trần Thiện Hiệp là một thi sĩ sống đầy đam mê và thủy chung với sự nghiệp thi ca. Với một bút pháp thâm hậu, nhà thơ họ Trần đưa người đọc vào thế giới tinh thần của mình bằng những vần thơ ý tưởng mới mẻ, suy nghiệm sâu sắc về thân phận con người trong cõi mênh mông vô thường.
Thơ Trần Thiện Hiệp cao nhã, sâu xa, có nhiều kỳ tứ đượm phong vị thiền, triết, và đặc biệt đầy nhạc tính, giúp cho thơ ông bay bổng và hấp dẫn khách yêu thơ. Đôi khi tiếng thơ Trần Thiện Hiệp cũng có những bước nghịch hành của người cô lữ luôn hoài vọng về quê hương cố quận. Đôi khi lại rất trữ tình như thơ của thi sĩ Nguyễn Hoàng Quân xưa kia:
Em bước trong thơ
Em đùa trên sóng
Em du mình trên khắp nẻo kinh thành…

Với Trần Thiện Hiệp thì:
Em tượng thời thiên cổ
Xiêm y một vầng trăng
Thơ ta mềm dải lụa
Đón em về hoa đăng
Hay là:
Khi về chải tóc em nghiêng
Nghe hồn chợt ấm giữa miền long đong
Hiên trưa lá biếc như lòng
Ta như bướm nắng lạc dòng tóc phơi

Khiến ta cũng nhớ đến thơ của Tất Nại Am “Chuyện đời một nửa vô cùng vô biên”, đó là đôi câu tuyệt bút sau đây của Trần Thiện Hiệp:
Phù du còn lại nửa đời
Vẫn chân bám đất vẫn trời vô biên

Cõi đời đạt lý, huyền nhiệm khôn cùng thì cái chân hạnh phúc là đâu, Trần Thiện Hiệp trả lời:
Hạnh phúc là suối mát cỏ hoa

Vâng, bởi vì có nó người ta mới có được ánh sáng của tạo vật, soi rọi từng bước đi qua nẻo đường trần:
Tôi yêu con đường hồng trần
Và yêu em bốn mùa tóc xõa gió bay
Cùng mặt trời mặt trăng
Sương mỏng mây thưa
Hương trầm ân ái

Dù cho mai sau có mở ra địa ngục thì hôm nay chân hạnh phúc đã tạo hồng ân cho chính bản thân mình hưởng được vô tận cái giờ phút mầu nhiệm, đã uống cạn ngọn nguồn của cõi hồng trần đầy ánh sáng trăng sao và lạc thú ân ái “bốn mùa tóc xõa gió bay”. “Có bóng em và tôi quyện vào nhau bằng sợi tóc mềm đượm nồng kỷ niệm”. Sợi tóc mềm huyền diệu quá khiến cho ta nhớ đến “Sợi tóc trăm năm” của một danh tài họa sĩ vừa tạ thế: đó là anh Nghiêu Đề của chúng ta! Đọc thơ Trần Thiện Hiệp lại hiện ra họa của Nghiêu Đề, của Nguyễn Trung và nhạc của Phạm Đình Chương, của Trầm Tử Thiêng sao mà có nhiều âm hưởng đến thế!
Trần Thiện Hiệp cứ trầm tư và truy vấn càn khôn như Bùi Giáng, Trang Chu – mở tâm tình dâng hiến của mình với thiên nhiên sự vật, trăng, em với hoa, hay quanh quẩn với “Đường non hoàng thảo nở” như Lưu Trần, Nguyễn Triệu đã dấn thân lên cõi vô cùng:
Hoa lưu động chủ ưng trường tại
Thủy đáo nhân gian định bất hồi

Trần Thiện Hiệp đã hạ những câu truy vấn thật lạ lẫm, thật thơ mà sâu sắc:
Nghiêng-đời-nửa-bóng tìm ta mãi
Truy vấn càn khôn một nỗi mình
(Nhật Thực)
Đêm vây tôi giữa trùng trùng
Tôi vây tôi giữa vô cùng hoài nghi
Lượng đời bàng bạc tà huy
Núi nghiêng bóng núi mãi truy vấn mình
(Bóng Núi Tà Huy)

Tinh thần của Đức Phật cứ như hoa nở trên trang thơ Trần Thiện Hiệp, những trầm tư về kiếp người, về dòng thời gian vô tận, về những “Rừng kia thay màu lá, những đời trăng nối Xuân Hạ vào Thu”, thật tiếng thơ lạ lùng bí ẩn và nhiếp hồn ta biết bao nhiêu. Thơ chợt ẩn chợt hiện, chợt “Thấy em mây ngàn năm trên tóc”, rồi lại “Mây tan hóa đời mây” cơ hồ như Chu Mạnh Trinh vịnh Kiều vẽ hình Kim Trọng và Kiều Nương:
Dưới hoa khép mặt gương lồng bóng
Ngàn liễu rung cương sóng gợn tình

Thơ hay là ở chỗ xuất thần, khi như hình ảnh “giao long hiện giữa trời, khi như kình ngạc nép vi miền Bắc Hải” đó mới là nét thần diệu của thơ – Đễ cuối cùng ánh sáng đạo thể lại xuất hiện trong bài “Thơ Ở Buổi Sáng Trên Đồi”:
Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát
Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai
Ta nghĩ đến kẻ thiền sư tìm đạo
Đạo vô bờ giữa trần thế chông gai

Cõi sinh diệt đời đời thơ lồng lộng
Nhật nguyệt tròn-vòng-nối khúc thiên ca
Kẻ thiền sư tìm chân nguyên đường ngộ
Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa

Đọc lên như một bản đạo ca hợp xướng theo “Từng bước chậm lên đồi nghe gió hát, Gặp mặt trời đỏ rực ở trên vai”, nó gợi ta nhớ đến một bài thơ lớn của người xưa “Một gánh kiền khôn quảy tếch ngàn” của Trần Khánh Dư, hay Mặt Trời của Đinh Hùng:
Ta ung dung đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đỏ rực hiện sau lưng

Thời đại chúng ta còn có nhiều màu sắc của Mặt Trời vẽ lên bức tranh siêu thực của thế kỷ lầm than, như Trần Dạ Từ có câu:
Mặt Trời Đen lăn xuống đường rầy khô

Còn Bùi Giáng sau những tang thương vô tận, những sinh diệt, suy tư như Trần Thiện Hiệp, Bùi Giáng gởi gấm vào nàng thơ:
Em bảo rằng đừng tuyệt vọng nghe không
Còn trang thơ thắm lại với trời hồng

Cõi trần thế vô thường, Đạo đã mở ra vô bờ bến trước mọi thảm họa nghiệt ngã. Trần Thiện Hiệp đã tìm về lẻ Đạo để đạt tới cõi thanh tịnh vô vi chăng? Hay để giữ cho thân tâm mình được an bình giữa “trần thế chông gai” này! Đốn ngộ chân lý không có nghĩa chỉ có đạo, hay các nhà tôn giáo. Đốn ngộ chân lý của nhà thơ thì “Ta tìm nguồn thiện mỹ giữa muôn hoa” và chân lý hằng cửu, và cuộc đời trên mọi thay đổi bể dâu, Trần Thiện Hiệp chỉ biết mình là một nhà thơ đầy tình yêu với đời, với người yêu, với quê hương từ tấm lòng tha thiết – Đó là một nguồn sống cao cả vừa huyền diệu nhất mà thi sĩ đã cảm nhận ra điều ấy. Điều mà người làm thơ đạt tới cõi mầu nhiệm vừa của đạo thể, vừa của một đời sống chân tình của thi nhân:
Nếu như có một kiếp sau
Tôi lại mong được làm thi sĩ

Vì như có người đã nói “Thi sĩ là người xây dựng lên tất cả! Thơ đạt tinh thể của nó. Là cõi bất diệt của Đạo”. Thi sĩ là một con chim lạ trong cõi đời này. Hót lên những giọng “âm vàng gió
bay”, nhưng mà cõi đời thì lắm chông gai, đôi khi lại bao nhiêu điều ngộ nhận, tai ác khiến con chim lạ đó phải hót lên những điệu máu xương giữa đời. Tiếng thơ đã bù đắp cho Trần Thiện Hiệp những điều mà nhà thơ thiếu vắng:
Em về cho gót chân son
Cho môi hạt lựu, cho tròn vòng tay
Bây giờ thì:
Bây giờ trôi dạt nơi đây
Nhìn thu lá đổ lòng đầy nỗi ta
Nỗi ta trôi với nỗi nhà
Nỗi non nước ấy đã xa nghìn trùng

Những nhịp điệu lập đi lập lại nỗi ta, nỗi nhà, nỗi non nước ấy gợi cho lòng người dấy lên một nỗi buồn căm, một sự cô độc của một người tha hương đi khắp nơi, càng ngày càng thấy xa xăm biền biệt về cội nguồn, về đất nước. Ngày nào Tản Đà trầm buồn viết “Nước đi ra bề lại mưa về nguồn”, còn bây giờ với Trần Thiện Hiệp “Nỗi ta, nỗi nhà, nỗi non nước ấy…” gần như một thứ vong thân đau đớn nhất của một người Việt hải ngoại không bao giơ quên quê hương đất nước. Tiếng thơ quê hương của Trần Thiện Hiệp đã nói lên nỗi cay đắng của một người làm thơ hoài vọng cố hương trong từng hơi thở. Ta hãy lắng nghe tiếng lòng của nhà thơ họ Trần trong bài “Chào Paris” đễ cùng chia xẻ:
Chào Paris
Chào đồng hương cùng tôi luân lạc
Vẫn một tấm lòng ở với quê hương
Vẫn dành trọn tình thương cho quê mình nghèo
Bên kia bờ đại hải

Và bài “Người Lính Già” thì lắng sâu niềm chua xót dài giằng dặt theo bước chân nhà thơ:

Hai mươi lăm năm dài hai thế kỷ
Xa cội nguôn sét rỉ mộng đời trai
Người lính già còn nặng trên vai
Nguyên khối tình sông núi

Trong bài “Trên Đồi Gió” nỗi buồn nhớ quê của nhà thơ cũng đầy ngậm ngùi mà rất đẹp, rất thơ:
Ngồi với chiều nay ngang đỉnh gió
Ta mong nắng gọi bước em về
Ngâm bài thơ cổ ngàn xưa ấy
Thấy nỗi nghìn trùng ta nhớ quê

“Bước chân vô định biết đâu là nhà…kể từ lạc bước bước ra” ôi Nguyễn Du! Sao thơ của người xưa lại buồn đến thế. Người xưa và người đời nay quả là chịu một kiếp nạn “Cổ kim hận sự thiên nan vấn” vậy!
Nhưng Trần Thiện Hiệp còn có thơ, còn có nàng thơ, chưa đến nỗi phải tuyệt vọng! Điều đó thật đơn giản nhưng mà hiếm lắm thay!
Tóc em bạc sợi thủy chung
Nỗi ta tóc ấy xin cùng có nhau

Đó là hạnh phúc, là cội nguồn, là hồng ân của tạo hóa ban tặng cho nhà thơ! Có ai đi suốt cuộc đời, đến sự thất bại cuối cùng của kiếp người mới hiểu thấu được cái nghĩa thâm sâu của “Tóc em bạc sợi thủy chung” đó. Đó là sự viên mãn mà cụ Khổng Tử đã bao lần nhắc đến. Khổng Tử nói về Đạo, Trần Thiện Hiệp nói về Thơ. Tuy có khác nhau, nhưng “nhất dĩ quán chi” cả vậy. Đôi lần ta nghe Trần Thiện Hiệp nói về sự phù du của kiếp người:
Nghe trong vần chuyển đất trời
Có tôi hạt bụi giữa đời phù du

Tuy là phù du mà thực sự là một sự hiện hữu có sự đóng góp tiếng nói – tiếng thơ của mình giữa vũ trụ vô biên, giữa hồng trần đau khổ, thì sự hiện hữu đó đã tạo ra giá trị của một con người dấn thân vào lịch sử vậy. Bài “Rừng Trăng” dưới đây của nhà thơ họ Trần thì giá trị nghệ thuật đã thành tuyệt bút ngang với bài Ông Lão Ngồi Câu Tuyết của Liễu Tông Nguyên:

Giang Tuyết
Thiên sơn điểu phi tuyệt
Vạn kính nhân tung diệt
Cô chu thoa Lạp ông
Độc điếu hàn giang tuyết
dich:
Ngàn ngọn núi chim bay đi hết
Muôn con đường mất vết chân người
Ông già nón lá, áo tơi
Đậu thuyền sông tuyết, riêng ngồi buông câu

Và “Rừng Trăng” của Trần Thiện Hiệp thì:
Vũng nước đóng băng. Trăng chết lạnh
Vũng hồn trăng lạnh cũng thành băng
Chợt đâu tiếng sói gào trăng muộn
Vang dội rừng sâu. Động cánh bằng

Bài thơ đẹp quá, đã xóa nhòa cả cái lạnh của sự vật, của tâm hồn băng giá và bất chợt nó hóa thân từ thi ngữ ra tiếng sói gào trăng. Động cánh bằng! Đó là cái lý đẹp cuả thơ Việt hiện tại.
“Những Con Đường Không Quên” từ những nẻo đường xa xứ gợi nhớ lại càng nồng, càng tha thiết, càng trắc ẩn và đau thương của nhà thơ:

Con đường khuya em khóc
Hạt lệ mềm trên tay
Ngày chia lìa Tổ Quốc
Lời nào cho đắng cay

Con đường từ luân lạc
Hai mươi năm tàn phai
Sầu sóng dâng Đông Hải
Đêm nghe gió thở dài…

Bài “Về Nánh Sông Gầy Soi Bóng Ta” dường như tiếp nối nhịp đi của bài “Những Con Đường Không Quên”, nó gợi nhớ âm thầm não buồn với:
Tiếng sáo người xưa đêm giả biệt
Chừng đâu còn đọng giọt âm vang

Trần Thiện Hiệp đã mượn rượu để ru nỗi khắc khoải của đời mình, làm cho người đọc cùng cảnh ngộ dễ chia xẻ và cảm thông sâu sắc cái tâm cảnh xa quê rất thơ, rất nhân bản trong thơ ông:
Tí tách tàn bay
Tan vào bóng tối
Rượu thấm men cay
Quên đời trôi nổi
Hoặc:
Rượu cạn tưởng rồi quên nỗi nhớ
Hai mươi năm cũ, mới ngày qua
Đã đi mòn gót đường thiên hạ
Về nhánh sông gầy soi bóng ta
Và hãy đọc:
Ru em thơ cổ ngọt nào
Ru ta mượn chén ba đào rượu cay

Uống rượu để tiêu tan cái sầu vạn cổ như Lý Bạch, uống rượu để say vì phiêu bạt giang hồ bốn phương, vì quá cô độc một kiếp người – cái say vì thân phận trong bài “Tháng Chạp”:
Tháng chạp cuồng ca nào đã tắt
Hồ Trường ngất ngưởng hóa xa xưa
Chí trai còn lại vuông trời nhỏ
Mỗi bước cưu mang chiếc bóng thừa

Nhà thơ họ Trần đôi lúc còn muốn chia xẻ cái say cô đơn, luân lạc của minh với mây gió, cỏ cây như trong bài “Thèm Gió”:
Nhìn lên cành lá đầy hoa nắng
Ta bỗng dưng thèm cánh gió lay
Để lá chuyển mình hoa nắng rụng
Đem về hâm ấm rượu đêm nay
Hay những câu:
Tôi viễn khách
Giữa rừng phong
Men rượu nồng
Thơ biệt xứ

Trần Thiện Hiệp đem tâm tình để viết lịch sử . Lịch sử một giai đoạn biến chuyển của dân tộc, và lịch sử ghi đậm nét hoàng cảnh cùng tâm tình của dòng người luân lạc xa quê, tỏa ra khắp năm châu bốn biển, mà nhà thơ là một chứng nhân cùng chung cảnh ngộ. Tập “Thơ Trần Thiện Hiệp”, một thi phẩm trải rộng tâm hồn thi sĩ khắp bốn phương trời, và khép lại trong lòng mình dấu tích của một nhà thơ có tầm vóc trong hàng ngũ ít ỏi những nhà thơ Việt đương đại. Tiếng thơ của thi sĩ họ Trần đã buông ra như tuyết, như hoa dưới vầng nhật nguyệt đầy ánh sáng và tiếng vọng của thời gian, tiếng gọi của tâm tình nhân loại. Đôi khi người ta còn lắng nghe dược:
Ở từng chữ
Hạt lệ treo
Đọc bài “Trường Trượng”ta cứ ngỡ như thơ Vũ Hoàng Chương còn ẩn kỳ tứ đâu đây. Với thi sĩ họ Vũ thì:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lỡ này sông cát bồi
Lang thang từ độ luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trông ra bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp bốn bề một phương
Ta xin cát bụi bên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vươn gót này
Cho ta tròn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay núi trời

Riêng với nhà thơ họ Trần thì:
Ý. Tâm ta dải sương mù
Hoa kinh gối chữ cõi tu lối nào
Huyền vi trường trượng trời cao
Hồng trần những đoạn chiêm bao vô đề
Ai phân bến giác, bờ mê
Thu không nào điểm lối về nẻo tâm

Với bản lĩnh thơ vững vàng, Trần Thiện Hiệp đã trải qua phần tư thế kỷ tha hương mà vẫn giữ được tinh thần Đông Phương, phong thái của thi sĩ Việt. Mặc dầu thế, màu sắc và thời gian, không gian trong thơ ông không thu hẹp trong “khí hậu thơ” trong nước mình, mà thơ ghi nhận được rất nhiều hình ảnh xa lạ của thiên nhiên sự vật trên bước đường dài ở xứ người. Điệu thơ cũng như phong thái Trần Thiện Hiệp lúc nào cũng đầy nét hào sảng, biểu hiện tâm tình nhẫn nại vô song trước mọi cảnh huống trong đời. Lấy tư tưởng cao siêu của nhà Phật làm nền tảng cho đời sống tinh thần – trước mọi đau thương, bi hận của định mệnh con người – nhất là giữ được sự thủy chung với tình yêu, với bạn hữu như trong 2 bài Lục Bát thật đẹp như sau:
Chim lao xao, trời hồng đào
Da thơm má ửng mắt chao thuyền về
Em vin tay, cành hoang mê
Lá xanh mươn mướt thỏa thê tiếng chào
Như yêu em từ chiêm bao
Mùa xuân nhân thế ngọt ngào vẫn nguyên
Đường trăm năm qua bao miền
Trong thơ em đứng bóng hiền như thơ
Ngày chia nhau vui tình cờ
nắng soi hồng nụ ban sơ hương nồng
Đời lê thê niềm chờ mong
Ai ngồi khắc đá cho dòng thơ bay
(Ngày vui tình cờ)
Và:
Yêu người lá nở trong tim
Rừng ta xanh biếc lạc tìm dung nhan
Yêu người núi nở trăng vàng
Sông ta trăm nhánh quyện ngang hình hài
Yêu người ngày nở sao mai
Suối ta ngàn dặm nối dài tóc sương
Yêu người gió nở buồm dương
Biển ta trường trượng vô lường thủy chung
(Ngày trở lại)

Giữa cái sống và sự chết, giữa ánh sáng và đêm tối, lúc nào lộ trình của mình vẫn chan chứa trăng sao hoa lá, mặt trời và tình yêu – Trần Thiện Hiệp có chiều sâu hơn đời của một thi nhân là ở đó vậy. Đến với bài “Dõi Chuyến Phà Sương” thì thật là một tinh thần lãng mạng phong phú vô cùng với thơ, với nghệ thuật hiện đại – Vì thế mà nhiều lúc người yêu thơ thích và thuộc tiếng thơ lãng mạng hơn các loại thơ siêu hình chỉ bàng bạc những khuông sáo của những kinh điển đạo lý, hoặc những tư tưởng triết lý qua các nền triết học hiện đại, rất đỗi nhàm chán! Lãng mạng bao giờ cũng tân kỳ, cũng mênh mông vô cùng của tiếng thơ từ Lamartine đến Tagore, và những điệu thần linh ca của Hoelderlin. Thân phận con người được triết học nói nhiều, những nhà thơ Hiện sinh như Nguyên Sa, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, nhất là Viên Linh với tập “Cúc Hoa” hết sức lạ thường. Trần Thiện Hiệp thì vừa cao cả vừa cô quạnh như pho tượng “chênh vênh phận người” ở giữa cuồng phong, giữa mùa tuyết tan, giữa cơn thịnh nộ của trời đất và thảm họa của con người, của chiến tranh gây ra – Lúc đó ông mặc kệ, và hầu như “thách thức với số phần”, gần gũi với bằng hữu, với tình yêu, với sợi khói với hạt rượu, với thơ…và ngây ngất suốt đời làm kẻ “say thơ, em và rượu”. Nhưng người đọc thơ Trần Thiện Hiệp phải ghi nhận một điều, thi ngữ của nhà thơ, đó là chữ Em. Em trong thơ, có thể, là dòng sông, có thể là sao mai một đóa, là ánh sáng thiên hà, là đêm trăng rằm tình sử, là chiêm bao mộng mị…Em cũng có thể là Tạo hóa v.v…Dường như tâm hồn Trần Thiện Hiệp là một cõi đại đồng hòa hợp nhân ái, từ tâm với mọi sự vật trong đời, cho nên thơ ông cũng vậy. Hãy đọc “Những Với Cùng Thương” thật là một cõi Tâm rạng ngời đạo thể!
Với rừng
Thương đá buồn tênh
Với đời thương những lênh đênh phận người

Với thơ
Thương chữ rạng ngời
Vin thơ tôi sống giữ đời lưu vong

Với em
Thương cả dị đồng
Tựa nhau tìm phút ấm lòng ngày qua

Với người
Xin rất thật thà
Đạo tâm tôi giữ đậm đà mến thương

Với tôi
Thương cái dị thường
Ngoài thơ toàn những cái ương lạ đời

Với say
thương phút tuyệt vời
Thả hồn theo khói chơi vơi quên sầu

Với ngày
thương nắng nhiệm mầu
Soi tôi bóng ngả qua cầu nước trôi

Với đêm
Thương chiếc bóng ngồi
Cùng thơ và với cái tôi chụp chùng

Nhưng không chỉ để tâm hồn thả mông lung vào cái đại ngã, cái cao thâm của vũ trụ vạn vật, Trần Thiện Hiệp còn nêu lên rất rõ mình là một người Việt Nam, có một truyền thống kiêu hùng, có một bản sắc văn hóa tâm linh từ quê hương dân tộc. Như thế mặc dù xa quê đã lâu, Trần Thiện Hiệp vẫn giữ được bền bỉ một cội nguồn dân tộc trong dòng máu. Điều đó khiến cho chúng ta thêm yêu quí thơ ông. Ở bài “Việt Nam Trong Tôi” nhà thơ đã hạ bút:
Trong xương thịt tôi
Có Trường Sơn, có Cửu Long
Có Cao-Bắc-Lạng, có sông Hồng
Có trời, biển rộng Nam-Trung-Bắc
Có máu cha ông giữ nước nhà

Đôi khi thơ Trần Thiện Hiệp có điệu như cổ thi, lắm lúc xưa hơn cả người xưa, điều hiếm thấy của các nhà thơ ngày nay – Vẫn là rượu:

Ru em thơ cổ ngọt ngào
Ru ta mượn chén ba đào rượu cay
Hoặc là:

Vạc kêu cuối lũng mù sa
Non đoài nửa mảnh trăng tà hắt hiu

Sao mà nó buồn xa thẳm đến thế. Nếu không nhập được hồn mình vào cảnh ngộ, không chân tình làm sao người thi sĩ có thể viết được những dòng sầu mộng như thế được. Đôi khi thơ quá buồn nhập vào cái lạnh của vách đá khiến cho người và đá vô tri cũng lạnh lẽo như nhau:

Tựa lưng vách đá
Thân cùng đá
Hai khối niềm riêng, một lạnh chung
Rồi ta lại đọc:

Trăng tự hồng hoang muôn dặm xa
Rừng đêm vẫn lạnh dải thiên hà
Nay ta muốn đốt câu thần chú
Cho đá nở bừng ngọn lửa hoa

Người xưa quan niệm cuộc đời là hư ảo, là một giấc mộng. Tản Đà có giấc Mộng lớn, giấc Mộng con. Riêng nét nhìn đời như Trân Thiện Hiệp thì… Đời như một cơn say, để rồi:

Năm mươi năm nhìn lại
Tuổi dài như mây bay
năm mươi năm thành bại
Gẫm đời một cơn say

Nẻo tâm lồng lộng mở
Đêm hâm rượu trăng chờ
Hoặc:
Chung vui men rượu đắng
Rồi đi, rồi bâng khuâng

Say đời, say tình say nghĩa hay say về sự cuồng bạo của dòng lịch sử, say về sự thất bại của kiếp người luân lạc, của mộng ước trở thành hoang mạc, hư không! Bao hoài bão thả dài theo khói thuốc! Sau buổi tiệc rượu trần gian, bữa tiệc đã tàn, đã vắng, nhà thơ trở về với cái thế giới yên lặng, mênh mông để ẩn mình trong cõi bờ thanh tịnh vô vi của Lão Trang, như trong bài thơ “Tịnh” đầy phong vị thiền sau đây:
Ta về ở ẩn lưng đồi
Rạng đông bắt gặp mây trôi ngang nhà
Tự tay đun nước pha trà
Ngắm đào nở rộ tháng ba quanh vườn

Hay là trong bài “Trà Sáng”:

Thức dậy sáng nay, trời thật gần
Chung trà vàng giọt nắng bên sân
Ta nghe rất rõ lòng thanh tịnh
Cây lá quanh vườn hóa bạn thân

“Đêm Bát Nhã” một bài thơ xếp câu ba chữ như điệu gõ mõ theo nhip tụng niệm mà nhà thơ họ Trần tặng cho nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, cũng là bạn ngày trước của người viết ở trường Quốc Gia Âm Nhạc. Bài thơ câu ngắn, lạ lẫm nhưng ý thật sâu xa nêu lên được cái chân lý Phật pháp của Bát Nhã Ba La Mật. Và từ đó cho ta thấy Trần Thiện Hiệp giàu có thi ngữ, và cái triều suy nghiệm của ông thật phong phú trong nhiều góc cạnh của đời sống:

Trong trí nhớ
Tiếng thở dài
Giữa tàn phai
Cơn sóng biển
Lời kinh điển
Tiếng mõ đưa

Ngày Đại thừa
Đêm Bát nhã
Rừng bản ngả
Lối u minh
Cõi chúng sinh
Người hành giả
Giữa gian trá
Kẻ tịnh tu
Vạch sương mù
Đi tìm Đạo
Nghe lòng bảo
Phật tự tâm
Diệt tham sân
Yêu vạn vật
Lấy lượng Phật
Độ trần gian
Ánh Đạo vàng
Soi bể khổ
Tâm giác ngộ
Chữ từ bi
Là bước đi
Đấng Bồ Tát

Với bài “Lục Bát Rời” Trần Thiện Hiệp vừa khép lại tập thi tuyển của ông, một tập thơ mà ý thơ, cùng cảm xúc, hứng khởi và sự suy niệm lẻ tử sinh, thành bại của cuộc đời:
Ta đi thiên địa mù không
Ta về nối lại những vòng khói tan

Ta đi mòn bước quan san
Ta về nghe lửa bếp tàn đông reo

Ta đi trăm lũng nghìn đèo
Ta về hiên vắng cành treo trái sầu

Ta đi rừng biển say nhầu
Ta về nhật nguyệt trên đầu ngón tay

Với thi tuyển “Thơ Trần Thiện Hiệp” nhà thơ họ Trần đã chứng tỏ giá trị của một người làm thơ có bản lĩnh, phong thái của một thi sĩ Đông Phương. Đó là một tập thơ đầy giá trị trong cõi thơ hôm nay, và nhất quán từ đầu đến cuối. Tập thơ này xứng đáng đặt chung với “Thủy Mộ Quan” và “Cúc Hoa” của Viên Linh, “Lời Tỏ Tình Trong Đêm” của Trần Dạ Từ, hoặc “Hồn Thiên” của Nhất Hạnh, và những tập của Hoàng Trúc Ly, của Hoài Khanh trong những nhà thơ hiện đại vậy.

Bến Sông Trần Giới

Non thần xa cách ngàn xưa
Hạc về gợi tiếng sầu đưa muôn trùng
Bến bờ sóng lớp mênh mông
Trăng khuya vàng rụng mấy tầng trời xa
Con thuyền giọng hát đêm qua
Ngở như Thần Hạc ngân nga giữa trời
Giòng sông chảy lạnh về khơi
Mộng trường sinh cuộn bến đời ngược xuôi

Giải Lụa Điều

Thắt lưng với giải lụa điều
Nàng trơ vóc hạc bên triều thanh thiên
Trời cao bồng đảo nổi lên
Nhân gian từ đó xa miền thái hư
Mây giăng hải đảo xa mù
Đỉnh non trường tại thiên thu hiện hình

Hình Bóng Mẹ Quê

Lưng gầy lạnh gió đầu thu
Tóc bay theo khói sương mù bãi xanh

Cồn tiên sóng lớp vây quanh
Năm mươi năm đã dấu hình mẹ xưa

Đông buồn ngày ấy bơ vơ
Lệ không chảy động hồn thơ giữa hồn

Chiến tranh khói lửa chập chùng
Biết đâu nội chiến quê hương oan cừu

Thanh bình khúc hát vu vơ
Đêm nay nhớ mẹ bên bớ lau không

Cồn tiên bóng hạc lượn vòng
Sầu riêng cúi mặt đôi giòng lệ sa

Chiều Mưa…

Chiều mưa
sau khi bạn ghé thăm quay về
(Tặng Hồ Hữu Thủ
Phan Bá Thụy Dương)

Mông lung – chiều mưa tạnh
Bạn xa gần – viếng thăm
Chợt nghe – lòng hiu quạnh
Tri âm – đã quay về
Một mình – gác thêm vắng
Trông chừng – nơi xa thẳm
Mưa gió – thi nhau về
Nước non – sôi máu lệ
Quê hương – kiếp lưu đày
Cười vui – cùng khói thuốc
Vui gì – mà thêm say
Chùa miếu – ồn hơn chợ
Kinh kệ – khói hương trùm
Động lòng – tình dâu bể
Chiều xuống – màu hư không
Chiều nặng – chiều tận thế
Từng hạt – rơi lê thê

Nỗi Buồn Việt Nam

Sáu mươi năm lại một lần
Lụt trôi hằng vạn xác chồng bãi sông
Quê hương thưa nhạt sắc hồng
Ráng chiều in đỏ trăm vùng máu xương
Biển chiều thao thiết vong hồn
Rét tê đầu lưỡi khúc trường bi ca
Mai em uống nước giang hà
Giòng sông biền biệt chảy qua linh hồn
Đắng cay trăm quả bồ hòn
Em ơi hãy nhớ nỗi buồn Việt Nam

Bến Ngựa

Xưa kia ta đến bên thành
Cỏ cây cũng nhớ thương mình ra hoa
Vầng trăng bến ngựa giang hà
Bia thành vách mộ lòng ta chợt buồn

Ngày Mưa

Ngày Mưa 1

Em ôm gối mộng bên lầu
Ngủ ngoan em rụng trái sầu bên chăn
Ngủ đi mơ mộng kẻo tàn
Mà hơi sương sớm lạnh tràn xương da

Ngày Mưa 2

Mưa luồng quãng lộ về xa
Chân im lối cũ ngày qua lặng lờ
Tóc huyền em chảy trong mưa
Nghe như năm tháng sầu xưa đổ về

Trần Tuấn Kiệt

Quan Dương

QuanDuong-001

Sáng Trưa Chiều Tối

Chúm môi em vẽ nụ hoa
Nở ra buổi sáng thiệt là dễ thương
Anh đang ngủ nướng trên giường
Hoa tuôn vào mộng mùi hương ngạt ngào

Trưa bơn lơn. Nắng trên cao
chờ em hở cổ lẻn vào dần lân
Dặn đi dặn lại bao lần
Warning chiếc áo hở phần chứa thơ

Chiều đông buốt lạnh muốn khờ
Chúa giăng tay giữa nhà thờ cũng run
Em đi lễ anh kề bên
Đem hơi thở ấm mình chuyền sưởi nhau

Tối tìm một nụ ca dao
Hái thơ anh đắp lên vào cõi em
Mảnh thơ tuy đã cũ mèm
Nhưng xao động vẫn như đêm động phòng

Bến Hẹn

Mỗi một kiếp mỗi số phần đã định
Tôi dẫu gan không cải được số trời
Em một hôm giương cung thành định mệnh
Mũi tên thần xuyên trúng trái tim tôi

Kiếp trước đã nợ em nhiều vô kể
Kiếp này vay thêm oan nghiệt chất chồng
Nợ hai kiếp biết làm sao trả
Hẹn em thêm một kiếp nữa. Nghe em

Một kiếp nữa đợi em nơi bến đợi
Bờ vai tôi làm gối em tựa đầu
Tôi sẽ trải nhiều sao ven lối cỏ
Để em tìm khỏi lạc mất trong nhau

Em đến nhé để cùng tôi đốt lửa
Thắp đêm rằm vầng trăng sáng soi chung
Mảnh vườn riêng như lời tôi đã hứa
Xin niêm phong riêng cánh cửa để dành

Mỗi buổi sáng khi bình minh lên ngọt
Con chim quyên đến đứng hót đầu hè
Nở rất nhẹ trên làn môi ẩm ướt
Nụ hôn mềm còn sót lại đêm qua

Tôi sẽ kể em nghe điều cổ tích
Từ một mảnh vườn có thể vô danh
Hoa vẫn nở giữa sương mù cô tịch
Để tôi em hai đứa được sinh tồn

Mỗi buổi chiều khi mây sà xuống thấp
Nhuốm hoàng hôn, hoa nắng rụng quanh đồi
Tóc thiếu phụ em thơm hương bồ kết
Tôi ngây tình như tựa mới hai mươi

Em đã biết tôi đã từng thơ trẻ
Dâu biển nhiều thành rã nát thanh xuân
Những điều đó đâu có gì đáng nói
Điều đáng nói là tôi vẫn yêu em

Lục Bát Cùng Em 5

Ở đâu mà đến nơi này
Khiến cho tuyết cũng ngất ngây chỗ ngồi
Hàng cây tắt gió ngóng trời
Xa hơn chút nữa một người ngóng em

Chân lơi lả cọng tuyết mềm
Có nghe gió gọi mây gom nhớ về
Tôi vùi xuống thịt hạt mơ
Trồng nhành xương héo lên bờ nhú bông

Em ngồi ủ một mùa đông
Còn tôi ủ sợi tơ lòng quạnh teo
Đất trời đứng giữa trong veo
Nheo con mắt chứng ngày nào cùng nhau

Sáng Mồng Một
Ở Quán Cà Phê

Mồng một tết, bạn gặp ta ở quán
Bạn chúc ta năm mới được phát tài
Ta chúc lại bằng vài câu thông lệ
Xong hai thằng kéo ghế cùng líu lo

Ta gọi một ly cà phê sữa
Quán thưa người mặc sức hỏi thăm nhau
ta hỏi : hôm nay sao không đi làm cha nội
– tết nhất lặn ở nhà một bữa… đâu có sao

Tết với nhất. Hồn mấy thằng xa xứ
Trôi lang thang vất vưởng về quê nhà
Bạc đã đủ thân già mệt mõi
lá úa vàng chờ rụng về cội xưa

Bạn hỏi có cách gì không chảy máu
khi bị ai chặt mình rơi đầu ?
Nam Quan – Việt Nam như thân với thể
bị cắt dứt lìa làm sao không đau

Bạn hói có cách gì mà vẫn sống
Khi bị ai bóp mũi bịt mồm
Hoàng Sa Trường Sa-Việt Nam là xương da liền máu
Đâu có lý gì còn thở lại đem chôn ?

Sáng mồng một lạnh run gần chết
tuổi già sức yếu lạnh teo gân
Bạn hỏi làm ta rợn tóc
nhớ nhà… bạn hỏi…. thêm nhức xương

Ta hỏi ngược lại câu bạn hỏi
Bạn cũng như ta ngọng câu trả lời
Ai bảo ngày xưa không giữ được nước
để kẻ ác tung hoành . Bây giờ hỏi.
Biết hỏi ai đây?

Đất biển nhức mình , bạn và ta nhức mẫy
Nước Việt Nam từ Nam Quan đến Cà Mau
Trời đã định rõ họ lại cố tình không rõ
Bạn và ta từ thua tới thua.

Sáng mồng một gặp nhau ở quán
Cà kê dê ngỗng xong rồi về
Dỗ giấc, ráng giữ mình tới sáng
Đời còn dài.
Đường chồng chềnh nhiêu khê.

Mưa Tháng Bảy Nỗi Niềm

Nụ hoa nằm ngửa đợi chờ
Cành cây ngái ngủ cũng vừa lao xao
Giọt gì rớt giống giọt ngâu
Hình như tháng bảy trên đầu thả mưa

Quá giang hạt nước tôi về
Nơi hiên xưa mở hồn che tóc người
Tiện tay cài nút áo thôi
Đâu ngờ cột phải góc trời vào nhau

Chiến tranh lội núi vượt đồi
Tôi biền biệt để một đời nhớ thương
Sa cơ đứt gánh nửa đường
vùi trong mưa bụi hạt vương nhạt màu

Hoa xưa mưa ngậm nát nhàu
Nhánh cây xưa lã đọt sầu tưởng quên
Mỗi năm tháng bảy phía trên
Tôi đi phiá dưới cạnh bên nỗi niềm

Ghen Với Trương Chi

Trương Chi xấu xí hơn ta
Lụy tình mới nhả ngọc ra với đời
Còn ta phong nhã hơn nhiều
Lẽ nào không ngọc em rơi khi xù

Nhờ em buông tiếng chối từ
Nên ta mới đủ lý do thất tình
Như mưa rớt xuống thình lình
Tháng sáu trời nắng biến thành trời mưa

Ra về ôm cuộc tình thua
Gọi tên là để dư thừa cái tên
Đường tình còn mỗi mình ên
Trái đất dễ trợt vì tròn không vuông

Trương Chi xưa có tiếng đàn
Ta nay một nhánh rong đang lềnh bềnh
Đàn anh bóng nổi bóng chìm
Tình ta theo níu trăng mềm, thở ra

Thất tình anh khác chi ta?
Cũng là chuyện lụy đàn bà. Giống nhau
Chuyện anh lưu lại ngàn sau
Chuyện ta chưa kịp qua cầu. Đã de

Hứng tay nước lọt qua khe
còn vương sợi tóc em đè mé trên
Tìm đâu giọt lệ Mỵ Nương
Phòng khi đá nát phai vàng không đau?

Mẹ Và Trăng

Ðêm nay con đứng ngắm vầng trăng
Nhớ mẹ quê xưa trĩu nặng lòng
Lúc tiễn con đi: trăng và mẹ
Giờ mẹ xa rồi chỉ có trăng

Tóc mẹ trắng. Màu sương trắng quá
Ðầu con cũng đã điểm hoa râm
Hận nước đau lòng hai thế hệ
Mẹ ra đi mãi đến ngàn năm

Tóc con trắng thêm vầng tang trắng
Hồn mang nặng trĩu bước tha phương
Con ở bên này chôn dĩ vãng
Mẹ giờ lấp kín xác quê hương

Cuối nẻo phù sinh là cát bụi
Ðời người đâu lẽ mãi tang dâu
Xin mẹ hãy là trăng sáng rọi
Từng chặn đời con bớt khổ đau

Quan Dương

Phù Sa Lộc

Trạch Gầm

Câu Hát Sum Vầy

Ai hát chi điệu lý qua cầu
Cho lắt lẻo trái tim tôi nồng cháy
Con nước chảy cuộn mình con nước chảy
Nhớ thương em tôi nở tím nhánh lục bình

Ai hát chi “con vịt chết chìm”
Thương tiếc quá tôi “thò tay xuống vớt”
Tôi đâu sợ “lìm kìm”nó” “cắn”
Bởi thương em tôi chấp nhận vết thương này

Bởi thương em muồng trổ hoa vàng
Mùa xanh lá bướm làng xô đậu
Tôi ru tôi điệu hát cũ càng
” Người dưng khác họ đem lòng nhớ thương

Ai hát chi “tưới gốc ngô đồng”
Thương em quá áo lồng trong gió
Thương em quá tôi thầm đưa mắt ngó
Để đêm đêm mộng cứ no đầy

Hát đi em câu hát sum vầy
Mùa Xuân đến rợp trời gió chướng
Tôi mở hết tấm lòng sung sướng
Đón em về hát khúc tình chung .

Chiều Không
* Tặng Tần Ê Loan

Đến Sa Pa gặp Ê Loan
Dọc đường phố núi ngàn thông xanh rì
Nhẹ nhàng em bước chân đi
Dù che mái tóc xuân thì mướt đen
Mưa sương ươn ướt má em
Rượu ngô ấm nóng hồng thêm môi hồng
Xin em một nụ hôn nồng
Em cười e thẹn bảo không được rồi
Nếu hôn sẽ nhớ anh thôi
Mà không cưới được tim đời nát tan
Vì mai kẻ Bắc người Nam
Đường xa thăm thẳm nhớ thương mỏi mòn
***
Với em một buổi chiều vàng
Với em một buổi chiều ngàn năm yêu.

Sapa

Buổi chiều vừa đến Sa Pa
Rừng xanh núi thẫm thung xa mây mù
Lưng đồi xanh lúa xanh su
Xanh em tóc trễ vai dù che nghiêng
Dốc dài phố núi mưa xuyên
Hàng sa mu đứng lặng yên bên đường
Tắt ngày vang tiếng chuông ngân
Đèn đêm hắt bóng vàng hong chợ tình
Khèn bè thê thiết thanh âm
Mấy cô sơn nữ H’Mông nhịp nhàng
Váy xòe bung nở hoa ban
Tàn đêm góc phố bâng khuâng núi đồi
Chỉ còn tôi với tôi thôi
Cô đơn bóng lẻ mồ côi dặm đường.

Hạnh Phúc
Buồn Ngắn Ngủi

Em khổ quá còn ta quá khổ
Đời bấp bênh như hai nhánh lục bình
Ta gặp gỡ vài hôm thôi, ngắn ngủi
Hạnh phúc buồn vơ vẩn nhân sinh

Hãy trút bỏ phiền đau trên bờ tuyệt địa
Trái tim trong hòa với biển muôn trùng
Hãy như sóng muôn đời ca hát
Những khi vui, kể cả khi buồn

Hãy như núi cô đơn trầm mặc
Kiêu hãnh đương đầu với những cuồng phong
Vì chúng ta sinh ra để sống
Như núi kia ta hãy tin ở chân mình

Hãy như trăng lững lờ soi bóng
Thả chút tình lãng mạn với hồ Đông
Trăng một bóng thêm bóng mình một bóng
Lung linh buồn hư ảo xa xăm

Em khổ quá còn ta quá khổ
Soi đời nhau biến khổ thành vui
Hạnh phúc buồn dù là ngắn ngủi
Vẫn là hoa tươi suốt quãng đời!

Phù Sa Lộc

1 15 16 17 18 19 34