Hà Túy Mộng

Ha Tuy Mong

Bướm Rụng

Lẻ loi như nước xoi mòn
Trái tim đã héo,thân tàn còn đau
Hỡi em cánh bướm qua cầu
Có khi nào nhớ lần đầu ghé ngang

Phải chăng tâm trạng của chàng
Lời thơ nát ruột nghe bàng hoàng ghê
Dễ thương anh cứ trách chê
Em luôn ấp ủ vỗ về thơ anh

Phải chăng ai đó tranh dành
Ngoài kia mưa rớt bên thềm nhớ anh
Em như cánh bướm vườn xuân
Thương anh chín đợi mười chờ không phai

Thoảng Một Mùi Hương

Mùi thơm là tự ở người
tinh dầu trang điểm giỡn chơi ấy mà
như hoa và bướm thoáng qua
gần xa gì cũng đã là có nhau
dù thoáng chốc cũng hữu cầu
nhớ gì như thể ngàn sau vẫn cần
tự dưng lòng như phong vân
thẩn thờ vì nhớ bội phần đợi trông
Anh ơi bên ấy mùa đông
quê nhà nắng ấm xuân hồng đang vui.
biết dùm em, bướm mộng rơi!
mùa đông lạnh lắm, giữa trời bơ vơ
nhớ anh tình thật không vờ
như thu lá rụng còn trơ cây buồn.

Thật lòng nói nhỏ chút luôn
Nhớ anh đến độ mất hồn biết không.

Chăn Chiếu Cũng Chờ

Vàng lên khói thuốc vờn bay
Vào trong nỗi nhớ gọi say mê về
Cùng em chăn chiếu hôn mê
Giữa đêm lộng gió rót tê tái đời.
Nói lời thật tưởng như chơi
Anh ơi! Nỗi nhớ không rời trong em
Gặp anh em sẽ bắt đền
Nhớ đêm say ngất nhớ lên bội phần
Hãy mau lên chớ ngại ngần
Đừng như chăn chiếu giận hờn đắn đo
Hỡi anh cánh bướm vườn mơ
Mau về chung mộng đề thơ động phòng.

Hà Túy Mộng

Hà Thúc Sinh

Ha Thuc Sinh

Bóng Dưới Núi Pasadena

Trăng như da thịt một mỹ nhân
Mây che những phần ngại tỏ lộ
Giữa khi khối óc thôi lang thang
Dường như quanh chàng có nỗi nhớ.

Sâu góc núi nổ tiếng ầm lớn
Lòng nghiêng nghiêng lòng như mưa rừng
Róc rách trong hang tựa dĩ vãng
Không thấy hoa mà cảm thấy hương.

Tay gậy chống không vững cuộc đời
Dốc thoai thoải đổ như hiện tại
Nghe kinh mang sinh nở cơn vui
Giữa một đoá lòng chàng tê tái.

Đọc sách cũ ba nghìn quyển đủ
Gió một tờ có thấy chi đâu
Trăng một khoảnh thịt xương xa lạ
Núi vẫn là hoang tưởng đời sau.

Ôi chiều nay không hiểu trời đất
Vì chàng đâu có đứng đó đâu…

Thả Xuân

Len dưới rừng cây cuối tháng Ba
Miệng em son đỏ lẫn vào hoa
Tóc em như khói cay cay mắt
Áo mỏng vân lên màu ngọc ngà

Mùa rét gió chui tê sống áo
Về đây bên lửa cởi đời nhau
Mở cho nhau những thân thể mới
Ta thả nghìn chim bốc trắng đầu

Sớm Xuân khi nắng đem vàng đổ
Lòng đôi ta ấm lòng tách trà
Giấc mơ đau khổ sẽ đằm thắm
Lúc mình len lỏi dưới rừng hoa

Cứ như thế chúng ta có nhau
Trắng phau phau một trí nhớ cũ
Mớ chỉ rối thôi kéo về sau
Chuyện ngày qua dẫu đằm lệ nhỏ

Cứ như thế tháo lỏng dây đời
Cho cơn vui bốc lên trời vắng
Anh sẽ giữ môi son em tươi
Còn ý tưởng gửi chùm hoa trắng

Nghịch Địch Hành

Giao thừa đâu mà vội
Hãy khoan đã chú mày
Cứ đóng xa vài dặm
Mà ăn uống cho say

Ta cũng người như chú
Cũng nhỏ bé trong đời
Có núi sông trong bụng
Mà bất lực hôm nay

Chiến chinh trời cũng sợ
Chỉ còn lại hai bên
Vội vàng chi cho cực
Cứ thong thả nghỉ đêm

Vì nói thật cùng chú
Trăm năm có là bao
Binh đao sao biết được
Sinh tử ở nơi nào

Nếu chú có cha mẹ
Ta chẳng những người thân
Còn mang thêm lắm nợ
Với rượu và gió trăng

Chú cứ ăn cho đủ
Mai chết sẽ chết no
Ta cũng cần đêm cuối
Từ giã gió trăng xưa

Chiều Say Sảng, Nhớ Bạn
* Gửi Châu Long Đô và Lê Tấn Nhứt

Nhấm nháp lon bia lúc cuối ngày
Mà sao choáng váng thấy mình say
Thấy mình sao đó sao sao đó
Bạn cũ thôi rồi chẳng sót ai.

Toán mình sau đúng bốn lăm năm
Rụng hết chiều nay chỉ sót Sinh
Lẻ Sáu ba ta, ba chỗ sống
Mèng ơi Lẻ Chín còn riêng mình!

Miệt dưới hôm qua lại động đất
Khi không Sinh nhớ Bạt làm sao
Những ngày còn ở dưới vùng Los
Uống rượu lăng nhăng nói tầm phào

Bỏ thuốc mười năm có lẻ rồi
Nhớ Đô mồi thuốc rít vài hơi
Ho trào nước mắt ho như khóc
Nhớ bạn chiều lên tối nửa trời.

Biết đến bao giờ ta lại đứng
Trên cầu Tham Tướng nhìn sông trôi…

Buổi Chiều Ở Nhà
Mời Bạn Đánh Chén,
Nửa Chừng Hết Rượu

Giằn ly xuống chiếu cười gượng cười
Ta biết rằng chưa ấm bụng ngươi
Bực thay bạn đến từ muôn dặm
Mà rượu hề không đủ say chơi

Con ta chợt ré lên sau bếp
Buổi chiều đổ lửa xuống nhà tôn
Hà thúc phu nhân coi buồn lắm
Sữa thiếu làm sao tiếp rượu chồng

Bạn ta người của mùa chinh chiến
Đời quen rộng rãi thú tiêu pha
Kéo ta ra quán hề ra quán
Ngó trời ngó đất mà thương ta

Trăng kia sao chẳng vào dinh thự
Mà chỉ nằm chơi một ngọn cây
Bạn ta nào hiểu niềm sung sướng
Đời ta hề chưa bẩn đôi tay

Thủy Nguyệt

Đêm yểu điệu trên hàng dương liễu
Lời hẹn hò những lối chưa đi
Sóng bạc đầu mối sầu trăm tuổi
Mây lang thang buồn lạc lối về

Em không đến hay em sẽ đến
Nhạc lòng anh sóng cũng tràn trề
Một chén rượu làm nên giấc mộng
Quá đủ rồi biển nói anh nghe

Chẳng cùng ai ngồi nơi cuối núi
Quán cà phê có điệu nhạc buồn
Sống những phút cát bồi lặng lẽ
Hạnh phúc nào bằng nỗi cô đơn

Sung sướng quá trời ơi nguyệt hiện
Chìm sâu anh một hạt cát vàng
Trăng vướng núi rơi chìm đáy nước
Anh khóc mùi đúng lúc hân hoan

Bài Thơ Tháng Năm

Tháng này trí nhớ là đêm
Gió mùa lên tới ngang anh thì ngừng
Lầu cao lũng thấp xe tuôn
Quanh co đường lạ phân vân ánh đèn
Cây xanh chót vót cây xanh
Vàng mười nắng mỏng đồi nghiêng dán vào
Dang tay rừng hát lao xao
Gió như cởi áo vào sâu lòng người
Tháng này xa xứ lạ nơi
Buồn thâm trầm khẽ phanh phui ra ngoài

Biển, Cầu Vàng, Và Em

Ở phía sau em biển tựa lòng
Cầu dài nối lại mối tình riêng
Đời sau truyền thuyết người ta nhắc
Thủa ấy ngồi kia em tóc đen

Ôi tóc em thu gió biển về
Lồng bay như một giấc hoang mê
Áo xanh thơm mỏng ngon mùi nắng
Rực rỡ mùa lên một chớm hè

Choáng váng khi em ngước mắt nhìn
Chim, mây, và lá cũng bâng khuâng
Về sau truyền thuyết đồn thêm nữa
Em ghé qua đây chỉ một lần

Ai biết đâu em đã suốt đời
Trong tôi, giọng nói với môi cười
Thì khi nhớ quá tôi qua đó
Hẳn có em vì đã có tôi

Hà Thúc Sinh

Dzạ Lữ Kiều

Dzạ Lữ Kiều

Nỗi Nhớ

Bỗng dưng …Ta nhớ Huế lạ lùng
Nhớ mái trường xưa, nhẹ bước chân
Nhớ tà áo trắng …Chiều tan học
Nhớ mái tóc thề theo gió vươn

Đã trót một đời – Sống xa quê
Nỗi nhớ đầy vơi nắng hè về
Trường Tiền vắng ngắt lời chim sáo
Đại Nội rộn ràng ngân tiếng ve

Em cũng như Ta – Sống xa quê
Có thấy nôn nao khi Thu về
Kỷ niệm một thời còn cắp sách
Bên giòng Hương biếc lộng trăng thề ?

Dấu kín trong lòng … Năm tháng quên
Con tim chợt khắc khoải ru mềm
Chuông chùa Linh Mụ lay tiềm thức
Thầm hẹn nhau về Cố Đô quen…

Dặn Dò

Mười hai bến nước… đục – trong
qua sông mẹ đã dặn lòng nghe em
đừng vì ý tưởng trắng – đen
cãi lời mẹ – Bến êm đềm… Mười ba !

Đời tôi… Nắng đổ, mưa sa
nợ duyên phải trả cho qua tháng ngày
con đường tình …Thăm thẳm dài
trượt chân, há miệng … Gọi ai bây giờ ?

Trăm năm em chớ dại khờ
nghe lời thề thốt mà chưa hiểu lòng
con tim đâu phải đếm đong
bạc tiền, danh lợi … Lừa trong, chiếm ngoài!

Sông sâu, biển rộng – Tính ngày
lòng người – Suốt cuộc đời dài chưa xong
bến tình, duyên nợ …hoài mong
ân sâu, nghĩa nặng, trọn lòng mà đi !

25-8-2014

Vườn Xưa

Thôi chừ,
hót nữa làm chi
Trăng xưa … vườn cũ
từ khi em về
Một thời…Ta,
bỏ lời thề
Rong chơi đây đó
chẳng hề vướng tâm
Bao năm
sóng gió trần thân
Ta, về nối lại
những vần thơ xưa
Dù gian khó,
vọng âm thừa
Trong em, ánh mắt …
vẫn chưa thoát hồn!
Dấu lòng,
sau nỗi cô đơn
Hương kỷ niệm
mãi còn vương
nắng chiều
Rủ ta qua
ngõ đường yêu
Lặng câm ngôn ngữ
sóng triều đầy vơi
Khi chim đã
mỏi cánh rồi
Mở mắt ra
thấy khoảng trời
bình yên …

208-2014

Thu Chết

Lá vàng rụng
trải bên đường
Nâng chân em bước
mắt vương Thu sầu
Tóc mây soãi
sợi ngã màu
Khi em bước vội
qua cấu gió bay
Ta, ngồi hong
cuộc tĩnh say
Đếm từng chiếc lá
rụng đầy lối xưa
Ngày em đi
trời giăng mưa
Vẫy tay, bịn rịn
hẹn mùa Thu sau
Biền biệt tin…
em về đâu ?
Ta rơi theo
những bể dâu …cuộc đời!
Trắng vòng tay
nhạt nụ cười
Chắt chiu nỗi nhớ
từng lời Thu phai
Em giờ…
mưa nắng nào hay
Võng điều, lọng tía
đêm ngày ước mơ
Mà ta là
kẻ bơ vơ
Nhìn mùa Thu chết
bên bờ tình không!

20-8-2014

Buổi Sáng Bình Yên

Sớm mai thức dậy
Chim hót trong vườn
Gió hòa nhịp thở
Mùa Thu yêu thương

Nắng vương màu mắt
Long lanh hạt sương
Bướm vờn tung cánh
Mắt nai lạc đường

Thảnh thơi nhịp bước
“ Nguyệt Quế” thoảng hương *
Nghe hồn thanh thản
Khắp mọi nẽo đường

Thở ra, hít vào …
Lao xao lá gọi
Cao nguyên lưu lại
Mùa vàng bội thu…

* Hoa bạch nguyệt quế
26-7-2014

Mưa Đêm Phố Nhỏ

Ầm ào …Mưa đổ mái tole
như nguồn thác bạc đầu truông cuộn về
đêm mưa lạnh, hồn tái tê
đói cơm, rách áo …dân quê não lòng
“tháng Bảy nước nhảy lên đồng” *
hạt vàng ngập úng, cây trồng xác xơ
dân nghèo… vào ngẩn, ra ngơ
trẻ con thấp thỏm ngồi chờ cháo, rau
thị thành cũng lắm kẻ đau
mớ rau, lon gạo… theo nhau ra đường
ngẫm đời nước mắt mãi tuôn
mấy mươi năm ấy… Thiên đường về đâu ?
rời xa cắt rốn, chôn nhau
bốn phương lưu lạc quặn đau tấc lòng
bao giờ ngập nước biển đông
cho tôm cá trở về sông rước đèn
để ta là con dế mèn
hát trên đỉnh dốc ngọt niềm tri ân
mai sau con cháu ân cần
quê cha đất tổ… vững tâm đi – về !

* Phương ngữ
28-7-2014

Về Bến Cũ

Đò về ghé
bến sông xưa
Mưa Thu bay
giọt sang mùa
chạm môi
Con tim nhỏ
nhịp bồi hồi
Mây sà thấp
rót những lời
tình thơ
Không hò hẹn
chẳng đợi chờ
Ân tình lở
sóng xao bờ
buồn trôi !
Ngày em đi
nhạt hương môi
Bao năm khúc hát
còn trôi giữa giòng
Giờ em …
tay bế tay bồng
Bến xưa …
nghe sóng trong lòng
cuộn xao!
Ta về …
qua ngõ chiêm bao
Vẫy tay, bến cũ
hanh hao cuộc tình !

02-8-2014

Ảo Vật Cho Em

Em dặn ta… Mua một chiếc “Yêng” *
Nơi vùng đất đỏ – Miền Cao nguyên
Váy người sơn nữ theo truyền thống
Mà em đã biết thuở sinh tiền

Này nhé ! Chiếc Yêng giờ cách tân
Không dệt, nhuộm bằng lá cây rừng
Màu sắc lòe loẹt như phường hát
Người xa… Ai biết hồn thổ dân

Em mãi là cô gái sông Seine
Giữa chốn Paris nhớ quê mình
Chiếc Yêng còn giữ trong tiềm thức
Có níu ân tình khúc sáng đêm ?

Ta gởi hình Yêng để em xem
Hẹn ngày chung bước lựa chọn thêm
Váy nào vừa ý – Màu trang nhả
Hai đứa đồng lòng… Ta mua nghen !

* “Yêng” Váy người sơn nữ Ê Đê, M Nông

05-8-2014

Nước Và Em

Tôi chỉ làm hồn thơ
Nối bờ thương, bến nhớ
Đời dù muôn cách trở
Vẫn thương hoài giòng sông

Nước cuộn sóng mênh mông
Cũng có khi êm ả
Sông hợp lưu nhiều ngả
Chảy ra một biển thôi

Theo tháng ngày lỡ bồi
Nước không còn điểm tựa
Nên khó lòng chọn lựa
Cho mình một hướng trôi

Tình tuy rộng muôn nơi
Vẫn xuôi về một điểm
Và, em là hoa biển
Sóng sánh hoài trong tôi !

03-8-2014

Giấc Trưa

Trưa hè,
vọng mãi tiếng chim
Câu thơ lạc vận
ngủ quên … ngôn từ
Khép bờ mi
dòng suy tư
Lớn dần theo
ngọn gió thu
chợt về…
Bóng chiều qua …
tĩnh cơn mê
Giọt buồn…
ngày tháng bên lề
tình phai!
Nàng là ai ?
bước trang đài
Rủ ta về
chốn Thiên thai
hương nồng !
Tình huyễn mộng
cõi sắc không
Ta, treo nỗi nhớ
theo dòng thời gian…

11-7-2014

Hạt Cát Trường Sa
* Tặng Minh Mẫn,
người mang cát Trường Sa về.

Mịn màng …
hạt cát đảo xa
Bạn thân
ra tận Trường Sa mang về
Cùng chung lý tưởng
hương quê
Mặn nồng hạt cát
bên lề biển đông
Đời ta,
nặng kiếp tang bồng
Lưu trong huyết quản
một dòng đam mê
Đá – đất – nước …
mãi hồn quê
Tim hòa máu thịt
cũng về đó thôi !
Hồn dân tộc
khúc tình người
Nặng lòng ân nghĩa
một đời sắc son
Mỗi hạt cát
nhuộm máu xương
Người dân đổ xuống
thắp đường tương lai
Trường Sa ơi !
sóng đêm ngày
Xin trời biển lặng
cho đầy cá tôm …

Dương Thượng Trúc

Dng_Thng_Trc

Tiễn Bạn

* Tưởng nhớ Mũ Nâu Nguyễn Phước Quân
Ra đi ngày 4 tháng 2 năm 2015
Tại Wichita Kansas.

Anh nằm xuống giữa mùa đông lạnh giá.
Kiếp phù sinh thôi dứt trả nợ trần
Cũng chẳng còn vương vấn chuyện thế nhân
Xuôi hai tay đi vào lòng đất lạnh

Tuổi thanh xuân ôm một trời kiêu hãnh
Nung chí trai đền đáp nghĩa non sông
Ngang dọc khắp nơi thỏa chí tang bồng
Đem tình thương treo trên đầu mũi súng

Giầy saut anh đi đá mềm chân cứng
Cao nguyên xa xôi đến tận đồng bằng
Đêm di hành truy kích địch dưới trăng
Vang khúc quân ca Biệt Động Quân Sát

Thế mà nay cũng vàng phai ngọc nát
Đời biển dâu sự thể ấy lẽ thường
Đêm thật buồn, xin thắp nén trầm hương.
Tiễn anh đi về phương trời miên viễn.

Có Một Mùa Xuân Ngọt

Nhớ về Phố núi Pleiku,
Mưa rơi rả rích, sương mù giăng giăng.

1.
Reng …Reng …Reng.
Tiếng chuông điện thoại reo vang, khiến Vũ choàng tỉnh ra khỏi giấc mơ thật đẹp.
Một giấc mơ mà anh không bao giờ muốn chấm dứt.
Chẳng biết tại sao hình ảnh của cô Hoa độ này hay xuất hiện trong giấc ngủ của anh.
Dẫu không có dịp gặp gỡ nhau thường, kể từ cái lần cô đã cấp cứu anh bằng phương pháp hô hấp nhân tạo.
Nét mặt thơ ngây, cái má bàu phinh phính và đôi mắt, đôi mắt đen lay láy cứ chập chờn trong những cơn mộng không tròn như sáng nay khiến anh tự hỏi:
-“Hay mình phải lòng cô ấy rồi? Đúng là vớ vẩn.”
Nhưng hình như có một tình cảm êm đềm đang lớn dần giữa hai người.
Reng …Reng…Reng…
Tiếng chuông điện thoại như thúc hối, giục giã!
Vũ tung cái mền nhà binh sang một bên, lồm cồm ngồi dậy.
Ánh nắng luồn qua khe cửa nhỏ làm thành nhiều vệt sáng lung linh dưới thềm xi măng khiến anh biết cũng đã khá muộn rồi. Với tay cầm cái điện thoại dã chiến đặt cạnh giường, anh lên tiếng:
-A lô! Vũ nghe đây.
-Chào buổi sáng Trung úy! Tiếng Nam, người Hạ sĩ quan quân số đại đội reo vui trong máy.
-Chào! Gọi chi sớm vậy Nam? Hôm nay đâu có chào cờ phải không?
-Dạ không có chào cờ bữa nay. Nhưng Trung úy cần qua gấp có khách đang chờ.
-Khách quen hay lạ?
-Ngoại trừ thời gian gần đây, có cô Hoa thỉnh thoảng vào hỏi thăm ông, còn lại là mấy cha đệ tử lưu linh thôi! Chứ ông có bạn bè chi nữa đâu mà quen với lạ.
-Khách đàn ông hay đàn bà?
-Không phải đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà.
-Mày giỡn mặt tao hả Nam? Không đàn ông, cũng chẳng đàn bà, vậy “lại cái” à?
-Em đâu dám giỡn mặt ông thày. Cũng không phải “lại cái” nữa.
-Nói mẹ nó ra đi! Ỡm ờ mãi. Không ông, không bà, không lại cái, vậy chứ là giống gì?
-Dạ giống cái, con gái! Tiếng Nam cười khúc khích trong máy.
-Thiệt không vậy mày?
-Em nói thiệt mà! Cổ đến đây chờ ông thày từ lúc 8 giờ rưỡi lận.
Vũ nhìn đồng hồ đeo tay, đã hơn mười giờ rồi.
-Tại sao giờ này mày mới gọi tao?
-Cổ hổng cho kêu Ông thày.
-Cô ấy tên là gì vậy?
-Không cho biết tên.
-Tuổi tác chừng bao nhiêu?
-Chắc đang tuổi cặp kê.
-Thằng này nhiều chuyện. Được rồi, tao sang ngay. À! Thằng Phúi có để xe bên này không?
-Nó mới lau chùi và lái qua bển rồi. Chắc đang đậu trước cửa chờ ông đó!
Vũ vừa làm vệ sinh cá nhân vừa mỉm cười khi nghĩ về người Hạ sĩ quan quân số.
Nam sinh trưởng ở miền tây, thuộc tuýp người thông minh lanh lợi. Trạng tuổi Vũ, chỉ nhỏ hơn vài tháng, có học, nhưng vì:
Rớt Tú Tài, anh đi Trung Sĩ…*
Tuy thế, Nam vẫn không nãn lòng, tiếp tục học hàm thụ, cho đến xong Trung học và hiện nay đã bắt đầu học năm thứ ba Luật khoa.
Cũng chính anh ta đã khuyến khích Vũ ghi danh học lại ở Văn khoa.
Nam làm việc ở văn phòng nên có nhiều thời gian hơn.
Vũ thì phải hành quân liên miên, nên vẫn cứ lẹt đẹt mãi ở năm thứ nhất.
Trong chỗ thân tình hai người coi nhau như anh em.
Đôi lần Vũ khuyên Nam nộp bằng cấp đi học Sĩ quan, nhưng anh ta nói để lấy xong Cử nhân rồi đi luôn…

2.
Vũ xô cửa bưóc ra, sau khi đã quấn thêm cái khăn quàng màu tím lên cổ.
Cơn gió Mùa Xuân mang hơi lạnh của vùng cao nguyên đất đỏ ùa đến khiến anh rùng mình.
Phúi, chú tài xế ngườiTàu lai lái xe đại đội, mà Vũ rất thương mến coi như đứa em, bước vội xuống xe đứng nghiêm chào anh và nói :
-Chào Trung úy! Ông khỏe hông?
-Chào A Phúi, cám ơn tôi khỏe. Thế nào, đêm qua thắng hay bại?
-Em có chơi gì đâu ông thày.
-Xì! Mày mà không chơi thì mấy sòng xóc dĩa ở ngoài khu gia binh dẹp tiệm hết rồi.
-Dạ! Ông Tiểu Đoàn Trưởng ra lịnh năm nay hổng cho cờ bạc trong trại gia binh…
-Điều này thì tao biết, như vậy chắc mày đi đá gà, phải không?
Phúi nín khe, vì bị bắt ngay tẩy.
Đoạn đường từ Khu cư xá sang đến Bộ chỉ huy Tiểu đoàn chỉ khoảng gần hai trăm thước.
Hai bên đường trồng đầy những cụm mai rừng, đã già.
Đang độ vào Xuân, nên hoa nở vàng rực khắp nơí, phơi mình trong nắng Xuân ấm áp. Khiến cho Vũ có cái cảm giác thật an bình, thanh thản.
Người lính gác đứng nghiêm chào, sau khi mở cổng cho xe qua.
Tiểu đoàn tọa lạc trên một ngọn đồi thấp nhìn ra cánh đồng trà mênh mông bát ngát.
Những ngày làm việc, đứng trong sân nhìn qua lớp hàng rào phòng thủ có thể thấy rõ ràng các cô gái hái trà, với cái gùi nhỏ trên vai, thoăn thoắt bước chân theo những luống nhỏ.
Nón lá trắng nhấp nhô như những cánh bướm chập chờn giữa màu xanh thăm thẳm.
Trông đẹp như một bức tranh vẽ.
Không khí thật êm ả, thanh bình.
Có ba lối vào Tiểu đoàn

Cổng chính ở hướng Đông – Cổng phụ hướng Nam đi qua Khu cư xá – Cổng phía Tây đi ra bãi đáp trực thăng và khu gia binh.
Toàn khu doanh trại sắp xếp theo hình chữ U – Bốn đại đội nằm theo hai cạnh còn bộ chỉ huy nằm cạnh đáy, nhìn ra cổng chính.
Phía sau văn phòng làm việc của các đại đội là phòng ngủ binh sĩ.
Xe vào đến sân Tiểu Đòan.
Vắng lặng. Chỉ có vài nhân viên hành chánh làm việc, và một trung đội trực gác cổng, còn tất cả đều được cho về khu gia binh ăn tết với gia đình.
Hôm nay là Ba mươi tết mà.
Thấm thoát thế mà anh đã đón mấy cái tết ở vùng cao nguyên Pleiku đất đỏ, sương mù này rồi.
Nhưng đây là lần đầu tiên anh được đón Xuân ở hậu cứ.
Có những cái tết phải nằm giữa rừng sâu, núi thẳm.
Có những cái tết ở tận vùng biên giới xa xôi…

Anh nhớ lại những đêm ba mươi, giữa rừng già cô quạnh, cùng anh em binh sĩ đón Xuân, chuyền tay nhau mẩu thuốc, chờ giao thừa, mà đôi khi cũng chờ tiếng pháo của địch tấn công:
… Có những mùa xuân giữa chiến trường,
Mai vàng hé nhụy, đón hơi sương.
Chia nhau mẩu thuốc, chuyền hơi ấm.
Nhắc những chuyện tình, chốn hậu phương…**

Đối với anh, tết ở đâu cũng giống nhau mà thôi…
Khi quê hương còn mịt mờ lửa đạn, thì trách nhiệm còn đè nặng trên đôi vai người lính. Các anh vẫn phải đi.
Và mùa Xuân cũng vẫn là những mùa Xuân xa nhà, những mùa xuân không trọn vẹn…
Qua khỏi sân tiểu đoàn, anh đã nhìn thấy bóng một cô gái mảnh khảnh, đang đứng tựa lưng vào gốc cây thông bên hông văn phòng đại đội, nhìn xa xăm về hướng đồn điền trà, trải ngút ngàn đến tận chân trời.
Tiết trời mùa Xuân lành lạnh dường như làm cho ngọn đồi trà xanh thêm.
Cái áo dài màu trắng của cô nổi bật giữa những cụm mai vàng trồng chung quanh hàng rào phòng thủ.
Với chiếc áo len xanh khoác hờ hững trên vai, trông cô mong manh và ẻo lả như sương khói.
Xe vừa dùng lại trước cửa văn phòng đại đội, Vũ nhảy xuống, bước đến bên cô gái, anh gọi khẽ:
-Thưa cô!
Thật bất ngờ, cô gái quay người lại, ôm chầm lấy anh nước mắt lưng tròng.
Vũ vô cùng bối rối vì chưa nhận ra cô là ai.
Cũng may Tiểu Đoàn hôm nay vắng vẻ, nếu không anh thật chẳng biết giải thích ra sao về chuyện này.
-Xin lỗi cô, hình như tôi chưa được hân hạnh biết cô!
-Anh đã quên em thật rồi à! Anh Vũ – Cô gái nói trong tiếng nấc nghẹn ngào – Em là Lan đây thôi. Em đắn đo lắm mới dám đến đây tìm anh. Vì em nghĩ có thể anh chẳng còn nhớ đến em đâu…
Nghe giọng nói, anh chợt nhớ đến một người:
-Lan ở Bồng Sơn phải không? Anh nhớ ra rồi. Xin lỗi, em thay đổi nhiều quá, nên anh ngờ ngợ. Cuộc sống của em độ này thế nào rồi? Mà thôi vào trong văn phòng chúng ta nói chuyện, ngoài này gió hơi lạnh đó.
Cô gái ngoan ngoãn bước theo anh.
Trong văn phòng, ngoài bàn làm việc, còn có một bộ sa lông đóng bằng gỗ thùng đạn pháo binh, kê nơi góc dùng để tiếp khách.
Nam lăng xăng lo đi rót nước, sau đó anh ta nháy mắt với Vũ, nói:
-Em đi qua bên Liên Đoàn có chút việc, cần gì Trung úy cứ gọi nhe!
Vũ trừng mắt ngó Nam và nói:
-Nam hãy ở lại đây để tôi giới thiệu cho hai người biết nhau.
Anh giữ Nam lại để tránh tiếng thị phi sau này, hơn nữa anh lại mới nảy ra một ý tưởng rất ngộ nghĩnh.
Nam bước đến bên ghế ngồi ghé xuống, Vũ nói:
-Đây là cô Lan tôi có dịp gặp năm ngoái, khi đơn vị mình hành quân ở Bồng Sơn – còn đây là anh Nam Trưởng ban quân số Đại đội – Một người đàn giỏi, hát hay và chăm học nữa – Lại độc thân vui tính.
-Trung úy nói quá rồi!
Hai người gật đầu chào nhau!
Cô gái có vẻ bớt nỗi xúc động.
-Nào nói cho anh nghe đi! Chuyện gi đã xảy ra với em? Và nguyên nhân nào khiến em đến đây tìm anh?
Vũ nhỏ nhẹ hỏi, sau khi đã kín đáo quan sát Lan. Cô thay đổi quá nhiều, mới hơn một năm, mà Lan chừng như là một con người khác hẳn. Già dặn và khắc khổ hơn nhiều.
-Chắc anh còn nhớ mình gặp nhau trong trường hợp nào phải không?
-Nhớ chứ làm sao quên được, lần ấy em làm anh lo muốn chết.
-Anh lo chuyện gì?
-Em thừa biết đó là khu vực quân sự, anh lại tự tiện đưa em vào, bảo sao chẳng lo!
Cô gái trầm ngâm, mắt thoáng nét xa vắng, tay xoay xoay ly trà nóng, có lẽ để tâm trí trở lại với chút kỷ niệm ngọt ngào – có thể chỉ là riêng với cô – của những ngày tháng cũ.
Vũ cũng ngồi im lặng, mặc cho giòng chảy của thời gian ngược về quá khứ.

3.
Sau hơn hai tháng trời miệt mài hành quân từ Bồng Sơn lên đến tận Tam Quan cũ.
Với biết bao chiến công và tổn thất, bao chiến lợi phẩm và mất mát.
Đơn vị lui về đóng tại khu vực Tam Quan mới.
Nơi đây có một quận đường, với những dãy nhà xây cất kiên cố, dọc theo hai bên trục lộ, chứng tỏ một thời hưng thịnh.
Nhưng, nay chỉ còn là những đống gạch vụn đổ nát, hoang tàn. Có những nhà còn trơ lại giàn khung xi măng cốt sắt, trông giống bộ xương người trong bài học cách trí mà anh được học lúc còn cắp sách đến trường.
Đại đội anh đóng cuối dẫy phố, bộ chỉ huy đặt tại một căn nhà hai tầng, cũng chỉ còn trơ lại những bức tường vôi cháy xám đen, dấu tích của đạn bom.
Đây là thời gian cho đơn vị nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Sáng phái hai trung đội đi lục soát mở đường an ninh trục lộ. Chiều kéo về, nằm khểnh trên cái võng căng dưới những tàn dừa cháy xém.
Tối lại cho mấy Tiểu Đội đi phục kích đêm, chờ đón những con chuột mò về ăn mãnh.

Năm gần căn cứ pháo binh, nên không thiếu thốn món gì, từ nước đá, bia rượu, đến thuốc lá, đều được các xe chở đạn pháo binh đem lên tiếp tế, với điều kiện: Tiền trao, cháo múc…
Đơn vị được tưởng thưởng một số huy chương, qua những tháng ngày gian lao nguy hiểm.
Anh là trưởng đoàn, hướng dẫn gần hai mươi anh em thuộc cả ba Tiểu Đoàn 11, 22 và 23 Biệt Động Quân về nhận lãnh tại Trường Tiểu Học Bồng Sơn.
Phái đoàn đi trên 4 chiếc xe jeep.
Suốt buổi sáng tập dượt nghi lễ, để đón tiếp Tư Lệnh Quân Đoàn Khiến anh em mệt bở hơi tai dưới cái nắng gay gắt của mùa hạ.
Những người lính trận chỉ quen với đánh đấm súng đạn, quen say sưa chửi thề, nay phải vào khuôn phép, đi đứng theo nhịp đếm một hai ba bốn… nên thật vất vả cho vị sĩ quan nghi lễ.
Nhưng đã là lính thì chuyện gì chẳng làm được, nên rồi buổi lễ cũng hoàn tất tốt đẹp.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm sau khi tiễn vị Tư lịnh lên trực thăng trở về Pleiku.
Một số anh em đề nghị:
-Bên kia cầu có một tiệm ăn, mình qua đó kiếm cái gì lót bụng rồi hãy về, Trung úy!
Nhìn đồng hồ thấy mới hơn hai giờ chiều, Vũ bằng lòng theo anh em đến tiệm ăn bên kia cầu.
Đó là một căn nhà lầu hai tầng, cũng phần nào ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng vẫn còn xử dụng được. Với tất cả trang bị đơn sơ vá víu, nhưng thực phẩm thì không đến nỗi nào…
Mấy tháng trời nay, mới được ăn một tô hủ tiếu nóng hổi, ai cũng xuýt xoa, dù anh Ba tàu lai này nấu không xuất sắc lắm.
Tiệm ăn này dường như chỉ dành cho những người lính lỡ đường, chứ chẳng thấy bóng dáng người dân nào.
Mọi người vừa xì xụp húp, vừa trao đổi ồn ào đủ thứ chuyện trên đời. Lính mà.
Bổng dưng…
Cả cái quán ăn chật hẹp đang râm ran tiếng cười nói chợt im bặt, Vũ ngồi ở cái bàn cuối cùng, lại quay mặt vào trong nên không biết chuyện gì xảy ra.
Có nhiều tiếng xì xào nổi lên, anh nghe một người nói:
-Ông trưởng đoàn ngồi trong góc kìa, muốn gì cô lại nói với ổng!
Anh chưa kịp quay lại thì nghe có tiếng thỏ thẻ của một người con gái, giọng nói miền Bắc pha Bình Định:
-Thưa ông!
Vũ ngẩng vội lên hỏi:
-Cô cần gì?
-Tôi muốn được quá giang về lại nhà cũ.
Lúc bấy giờ Vũ mới có cơ hội quan sát người đối diện-
Đó là một người con gái trẻ, đẹp, có vẻ lanh lợi – khoảng chừng mười tám, đôi mươi, mái tóc để dài, buông xỏa xuống bờ vai thon, như một cô nữ sinh trung học – Nhưng gương mặt buồn, buồn thê thảm- nhất là đôi mắt, lúc nào cũng như long lanh ngấn lệ khiến người đối diện phải não lòng, không dám nhìn thẳng vào đó, và có điểm đặc biệt hơn nữa, trang phục của cô là màu đen tuyền, một màu đen tang tóc – dù cái cái áo bà ba may rất khéo, ôm sát thân hình thanh tú của cô. Một miếng vải màu trắng to bằng ba ngón tay được gài ngay giữa ngực áo cho biết cô đang có tang chế.
Cô gái nói nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm:
-Thưa ông! Hôm nay là một trăm ngày của gia đình tôi, xin ông cho phép tôi theo xe các ông về Tam Quan để thắp cho họ một nén hương được không ạ?
Vũ để ý thấy cô ta xách theo môt cái túi nhỏ, lòi lên mấy bó nhang.
Cô năn nỉ tiếp khi thấy Vũ im lặng, và có lẽ sau khi đã thẩm định tuổi tác của Vũ, cô đột ngột thay đổi cách xưng hô:
-Làm ơn đi mà… anh… Em chờ ở đây từ sáng đến giờ. Không ai cho đi nhờ hết.
Giọng cô buồn ảo não:
-Trên đó là khu vực quân sự, dân chúng chưa được vào đâu cô ạ! Vũ nhã nhặn trả lời.
-Em thấy mấy xe lớn có chở phụ nữ trên đó mờ!
-Nhưng đó là vợ con binh sĩ.
-Thì anh cứ nhận em là vợ anh đi.
Cả cái quán chợt ồn ào lên như vỡ chợ, nhìều tiếng cười nói, la ó vang lên.Tiếng đập tay xuống bàn, tiếng huýt gió inh ỏi.
Một tay nào đó la lớn:
-Nhận đại đi ông thày! Cô em đẹp quá trời mà!
-Trung úy tui còn độc thân đó cô ơi!
Vũ vô cùng lính quýnh trước sự táo bạo của cô gái.
Anh gượng gạo chống đỡ:
-Không đi được là không đi được mà.
-Có cấm đâu, mà không đi được…
-Thì không cấm, nhưng trên đó còn nguy hiểm lắm, nên chưa cho dân chúng hồi cư…
-Em đâu có hồi cư, em chỉ lên đó thắp cho gia đình em vài nén hương rồi em về thôi mà!
-Sao lại gia đình?
Cô sửa lại thế đứng, một tay vịn vào cạnh bàn, dường như cô sợ rằng khi nhắc lại những chuyện thương tâm thì cô sẽ ngã quỵ xuống. Giọng cô xa vắng:
-Em ở cách văn phòng quận không xa, nên ngay đêm đầu tiên, khi họ pháo kích vào, nhà em bị một trái đại bác. Gia đình em có sáu người, nay chỉ còn có mình em. Ba em, chị em, và hai đứa em của em chết ngay tại chỗ, mẹ em bị vết thương trên đầu hiện nay còn mê man ở bịnh viện Quy Nhơn.
Cô gái nói trong nước mắt.
Mọi người chợt như hóa đá.
Tất cả đều im lặng.
Im lặng đến rợn người.
Dường như người ta nghe được cả tiếng vo ve của các chú ruồi đói đang bay vần vũ trên những tô hủ tiếu dở dang, mà không ai còn muốn đụng đũa nữa.
Một nghịch cảnh khủng khiếp như thế. Ngay đến những người cứng cõi nhất cũng có thể sụm xuống, huống chi là một cô gái chân yếu tay mềm
Nỗi xúc động làm mọi người thốt không nên lời.
Không gian như chết lặng.
Thời gian cũng ngừng trôi.
Sự im lặng kéo dài không biết bao lâu.
Vũ trấn tỉnh trước.
Anh lướt thoáng qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cô gái, và chăm chú nhìn vào cái giỏ sách của cô.
-Không có gì trong đây đâu anh.
Cô gái thật thông minh, đã hiểu được ý anh, cô trút tất cả vật dụng xuống nền đất. Chỉ có hai bó nhang, nải chuối cau nhăn nhúm, nắm giấy tiền vàng mã, và một tấm bìa cứng trên đó thây ghi tên bốn người, giống như tấm bài vị.
Cô lôi ra tấm thẻ căn cước trao cho anh, Vũ đọc lướt qua:
Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1954.
Sinh Quán Phủ Lý – Nam Định.
Trú quán Tam Quan – Bình Định.
-Cô người miền Bắc à? Anh hỏi
-Vâng! Em mới sinh thì cha mẹ bồng em lên tàu há mồm, di cư vào Nam.
Anh chuyển tia nhìn lướt qua người cô rất nhanh, rồi quay đi chỗ khác. Cô giũ tung vạt áo lên và nói:
-Nếu không tin, anh có thể khám xét em mà.
Mọi người cười ồ lên, phá tan cái không khí nặng nề đến ngột ngạt.
Một lần nữa Vũ ngồi như trời trồng. Mặt đỏ rần lên tựa vừa uống xong một cốc rượu mạnh.
Để tránh tình trạng bối rối, anh đưa tay lên xem đồng hồ, rồi nói to:
-Anh em chuẩn bị về nghe, gần bốn giờ rồi. Trễ quá họ rút đường hết là mệt lắm đó.
Mọi người lục đục ra xe.
Cô gái lẽo đẽo theo sau lưng Vũ.
Anh bảo tài xế ra ngồi phía sau, nhường tay lái cho anh.
-Lên đó, tôi bỏ cô xuống gần nhà, rồi cô tự tìm xe về dưới này nhé!
-Dạ! Cám ơn anh.
Cô trả lời nhẹ như hơi thở.

4.
Đoạn đường từ cầu Bồng Sơn về đến vị trí đóng quân của đơn vị cũng khá xa.
Hai bên đường các anh em thuộc Sư Đoàn 22 bộ binh nằm giữ an ninh, vẫn còn đó.
Xe vùn vụt lao đi, qua những ngôi làng những thôn xóm xác xơ, chỉ còn trơ đống gạch vụn hay cột kèo cháy xém.
Những vườn dừa mênh mông với thân cây chỉ còn những khúc ngắn ngủn, khiến mọi người thấy xót xa cho người dân hiền lành vô tội, chỉ qua một đêm, bao nhiêu mất mát đau thương đã đến với họ. Của cải tài sải ky cóp tích lũy bao đời, chỉ thoáng chốc trở thành tro bụi. Ngay cả con người cũng khó bảo toàn sinh mệnh.
Ôi! Chiến tranh, ai gây ra thảm cảnh này?
Về gần đến vùng trách nhiệm của Tiểu đoàn, mà vẫn chưa đến nhà cô gái, anh tỏ vẻ âu lo:
-Nhà cô ở tận đâu vậy?
-Dạ ngay gần Quận ấy mà!
Đã vào đến vùng đóng quân của Liên Đoàn.
Các xe khác lần lượt tách về đơn vị họ, anh liên lạc với bộ chỉ huy cho biết đã hoàn tất nhiệm vụ và trở về đến nơi.
Còn cách căn nhà mà đại đội anh đóng không xa, cô gái nói to:
-Nhà em đó!
Vũ rẽ xe vào sân.
Anh tự hỏi sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như thế này.
Định mệnh nào run rủi, anh lại đóng quân ngay tại căn nhà hai tầng lầu bỏ hoang của cô gái khốn khổ này.
Cô bước vội xuống xe, một số anh em xúm lại.
Họ đến thăm hỏi anh thì ít. Mà xem mặt cô gái thì nhiều.
Lan nhìn anh vẻ dò hỏi:
-Cô muốn vào nhà thì cứ tự nhiên, nhưng đừng đi ra ngoài quá xa.
Ngọc Lan bước vào nhà, nước mắt chảy dài.
Gọi là nhà, chứ thật ra mọi thứ đã bị hủy diệt hết rồi.
Chỉ còn lại cái khung với những bức tường xi măng mang đầy dấu đạn.
Cô dẫn anh đi chỉ từng chỗ:
-Nơi này ba em đã chết, và mẹ em bị thương. Trên lầu thì một người chị và hai đứa em đã ra đi.
Cô vừa nói vừa khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào khiến lòng Vũ cảm thấy hết sức bất nhẫn, thương cảm cho cô và cho thân phận những người dân hiền lành vô tội.
Sau khi đi hết các nơi trong nhà, cô xuống tầng dưới, dẫn anh ra khu phía vườn sau, đến bên một ụ đất thấp, nói:
-Ba em, chị em và hai đứa em của em nằm đây, nhờ mấy anh lính Sư Đoàn chôn vội họ, trước khi di tản em xuống Bồng Sơn cùng với mẹ em.
Lan vừa khóc sụt sùi vừa lôi mọi thứ từ trong cái túi nhỏ ra, bày biện trên một tờ báo cũ: nào chuối, nào giấy tiền vàng mã và tấm bài vị, xong cô đánh diêm đốt nhang và quỳ sụp xuống.
Tiếng khóc của cô vỡ òa giữa cảnh điêu tàn đổ nát, trong bóng chiều hoang lạnh khiến mọi người không ngăn được xúc động.
Cô rên rỉ:
-Bố ơi! Chị Mai ơi! Tuấn, Tú ơi! Sao các người nỡ bỏ con mà đi như thế?
Và rồi nằm phục bên nấm mồ, như một thân cây bị chặt ngang.
Dường như tất cả đã vượt quá sức chịu đựng của cô rồi.
Vũ thấy lòng xót xa vô ngần.

Anh nghe mằn mặn nơi đầu môi. Nhưng vẫn để cho cô tiếp tục khóc, mong có thể vơi bớt nỗi thương đau.
Khi bóng chiều đã ngã sang màu tím thẫm, tiếng khóc của Lan cũng nhỏ dần.
Anh bước đến dìu cô đứng dậy, nói:
-Thôi đi vào nhà đi Lan, ở đây sương xuống sẽ nhuốm bệnh đó.
Cô như một kẻ không hồn, mặc cho Vũ dìu đến bên chỗ nằm của anh. Đó là một khoảng trống ngay dưới chân cầu thang, kê bằng mấy cái thùng đạn pháo binh và trải lên bởi một tấm Pon cho.
Thái, âm thoại viên đại đội bước đến bên anh, nói khẽ:
-Tiểu đoàn trưởng muốn gặp Trung úy.
Vũ biết có chuyện không ổn rồi.
Anh bước đến cầm ống nghe:
– Victor tôi nghe đây Đại Bàng!
-Mày chở gái vào vị trí đóng quân hả Victor? – Tiếng ông Tiểu Đoàn Trưởng già vang lên trong máy.
-Đâu có Đại Bàng – Anh hạ thấp giọng – Hoàn cảnh của cô ấy đáng thương lắm Đại Bàng ơi!
-Coi chừng bị lợi dụng thì chết cả nút – Ban hai Liên Đoàn muốn mày đưa cô ấy lên cho họ gặp đó.
-Tôi coi chừng cô ấy được mà.
-Mày biết là chỉ có thân nhân mới được vào vị trí đóng quân…
-Thì cứ coi như cô ấy là vợ tôi đi.
-Mày bảo đảm không?
-Chắc ăn như bắp – Đại Bàng yên tâm đi – Tôi chịu trách nhiệm cho.
-Tao tin mày.
-Cám ơn Đại Bàng! Chúc Ông ngon giấc.
Vũ thở phào nhẹ nhõm, nhưng anh biết rằng đêm nay sẽ là một đêm không ngủ.

5.
-Anh Vũ nè! Hình như hôm đó anh thức trắng đêm thì phải?
Tiếng Lan vang lên, lôi anh về thực tại.
-Đúng thế!
-Tại sao vậy?
-Để canh chừng em chứ tại sao.
-Canh chừng cái gì? Anh sợ em là đặc công Việt Cộng à?
-Không hẳn như vậy, nhưng anh không muốn có một bất trắc gì xảy ra trong đêm hôm ấy.
-Anh đã nhận em là vợ anh rồi mà!
-Sao em biết điều đó?
-Lúc anh nói chuyện em nghe được cả – dù rằng anh đã cố nói nhỏ giọng xuống.
-Xin lỗi em! Anh nói thế để em không bị đưa lên ban hai Liên Đoàn – Ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng cũng thừa biết là anh nói dối-vì anh có vợ hay không ổng biết rất rõ – nhưng vì tin anh nên ổng cũng bỏ qua – Anh không muốn làm mất lòng tin nơi thượng cấp. Đúng là một đêm thức trắng. Thật ra, thấy hoàn cảnh của em như thế, anh rất cảm thông và coi em như một như người em gái mà thôi.
Bây giờ em hãy cho anh biết tình hình sức khỏe mẹ em ra sao?
-Cám ơn anh! Mẹ em mất rồi – Lan chùng giọng xuống, dường như cô không còn nước mắt để khóc nữa – Sau khi lo hậu sự cho mẹ xong, em đến đây tìm anh ngay – Vì trên đời này, em không còn bất cứ một người thân thuộc nào cả. Như em đã nói với anh trong cái đêm ở căn nhà cũ, năm ấy – em đang học lớp đệ nhị ở Quy Nhơn- về thăm nhà và gặp thảm cảnh tang thương như thế đó. Em biết anh là một người tốt, nên đánh liều lên đây tìm anh, mong anh có thể giúp đỡ em vượt qua giai đoạn vô cùng nghiệt ngã này…
Vũ ngồi im lặng, trầm ngâm suy nghĩ…
Có tiếng xe Hon Da dừng lại trưóc văn phòng.
Hoa bước vào, rực rỡ và tươi mát, cô mặc một cái áo dài màu Hoàng Yến, khoác bên ngoài chiếc áo len màu tím sẫm làm nổi bật nước da trắng ngần.
Cô chợt chựng lại khi nhìn thấy Lan và Nam, nhưng không thấy Vũ, vì anh ngồi khuất trong góc. Cô lên tiếng:
-Xin lỗi anh Nam nhé! Tôi không biết anh đang có khách.
Nói xong cô toan lui bưóc, Nam vội nói:
-Hổng phải khách của tui đâu chị Hoa.
Lúc ấy Vũ mới lên tiếng:
-Em vào đây ngồi chơi đã Hoa! Anh giới thiệu cho hai người quen biết nhau.
Hoa bước hẳn vào trong phòng, ngồi xuống chỗ trống bên cạnh Lan, hai người gật đầu chào nhau.
Vũ vắn tắt kể cho Hoa nghe về cuộc đời của Lan – Từ lúc tình cờ anh gặp cô cho đến nay.
Nét mặt Hoa thay đổi theo từng chi tiết của câu chuyện.
Đến khi nghe mẹ Lan cũng vừa mất thì Hoa đã không còn ngăn đuợc nước mắt. Cô xoay sang cầm tay Lan, vỗ nhè nhẹ như an ủi.
Lan cảm nhận được tấm chân tình Hoa dành cho mình.
-Thế bây giờ Lan tính sao? Hoa thân mật hỏi.
-Em cũng chưa biết nữa chị ạ!
-Nhà tôi ở trong trại gia binh khá rộng rãi, còn một phòng trống của ông anh tôi, đã tử trận cách đây hai năm. Nếu Lan không e ngại, tôi về thưa chuyện với ba má tôi dành cái phòng đó cho Lan.
-Em cám ơn chị nhiều lắm!
-Bệnh xá chỗ tôi đang làm việc cũng đang cần một nhân viên hành chánh. Để sau tết tôi hỏi chỗ ấy cho Lan.
-Trời ơi! Nếu được như thế thì may cho em quá!
-Ba má tôi đang chuẩn bị cúng đón ông bà, mời mọi người ra dùng cơm luôn!
Vũ thở phào nhẹ nhõm, Hoa đã giúp anh giải quyết một vấn đề hết sức nan giải và tế nhị. Anh còn độc thân, đâu có lý do nào dể cho Lan ở trong cư xá Sĩ Quan. Mà thuê nhà cho cô ở bên ngoài thì tránh sao khỏi những lời dị nghị đàm tiếu.
Cũng không thể bỏ cô bơ vơ trong hoàn cảnh như thế này.
Anh nhìn Hoa bằng ánh mắt trìu mến và cảm kích, khiến cô phải đánh trống lãng:
-Mau mau lên để Ba má chờ lâu, bị la đó!
Mọi người vui vẻ đứng lên. Nam nói:
-Chị Hoa đưa Honda đây tui chạy, để Trung úy chở mọi người cho tiện.
Hoa đưa chìa khóa cho Nam dắt tay Lan ra xe, hai cô tự động leo lên băng sau.
Vũ quay xe ra phía cổng sau của Tiểu Đoàn, hướng về khu trại gia binh.
Qua khỏi bãi đáp Trực thăng không xa, là đã đến những dãy nhà đầu tiên của Trại gia binh. Nhà nào cũng quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp để chuẩn bị đón mừng Xuân mới.
Nhà Thượng sĩ Ba, là thân phụ của Hoa, cũng được sơn phết lại cẩn thận.
Giàn hoa giấy trước nhà đang trổ bông đỏ ối, bên cạnh những cụm mai vàng rực rỡ làm khung cảnh thêm ấm áp, yên bình.
Xe ngừng lại trước nhà, Thượng sĩ Ba mau mắn bước ra, nói:
-Vô nhà mau đi Trung úy! Tất cả sẵn sàng hết rồi. Ủa! Còn ai đây?
Ông hướng mắt nhìn Lan và hỏi. Cô khẽ cúi đầu chào ông.
-Để vào nhà con nói chuyện cho ba nghe! Hoa trả lời.
Trong nhà trang hoàng theo đúng phong tục cổ truyền để đón mừng Xuân:
Cũng bánh chưng xanh. Cũng câu đối đỏ.
Bàn thờ khói hương nghi ngút.
Thức ăn được sắp xếp trịnh trọng trên cái bàn dài kê giữa nhà.
Bà Ba đang đứng khấn vái trước bàn thờ Tổ Tiên.
Đợi bà quay ra, Hoa nói:
-Thưa ba má ! Đây là cô Lan người ở Tam Quan, cả gia đình bị pháo kích chết hết năm 1972. Nay tứ cố vô thân, con đem về đây xin ba má cho cô ấy ở tạm trong căn phòng của anh Hai, ba má nghĩ sao?
Bà Ba bước đến cầm tay Lan, kéo sát vào lòng, nói đầy vẻ thương cảm:
-Trời ơi! Tội nghiệp con gái chưa! Xinh xắn thế này mà bạc phước. Thôi cứ ở đây với hai bác đi, có rau ăn rau có mắm ăn mắm, mình cùng là nạn nhân của chiến tranh cả mà.
Có lẽ cháu nhỏ tuổi hơn con Hoa nhà này đấy nhỉ?
-Dạ cháu vừa tròn hai mươi tuổi ạ!
-Thế thì làm em con Hoa được rồi. Hoa đã hai mươi hai cơ đấy. Cháu chịu làm con nuôi hai bác không? Nhà bác cũng đơn chiếc lắm.
-Con xin đội ơn hai bác và chị Hoa đã cho con tìm lại được tình thân gia đình. Lan sụt sùi cảm động.
-Giờ này mà còn gọi bằng Bác nữa sao? Nam lên tiếng ghẹo Lan.
-Dạ! Dạ! Ba má … Lan lắp bắp.
Ông Ba lên tiếng:
-Thôi mọi người ngồi vào bàn đi, thức ăn nguội hết rồi. Bà vào lấy thêm chén đũa cho con nó. Để tôi bưng hũ rượu nếp than ra đây ăn mừng nhà mình có thêm thành viên mới.
Đợi ông bà đi khuất, Nam lên tiếng:
-Đáng lẽ là em chồng, bây giờ lại trở thành em nuôi!
-Anh nói thế nghĩa là sao?
-Hồi sáng Trung úy nhận cô Lan là em gái. Như vậy đối với chị không là em chồng thì là gì nữa?
Hoa đỏ mặt sung sướng, nhưng cũng nguýt Nam một cái dài sọc, nói:
-Ai bằng lòng lấy ông Vũ nhà anh hồi nào đâu mà em chồng em vợ.
-Thôi không em chồng nữa! Bây giờ thành em nuôi rồi mà! Cô Lan bây giờ không biết là em …gì của anh Vũ há? Nam vẫn chưa tha
-Cái anh Nam này thiệt cắc cớ!
-Ê! Nam, mày “chèo” với tao không. Vũ chen vào, đùa cợt.
-“Trèo” cái gì Trung Úy?
-Thì… “chèo”… đó mà!
-Em không hiểu ông muốn nói gì!
– Cái thằng này! Mày lo học quá đâm đờ đẫn cả người ra! Sắp ra Luật sư rồi, chẳng lẽ tao nói vậy mày không hiểu hay giả vờ không hiểu.
-Em không hiểu thật mà. Hỏi thử chị Hoa và cô Lan xem hai người có biết Trung úy muốn nói gì không?
-Thày trò nhà anh nói chuyện úp mở như thế, ai mà biết được.
Hoa vừa cười vừa nói.
Ông Ba bước ra, lên tiếng giải thích:
-Ý Trung úy nói là ổng “chèo lái “ còn mày “chèo mũi “đó Nam. Vì con Hoa và con Lan nay là hai chị em mà!
Bà Ba cũng vừa sắp thêm chén đũa, vừa phụ họa:
-Được vậy thì vui biết mất phải không các con?
Nam và hai cô gái cùng đỏ mặt vì mắc cỡ.
Riêng Vũ, thấy lòng vô cùng ấm áp với những tình cảm thân thương ông bà đã dành cho anh.
Họ đã khiến anh như đang được sống trong mái ấm gia đình vào những ngày đầu Xuân.
Lan bước đến ôm chầm lấy bà Ba, nói trong tiếng nấc:
-Con ngàn lần cám ơn Ba Má! Ba Má đã cho con có được tình yêu thương và mái ấm gia đinh. Ba Má và chị Hoa, cùng các anh đây đã mang cho con mùa Xuân mà mấy năm nay con không hề có. Một mùa Xuân hết sức ngọt ngào, đầm ấm…
Ngoài kia, tiếng pháo nổ dòn như reo vui, chuẩn bị đón chào một mùa Xuân mới…

*Ca dao dân gian.
** Thơ DTT

Bất Chợt Mùa Xuân

Bất chợt mùa Xuân đến lạnh lùng
Như đàn gieo nốt nhạc ngang cung.
Tơ lòng ai khẩy mà rung phím
Vang những thanh âm thật não nùng.

Bất chợt mùa xuân đến hững hờ
Cho sầu thương nhuộm tím hồn thơ.
Mai đào đâu nhỉ! Mà Xuân đến.
Chỉ thấy lá vàng rơi xác xơ

Bất chợt mùa Xuân đến âm thầm.
Khơi nguồn bao ký ức xa xăm
Đâu những mùa Xuân ngày xưa ấy.
Phai nhạt ước nguyền theo tháng năm

Bất chợt mùa Xuân đến xót xa
Nhân thế ai người hiểu lòng ta.
Mai Xuân trở gót ta về đất .
Nâng chén quan hà ta tiễn ta.

Sao Mùa Đông Đến Vội

mùa đông chưa hẹn đến,
thu vội vã ra đi,
nhưcuộc tình rẽbến,
không một lời biệt ly .

con đường xưa còn đó,
in dấu chân ta về,
tiếng cười vang trong gió,
khúc nhạc tình đê mê .

nụhôn đầu vụng dại,
còn ấm nồng bờmôi,
trinh nguyên ngàn hoa trái,
quấn quýt ta một đời .

gió thu buồn hiu hắt,
lá thu vàng rơi rơi,
mùa thu chưa trởgót,
sao đông đến đây rồi?

Bông Hoa Nhỏ…
* Mừng ngày Giao Thủy chào đời 05/09/2014

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Góp chút hương thơm với cuộc đời.
Hàng cây rũ lá trong nắng Hạ.
Chợt bừng sức sống ánh xuân tươi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Dìu dặt thinh không khúc nhạc mừng.
Ríu rít chim muông hòa cung bậc.
Vi vi làn gió góp vui chung.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Rộn rã hồn ta vạn tiếng cười.
Niềm vui òa vỡ trong ánh mắt.
Hạnh phúc ngập tràn trên nét môi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Sức sống trào dâng ngập cõi lòng.
Gia trang rộn rã trong ngày hội.
Giao Thủy chào đời, thỏa đợi mong.

Nỗi Nhớ Còn Vương
* Tặng người ngày cũ Pleiku

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Ôi! Quê hương, một thuở đã mờ xa.
Có những đêm, lệ buồn đoanh mắt đỏ.
Nhớ làm sao những kỷ niệm ngọc ngà.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Con đường xưa, xào xạc lá me bay,
Lá tung tăng, lá cợt đùa với gió,
Rồi nhẹ nhàng, lá hôn trộm tóc mây.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Những chiều vàng, ta dìu bước nhau đi.
Đôi mắt nai ngại ngùng như mắc cỡ.
Áo học trò, quấn quýt áo “trây di”.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Nhớ để buồn, để thương tiếc… khôn nguôi.
Thật xa xăm mà hồn sao cứ ngỡ…
Nghe đâu đây, văng vẳng tiếng em cười…

Dương Thượng Trúc

Dương Quân

Duong Quan

Thư Viết Từ Miền Biển

Ta về đây, đìu hiu miền biển vắng
Bãi ghềnh sâu, hoang dã lá hoa cồn
Mây lang thang, tháng ngày trôi vô tận
Nhạc trùng dương ru mãi giấc cô đơn.

Ta về đây, không hoa thơm bướm lượn
Không lụa là, son phấn, núi đồi cao
Không lâu đài, không nhạc sang, mỹ tửu
Chỉ bao la trời mây nước một màu.

Ta về đây, giấu mùa xuân trong lá
Cho muôn năm rừng giữ tóc em xanh
Ta trút hết lòng ta vào biển cả
Cho rong rêu ủ kín mảnh chân tình.

Em có hiểu. Hay là em không hiểu?
Trọn đời ta đi tìm ngọc trong thơ
Ta chỉ thấy trời đêm tràn tinh tú
Cứ ngỡ rằng châu báu rải trong mơ.

Và quanh năm với hai mùa thay đổi
Như lòng ta hạnh phúc lẫn thương đau
Lúc bão dữ, ta âm thầm hứng chịu
Đợi bình yên khi nắng ấm dạt dào.

Những tinh sương, ta dường nghe em đến
Bước chân ngà từng thế kỷ thong dong
Những chiều buông, ta dường nghe em gọi
Tiếng thì thầm trong tiếng sóng bập bùng.

Hãy một lần về với ta. Em nhé!
Để hồn ta hòa với biển muôn trùng
“Trí nhạo sơn, (ai hiền) nhân nhạo thủy”*
Ta kẻ khờ, xin tạc dạ bao dung.

Ta về đây, chờ em trong khổ hạnh
Một ngày kia tao ngộ cõi Vô Cùng.

Dương Quân
*Nho: Người trí thích chơi núi
Người nhân thích chơi biển

Hương Tình Cà Mau

Thuở ấy một lần xa phố cũ
Tôi rời đô thị đến An Xuyên
Chân trời cuối Việt xa thăm thẳm
Không có người thân, chẳng bạn hiền

Là chuyến độc hành không tiễn biệt
Hành trang chỉ một xách tay vừa
Nhưng sao thấy nặng niềm nhung nhớ
Trời thủ đô buồn trong nắng thưa

Tôi đến An Xuyên lòng khắc khoải
Những trưa gà gáy gọi hoàng hôn
Những chiều gió biển đùn mây xám
Gợi tiếng sầu dâng tận đáy hồn

Những bước chân mòn qua phố vắng
Những con đường cũ nặng suy tư
Hững hờ rượu lạt , cà phê đắng
Khói thuốc nào say buổi tạ từ

Khi cánh chim bay là xoá dấu
Cành khô cũng mất vết chia ly
Chỉ đau là tiếng kêu quằn quại
Hẹn ước nào ai tiếc được gì

Sự nghiệp vẫn đi tim trước mắt
Nụ cười không nở cuối mùa thương
Mai sau ai biết về thân phận
Sỏi đá thà cam vạn nẻo đường

Dẫu thế, Cà Mau không phụ khách
Có rừng, cũng có đất phù sa
Cầu tre, nước chảy cô nghiêng nón
Tình gái An Xuyên vẫn đậm đà

Gặp em vào buổi ban sơ ấy
Chung chuyến đò qua ghé bến quê
Tôi chép câu hò đem đến tặng:
“Cà Mau đi dễ, khó quay về”

Em hẹn chèo ghe ra họp chợ
Tôi chờ, trưa nắng, bóng sông trôi
Cắm sào, che nón, em cười nụ
Lòng ngỡ rằng em nói vạn lời

Nhà em có mảnh vườn cau nhỏ
Uống nước trời mưa, gạo giã tay
Tuổi mẹ như vừng xôi nếp một
Cha già như trái chín trên cây

Hái rau đem bán lo tiền chợ
Mót củi rừng thưa, nhúm bếp cơm
Cha mẹ tuổi già, con gaí muộn
Tảo tần ngày tháng đáp công ơn

Em từ Tắc Thủ qua Kênh Xáng
Xuống khỏi Dòng Kè ra Tắc Vân
Tôi dưới Tân Thành lên chợ quận
Mua quà xin gửi biếu song thân

Mỗi lần tan chợ, ghe xuôi nước
Áo trắng em về khuất cuối sông
Tôi tự hỏi lòng sao chẳng gửi
Cho em trọn cả trái tim hồng

Trở lại Tân Thành thương Tắc Thủ
Dường dài sông rộng, nắng chang chang
Mái chèo có mỏi bàn tay yếu?
Má đẫm mồ hôi có võ vàng?

Mơ ước trời luôn thêu nắng đẹp
Mưa hoà, gió thuận khắp nơi vui
Đất lành, hoa nở trên gai góc
Cho gái Cà Mau điểm nụ cười

Từ đó tôi yêu miền cuối Việt
Yêu đôi mắt đẹp, cổ tay tròn
Áo bà ba trắng, môi cười nụ
Yêu gái Cà Mau vẹn sắt son.

Em Tóc Ngắn

Từ em làm khổ đời ta
Tóc dài cắt ngắn, thướt tha khăn quàng
Một thời khuê các cao sang
Cháu Bà Trưng điệu tiềm tàng tác phong

Ta, chàng ẩn sĩ lưu vong
Làm thơ kể chuyện phiêu bồng thế nhân
Gặp em giữa chốn đường trần
Tôn vinh thần tượng, ân cần lên ngôi.

Cỏ hoa, sông suối, núi đồi
Thiên nhiên hoa gấm, cõi người tỉnh say
Môi thơm, mắt biếc trang đài
Lòng ta thổn thức ngất ngây rộn ràng

Nhưng thôi. Tình đã muộn màng
Đành xin gởi gió mây ngàn vào thơ
Từng đêm ta thấy trong mơ
Vòng tay trìu mến vẫn chờ trăm năm.

Còn Lại Tiếng Thơ
* Thương tặng TL

Ta từ
chết đuối trôi sông
Nổi chìm thân xác giữa giòng nhân gian

Xưa
em vớt củi sông Hàn
Nay em vớt cuộc đời tàn ta dư.

Nấm tro
hiu hắt trang thờ
Khói hương ngày cũ
bây giờ hóa chung

Trăm năm
nối sợi tơ chùng
Tiếng thơ
đồng vọng trên vùng Vô Minh.

Chờ Em

Em hứa về. Sao em chẳng về?
Ta chờ đợi mãi bước em đi
Thời gian như nước xuôi giòng chảy
Chỉ thấy trường giang sóng biệt ly.

Ta chờ em đã mấy mươi năm
Từ buổi trăng treo bóng nguyệt cầm
Từ buổi cầu sương rền gió hú
Tiếng rừng vang vọng cõi xa xăm.

Ta chờ em suốt những mùa đông
Giá buốt, sương giăng, tuyết lạnh lùng
Đêm vắng đèn khuya mòn mỏi giấc
Tro tàn bếp lửa, nhớ mênh mông.

Ta chờ em từng mỗi hoàng hôn
Ngắm áng mây trôi lặng lẽ buồn
Bên chén trà vơi, ngồi độc ẩm
Ngập tràn tâm sự chuyện hàn ôn.

Ta chờ em dài những cơn mưa
Rét mướt bên song ngọn gió lùa
Dang dở bài thơ không đoạn kết
Mơ màng chăn gối thoảng hương đưa.

Không biết giờ này em ở đâu?
Chân trời, góc biển, bến giang đầu
Hay còn xuôi ngược miền đô thị
Gối chiếc đêm về có nhớ nhau?

Ta chờ em sức kiệt tàn hơi
Hết cả trăm năm, hết cả đời
Ta sẽ chờ em nhiều kiếp nữa
Mấy vòng sinh diệt kiếp luân hồi.

1 30 31 32 33 34