Dương Thượng Trúc

Dương Thương Trúc
Tiễn Bạn

Anh nằm xuống giữa mùa đông lạnh giá.
Kiếp phù sinh thôi dứt trả nợ trần
Cũng chẳng còn vương vấn chuyện thế nhân
Xuôi hai tay đi vào lòng đất lạnh

Tuổi thanh xuân ôm một trời kiêu hãnh
Nung chí trai đền đáp nghĩa non sông
Ngang dọc khắp nơi thỏa chí tang bồng
Đem tình thương treo trên đầu mũi súng

Giầy saut anh đi đá mềm chân cứng
Cao nguyên xa xôi đến tận đồng bằng
Đêm di hành truy kích địch dưới trăng
Vang khúc quân ca Biệt Động Quân Sát

Thế mà nay cũng vàng phai ngọc nát
Đời biển dâu sự thể ấy lẽ thường
Đêm thật buồn, xin thắp nén trầm hương.
Tiễn anh đi về phương trời miên viễn.

Có Một Mùa Xuân Ngọt

Nhớ về Phố núi Pleiku,
Mưa rơi rả rích, sương mù giăng giăng.

1.
Reng …Reng …Reng.
Tiếng chuông điện thoại reo vang, khiến Vũ choàng tỉnh ra khỏi giấc mơ thật đẹp.
Một giấc mơ mà anh không bao giờ muốn chấm dứt.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Chẳng biết tại sao hình ảnh của cô Hoa độ này hay xuất hiện trong giấc ngủ của anh.
Dẫu không có dịp gặp gỡ nhau thường, kể từ cái lần cô đã cấp cứu anh bằng phương pháp hô hấp nhân tạo.
Nét mặt thơ ngây, cái má bàu phinh phính và đôi mắt, đôi mắt đen lay láy cứ chập chờn trong những cơn mộng không tròn như sáng nay khiến anh tự hỏi:
-“Hay mình phải lòng cô ấy rồi? Đúng là vớ vẩn.”
Nhưng hình như có một tình cảm êm đềm đang lớn dần giữa hai người.
Reng …Reng…Reng…
Tiếng chuông điện thoại như thúc hối, giục giã!
Vũ tung cái mền nhà binh sang một bên, lồm cồm ngồi dậy.
Ánh nắng luồn qua khe cửa nhỏ làm thành nhiều vệt sáng lung linh dưới thềm xi măng khiến anh biết cũng đã khá muộn rồi. Với tay cầm cái điện thoại dã chiến đặt cạnh giường, anh lên tiếng:
-A lô! Vũ nghe đây.
-Chào buổi sáng Trung úy! Tiếng Nam, người Hạ sĩ quan quân số đại đội reo vui trong máy.
-Chào! Gọi chi sớm vậy Nam? Hôm nay đâu có chào cờ phải không?
-Dạ không có chào cờ bữa nay. Nhưng Trung úy cần qua gấp có khách đang chờ.
-Khách quen hay lạ?
-Ngoại trừ thời gian gần đây, có cô Hoa thỉnh thoảng vào hỏi thăm ông, còn lại là mấy cha đệ tử lưu linh thôi! Chứ ông có bạn bè chi nữa đâu mà quen với lạ.
-Khách đàn ông hay đàn bà?
-Không phải đàn ông, cũng chẳng phải đàn bà.
-Mày giỡn mặt tao hả Nam? Không đàn ông, cũng chẳng đàn bà, vậy “lại cái” à?
-Em đâu dám giỡn mặt ông thày. Cũng không phải “lại cái” nữa.
-Nói mẹ nó ra đi! Ỡm ờ mãi. Không ông, không bà, không lại cái, vậy chứ là giống gì?
-Dạ giống cái, con gái! Tiếng Nam cười khúc khích trong máy.
-Thiệt không vậy mày?
-Em nói thiệt mà! Cổ đến đây chờ ông thày từ lúc 8 giờ rưỡi lận.
Vũ nhìn đồng hồ đeo tay, đã hơn mười giờ rồi.
-Tại sao giờ này mày mới gọi tao?
-Cổ hổng cho kêu Ông thày.
-Cô ấy tên là gì vậy?
-Không cho biết tên.
-Tuổi tác chừng bao nhiêu?
-Chắc đang tuổi cặp kê.
-Thằng này nhiều chuyện. Được rồi, tao sang ngay. À! Thằng Phúi có để xe bên này không?
-Nó mới lau chùi và lái qua bển rồi. Chắc đang đậu trước cửa chờ ông đó!
Vũ vừa làm vệ sinh cá nhân vừa mỉm cười khi nghĩ về người Hạ sĩ quan quân số.
Nam sinh trưởng ở miền tây, thuộc tuýp người thông minh lanh lợi. Trạng tuổi Vũ, chỉ nhỏ hơn vài tháng, có học, nhưng vì:
Rớt Tú Tài, anh đi Trung Sĩ…*
Tuy thế, Nam vẫn không nãn lòng, tiếp tục học hàm thụ, cho đến xong Trung học và hiện nay đã bắt đầu học năm thứ ba Luật khoa.
Cũng chính anh ta đã khuyến khích Vũ ghi danh học lại ở Văn khoa.
Nam làm việc ở văn phòng nên có nhiều thời gian hơn.
Vũ thì phải hành quân liên miên, nên vẫn cứ lẹt đẹt mãi ở năm thứ nhất.
Trong chỗ thân tình hai người coi nhau như anh em.
Đôi lần Vũ khuyên Nam nộp bằng cấp đi học Sĩ quan, nhưng anh ta nói để lấy xong Cử nhân rồi đi luôn…

2.
Vũ xô cửa bưóc ra, sau khi đã quấn thêm cái khăn quàng màu tím lên cổ.
Cơn gió Mùa Xuân mang hơi lạnh của vùng cao nguyên đất đỏ ùa đến khiến anh rùng mình.
Phúi, chú tài xế ngườiTàu lai lái xe đại đội, mà Vũ rất thương mến coi như đứa em, bước vội xuống xe đứng nghiêm chào anh và nói :
-Chào Trung úy! Ông khỏe hông?
-Chào A Phúi, cám ơn tôi khỏe. Thế nào, đêm qua thắng hay bại?
-Em có chơi gì đâu ông thày.
-Xì! Mày mà không chơi thì mấy sòng xóc dĩa ở ngoài khu gia binh dẹp tiệm hết rồi.
-Dạ! Ông Tiểu Đoàn Trưởng ra lịnh năm nay hổng cho cờ bạc trong trại gia binh…
-Điều này thì tao biết, như vậy chắc mày đi đá gà, phải không?
Phúi nín khe, vì bị bắt ngay tẩy.
Đoạn đường từ Khu cư xá sang đến Bộ chỉ huy Tiểu đoàn chỉ khoảng gần hai trăm thước.
Hai bên đường trồng đầy những cụm mai rừng, đã già.
Đang độ vào Xuân, nên hoa nở vàng rực khắp nơí, phơi mình trong nắng Xuân ấm áp. Khiến cho Vũ có cái cảm giác thật an bình, thanh thản.
Người lính gác đứng nghiêm chào, sau khi mở cổng cho xe qua.
Tiểu đoàn tọa lạc trên một ngọn đồi thấp nhìn ra cánh đồng trà mênh mông bát ngát.
Những ngày làm việc, đứng trong sân nhìn qua lớp hàng rào phòng thủ có thể thấy rõ ràng các cô gái hái trà, với cái gùi nhỏ trên vai, thoăn thoắt bước chân theo những luống nhỏ.
Nón lá trắng nhấp nhô như những cánh bướm chập chờn giữa màu xanh thăm thẳm.
Trông đẹp như một bức tranh vẽ.
Không khí thật êm ả, thanh bình.
Có ba lối vào Tiểu đoàn

Cổng chính ở hướng Đông – Cổng phụ hướng Nam đi qua Khu cư xá – Cổng phía Tây đi ra bãi đáp trực thăng và khu gia binh.
Toàn khu doanh trại sắp xếp theo hình chữ U – Bốn đại đội nằm theo hai cạnh còn bộ chỉ huy nằm cạnh đáy, nhìn ra cổng chính.
Phía sau văn phòng làm việc của các đại đội là phòng ngủ binh sĩ.
Xe vào đến sân Tiểu Đòan.
Vắng lặng. Chỉ có vài nhân viên hành chánh làm việc, và một trung đội trực gác cổng, còn tất cả đều được cho về khu gia binh ăn tết với gia đình.
Hôm nay là Ba mươi tết mà.
Thấm thoát thế mà anh đã đón mấy cái tết ở vùng cao nguyên Pleiku đất đỏ, sương mù này rồi.
Nhưng đây là lần đầu tiên anh được đón Xuân ở hậu cứ.
Có những cái tết phải nằm giữa rừng sâu, núi thẳm.
Có những cái tết ở tận vùng biên giới xa xôi…

Anh nhớ lại những đêm ba mươi, giữa rừng già cô quạnh, cùng anh em binh sĩ đón Xuân, chuyền tay nhau mẩu thuốc, chờ giao thừa, mà đôi khi cũng chờ tiếng pháo của địch tấn công:
… Có những mùa xuân giữa chiến trường,
Mai vàng hé nhụy, đón hơi sương.
Chia nhau mẩu thuốc, chuyền hơi ấm.
Nhắc những chuyện tình, chốn hậu phương…**

Đối với anh, tết ở đâu cũng giống nhau mà thôi…
Khi quê hương còn mịt mờ lửa đạn, thì trách nhiệm còn đè nặng trên đôi vai người lính. Các anh vẫn phải đi.
Và mùa Xuân cũng vẫn là những mùa Xuân xa nhà, những mùa xuân không trọn vẹn…
Qua khỏi sân tiểu đoàn, anh đã nhìn thấy bóng một cô gái mảnh khảnh, đang đứng tựa lưng vào gốc cây thông bên hông văn phòng đại đội, nhìn xa xăm về hướng đồn điền trà, trải ngút ngàn đến tận chân trời.
Tiết trời mùa Xuân lành lạnh dường như làm cho ngọn đồi trà xanh thêm.
Cái áo dài màu trắng của cô nổi bật giữa những cụm mai vàng trồng chung quanh hàng rào phòng thủ.
Với chiếc áo len xanh khoác hờ hững trên vai, trông cô mong manh và ẻo lả như sương khói.
Xe vừa dùng lại trước cửa văn phòng đại đội, Vũ nhảy xuống, bước đến bên cô gái, anh gọi khẽ:
-Thưa cô!
Thật bất ngờ, cô gái quay người lại, ôm chầm lấy anh nước mắt lưng tròng.
Vũ vô cùng bối rối vì chưa nhận ra cô là ai.
Cũng may Tiểu Đoàn hôm nay vắng vẻ, nếu không anh thật chẳng biết giải thích ra sao về chuyện này.
-Xin lỗi cô, hình như tôi chưa được hân hạnh biết cô!
-Anh đã quên em thật rồi à! Anh Vũ – Cô gái nói trong tiếng nấc nghẹn ngào – Em là Lan đây thôi. Em đắn đo lắm mới dám đến đây tìm anh. Vì em nghĩ có thể anh chẳng còn nhớ đến em đâu…
Nghe giọng nói, anh chợt nhớ đến một người:
-Lan ở Bồng Sơn phải không? Anh nhớ ra rồi. Xin lỗi, em thay đổi nhiều quá, nên anh ngờ ngợ. Cuộc sống của em độ này thế nào rồi? Mà thôi vào trong văn phòng chúng ta nói chuyện, ngoài này gió hơi lạnh đó.
Cô gái ngoan ngoãn bước theo anh.
Trong văn phòng, ngoài bàn làm việc, còn có một bộ sa lông đóng bằng gỗ thùng đạn pháo binh, kê nơi góc dùng để tiếp khách.
Nam lăng xăng lo đi rót nước, sau đó anh ta nháy mắt với Vũ, nói:
-Em đi qua bên Liên Đoàn có chút việc, cần gì Trung úy cứ gọi nhe!
Vũ trừng mắt ngó Nam và nói:
-Nam hãy ở lại đây để tôi giới thiệu cho hai người biết nhau.
Anh giữ Nam lại để tránh tiếng thị phi sau này, hơn nữa anh lại mới nảy ra một ý tưởng rất ngộ nghĩnh.
Nam bước đến bên ghế ngồi ghé xuống, Vũ nói:
-Đây là cô Lan tôi có dịp gặp năm ngoái, khi đơn vị mình hành quân ở Bồng Sơn – còn đây là anh Nam Trưởng ban quân số Đại đội – Một người đàn giỏi, hát hay và chăm học nữa – Lại độc thân vui tính.
-Trung úy nói quá rồi!
Hai người gật đầu chào nhau!
Cô gái có vẻ bớt nỗi xúc động.
-Nào nói cho anh nghe đi! Chuyện gi đã xảy ra với em? Và nguyên nhân nào khiến em đến đây tìm anh?
Vũ nhỏ nhẹ hỏi, sau khi đã kín đáo quan sát Lan. Cô thay đổi quá nhiều, mới hơn một năm, mà Lan chừng như là một con người khác hẳn. Già dặn và khắc khổ hơn nhiều.
-Chắc anh còn nhớ mình gặp nhau trong trường hợp nào phải không?
-Nhớ chứ làm sao quên được, lần ấy em làm anh lo muốn chết.
-Anh lo chuyện gì?
-Em thừa biết đó là khu vực quân sự, anh lại tự tiện đưa em vào, bảo sao chẳng lo!
Cô gái trầm ngâm, mắt thoáng nét xa vắng, tay xoay xoay ly trà nóng, có lẽ để tâm trí trở lại với chút kỷ niệm ngọt ngào – có thể chỉ là riêng với cô – của những ngày tháng cũ.
Vũ cũng ngồi im lặng, mặc cho giòng chảy của thời gian ngược về quá khứ.

3.
Sau hơn hai tháng trời miệt mài hành quân từ Bồng Sơn lên đến tận Tam Quan cũ.
Với biết bao chiến công và tổn thất, bao chiến lợi phẩm và mất mát.
Đơn vị lui về đóng tại khu vực Tam Quan mới.
Nơi đây có một quận đường, với những dãy nhà xây cất kiên cố, dọc theo hai bên trục lộ, chứng tỏ một thời hưng thịnh.
Nhưng, nay chỉ còn là những đống gạch vụn đổ nát, hoang tàn. Có những nhà còn trơ lại giàn khung xi măng cốt sắt, trông giống bộ xương người trong bài học cách trí mà anh được học lúc còn cắp sách đến trường.
Đại đội anh đóng cuối dẫy phố, bộ chỉ huy đặt tại một căn nhà hai tầng, cũng chỉ còn trơ lại những bức tường vôi cháy xám đen, dấu tích của đạn bom.
Đây là thời gian cho đơn vị nghỉ ngơi, dưỡng sức.
Sáng phái hai trung đội đi lục soát mở đường an ninh trục lộ. Chiều kéo về, nằm khểnh trên cái võng căng dưới những tàn dừa cháy xém.
Tối lại cho mấy Tiểu Đội đi phục kích đêm, chờ đón những con chuột mò về ăn mãnh.

Năm gần căn cứ pháo binh, nên không thiếu thốn món gì, từ nước đá, bia rượu, đến thuốc lá, đều được các xe chở đạn pháo binh đem lên tiếp tế, với điều kiện: Tiền trao, cháo múc…
Đơn vị được tưởng thưởng một số huy chương, qua những tháng ngày gian lao nguy hiểm.
Anh là trưởng đoàn, hướng dẫn gần hai mươi anh em thuộc cả ba Tiểu Đoàn 11, 22 và 23 Biệt Động Quân về nhận lãnh tại Trường Tiểu Học Bồng Sơn.
Phái đoàn đi trên 4 chiếc xe jeep.
Suốt buổi sáng tập dượt nghi lễ, để đón tiếp Tư Lệnh Quân Đoàn Khiến anh em mệt bở hơi tai dưới cái nắng gay gắt của mùa hạ.
Những người lính trận chỉ quen với đánh đấm súng đạn, quen say sưa chửi thề, nay phải vào khuôn phép, đi đứng theo nhịp đếm một hai ba bốn… nên thật vất vả cho vị sĩ quan nghi lễ.
Nhưng đã là lính thì chuyện gì chẳng làm được, nên rồi buổi lễ cũng hoàn tất tốt đẹp.
Mọi người thở phào nhẹ nhõm sau khi tiễn vị Tư lịnh lên trực thăng trở về Pleiku.
Một số anh em đề nghị:
-Bên kia cầu có một tiệm ăn, mình qua đó kiếm cái gì lót bụng rồi hãy về, Trung úy!
Nhìn đồng hồ thấy mới hơn hai giờ chiều, Vũ bằng lòng theo anh em đến tiệm ăn bên kia cầu.
Đó là một căn nhà lầu hai tầng, cũng phần nào ảnh hưởng của chiến tranh, nhưng vẫn còn xử dụng được. Với tất cả trang bị đơn sơ vá víu, nhưng thực phẩm thì không đến nỗi nào…
Mấy tháng trời nay, mới được ăn một tô hủ tiếu nóng hổi, ai cũng xuýt xoa, dù anh Ba tàu lai này nấu không xuất sắc lắm.
Tiệm ăn này dường như chỉ dành cho những người lính lỡ đường, chứ chẳng thấy bóng dáng người dân nào.
Mọi người vừa xì xụp húp, vừa trao đổi ồn ào đủ thứ chuyện trên đời. Lính mà.
Bổng dưng…
Cả cái quán ăn chật hẹp đang râm ran tiếng cười nói chợt im bặt, Vũ ngồi ở cái bàn cuối cùng, lại quay mặt vào trong nên không biết chuyện gì xảy ra.
Có nhiều tiếng xì xào nổi lên, anh nghe một người nói:
-Ông trưởng đoàn ngồi trong góc kìa, muốn gì cô lại nói với ổng!
Anh chưa kịp quay lại thì nghe có tiếng thỏ thẻ của một người con gái, giọng nói miền Bắc pha Bình Định:
-Thưa ông!
Vũ ngẩng vội lên hỏi:
-Cô cần gì?
-Tôi muốn được quá giang về lại nhà cũ.
Lúc bấy giờ Vũ mới có cơ hội quan sát người đối diện-
Đó là một người con gái trẻ, đẹp, có vẻ lanh lợi – khoảng chừng mười tám, đôi mươi, mái tóc để dài, buông xỏa xuống bờ vai thon, như một cô nữ sinh trung học – Nhưng gương mặt buồn, buồn thê thảm- nhất là đôi mắt, lúc nào cũng như long lanh ngấn lệ khiến người đối diện phải não lòng, không dám nhìn thẳng vào đó, và có điểm đặc biệt hơn nữa, trang phục của cô là màu đen tuyền, một màu đen tang tóc – dù cái cái áo bà ba may rất khéo, ôm sát thân hình thanh tú của cô. Một miếng vải màu trắng to bằng ba ngón tay được gài ngay giữa ngực áo cho biết cô đang có tang chế.
Cô gái nói nhỏ nhẹ như tiếng thì thầm:
-Thưa ông! Hôm nay là một trăm ngày của gia đình tôi, xin ông cho phép tôi theo xe các ông về Tam Quan để thắp cho họ một nén hương được không ạ?
Vũ để ý thấy cô ta xách theo môt cái túi nhỏ, lòi lên mấy bó nhang.
Cô năn nỉ tiếp khi thấy Vũ im lặng, và có lẽ sau khi đã thẩm định tuổi tác của Vũ, cô đột ngột thay đổi cách xưng hô:
-Làm ơn đi mà… anh… Em chờ ở đây từ sáng đến giờ. Không ai cho đi nhờ hết.
Giọng cô buồn ảo não:
-Trên đó là khu vực quân sự, dân chúng chưa được vào đâu cô ạ! Vũ nhã nhặn trả lời.
-Em thấy mấy xe lớn có chở phụ nữ trên đó mờ!
-Nhưng đó là vợ con binh sĩ.
-Thì anh cứ nhận em là vợ anh đi.
Cả cái quán chợt ồn ào lên như vỡ chợ, nhìều tiếng cười nói, la ó vang lên.Tiếng đập tay xuống bàn, tiếng huýt gió inh ỏi.
Một tay nào đó la lớn:
-Nhận đại đi ông thày! Cô em đẹp quá trời mà!
-Trung úy tui còn độc thân đó cô ơi!
Vũ vô cùng lính quýnh trước sự táo bạo của cô gái.
Anh gượng gạo chống đỡ:
-Không đi được là không đi được mà.
-Có cấm đâu, mà không đi được…
-Thì không cấm, nhưng trên đó còn nguy hiểm lắm, nên chưa cho dân chúng hồi cư…
-Em đâu có hồi cư, em chỉ lên đó thắp cho gia đình em vài nén hương rồi em về thôi mà!
-Sao lại gia đình?
Cô sửa lại thế đứng, một tay vịn vào cạnh bàn, dường như cô sợ rằng khi nhắc lại những chuyện thương tâm thì cô sẽ ngã quỵ xuống. Giọng cô xa vắng:
-Em ở cách văn phòng quận không xa, nên ngay đêm đầu tiên, khi họ pháo kích vào, nhà em bị một trái đại bác. Gia đình em có sáu người, nay chỉ còn có mình em. Ba em, chị em, và hai đứa em của em chết ngay tại chỗ, mẹ em bị vết thương trên đầu hiện nay còn mê man ở bịnh viện Quy Nhơn.
Cô gái nói trong nước mắt.
Mọi người chợt như hóa đá.
Tất cả đều im lặng.
Im lặng đến rợn người.
Dường như người ta nghe được cả tiếng vo ve của các chú ruồi đói đang bay vần vũ trên những tô hủ tiếu dở dang, mà không ai còn muốn đụng đũa nữa.
Một nghịch cảnh khủng khiếp như thế. Ngay đến những người cứng cõi nhất cũng có thể sụm xuống, huống chi là một cô gái chân yếu tay mềm
Nỗi xúc động làm mọi người thốt không nên lời.
Không gian như chết lặng.
Thời gian cũng ngừng trôi.
Sự im lặng kéo dài không biết bao lâu.
Vũ trấn tỉnh trước.
Anh lướt thoáng qua khuôn mặt đầm đìa nước mắt của cô gái, và chăm chú nhìn vào cái giỏ sách của cô.
-Không có gì trong đây đâu anh.
Cô gái thật thông minh, đã hiểu được ý anh, cô trút tất cả vật dụng xuống nền đất. Chỉ có hai bó nhang, nải chuối cau nhăn nhúm, nắm giấy tiền vàng mã, và một tấm bìa cứng trên đó thây ghi tên bốn người, giống như tấm bài vị.
Cô lôi ra tấm thẻ căn cước trao cho anh, Vũ đọc lướt qua:
Trần Thị Ngọc Lan sinh năm 1954.
Sinh Quán Phủ Lý – Nam Định.
Trú quán Tam Quan – Bình Định.
-Cô người miền Bắc à? Anh hỏi
-Vâng! Em mới sinh thì cha mẹ bồng em lên tàu há mồm, di cư vào Nam.
Anh chuyển tia nhìn lướt qua người cô rất nhanh, rồi quay đi chỗ khác. Cô giũ tung vạt áo lên và nói:
-Nếu không tin, anh có thể khám xét em mà.
Mọi người cười ồ lên, phá tan cái không khí nặng nề đến ngột ngạt.
Một lần nữa Vũ ngồi như trời trồng. Mặt đỏ rần lên tựa vừa uống xong một cốc rượu mạnh.
Để tránh tình trạng bối rối, anh đưa tay lên xem đồng hồ, rồi nói to:
-Anh em chuẩn bị về nghe, gần bốn giờ rồi. Trễ quá họ rút đường hết là mệt lắm đó.
Mọi người lục đục ra xe.
Cô gái lẽo đẽo theo sau lưng Vũ.
Anh bảo tài xế ra ngồi phía sau, nhường tay lái cho anh.
-Lên đó, tôi bỏ cô xuống gần nhà, rồi cô tự tìm xe về dưới này nhé!
-Dạ! Cám ơn anh.
Cô trả lời nhẹ như hơi thở.

4.
Đoạn đường từ cầu Bồng Sơn về đến vị trí đóng quân của đơn vị cũng khá xa.
Hai bên đường các anh em thuộc Sư Đoàn 22 bộ binh nằm giữ an ninh, vẫn còn đó.
Xe vùn vụt lao đi, qua những ngôi làng những thôn xóm xác xơ, chỉ còn trơ đống gạch vụn hay cột kèo cháy xém.
Những vườn dừa mênh mông với thân cây chỉ còn những khúc ngắn ngủn, khiến mọi người thấy xót xa cho người dân hiền lành vô tội, chỉ qua một đêm, bao nhiêu mất mát đau thương đã đến với họ. Của cải tài sải ky cóp tích lũy bao đời, chỉ thoáng chốc trở thành tro bụi. Ngay cả con người cũng khó bảo toàn sinh mệnh.
Ôi! Chiến tranh, ai gây ra thảm cảnh này?
Về gần đến vùng trách nhiệm của Tiểu đoàn, mà vẫn chưa đến nhà cô gái, anh tỏ vẻ âu lo:
-Nhà cô ở tận đâu vậy?
-Dạ ngay gần Quận ấy mà!
Đã vào đến vùng đóng quân của Liên Đoàn.
Các xe khác lần lượt tách về đơn vị họ, anh liên lạc với bộ chỉ huy cho biết đã hoàn tất nhiệm vụ và trở về đến nơi.
Còn cách căn nhà mà đại đội anh đóng không xa, cô gái nói to:
-Nhà em đó!
Vũ rẽ xe vào sân.
Anh tự hỏi sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ như thế này.
Định mệnh nào run rủi, anh lại đóng quân ngay tại căn nhà hai tầng lầu bỏ hoang của cô gái khốn khổ này.
Cô bước vội xuống xe, một số anh em xúm lại.
Họ đến thăm hỏi anh thì ít. Mà xem mặt cô gái thì nhiều.
Lan nhìn anh vẻ dò hỏi:
-Cô muốn vào nhà thì cứ tự nhiên, nhưng đừng đi ra ngoài quá xa.
Ngọc Lan bước vào nhà, nước mắt chảy dài.
Gọi là nhà, chứ thật ra mọi thứ đã bị hủy diệt hết rồi.
Chỉ còn lại cái khung với những bức tường xi măng mang đầy dấu đạn.
Cô dẫn anh đi chỉ từng chỗ:
-Nơi này ba em đã chết, và mẹ em bị thương. Trên lầu thì một người chị và hai đứa em đã ra đi.
Cô vừa nói vừa khóc. Tiếng khóc nghẹn ngào khiến lòng Vũ cảm thấy hết sức bất nhẫn, thương cảm cho cô và cho thân phận những người dân hiền lành vô tội.
Sau khi đi hết các nơi trong nhà, cô xuống tầng dưới, dẫn anh ra khu phía vườn sau, đến bên một ụ đất thấp, nói:
-Ba em, chị em và hai đứa em của em nằm đây, nhờ mấy anh lính Sư Đoàn chôn vội họ, trước khi di tản em xuống Bồng Sơn cùng với mẹ em.
Lan vừa khóc sụt sùi vừa lôi mọi thứ từ trong cái túi nhỏ ra, bày biện trên một tờ báo cũ: nào chuối, nào giấy tiền vàng mã và tấm bài vị, xong cô đánh diêm đốt nhang và quỳ sụp xuống.
Tiếng khóc của cô vỡ òa giữa cảnh điêu tàn đổ nát, trong bóng chiều hoang lạnh khiến mọi người không ngăn được xúc động.
Cô rên rỉ:
-Bố ơi! Chị Mai ơi! Tuấn, Tú ơi! Sao các người nỡ bỏ con mà đi như thế?
Và rồi nằm phục bên nấm mồ, như một thân cây bị chặt ngang.
Dường như tất cả đã vượt quá sức chịu đựng của cô rồi.
Vũ thấy lòng xót xa vô ngần.

Anh nghe mằn mặn nơi đầu môi. Nhưng vẫn để cho cô tiếp tục khóc, mong có thể vơi bớt nỗi thương đau.
Khi bóng chiều đã ngã sang màu tím thẫm, tiếng khóc của Lan cũng nhỏ dần.
Anh bước đến dìu cô đứng dậy, nói:
-Thôi đi vào nhà đi Lan, ở đây sương xuống sẽ nhuốm bệnh đó.
Cô như một kẻ không hồn, mặc cho Vũ dìu đến bên chỗ nằm của anh. Đó là một khoảng trống ngay dưới chân cầu thang, kê bằng mấy cái thùng đạn pháo binh và trải lên bởi một tấm Pon cho.
Thái, âm thoại viên đại đội bước đến bên anh, nói khẽ:
-Tiểu đoàn trưởng muốn gặp Trung úy.
Vũ biết có chuyện không ổn rồi.
Anh bước đến cầm ống nghe:
– Victor tôi nghe đây Đại Bàng!
-Mày chở gái vào vị trí đóng quân hả Victor? – Tiếng ông Tiểu Đoàn Trưởng già vang lên trong máy.
-Đâu có Đại Bàng – Anh hạ thấp giọng – Hoàn cảnh của cô ấy đáng thương lắm Đại Bàng ơi!
-Coi chừng bị lợi dụng thì chết cả nút – Ban hai Liên Đoàn muốn mày đưa cô ấy lên cho họ gặp đó.
-Tôi coi chừng cô ấy được mà.
-Mày biết là chỉ có thân nhân mới được vào vị trí đóng quân…
-Thì cứ coi như cô ấy là vợ tôi đi.
-Mày bảo đảm không?
-Chắc ăn như bắp – Đại Bàng yên tâm đi – Tôi chịu trách nhiệm cho.
-Tao tin mày.
-Cám ơn Đại Bàng! Chúc Ông ngon giấc.
Vũ thở phào nhẹ nhõm, nhưng anh biết rằng đêm nay sẽ là một đêm không ngủ.

5.
-Anh Vũ nè! Hình như hôm đó anh thức trắng đêm thì phải?
Tiếng Lan vang lên, lôi anh về thực tại.
-Đúng thế!
-Tại sao vậy?
-Để canh chừng em chứ tại sao.
-Canh chừng cái gì? Anh sợ em là đặc công Việt Cộng à?
-Không hẳn như vậy, nhưng anh không muốn có một bất trắc gì xảy ra trong đêm hôm ấy.
-Anh đã nhận em là vợ anh rồi mà!
-Sao em biết điều đó?
-Lúc anh nói chuyện em nghe được cả – dù rằng anh đã cố nói nhỏ giọng xuống.
-Xin lỗi em! Anh nói thế để em không bị đưa lên ban hai Liên Đoàn – Ông Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng cũng thừa biết là anh nói dối-vì anh có vợ hay không ổng biết rất rõ – nhưng vì tin anh nên ổng cũng bỏ qua – Anh không muốn làm mất lòng tin nơi thượng cấp. Đúng là một đêm thức trắng. Thật ra, thấy hoàn cảnh của em như thế, anh rất cảm thông và coi em như một như người em gái mà thôi.
Bây giờ em hãy cho anh biết tình hình sức khỏe mẹ em ra sao?
-Cám ơn anh! Mẹ em mất rồi – Lan chùng giọng xuống, dường như cô không còn nước mắt để khóc nữa – Sau khi lo hậu sự cho mẹ xong, em đến đây tìm anh ngay – Vì trên đời này, em không còn bất cứ một người thân thuộc nào cả. Như em đã nói với anh trong cái đêm ở căn nhà cũ, năm ấy – em đang học lớp đệ nhị ở Quy Nhơn- về thăm nhà và gặp thảm cảnh tang thương như thế đó. Em biết anh là một người tốt, nên đánh liều lên đây tìm anh, mong anh có thể giúp đỡ em vượt qua giai đoạn vô cùng nghiệt ngã này…
Vũ ngồi im lặng, trầm ngâm suy nghĩ…
Có tiếng xe Hon Da dừng lại trưóc văn phòng.
Hoa bước vào, rực rỡ và tươi mát, cô mặc một cái áo dài màu Hoàng Yến, khoác bên ngoài chiếc áo len màu tím sẫm làm nổi bật nước da trắng ngần.
Cô chợt chựng lại khi nhìn thấy Lan và Nam, nhưng không thấy Vũ, vì anh ngồi khuất trong góc. Cô lên tiếng:
-Xin lỗi anh Nam nhé! Tôi không biết anh đang có khách.
Nói xong cô toan lui bưóc, Nam vội nói:
-Hổng phải khách của tui đâu chị Hoa.
Lúc ấy Vũ mới lên tiếng:
-Em vào đây ngồi chơi đã Hoa! Anh giới thiệu cho hai người quen biết nhau.
Hoa bước hẳn vào trong phòng, ngồi xuống chỗ trống bên cạnh Lan, hai người gật đầu chào nhau.
Vũ vắn tắt kể cho Hoa nghe về cuộc đời của Lan – Từ lúc tình cờ anh gặp cô cho đến nay.
Nét mặt Hoa thay đổi theo từng chi tiết của câu chuyện.
Đến khi nghe mẹ Lan cũng vừa mất thì Hoa đã không còn ngăn đuợc nước mắt. Cô xoay sang cầm tay Lan, vỗ nhè nhẹ như an ủi.
Lan cảm nhận được tấm chân tình Hoa dành cho mình.
-Thế bây giờ Lan tính sao? Hoa thân mật hỏi.
-Em cũng chưa biết nữa chị ạ!
-Nhà tôi ở trong trại gia binh khá rộng rãi, còn một phòng trống của ông anh tôi, đã tử trận cách đây hai năm. Nếu Lan không e ngại, tôi về thưa chuyện với ba má tôi dành cái phòng đó cho Lan.
-Em cám ơn chị nhiều lắm!
-Bệnh xá chỗ tôi đang làm việc cũng đang cần một nhân viên hành chánh. Để sau tết tôi hỏi chỗ ấy cho Lan.
-Trời ơi! Nếu được như thế thì may cho em quá!
-Ba má tôi đang chuẩn bị cúng đón ông bà, mời mọi người ra dùng cơm luôn!
Vũ thở phào nhẹ nhõm, Hoa đã giúp anh giải quyết một vấn đề hết sức nan giải và tế nhị. Anh còn độc thân, đâu có lý do nào dể cho Lan ở trong cư xá Sĩ Quan. Mà thuê nhà cho cô ở bên ngoài thì tránh sao khỏi những lời dị nghị đàm tiếu.
Cũng không thể bỏ cô bơ vơ trong hoàn cảnh như thế này.
Anh nhìn Hoa bằng ánh mắt trìu mến và cảm kích, khiến cô phải đánh trống lãng:
-Mau mau lên để Ba má chờ lâu, bị la đó!
Mọi người vui vẻ đứng lên. Nam nói:
-Chị Hoa đưa Honda đây tui chạy, để Trung úy chở mọi người cho tiện.
Hoa đưa chìa khóa cho Nam dắt tay Lan ra xe, hai cô tự động leo lên băng sau.
Vũ quay xe ra phía cổng sau của Tiểu Đoàn, hướng về khu trại gia binh.
Qua khỏi bãi đáp Trực thăng không xa, là đã đến những dãy nhà đầu tiên của Trại gia binh. Nhà nào cũng quét dọn sạch sẽ, ngăn nắp để chuẩn bị đón mừng Xuân mới.
Nhà Thượng sĩ Ba, là thân phụ của Hoa, cũng được sơn phết lại cẩn thận.
Giàn hoa giấy trước nhà đang trổ bông đỏ ối, bên cạnh những cụm mai vàng rực rỡ làm khung cảnh thêm ấm áp, yên bình.
Xe ngừng lại trước nhà, Thượng sĩ Ba mau mắn bước ra, nói:
-Vô nhà mau đi Trung úy! Tất cả sẵn sàng hết rồi. Ủa! Còn ai đây?
Ông hướng mắt nhìn Lan và hỏi. Cô khẽ cúi đầu chào ông.
-Để vào nhà con nói chuyện cho ba nghe! Hoa trả lời.
Trong nhà trang hoàng theo đúng phong tục cổ truyền để đón mừng Xuân:
Cũng bánh chưng xanh. Cũng câu đối đỏ.
Bàn thờ khói hương nghi ngút.
Thức ăn được sắp xếp trịnh trọng trên cái bàn dài kê giữa nhà.
Bà Ba đang đứng khấn vái trước bàn thờ Tổ Tiên.
Đợi bà quay ra, Hoa nói:
-Thưa ba má ! Đây là cô Lan người ở Tam Quan, cả gia đình bị pháo kích chết hết năm 1972. Nay tứ cố vô thân, con đem về đây xin ba má cho cô ấy ở tạm trong căn phòng của anh Hai, ba má nghĩ sao?
Bà Ba bước đến cầm tay Lan, kéo sát vào lòng, nói đầy vẻ thương cảm:
-Trời ơi! Tội nghiệp con gái chưa! Xinh xắn thế này mà bạc phước. Thôi cứ ở đây với hai bác đi, có rau ăn rau có mắm ăn mắm, mình cùng là nạn nhân của chiến tranh cả mà.
Có lẽ cháu nhỏ tuổi hơn con Hoa nhà này đấy nhỉ?
-Dạ cháu vừa tròn hai mươi tuổi ạ!
-Thế thì làm em con Hoa được rồi. Hoa đã hai mươi hai cơ đấy. Cháu chịu làm con nuôi hai bác không? Nhà bác cũng đơn chiếc lắm.
-Con xin đội ơn hai bác và chị Hoa đã cho con tìm lại được tình thân gia đình. Lan sụt sùi cảm động.
-Giờ này mà còn gọi bằng Bác nữa sao? Nam lên tiếng ghẹo Lan.
-Dạ! Dạ! Ba má … Lan lắp bắp.
Ông Ba lên tiếng:
-Thôi mọi người ngồi vào bàn đi, thức ăn nguội hết rồi. Bà vào lấy thêm chén đũa cho con nó. Để tôi bưng hũ rượu nếp than ra đây ăn mừng nhà mình có thêm thành viên mới.
Đợi ông bà đi khuất, Nam lên tiếng:
-Đáng lẽ là em chồng, bây giờ lại trở thành em nuôi!
-Anh nói thế nghĩa là sao?
-Hồi sáng Trung úy nhận cô Lan là em gái. Như vậy đối với chị không là em chồng thì là gì nữa?
Hoa đỏ mặt sung sướng, nhưng cũng nguýt Nam một cái dài sọc, nói:
-Ai bằng lòng lấy ông Vũ nhà anh hồi nào đâu mà em chồng em vợ.
-Thôi không em chồng nữa! Bây giờ thành em nuôi rồi mà! Cô Lan bây giờ không biết là em …gì của anh Vũ há? Nam vẫn chưa tha
-Cái anh Nam này thiệt cắc cớ!
-Ê! Nam, mày “chèo” với tao không. Vũ chen vào, đùa cợt.
-“Trèo” cái gì Trung Úy?
-Thì… “chèo”… đó mà!
-Em không hiểu ông muốn nói gì!
– Cái thằng này! Mày lo học quá đâm đờ đẫn cả người ra! Sắp ra Luật sư rồi, chẳng lẽ tao nói vậy mày không hiểu hay giả vờ không hiểu.
-Em không hiểu thật mà. Hỏi thử chị Hoa và cô Lan xem hai người có biết Trung úy muốn nói gì không?
-Thày trò nhà anh nói chuyện úp mở như thế, ai mà biết được.
Hoa vừa cười vừa nói.
Ông Ba bước ra, lên tiếng giải thích:
-Ý Trung úy nói là ổng “chèo lái “ còn mày “chèo mũi “đó Nam. Vì con Hoa và con Lan nay là hai chị em mà!
Bà Ba cũng vừa sắp thêm chén đũa, vừa phụ họa:
-Được vậy thì vui biết mất phải không các con?
Nam và hai cô gái cùng đỏ mặt vì mắc cỡ.
Riêng Vũ, thấy lòng vô cùng ấm áp với những tình cảm thân thương ông bà đã dành cho anh.
Họ đã khiến anh như đang được sống trong mái ấm gia đình vào những ngày đầu Xuân.
Lan bước đến ôm chầm lấy bà Ba, nói trong tiếng nấc:
-Con ngàn lần cám ơn Ba Má! Ba Má đã cho con có được tình yêu thương và mái ấm gia đinh. Ba Má và chị Hoa, cùng các anh đây đã mang cho con mùa Xuân mà mấy năm nay con không hề có. Một mùa Xuân hết sức ngọt ngào, đầm ấm…
Ngoài kia, tiếng pháo nổ dòn như reo vui, chuẩn bị đón chào một mùa Xuân mới…

*Ca dao dân gian.
** Thơ DTT

[/read]

Bất Chợt Mùa Xuân

Bất chợt mùa Xuân đến lạnh lùng
Như đàn gieo nốt nhạc ngang cung.
Tơ lòng ai khẩy mà rung phím
Vang những thanh âm thật não nùng.

Bất chợt mùa xuân đến hững hờ
Cho sầu thương nhuộm tím hồn thơ.
Mai đào đâu nhỉ! Mà Xuân đến.
Chỉ thấy lá vàng rơi xác xơ

Bất chợt mùa Xuân đến âm thầm.
Khơi nguồn bao ký ức xa xăm
Đâu những mùa Xuân ngày xưa ấy.
Phai nhạt ước nguyền theo tháng năm

Bất chợt mùa Xuân đến xót xa
Nhân thế ai người hiểu lòng ta.
Mai Xuân trở gót ta về đất .
Nâng chén quan hà ta tiễn ta.

Sao Mùa Đông Đến Vội

mùa đông chưa hẹn đến,
thu vội vã ra đi,
nhưcuộc tình rẽbến,
không một lời biệt ly .

con đường xưa còn đó,
in dấu chân ta về,
tiếng cười vang trong gió,
khúc nhạc tình đê mê .

nụhôn đầu vụng dại,
còn ấm nồng bờmôi,
trinh nguyên ngàn hoa trái,
quấn quýt ta một đời .

gió thu buồn hiu hắt,
lá thu vàng rơi rơi,
mùa thu chưa trởgót,
sao đông đến đây rồi?

Bông Hoa Nhỏ…

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Góp chút hương thơm với cuộc đời.
Hàng cây rũ lá trong nắng Hạ.
Chợt bừng sức sống ánh xuân tươi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Dìu dặt thinh không khúc nhạc mừng.
Ríu rít chim muông hòa cung bậc.
Vi vi làn gió góp vui chung.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Rộn rã hồn ta vạn tiếng cười.
Niềm vui òa vỡ trong ánh mắt.
Hạnh phúc ngập tràn trên nét môi.

Một bông hoa nhỏ vừa hé nụ.
Sức sống trào dâng ngập cõi lòng.
Gia trang rộn rã trong ngày hội.
Giao Thủy chào đời, thỏa đợi mong.

Nỗi Nhớ Còn Vương
* Tặng người ngày cũ Pleiku

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Ôi! Quê hương, một thuở đã mờ xa.
Có những đêm, lệ buồn đoanh mắt đỏ.
Nhớ làm sao những kỷ niệm ngọc ngà.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Con đường xưa, xào xạc lá me bay,
Lá tung tăng, lá cợt đùa với gió,
Rồi nhẹ nhàng, lá hôn trộm tóc mây.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Những chiều vàng, ta dìu bước nhau đi.
Đôi mắt nai ngại ngùng như mắc cỡ.
Áo học trò, quấn quýt áo “trây di”.

Bao năm rồi, lòng còn vương nỗi nhớ.
Nhớ để buồn, để thương tiếc… khôn nguôi.
Thật xa xăm mà hồn sao cứ ngỡ…
Nghe đâu đây, văng vẳng tiếng em cười…

Dương Thượng Trúc

Lê Văn Thiện

Lê Văn Thiện
Thua Đậm

Vào một tối thứ bảy cuối tháng chín, trời mưa nhỏ, tình cờ Năm Thân ghé vào quán cà phê Hồng. Thường ngày ông không uống cà phê ở các quán, chỉ uống ở nhà. Thêm nữa, dạng quán như Hồng ông không ưa, vì lúc nào khách cũng đông nghẹt, huyên náo… Trong đời, có những sự tình cờ có thể tác động mạnh hoặc làm thay đổi cuộc sống của con người. Đây chính là một tình cờ như thế. Nhờ bước vào đó, Năm Thân nghe được câu chuyện động trời về Nam Hà, con gái ông.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Lúc ấy quán đông khách, như chợ ngày giáp tết. Vừa ngồi yên chỗ Năm Thân đã nghe mấy người ngồi ở bàn kế bên, chỉ cách hai chậu bông, nói đến tên mình. Họ có ba người: thầy giáo Bích, Bảy Đạo và một thanh niên lạ.
“Anh Bảy giới thiệu để em làm quen với cô bé áo vàng đó”, gã thanh niên nói, “ở xứ này mà có người xinh đẹp, tướng sang như vậy kể cũng lạ”.
“Quên đi em ơi! Sang thì sang đấy, nhưng chẳng ngon lành gì đâu… nó tơi tả, te tua rồi”. Bảy Đạo nói lè nhè, có vẻ như khó khăn lắm mới mở miệng được. Anh ta say nhừ. “Nó là con Năm Thân, bị mấy thằng ôn dịch cùng xóm hạ thủ, xẻ thịt lâu rồi, nát bét, còn gì mà mơ”.
Giáo Bích suỵt: “Nói nhỏ, ông tướng, đây đâu phải cuộc họp mà phát biểu lớn cho hùng hồn!”
“Sợ ai nào? Mọi người biết, xã phường đều biết… chắc chỉ có lão Năm Thân không biết thôi!”.
Giáo Bích nói gì đó nhưng bị tiếng máy hát át mất, rồi anh thanh niên nói: “Tội nghiệp con nhỏ, nhưng mấy ông trời con nào vậy?”.
“Có ông, ngài nào đâu, chỉ hai thằng nhóc tì, cùng lứa tuổi mười bảy, ở xóm này, thế mà chúng nó bỗng nổi máu anh chị… Số là, các cô cậu rủ nhau qua xã Vạn Phước coi cải lương, đến lúc về, trời khuya, rừng vắng…”
Đó là con lão Quyền và lão Đông, hai công dân lương thiện… Trong vụ này có một điều đau đầu: đã hại đời con người ta, chúng còn đi bán rao, nói oang oang như quảng cáo mì tôm bột ngọt!”.
“Bọn này ác bẩm sinh… ác từ trong trứng”.
Năm Thân chết điếng, ngồi lặng khoảng mười lăm phút, rồi đứng dậy ra về, ly cà phê còn nguyên trên bàn… Ngoài đường trời vẫn mưa lâm thâm.
***
Ngay trưa hôm sau, Năm Thân chất vấn con gái. Chỉ trong giây lát ông đã biết rõ những gì cần biết. Ông đau đớn tê dại cả người. Nam Hà khóc như mưa. Năm Thân để mặc con khóc. Ông nghĩ, không ai có thể khuyên giải, an ủi, làm vơi được nỗỉ khổ này cho nó, và cho mình, bất hạnh! Ông đi loanh quanh trong nhà suốt buổi, lặp đi lặp lại “bất hạnh, bất hạnh”, và ông gọi hai cái tên Phát, Chương – hai thằng thủ phạm – hàng trăm lần, như sợ có thể quên mất… Chương, Phát, ai ngờ kẻ hại con ông lại là hai thằng nhỏ này!
***
Văn Hảo – con trai lớn của Năm Thân – khôn ngoan, khéo léo tổ chức một cuộc nhậu tại nhà mình, gài được Chương và Phát đến dự.
Đứng trước bàn tiệc với chục chiếc ghế còn trống, và không khí trong phòng âm âm, lạnh lẽo, khách có vẻ bối rối. Chưa kịp ngồi, hai gã đã thấy ông Thân hiện ra ở cửa. Ông này đến nhà Văn Hảo không lạ. Đáng nói là, nét mặt ông già. Nó trắng ởn, tái mét, như mới vớt dưới nước lên… Năm Thân đóng cửa lớn lại. Hai gã trai nhìn quanh, dáo dác. Năm Thân nói, nhỏ nhẹ:
“Hai cháu uống nước, tự nhiên”. Ông tới đóng thêm một cửa sổ. Văn Hảo đem ra một cuốn vở, hai cây bút bi, và một cái gói nhỏ bọc trong giấy báo. Năm Thân bảo con: “Con xem lại các cửa nhà dưới rồi ra ngoài chơi”. Hảo đặt mấy món đồ lên bàn, đi xuống nhà dưới, ra thềm. Năm Thân nói: “Hôm nay may mắn được gặp hai cháu ở đây, chú muốn bàn một việc quan trọng, là chuyện các cháu đã làm, đã biết”. Ông ngừng, chăm chú nhìn hai chàng trai trẻ. “Chuyện hai cháu chở Nam Hà vào vườn bạch đàn hôm trước đó mà, nhớ không?”.
Phát, Chương kinh hãi, mặt mũi tái xanh.
“Chuyện cũ xì, hơn mười tháng rồi, nhưng nay chú mới biết… Trời ơi, sao các cháu độc ác đến thế!”.
Hai anh chàng chết cóng, không mở mồm được.
“Giờ thế này, giấy bút có sẵn kia, hai cháu viết, thuật lại cặn kẽ sự việc… Đứa nào cũng có học… Hãy tự khai, như ở đồn công an. Thực thà, không quanh co, không giấu giếm… Còn gì mà giấu, mọi người đều biết. Chỉ có chú ngô ngọng, đui điếc, mãi tới nay…” Năm Thân nấc lên, nghẹn lời, rồi khóc òa.
Một lúc khá lâu, cơn xúc động lắng xuống, Năm Thân lấy giấy bút đặt trước mặt hai đối tượng: “Các cháu viết đi, thong thả, rõ ràng. Khai cho đúng, từ đầu đến cuối… Nam Hà đã nói hết, không tránh né, đổ tội cho ai được đâu”. Ông mở bọc giấy lôi ra một gói thuốc trừ sâu: “Đây là phần của chú, thuốc sâu Padan. Hai đứa nhìn xem, thuốc tốt, cực mạnh”, ông cười gằn, “nếu hai cháu cứ lòng vòng, chối quanh, thì chú sẽ… sẽ…”, ông xòe hai bàn tay to bè đang run rẩy, “chú sẽ xử hai cháu, rồi chú uống sạch gói này… thế là ổn, gọn, êm thấm!”.
Phát, Chương ngồi yên, khiếp đảm. Ông già rót trà uống, đẩy gói thuốc thơm tới gần khách, mời: “Hai cháu hút thuốc, bình tĩnh”. Nhà bên cạnh, một bé trai khóc thét. Tiếng người mẹ dỗ con, nghe không rõ… Năm Thân cố kiềm chế, giữ giọng nói ôn tồn. Ông quay sang hỏi Chương:
“Cháu có biết chú và ba cháu là bạn thân không?”
“Thưa chú, biết”, Chương ấp úng.
“Thân thế nào?”.
“Dạ, rất thân, như anh em”.
“Đúng vậy, chí thân, tri kỷ!… Xưa đến giờ chú có làm điều gì không phải với gia đình cháu không?”.
“Dạ, không ạ”, Chương cúi nhìn xuống bàn.
“Phải, chưa bao giờ. Chú và ba cháu chơi thân, đối xử với nhau như bát nước đầy, (đây là nói theo giọng thời cổ), gần ba chục năm nay… nhưng cháu chính là tay chủ chốt trong vụ này. Cháu nghĩ ra chuyện đó, bày mưu tính kế, lôi kéo bạn Ngô Phát… đúng không nào?”. Năm Thân bẻ đốt tay răng rắc. Ông nhìn Chương chằm chằm như ông lái buôn nhìn con heo, ước tính trọng lượng con vật. “Cháu bày ra trò xe hư giữa đường. Cháu hiếp Hà như con yêu râu xanh… cháu quát nạt, buộc con nhỏ phục vụ thằng Phát, “nằm yên, con đĩ, mày bướng thì ông xé sạch quần áo, mày sẽ về nhà trần truồng như mụ điên”…, bốn lần cháu gọi nó là con đĩ… Sao lại đĩ, hở trời!… Tất cả là như thế, vậy thì viết đi, viết cho ngọt”.
Năm Thân ăn một cái bánh ngọt, uống một ly trà, rồi ông đi quanh bàn năm, sáu vòng. Ông nói, gần như thầm thì: “Chú chưa muốn chết, mấy con chó còn muốn sống để ăn cứt. Mong rằng hai đứa đừng buộc chú nốc gói thuốc sâu… và chắc hai đứa cũng chưa muốn chết”. Lúc này đôi bạn trẻ mới thấy, giữa bàn có hai bình trà, một dĩa trái cây đầy vun, hai hộp bánh ngọt, hai gói thuốc.
Năm Thân tới đứng sau lưng Phát: “Cầm bút lên, Ngô Phát”. Ở đây, chỉ trong những lúc hội họp, cúng kính người ta mới gọi một người bằng đủ họ tên. Giọng Năm Thân nghe rợn tóc gáy”
“Phát, cháu có biết chú và gia đình cháu quen thân như thế nào không?”.
“Thưa chú, biết, thân lắm”.
“Chú ăn ở với ba cháu ra sao?”
“Dạ, chú… chú tốt, chú thường giúp đỡ nhà cháu”.
Năm Thân gật đầu: “Đúng rồi, không thể nói khác… Không phải kể công, nhân tiện dây, chú nhắc cho cháu nhớ, năm ngoái nếu không có chú thì thằng Quang, anh cháu, đã chết vì không có tiền đi nhà thương. Mới đây, nếu chú không giúp thì ba cháu chưa sửa được cái nhà… thế đấy”. Năm Thân cười: “Rõ ràng, ở đời có nhiều chuyện người ta không tài nào lường trước được!” Ông đi vòng tới trước, nhìn thẳng vào mắt Phát. “Cháu tích cực giúp sức cho thằng Chương. Cháu bịt miệng con Hà, không cho nó kêu la. Còn gì nữa không? À, cháu vả miệng con nhỏ mấy cái trước khi… Đấy, sự thật là thế. Chú chỉ yêu cầu cháu thuật lại những gì mình đã làm, không cần tô vẽ thêm thắt”.
Hai anh chàng vẫn ngồi không nhúc nhích. Vắng lặng. Có thể nghe tiếng một người đang cày giục bò xa xa.
“Thôi, nghĩ như thế đủ rồi. Hôm đó hai bạn đâu có hỏi ý kiến Hà, đâu chờ cho nó suy nghĩ”. Ông quay sang hỏi Chương:
“Sao, anh bạn viết không?” Ông gằn giọng “Nói ngay, có chịu khai không?”.
Chương bật dậy, như bị một chiếc lò xo lớn đẩy khỏi ghế, “Dạ, thưa, cháu viết”.
“Viết thì tới ngồi bên bàn tròn kia, còn bạn Phát?”.
“Thưa chú, viết”
“Được, tốt lắm”. Ông đưa giấy bút cho hai đứa. “Viết sạch sẽ, không hỏi nhau, như trong phòng thi vậy!” Ông gọi to: “Hảo ơi, có ai tới chơi thì nói ba vừa đi hớt tóc”. Văn Hảo dạ lớn như anh hề.
“Hai cháu viết thật, làm gì chịu nấy… Phải biết nhận trách nhiệm, để xứng đáng là đàn ông.
***
Năm Thân nhận hai bản tự khai, đọc qua hai lần, rồi cho hai đương sự về. Ông dặn cả nhà phải giữ kín chuyện này, bởi nó… bất hợp pháp! Ông nhấn mạnh: “Cố giữ đấy, đứa nào chóp chép thì tao bẻ răng!”.
Từ đó, cứ vài ba ngày ông lại moi mấy tờ giấy đó ra đọc, đọc đến gần như thuộc lòng. Ông không hỏi ý kiến, chẳng bàn bạc với ai, cũng không nộp cho chính quyền. Ông cất kỹ nó vào tủ, rồi lấy ra đọc, rồi cất. Ông trở nên ít nói, biếng ăn, người gầy sút mau chóng.
Hai tháng sau, một bữa Năm Thân hỏi vợ: “Theo ý bà, nên giải quyết chuyện này thế nào?”. Bà Năm nói, như đã chuẩn bị sẵn câu trả lời từ lâu: “Đưa lên xã, huyện. Dù ta có nguyền rủa bọn nó mười năm cũng chẳng ích gì”. “Ờ, để coi… Chẳng phải dễ đâu. Nếu mình khui ra thì sự vụ sẽ trở nên mới, sẽ nổ như đại bác… Lâu nay mình bị tai tiếng nhưng là tai tiếng ngầm, êm ái, nằm ở cấp thôn, xã. Tôi không muốn đem nó đổi lấy cái tiếng xấu chính thức, có đóng con dấu cấp tỉnh!”.
“Vậy cứ để chúng nó tiếp tục vô tội, nhởn nhơ?”
“Khoan đã, để coi”. Ông để coi như vậy đến một năm, rồi hai năm. Vợ con ông bồn chồn, buồn rầu. Còn ông, dường như ông đã gặp một vị thần ác, và bị thần vẩy một thứ nước phép lên người, khiến cho râu ria mọc tua tủa, tóc trắng xóa, miệng móm, thân hình chỉ còn da bọc xương.
Đến một ngày mưa tháng chín, gần quán cà phê Hồng có một đám cưới khá lớn. Mặc cho bầu trời thấp ngập ngụa mây đen, mặc cho những cơn mưa nặng hạt trút nước không ngớt, người ta vẫn ra vào tấp nập, máy vẫn hát như voi rống. Đó là đám cưới của thằng Chương… Lúc ấy, ở nhà mình, Năm Thân nằm co quắp trong buồng như con tôm khô, đã một tuần qua ông chỉ ăn cháo và uống sữa

[/read]

Chập Chờn

Yên chơi thân với Hạt, Lưu từ thời trung học, ở Đà Lạt. Về sau, lớn lên, anh trôi giạt từ Trung vô Nam, rồi quay ngược ra. Nay Yên trở lại Đà Lạt một mình, trong vai du khách. Anh ăn uống ở các quán hạng trung, ngủ trong một khách sạn be bé. Sang ngày thứ hai, tình cờ, may mắn, Yên gặp Lưu. Qua Lưu anh nối lại sợi dây thân tình với Hạt… Trước khi đến thăm vợ chồng Hạt, Yên ở nhà Lưu ba ngày.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Trang trại của Hạt nằm trong xó núi Tiên Hà, cách thị trấn Tam Dương hơn mười cây số. Đây là vùng mới khai phá trong đợt di dân năm 1982. Trên khu rừng rộng, rậm rạp, chỉ có tám mươi nóc nhà, trong đó có ba mươi hộ người Raglai. Gia đình Hạt, bốn người, ở trong hai ngôi nhà lớn, còn mới. Sáu người làm công – chuyên trồng rau cải, chăm sóc cà phê – và một chị chăn bò, sống trong căn nhà mái tôn vách gỗ, cách nhà chủ chừng trăm mét.
Đất vườn rộng, có nhiều người giúp việc, trông Hạt ra dáng ông chủ… Tám giờ tối, Hạt và Yên uống cà phê. “Tối qua, giấc này, mình và Lưu dạo phố”, Yên nói. “Đi những đâu?”, Hạt hỏi. “Từ Võ Tánh xuống rạp xi-nê cũ, xuống Bùi Thị Xuân, vòng qua Phan Đình Phùng… Nay phố lớn, đường rộng, người đông”. “Đông hơn xưa bảy lần”. Yên lặng vài phút. “Đổi mới hay ăn xổi?”. Nghĩ suy khá lâu. “Nó mang cả hai bản mặt đó… nhưng mặc nó, tìm đâu cho ra sự hoàn hảo trên cõi đời ô trược này”. “Ô gì”. “Ô trược!”. Hạt cười ha hả. “Dạo chơi, đi chậm, nhìn ngắm, nhớ lại thời trước”. “Xưa kia, ngày cũ, hồi đó… lớn tuổi thường quẩn quanh với chùm quá khứ, dĩ vãng, lắm lúc nó khiến ta bải hoải, mệt nhoài”. “Không nhớ thì làm gì.” Đà Lạt là núi đồi và thông. Thông mất nhiều, còn chừng phân nửa. Có người nhớ nó. Giới bô lão lẩn thẩn tiếc thương nó. Bọn trẻ chắc không biết, chẳng để ý. Bụng để ngoài da, chúng chỉ quan tâm máy móc, xe cộ, điện thoại… “Đi thế này mình nhớ Thái Phương, liên tưởng vụ sóng thần Thái Lan”, Yên nói. Ngày 26 tháng 12 năm nào du khách quốc tế cũng đổ về Thái đốt nến, thắp nhang trên các bãi biển, tưởng niệm những thân nhân của họ đã chết trong trận sóng thần tai ác năm 2004. Qua chuyện này, ta thấy dân Tây không khô khan, lớt phớt. Xa xôi như thế mà lặn lội đến để khóc, tưởng nhớ… Con người nhỏ bé, cõi đời bảng lảng, chênh vênh.
Mới đó mà hơn ba mươi năm. Từ Đà Lạt lên hốc núi Tiên Hà này chỉ tám chục cây số, nhưng đã khá lâu Hạt không gặp Lưu. Cuộc sống của hai người khác nhau xa. Mối thâm tình của tuổi mộng mơ ngày càng lợt, nhòa. “Chuyện vợ chồng Lưu xộc xệch lắm”, Hạt nói. Nghe vậy, biết vậy, Yên chưa hề gặp Ngộ, vợ Lưu. Hạt nhận xét: Ngộ mang trong người dòng máu nghệ sĩ. Con nhà giàu, nghề nghiệp sáng rỡ, lại ôm anh chàng lêu bêu, chẳng có một nét nổi bật nào, không nghệ sĩ là gì? Nay anh chị vẫn còn là vợ chồng, nhưng sống riêng, làm ăn riêng, bề ngoài nom có vẻ bình lặng, yên ổn, nhưng nhìn kỹ sẽ thấy có những vết xám bất thường bao quanh họ. “Con cái thì sao”, Yên hỏi. “Một trai chừng mười tuổi, sống với ông bà ngoại”. “Nay Lưu làm gì”, Hạt hỏi. “Không rõ, anh ấy đi suốt ngày, tối mới về. Ở nhà chỉ có ông già và chị ôsin”. “Có dạo Lưu buôn bán gỗ, rồi vào Bạc Liêu nằm lì mấy năm, nuôi tôm làm muối”. Vậy thì, Lưu mới là nghệ sĩ, không phải Ngộ.
Trời đẹp, Lưu – Yên thả bộ suốt hai tiếng. Đi, nhìn, ngó quanh quất, thấy sướng. Lưu nói, lâu nay anh không đi thế này, hễ ra khỏi nhà là lên xe. Đi, ôn lại cảnh cũ trong đầu, nhớ những hàng thông, những triền đồi rợp vàng hoa cúc dại… Xưa, Yên hay tắm nước nóng ở một tiệm nhỏ, không tên, gần cà phê Tùng, nay tiệm không còn. Nhà giặt ủi đông khách kế bùng binh, gần chợ cũng không còn. Mất cũng phải, lâu quá, hơn ba mươi năm. Có lẽ đó không phải mất, nó tiến hóa? Hai nhà sách Khải Minh, Tuyên Đức chiều nào Yên cũng ghé vào mua báo, đã qui tiên. Hai khách sạn Thanh ngọc, Vinh Quang trước rạp xinê vẫn còn, cao to hơn trước, giờ mang tên mới… Có những thứ nhỏ, vụn vặt nhưng cũng có hồn cốt, khiến người ta khó quên, như tiệm giặt ủi, nhà tắm nước nóng. Tắm nước nóng, dịch vụ độc đáo, đặc sản Đà Lạt. “Chiều xẩm, bỏ chiếc khăn nhỏ, cục xà bông thơm trong túi áo jacket, tạt vào nhà tắm quen, tẩy trần hai chục phút, sạch sẽ thơm tho, trước khi ăn cơm, dạo phố”, Yên nói. Lưu cười. “Hàng bánh xèo bên hông rạp xinê, trước tụi mình thường ăn, còn không”, Yên hỏi. “Còn, nay người khác bán”… Đi loanh quanh, nghĩ vẩn vơ, mỏi chân, hai bạn tấp vào một quán cà phê vỉa hè. Cà phê không nhạc, có hai bàn cờ tướng, một nhóm người trẻ đánh cờ. Hai ly đen đá. “Hai đen đá, cô chủ!”. Một câu thường, quen thân, nhưng có chút gì đó làm ta xốn xang.
Yên nói: “Tôi còn nhớ tên mấy khách sạn: Việt Nam, Mimosa, Cao Nguyên… các hiệu ảnh Ngọc Dung, Đại Việt”. Lưu khen: “Tài, anh nhớ giỏi. Khách sạn còn có Thanh Tùng, Phú Hòa, Sài Gòn… Thế, quên các nhà sách Khai Trí, Hòa Bình, Văn Hóa, Liên Thanh rồi sao?”… Nói đến cà phê không thể bỏ qua quán Tùng. Cà phê Tùng như người tiên, không già. Nhược điểm của nó là nhỏ hẹp, nằm chỗ ồn ào, nhưng lớp người cũ vẫn nhớ nó. Chủ quán hiện giờ là con ông chủ cũ. Nhiều người khen, anh này được lắm, có máu văn nghệ. Anh vui mừng khi tiếp đón các vị khách xưa. Những người đó bước vào, anh nhận ra ngay. Anh bảo, trông cách ngắm nghía, dáng ngồi, kiểu uống của họ, mình biết, không lầm… Ngay tối đầu tiên lên đây, Yên ghé lại Tùng, một mình. Quán thưa khách, còn sớm, nhạc mở nhỏ, phảng phất dư âm cũ. Cái gì rồi cũng qua. Ai rồi cũng sẽ già. Núi còn mòn nói chi người. Còn biết yêu thiên nhiên, nhớ thương những nét đẹp, những hương vị ấm nồng một thời là mừng. Yên nhớ lại, cố nhớ tên những bản nhạc mình thường nghe tại quán này, trước đây. Một cô tiếp viên đến, hỏi mấy câu, Yên đáp qua loa, cô bé bỏ đi.
***
Chị Xoa lên hỏi, khuya có ăn gì không. Xoa, vợ Hạt, dân gốc Phan Thiết nhưng giống hệt người miền núi. Nếu gặp ngoài đường, nghe giới thiệu: “Đây là cô H’Pan ở huyện Kon Plong mới ra”, Yên cũng tin. Xoa đô con, đen, mặt lạnh tanh. Chị nói nhỏ, không nhìn ai, không hỏi cười xã giao. “Thôi, không ăn, còn no”, Hạt nói. Xoa xuống bếp, không hỏi thêm. “Xưa giờ bà ấy ở quê, chưa đi xa, không biết Bạc Liêu, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng… Yên cứ ở đây chơi, bao lâu cũng được, đừng ngại. Lâu rồi, chúng tôi chẳng được ai thăm”. Hạt lấy điện thoại gọi, nói cười năm phút. Anh mời một ông bạn, ở cùng buôn, tới chơi. Anh bảo bạn, nhớ đem cây đàn theo. Đó là Đông, anh chàng nửa núi nửa đồng, rất tếu. “Cái chúng mình cần lúc này là vui, thoải mái, phải không”, Hạt hỏi.
Đông tới, cắp cây guitar cũ bên nách. Thêm ly cà phê. Hạt giới thiệu hai bên, ngắn gọn. Đông hút thuốc. Hai con chó sủa vang sau nhà. Xoa nói lớn mấy câu với những người giúp việc. Đông hỏi Yên, anh thấy cái khác rõ nhất giữa Đà Lạt nay và xưa là gì… Mấy mươi năm, khác, đổi thay là tất nhiên, nhưng khác gì có lẽ còn tùy cách nhìn của mỗi người. Người 50 tuổi thấy, nghĩ không giống người 70, Nam khác Bắc… Yên nhớ lại đêm văn nghệ bỏ túi ở một tiệm tạp hóa, một ngày cuối năm lạnh buốt. “Anh còn nhớ đêm nhạc Đỗ Bá Chức ở quán Phú Quý, tụi mình dự cùng Lưu, Thái Phương không?”. “Nhớ… Có một thời như thế, không ma túy, không cướp giật, sống cứ như bơi trên sông”. “Như bơi trong mây… nay Thái Phương ở đâu?” Yên lắc đầu: “Chịu, có thể ở Đức, Mỹ, Canada, hay vẫn còn nằm bên một con suối nào đấy gần Củng Sơn, Phú Túc (tỉnh Phú Yên). Thái Phương dân Đà Lạt, sau dời lên Pleiku… Dạo đó Đỗ Bá Chức còn trẻ, mới tập viết nhạc, nhưng anh đã cho ra đời nhiều ca khúc nóng rực, thơm ngát, khiến đám trai trẻ say mê. Đó cũng là tình yêu, chiến tranh, đời phù du, thế giới điên đảo, nhưng không giống Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Đức Quang, nó nhẹ, đằm, phiêu hơn. “Đêm đó Chức hát bảy, tám bài, Nam Giang hát khản tiếng”. Bá Chức có nhiều tình ca hay, nhưng chưa được quần chúng biết nhiều, có lẽ do khâu tiếp thị, quảng bá yếu. Anh ấy nói, được anh em thích là mừng rồi.
Đông hút thuốc, nhả khói mù mịt. “Bà vợ đáng kính luôn mồm bảo tôi, đừng hút nữa, để sống tới 90. Phải, tôi sẽ bỏ thuốc, nhưng giờ nên hít vài hơi, lấy sức để hát”. Đông đàn, hát. Núi đồi, sông suối, bò rừng, đàn voi, công múa. Sau này, qua lời Hạt, Yên biết đôi điều về Đông, thấy đời anh chàng khá hay, ngộ. Mỗi người có một đời riêng, chẳng ai giống ai, đấy là điểm thú vị là sự sáng tạo phong phú của thượng đế… Đông có hai vợ, sống riêng, một chị ở Đà Lạt, một ở đây. Xưa nay, nếu đếm kỹ, sẽ thấy Đông đã làm bảy nghề, mỗi nghề vài năm. Hiện giờ anh nuôi bò, trồng nấm. “Tôi là trung gia” anh khoe, tự hào. “Tuy sống có vẻ chông chênh, nhảy từ ngành này qua nghề khác, nhưng chỗ nào tôi cũng moi được tiền, đúng không, anh Hạt?” Hạt gật. “Này, chơi ở đây chán, anh sang bên nhà tôi, nghỉ ngơi ít hôm… Trước lạ sau quen, trên này thiếu bạn bè trầm trọng. Anh biết không, ngày nào cũng có cả trăm xe chạy ngang nhà mình, nhưng không xe nào dừng lại”, Đông nói với Yên, xong hát tiếp. Anh hát điệu nghệ, nửa như Nhật Trường, nửa Sĩ Phú. Hết hai bài, Đông uống cà phê. “Chiều mai tôi đưa hai anh lên Kon H’ring chơi, hay lắm, đi không”, Đông hỏi. “Trên đó có gì?” “Có H’Nhi, một cô gái, bạn mới của tôi, lạ, đã đời!” “Hấp dẫn đấy”, nhưng Hạt do dự, “Hãy tả thêm vài nét, nàng lạ thế nào?” “Em người Kinh, H’Nhi là nghệ danh. Nửa Âu nửa Á, biết nói chuyện chính trị thế giới, hát hay, dù chăn dê đã mười năm”. “Trời, như huyền thoại!”. Nhưng Hạt không đi được, bởi phải lo sắp xếp công việc để mốt đi Dak Lak gặp đối tác làm ăn.
Hạt nói với Đông: “Hồi trẻ tôi và Yên quen thân với một chị, ở Pleiku. Khi cuộc chiến trôi về điểm cuối, sôi bỏng, đạn bom mù trời, chị ấy nhập vào dòng người chạy từ Pleiku về Nha Trang. Số người đó, hầu hết, vào được Sài Gòn, riêng chị Phương (chị tên Thái Phương) mất hút. Chuyện cũ, không hiểu nay còn ai nhớ chị ấy… Có bài hát nào buồn nhẹ, nói về một tình cảnh chơi vơi, lềnh bềnh như thế?” “Chị Phương làm nghề gì?” “Buôn bán nhỏ và y sĩ… nay chị đã lão, nếu còn sống”. Đông dạo lướt vài đoạn nhạc, ngẫm nghĩ. “Nếu chị ấy còn, anh muốn chị ở đâu?” “Hỏi khó, muốn sao được… nhưng nếu buộc phải nói, tôi mong Phương ở Na Uy”. “Na Uy, tại sao?”. “Nghe đâu đàn bà xứ ấy ít đẻ, họ quý trọng con người”.
Đông hát “Phố buồn” của Phạm Duy, “Thu vàng” của Cung Tiến. Cũng là cà phê, nhưng uống cà phê ban đêm, vào mùa lạnh, ở Pleiku, KonTum khoái đã hơn các phố dưới đồng bằng nóng bức. Cũng là nhạc, nhưng nghe ở nơi thoáng đãng, với bạn bè hợp cạ thích hơn các chỗ khác, phải vậy không… Yên quay lại nói về Thái Phương: “Hôm nào mình sẽ đến thăm ngôi chùa ở phường 2. Xưa, có lần mình và Phương lạy Phật ở đó”. “Chùa Linh Sơn?”. “Ờ, Linh Sơn”. Một địa danh, một tên đường, một sự kiện lâu nay chìm sâu trong đầu bỗng nhiên cựa quậy, chồm dậy. “Lạ là, mình với Phương không yêu nhau… Không yêu, vẫn nhớ”.
Hôm đó, ở chùa ra, trên đường về anh chị tạt vào nhà sách Liên Thanh, Yên mua sáu cuốn sách. Phương đùa bảo, anh tặng em một cuốn, làm kỷ niệm. Yên đưa cả sáu cuốn, “em giữ lấy, bữa nào anh mua lại”. “Ôi, đùa chút mà”, Thái Phương cười giòn. “Anh nói thật, em cứ cầm cả gói”. “Sao vậy”, Phương phân vân. Yên giải thích, hơi dài, để nàng yên tâm. Anh muốn có một cột mốc, một thứ gì hay hay, để nhớ cuộc dạo chơi này. “Em hiểu”, Thái Phương nói, giọng không mạnh lắm, “coi như em hiểu!”. Đó là lần cuối anh chị gặp nhau… “Yên có vẻ sùng đạo”, Hạt nói, như hỏi. Yên xua tay “không hẵng vậy đâu, có thể chỉ là lớp vỏ bọc, biểu hiện bên ngoài… Tôi luôn động viên mình nên siêng năng hơn, thành tâm hơn trong khâu tâm linh, thờ cúng. Nếu cứ ngoác mồm bài bác, báng bổ, không tin gì cả, dễ thành heo lợn lắm, người ta nói vậy.
***
Chị Xoa bưng lên hai tô thịt. Chị cười tươi rói, “thịt nhím, tôi biết các anh thích”. Thịt này ngon, hiếm. Mấy anh công nhân bắt được con nhím trong rẫy xa, lúc này họ đang nhậu, tưng bừng như liên hoan. “Tôi tặng họ hai thùng bia”, Xoa khoe. Đông ôm đàn đứng dậy, anh nói phải qua hát tặng anh em lao động chân tay vài bản, đáp lễ, họ rất mến anh… Hạt đi lấy bia. Món này bất ngờ, độc đáo. “Tụi mình uống tới sáng, nghe… Chắc còn lâu mới gặp lại nhau”. “Buôn này khuất nẻo, mà sao anh giạt vào đây?” Hạt không đáp ngay. “Khó biết tại sao, chắc do số phận đưa đẩy, như thiên hạ thường nói… Yên định chừng nào quay lại Đà Lạt?”. Thịt ngon. Loài nhím có nằm trong sách đỏ, được bảo vệ không? Nếu để ý sẽ thấy, có những con vật, ba mươi năm gần đây bỗng nhiên biến mất, như công, diều hâu, nai, sơn ca, quạ, bò rừng. Người đông, tràn lên bung ra xâm lấn, chúng nó co cụm hoặc chạy trốn. “Trở lại, tôi chưa nghĩ đến, có lẽ năm bảy năm nữa”. “Lâu quá, lúc đó biết mình còn sống không”. Cười xòa. Cười thôi, chớ nói chuyện xui xẻo!… Điều lạ là, cùng thuộc dạng “tiến lên phía trước” nhưng giai đoạn từ trẻ đến già thì trông giống tiến hóa, từ già đến chết thì như gãy đỗ! Lại cười. Dzô, loài nhím quý hiếm, khó kiếm! “Yên thấy, xó núi này hẻo lánh, quá hẻo, nhưng còn lắm nơi heo hút hơn nữa. Năm kia tôi làm một chuyến đi Kon Tum, tìm mua thuốc Nam. Dạo đó nổi lên phong trào mua rễ củ cây lá, dược liệu, để bán cho thương lái Tàu. Anh biết không, chuyến đi mười ngày đó vui cực kỳ… Cái vùng Dak Krong, Mang Tak ấy nằm phía tây bắc Kon Tum, chỉ cách biên giới Lào bốn cây số…Nói về nó sao đây? Có thể xếp nó nằm trong danh sách những nơi khỉ ho cò hát nhất nước. Sau về, nhớ lại tôi luôn nghĩ, tội nghiệp, sao những người ở đó lại có thể sống tại một nơi như thế, suốt đời?… Nói rõ, nó cũng không man mọi quá, vẫn có chợ, có trường học, nhưng cái chất rừng rú, chiếc áo choàng hoang sơ phủ trùm lên nó quá dày, rộng, thùng thình”. Uống, thong thả uống, Đông vẫn chưa về. Mai kia, về xuôi, Yên sẽ nghĩ về góc buôn này thế nào?”. Yên bá vai Hạt, “Đời mà, chúng mình đã qua thời trẻ, đã gặp nhiều, biết lắm, thấy nhiều, phải không… Có lẽ đừng nên nghĩ xa quá, để khỏi trở thành triết gia thế kỷ 22, thành gã dở hơi… Này, mai đây tôi sẽ chọn cho mình một tên mới, nghệ danh, để luôn nhớ anh và Lưu, để trưng ra với anh em trong các cuộc nhậu… nên lấy tên gì, Y Liê, được chăng?”.

[/read]

Thời Hoa Mộng

Thị xã Tân Thanh nhỏ và đẹp. Nó nằm sát biển, cạnh một đồng bằng rộng, màu mỡ. Tôi đã sống ở đó ngoài hai năm. Sau này được ở nhiều nơi, nhưng không đâu tôi yêu thích bằng Tân Thanh. Đây là nơi tôi có những người bạn thân nhất, có nhiều kỷ niệm khó quên, và có Duyên.

Năm 1970 từ trường Sư phạm ra tôi được bổ về dạy tại một vùng heo hút cách quê tôi trăm rưỡi cây số, cách Tân Thanh mười sáu cây số. Dù xa như vậy, tuần nào tôi cũng có mặt ở thị xã một hai ngày, bởi tôi ghiền xi-nê, phở, và lũ bạn vui nhộn. Ban đầu, nhờ sợi dây thơ văn tôi quen Bạch Hải, anh Duyên. Qua Hải tôi nhanh chóng thân thiết nhóm văn nghệ sĩ của thị xã.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Tôi hòa nhập vào gia đình Hải khá êm xuôi. Nhà này có máu văn nghệ, ai cũng thích đọc sách báo. Ông bà Mạnh là độc giả lâu năm của các báo khoa học kỹ thuật, thể thao. Duyên mua Phụ nữ, Thời mới. Còn Thu Tâm – em Duyên – mua một lúc ba bốn tờ, gồm cả văn nghệ, văn hóa và sân khấu. Thu Tâm còn đi học, sắp thi tú tài, rất yêu thơ. Cô bé mến phục tôi, ngưỡng mộ cái Thi đoàn vang danh La Hoa. Cô đa sầu, giàu tình cảm, mỗi khi đọc truyện gặp những đoạn buồn là khóc đỏ mắt. Tâm khen thơ tôi ngọt ngào, sâu sắc. Cô nàng thường nằn nì nhờ tôi ngâm thơ cho nghe. Tâm chịu những bài ướt như vớt dưới nước lên, và trong đó có nhiều “gió trăng”, “hò hẹn”, “thiếp chàng”. Tôi ăn chực, mọc rễ ở nhà Hải. Người lạ có thể tưởng lầm tôi là con trong nhà. Không chỉ tốn cơm, nhiều lúc ông Mạnh còn cho tôi tiền để tiêu vặt.

Ít lâu sau tôi và Duyên “cảm” nhau. Nói cho trung thực, tôi chưa hề tán tỉnh Duyên câu nào. Đây chỉ là mưa lâu thấm đất. Dạo đó gặp dịp Tết, được nghỉ dạy nửa tháng, tôi về thăm nhà. Nhưng mới bảy ngày tôi đã trở ra. Duyên ngạc nhiên: “Ô kìa, ông thi sĩ, ra chi sớm vậy?” Lúng túng một chặp, rồi tôi thú thật: “Buồn, buồn không chịu được… nhớ ai quá!” Duyên hiểu ngay, nàng xúc động, mặt hồng lên, bối rối chớp lia đôi mắt Tân Thanh to đen, ươn ướt… Ngay tối ấy chúng tôi đến trụ sở ban Ly Tao “trình làng”. Lũ bạn tôi không ngạc nhiên mấy, tỏ ra rất hoan hỉ. Ông bà Mạnh và Hải phớt lờ, làm như chẳng biết gì, và chúng tôi coi thái độ đó là đồng tình. Thu Tâm nhận xét nhẹ nhàng: “Bà Duyên sống trong môi trường trần tục – Duyên làm ở ngân hàng – mà lại kết cặp với người của trăng sao, kể cũng lạ”.

Nhóm nghệ sĩ tinh hoa của thị xã này, (có tôi vào nữa là sáu người), đứng chủ trương Thi đoàn La Hoa (núi Hoa Sơn, sông La), và nắm luôn ban Ly Tao, chuyên ngâm – bình thơ trên đài phát thanh địa phương. La Hoa chào đời trước Ly Tao nửa năm, có đường hướng cụ thể: “Sáng tác thơ ca và trợ lực nhau cùng tiến bộ trên đường phục vụ nghệ thuật”.

Ở đây tôi được bốc lên thành thi hào, vì là người có nhiều thơ đăng trên các báo ở Sài Gòn, và đã xuất bản một tập thơ: tập “Tưởng là tình lớn”. Các thành viên khác đều còn mò mẫm, lận đận. Ngay như nhà thơ Lê Tưởng, trưởng ban Ly Tao, cũng chỉ có sáu bài thơ được đăng báo. Tính trung bình, anh phải gởi đi hăm bảy bài thì đám chủ bút thiển cận đáng ghét ở Sài Gòn mới chấm một bài. Với thi sĩ Bạch Hải, nhân vật thứ nhì của La Hoa, kết quả còn khiêm nhường hơn. Sau bốn năm múa bút, Hải chỉ có ba bài được lên báo. Nhưng điều này không hề làm Hải nhụt chí, lại càng khiến anh mạnh tay hành hạ những trang giấy trắng, và giọng thơ vốn đã phẫn càng thêm phẫn.

Người viết khỏe, có số lượng thơ ra lò nhiều nhất là Mai Phong. Anh lãnh hai chức danh: đầu tàu Thi đoàn La Hoa và ủy viên giao tế của ban Ly Tao (chúng tôi cũng mắc bệnh háo danh, chứng bệnh buồn cười của loài người, nên tên nào cũng khoác vào mình nhiều chức tước tự phong).

Mai Phong là người duy nhất trong bọn có vợ. Trước kia, do một sự “sai lầm đáng tiếc” Phong cưới vợ hơi sớm, nên nay mới hăm ba tuổi anh đã có ba con. Vợ Phong chất phác, rất kính phục chồng, tuy chị không hề sờ đến sách báo… Mai Phong sống theo lối “phiêu bồng”. Bề ngoài trông anh nhếch nhác, bẩn thấy rõ. Về cái ăn, thì bạ đâu sà vào đấy, chủ yếu ăn nhờ nhà Tưởng và Hải. Tiền lương Phong thường tiêu vèo trong năm, bảy ngày, chi trọn cho mấy quán cà phê, bún bò, tiết canh vịt. Vợ Phong cần mẫn làm lụng nuôi con, cam chịu túng thiếu, không trách chồng tiếng nào. Nhưng ông cụ thân sinh Phong thì tích cực bày tỏ thái độ phản đối. Bữa nọ cụ khăn gói ra phố, leo lên tận hang ổ ban Ly Tao, hùng hổ dạy cho ông con nhà giáo – nhà thơ một bài sấm sét. Quá giận nên cụ mắng rất thô: “Này, mày như con heo đực, xổng chuồng là cùi cũi đi mất, chẳng lo gì nữa. Lâu nay vợ con mày thế nào? Chắc chắn không biết. Sống như thế, tao không hiểu mày dạy trẻ con ở trường những gì. Muốn làm ông gì cứ làm, nhưng chớ quên mình là ông – người”. Nói bấy nhiêu lời xong ông cụ quay trở xuống, về thẳng. Mai Phong thở dài, than: “Đầu và mắt các cụ đã hình thành trước đây hơn nửa thế kỷ, nên không hy vọng các cụ nghĩ và thấy điều gì hay ho được!” Rồi phải nhờ ông Vạn Thọ – cha Lê Tưởng – đứng ra thu xếp, sự vụ mới ổn. Ông bảo Phong cứ ăn tại nhà ông, không phải trả tiền, còn lương thì cắt một nửa gửi về cho vợ.

Hai người sau chót của nhóm, sự nghiệp văn chương mới khởi đầu, chưa có gì nhiều: Võ Hoàng, họa sĩ kiêm ủy viên kỹ thuật, thi sĩ lãng mạn của thế kỷ 19 còn sót lại – và Thái Huyền, phụ trách tài chánh kiêm thư ký. Chúng tôi thường âu yếm gọi Huyền là ủy viên du hí. Anh sành về rượu, giỏi chạy tìm đồ nhậu, nấu nướng khéo tay.

Chúng tôi sống mạnh được phần lớn nhờ nơi cái bụng quãng đại của ông Vạn Thọ, một người vui tính, rất giàu, tốt ít có. Ông dành cho chúng tôi một căn phòng trên lầu, kế phòng ngủ Tưởng, làm trụ sở. Phòng thênh thang, có một tủ sách lớn, một bộ ghế bành to kềnh, hai cái giường bằng gỗ quý đóng kiểu cầu kỳ, và hai bàn làm việc dài ngoẵng. Trên hai chiếc bàn này chúng tôi đã bình văn, ăn nhậu, tán phét về mọi sự đời, và làm thơ. Chúng tôi ca ngợi những áng mây chiều nằm xoãi trên đỉnh Hoa Sơn; những con sò huyết, đặc sản của xứ dừa, ngon và bổ, chắc trời sinh ra để đi kèm với rượu nếp; những đôi mắt của những người con gái Tân Thanh (ôi, đôi mắt đen láy, tình tứ, long lanh, từ mấy trăm năm trước đã bước vào thơ phú, ca dao: “đa tình con mắt Tân Thanh”). Không ai tính được chúng tôi đã tiêu phí bao tạ giấy mực, và hóa kiếp mấy ngàn con sò huyết. Chỉ riêng hòn Hoa Sơn cũng đã làm hao tốn biết bao tâm trí. Đó là hòn núi đơn độc đứng chắn ở cửa ngõ phía Tây thị xã. Chúng tôi mổ xẻ, phân tích đủ các mặt của nó: dáng núi trầm ngâm (vì rằng chưa ai nghe nó nhiều lời bao giờ) – cái vẻ cao vút hiên ngang (cao hơn mặt biển 620 mét) – nỗi buồn kinh niên của núi (đứng trơ chõng một mình, vui sao được) – nỗi đau triền miên khó dứt (thiên hạ ủi sạt một khoảng lớn dưới chân núi, lấy đất làm phi trường)… Đọc số thơ này, người ta có thể tưởng chúng được viết ra từ một xứ nào vốn thanh bình từ ngàn năm nay, chớ không phải ở đây, nơi mà nhiều đêm súng đã nổ thảng thốt ngay tại xóm Gò Dứa (sát nách thị xã), tiếng đạn đuối rơi xèo xuống đại lộ Nguyễn Huệ. Có lần Duyên nói: “Đời có lắm chuyện vô lý, nhưng vô lý nhất là người ta chịu chi tiền để các ngài viết lách khóc thương vô bổ”. Nhưng chính nàng cũng “vô lý”, vì đã để con tim mình chạy rông: Duyên yêu tôi, khác gì yêu cái món thơ văn làng nhàng?
***
Hơn hai năm sau, bất ngờ tôi được đổi về một tỉnh phía nam, cách Tân Thanh ngoài bốn trăm cây số, theo ý muốn của cha tôi. Ở đó cha tôi có một người bạn thân vừa được thăng lên một chức khá lớn bên giáo dục. Cha tôi nói, thời này muốn sống vững phải quen biết rộng, nếu không thì suốt đời sẽ nằm trong bóng tối. Tiền đồ của tôi muốn sáng lóa phải nhờ ông quan bự ấy đỡ cho một tay. Dù không muốn, tôi cũng phải đi. Cha tôi rất cứng rắn, khi ông đã bảo thì vợ con phải coi như pháp lệnh, đừng mong cưỡng chống.

Vô đến nơi tôi được hưởng ngay cái thuận lợi đầu tiên: dạy tại một trường nằm trong thị xã. Nhưng tôi vẫn buồn không nguôi, vẫn nhớ Tân Thanh đờ đẫn cả người.

Mỗi tuần một lần, tôi và Duyên gởi cho nhau những bức thư dày cộp, trong đó chứa đầy buồn khổ, nhớ nhung. Nhưng tình trạng ấy chỉ kéo dài được vài tháng, sau đó nhịp thư thưa dần, rút xuống còn nửa tháng một lá, rồi mỗi tháng một lá. Trong tôi nỗi nhớ tuy không vơi nhưng hình như đã “nhẹ” đi. Và thư Duyên thì lá sau luôn ngắn hơn lá trước… Đến tháng thứ tám tôi được các bạn ở Tân Thanh báo cho tin buồn: Duyên quen người khác. Tôi sửng sốt, và không tin. Sao Duyên hời hợt, đổi thay nhanh đến thế! Nhưng cái tin nản lòng đó cứ được lặp lại đều đặn. Không có cách nào kiểm chứng nguồn tin, tôi thấy mình bất lực, đáng thương. Đúng lúc ấy tôi gặp Hiếu – vợ tôi hiện nay. Té ra trên trái đất còn có những cô gái khác cũng có miệng cười làm ấm lòng người, giọng nói ngọt lịm, và những cử chỉ làm duyên nho nhỏ, ngồ ngộ, đáng nhớ! Ngẫm lại, tôi thấy khối tình trước đây của mình không lớn nặng như lâu nay mình vẫn tưởng!
***
Chiều hôm đó – mười một năm tròn sau ngày ấy – tại thị xã Thới Bình (quê Hiếu) trên đường đi làm về, tránh một cơn mưa bất chợt, tôi chạy vào trú trong một quán nước bên đường. Duyên và con gái đã ngồi trong đó. Duyên nhận ra tôi trước. Chúng tôi hét toáng lên vui mừng, chào hỏi rối rít, làm bà chủ quán ngạc nhiên. Kéo tôi tới bàn, Duyên gọi cho tôi một ly chè đá, (dù trời lạnh), và hỏi dồn hàng chục câu.

Khi bình tĩnh trở lại chúng tôi mới nói chuyện rành mạch, có đầu đuôi. Duyên hiện có hai con. Bé gái đây tên Ngọc, sáu tuổi, còn bé trai ở nhà vừa biết đi. Chồng Duyên tên Yên quê ở Huế, làm bên hải sản, mới đổi vô đây non hai năm. Vậy là đã ở gần nhau khá lâu nhưng chúng tôi không biết. Theo lời Duyên, bé Ngọc giống bố từ nước da, đến cái tai cái tóc. Dựa theo đó, tôi phác thảo ra Yên là một anh chàng đẫm thấp, mắt to, trán hơi vồ. Trông qua cách ăn mặc tôi đoán mức sống của vợ chồng Duyên dư dật. Duyên nhận xét: “Anh gầy, và hơi già đấy nghe.” Tôi nói, nửa thật nửa đùa: “Một người không giàu, cõng một gia đình cồng kềnh thừa miệng ăn, thiếu tay làm, chưa chết là mừng”. Duyên không khác trước mấy, trông như trắng và cao hơn chút ít. Duyên hỏi liền năm câu về vợ tôi. Bất giác, tôi nhìn lại bộ quần áo thảm hại mình đang diện, cái mũ như miếng giẻ nằm ở góc bàn. Chắc Duyên đã thấy rõ chúng.

Qua những lời Duyên kể, tôi thu tóm được những điểm chính của người và cảnh Tân Thanh. Các thành viên của nhóm thơ cũ đã tản mát mỗi người một nơi. Có thể thấy xa, nhiều người trong số đó, từ nay về sau tôi sẽ không còn gặp nữa.

Bé Ngọc tới hiên đưa tay ra ngoài nghịch nước mưa. Duyên nói:
“Anh quên hỏi một người”.
“Thu Tâm?”
“Tâm vẫn chưa chồng, nhưng đã có một con trai ba tuổi”.

Duyên kể chuyện Tâm. Những năm vừa rồi có nhiều chỗ khá tốt đến dạm hỏi, Tâm chẳng chịu ai, rồi đùng một cái nàng dan díu với một anh y sĩ cùng làm chung chỗ. Anh này có vợ. Năm ngoái Tâm bị đánh ghen một trận khá nặng.

Tôi đã thấy và hiểu tình yêu thường đem đến cho người ta nhiều chuyện ngoài y muốn, đau xót, trớ trêu, nhưng việc tai tiếng này của Thu Tâm cũng làm tôi buồn. Tôi không hình dung được gương mặt hiện nay của em. Trong trí tôi Tâm vẫn còn là cô bé xinh xinh, hay cười, thích kem ly, ya-ua, những lúc đọc truyện hoặc xem phim buồn thảm thường khóc.

Tôi bổng nảy ra ý muốn về thăm Tân Thanh.
“Tháng tới có phép, tôi sẽ về thăm chú thím và Tâm”.
“Thật không, hay nói qua đường cho vui?”. Duyên hỏi.

Tôi vội nói, như cam kết: tôi sẽ bỏ ra ba ngày về thăm Tân Thanh, thăm ông bà Mạnh và Tâm. Không hiểu sao bỗng dưng tôi lại sốt sắng như thế.

Ngoài đường, một đôi trai gái che chung dù đi chậm dưới mưa. Cái dù xanh. Cô gái trang phục toàn xanh, từ quần áo đến cái xách tay. Tuổi trẻ. Một hình ảnh đẹp, như tôi đã từng xem trong một phim nào đó… Đêm ấy về, nghĩ lại, tôi thấy nổi lên một điểm: suốt buổi gặp mặt không lúc nào tôi nhớ ra là mình đã từng ôm con người thơm tho này trong tay, nựng nịu như nựng mèo con, hôn hít hàng trăm lần.
“Anh chuẩn bị gà vịt sẵn nhé, mấy hôm nữa bọn này sẽ ra chơi. Vậy là nay chúng ta chỉ còn cách nhau có bảy cây số!”. Duyên nói.
“Không gần đâu bạn ơi. Con số 7 này cũng như số 5 tấc đất, cự ly xa cách giữa người chết và người sống”.
“Thảm quá!… Nay anh còn làm thơ không?”
“Tôi nghỉ. Đến khi nào làm được theo cách mới, tươi vui, khỏe khoắn, có ích cho đời, tôi sẽ cầm bút lại… Nhóm thơ chúng tôi thời đó, Duyên biết không, nếu được đưa ra đứng trước mặt thi hào Gơt (J.W. Goethe, 1749 – 1832) sẽ bị ông gọi là “những thi sĩ của bệnh viện”, vì chuyên ca tụng những thứ ốm đau bệnh hoạn”.

Duyên cười. Một chiếc xe đò bật đèn phóng vút qua. Mưa nặng hạt thêm, kiểu này thì khó biết đến lúc nào mới dứt.

[/read]

Quê Khô

Bà chủ Mộng Hợi trao cho Nghê tập danh sách em út.
“Mừng tái ngộ, bạn biến đâu lâu thế?”
“Mới bảy tháng, ra Trung và lên Tây nguyên”.
“Nay đông vui, nhiều gương mặt mới, tha hồ chọn”, bà quảng cáo.
Hai mươi ba em, nhiều cái tên lạ. Kim Xuân, 23 tuổi, cao 1,60 mét, 54kg – Lãng, 24 tuổi, cao 1,63 mét, 58kg – Lily Ha, 22 tuổi, cao 1,62 mét… Em nào cũng xinh, nhìn thẳng, không cười. Chọn lựa vài phút. Nghê vứt tập giấy xuống bàn. “Chị gọi giùm Lily Ha”.

[read more=”Click here to Read More” less=”Read Less”] 

Bà Hợi cười vui: “Mắt tinh đấy, nàng này dáng chuẩn, mới ra lò mấy tháng”. Bà mở hộc bàn, lôi ra một sổ tay, dò tìm.
“Đây, nghe cho rõ, nhà nghỉ Dã Thảo, 338 đường Phan Hồng, phường bảy, số điện thoại của Hà… nhớ chưa?”.
Bà tú mở tủ lạnh lấy ra một lon coca, đem đặt trước mặt Nghê. Nghê chồm tới ôm chầm cái thân hình tròn lẵn, hôn tới tấp lên hai má bà.
“Quỷ sứ, phạm thượng, chứng nào tật nấy không bỏ!”.
“Cho tôi âu yếm Hợi một lúc”.
Mộng Hợi vùng ra, quát: “Bà đấm vào mõm mày bây giờ… cút đi, đến khách sạn ôm ẵm con Hà”.
***
Nghê tới nhà nghỉ Dã Thảo trước Lily Ha hai chục phút. Cô nhím bảo, mình tên Báu, Lily Ha là dì Hợi đặt. Đây là điểm hẹn để gặp khách trong thời gian ngắn. Báu và một cô bạn mướn nhà trọ bên quận 6. Kể cũng lằng nhằng, nhưng phải như thế mới chắc ăn, an toàn.

Anh chị nhập động, như những người đã quen nhau lâu ngày. Báu thường nhìn trộm khách. Không có việc gì để làm ở đây. Không gian chật hẹp. Sàn diễn, chiến trường là cái giường rộng. Máy điều hòa hỏng. chiếc tủ rỗng, bàn nước nhỏ, tủ lạnh chứa hai loại bia. Chỉ vậy. Lily Ha cởi bỏ quần dài, nằm tênh hênh như đứa bé lơ đãng. Nghê nói vài câu chung chung, nói cho mình nghe, rồi khui một lon bia, mở để đó, không uống. Đây là tầng mười bốn, nhìn qua cửa sổ, người ta có thể ngắm lớp lớp mái nhà lô nhô. Rất ít cây trên phố…Dưới xa kia thiên hạ làm gì? Thì làm gì nữa, vẫn những cảnh cũ, bài bản cũ. Người đi lại, xe cộ nhốn nháo, ầm ĩ, quay quắt. Nắng chói chang. Học hành, tiệc tùng, cưới hỏi, cắm cổ chui rúc vào nhà máy tiệm quán hãng xưởng. Vậy thôi, gọi chung là cuộc sống, ở đâu cũng thế. Cạnh đó, lúc rỗi rảnh thì vào quán ăn, khách sạn, rồi hẹn hò với ai đó, một Diễm Hồng, một Út Em, một Dominique Luu, và đưa nhau lên một hang động ở tầng mười, tầng hai mươi nào đó. Lily Ha nằm dạng chân khiêu khích, nhắm mắt. Nghê hôn cái trán phẳng, mân mê vùng tứ giác êm êm. Nhím giả vờ ngủ.
“Lúc nãy, nhìn qua anh thấy em hao hao giống ai đó. Nghĩ một hồi thì…”
“Như ai?”.
“Giống mấy cô bé thi ca hát trên tivi”.
“Vậy là em đẹp?”
“Sao bọn gái thi thố, kể cả thi sắc đẹp, thường sắm kiểu mặt…”.
“Như mặt em?” Báu cười khì. “Vừa rồi, thấy anh em cũng giật mình”.
“Thiệt sao?”
“Anh chàng này giống ai nhỉ, em nghĩ. Lát sau nhớ lại, anh có nhiều nét giống tay diễn viên chính trong một phim Tàu em mới xem tháng trước”.
Nghê nốc nửa lon bia, đổ vào họng Báu nửa lon, rồi vào cuộc… Sàn đấu thơm mùi xà bông, êm ái. Ngẫm nghĩ thấy kỳ, mới trước đây vài tiếng anh chị hoàn toàn không biết nhau, mà giờ thì, giờ đã… Từ đó đến sáng hai người còn uống bia hai lần nữa, còn nói năng vẩn vơ, hôn hít nắn bóp nhau chục lần nữa. Gặp chỗ nào lấn cấn, Báu phản đối, Nghê liền rút tờ bạc một trăm ngàn nhét vào áo ngực nàng, vậy là êm… Đồng tiền, cái mớ giấy mềm nhàu ma quỉ không mặt mũi tay chân mà có thể sai khiến con người, có thể làm được nhiều việc to lớn.
“Em thấy đồng tiền có lạ không, Lily?”
“Gọi em là Báu, dân quê, em không hợp với Tây Mỹ”. Nghê vỗ nhẹ vùng tứ giác ẩm thấp. “Anh mê em rồi. Em ở đây vài hôm nữa, nghe?”
“Không, em trọ bên quận 6. Lần sau muốn gặp nhau ta sẽ chọn một chỗ khác”.
“Kỹ quá, có cần thế không?”.
“Dì Hợi dạy đấy… nên tin dì, bởi bà có gần mười năm chinh chiến”.
Nghê hôn cái miệng xinh đang nhai nhóp nhép. “Nhai kẹo cũng do bà Hợi dạy?”
“Dì rất khôn khéo. Chín chắn”.
“Còn phải nói, từng trải, tinh ranh, láu lỉnh… Anh đã ngủ với mụ mấy lần”.
“Thiệt à?”.
“Lâu rồi, lúc chị ta chưa lấy chồng… Còn sáu ngày nghỉ, anh không biết sẽ làm gì cho hết những ngày ấy”.
“Rồi anh đi đâu?”.
“Ra Thanh Hóa một tháng, sau đó quay vào Dak Lak”.
“Thích thiệt, đi nhiều biết nhiều.”
“Em ở với anh ba ngày, nghe?”
Nàng không trả lời ngay, Nghê nhắc lại lần nữa.
“Tiếc, mai em phải về quê”.
“Cần lắm à, ở đâu?”
“Phú Vinh, cách Đông Bình hơn trăm cây, về phía bắc”.
“Uổng, anh mê Lily nhím!”.
Báu có bà dì – dì Năm – chị ruột mẹ, cô độc. Dì không chồng, sống với một thằng con, nhưng chẳng may thằng nhỏ mất sớm, lúc mới ngoài hai mươi. Dì làm ruộng, làm mướn, sống tàm tạm. Nhưng về sau, càng già, mức sống của dì càng tụt xuống, xuống mãi, đến ngày gần bảy mươi dì vướng phải hai chứng bệnh già thì nó, cái thực trạng xám xỉn ấy, rơi sát đáy… Thế nên, khi mẹ chết, Báu đem dì Năm về nuôi. Do nhớ mẹ, Báu thương dì. Mới đây, dì lại rước thêm một bệnh nữa. Tính ra, cặn kẽ, nay tiền nuôi ăn, chi phí thuốc men cho dì nhiều hơn tiền ăn uống của Báu. “Có điều buồn cười, anh ạ. Hồi trẻ, những lúc giận nhau, dì Năm hay chửi má em: con đĩ thúi! Thuận miệng, bực tức thì chửi cho hả, má em không làm đĩ!”
“Em nói chuyện vui lắm”, Nghê khen. “Mai cho anh theo về thăm dì”.
Báu phân vân: “Làng em xấu hoắc, đang bị hạn hán, buồn chết, chẳng có gì để ngắm cả”.
“Đâu cần đẹp, anh muốn thay đổi không khí. Cứ nằm mãi trong phố này thì hết chui vào quán nhậu lại lê la trong mấy nhà ngủ… ngủ ngày ba buổi!”
“Được thôi… anh hơi “mát” đấy!”
Nghê hôn cái miệng cong vênh đang nhai chewingum.
“Em biết anh đang nghĩ gì không?” Báu lắc đầu. Nói em đừng giận: ghế làng hồn nhiên, cóc nhái ễnh ương mà có lòng nhân ái”.
“Dì Hợi dạy: để ý, đứa nào hôn ta nhiều thì mến ta thực lòng, nó sẽ còn đến gặp ta lai rai”.
“Bà ấy nhận xét hay”.
“Cái động đó, nhìn phớt qua có vẻ ngăn nắp, nhưng bên trong thì bèo nhèo, giả trá, quanh quẹo. Giả ngay từ tập menu chọn mặt gởi vàng. Em không cao không nặng như mấy con số ghi trong đó!”.
***
Báu có hai ngôi nhà khá to. Dì Năm sống với hai con chó ở nhà dưới, nhà trên đóng cửa. Báu nhờ bà Khả, người hàng xóm, lo phần việc ăn uống cho dì… Vắng ngắt, buồn hiu, cả làng buồn. Ở đây đất vườn rộng, nhà cửa thưa thớt. Cây thì dừa, xoài, cau, me. Thời nay còn giữ cau làm gì?

Báu giới thiệu Nghê với dì Năm: “Anh Nghê, bạn trai của con”. “Rõ rồi, bạn trai”. Dì nói, chậm và nhỏ. Báu hỏi dì về bệnh tình, thuốc men. Tai, mắt dì tốt, nghe rõ, nhìn rõ, nhưng khâu ăn hơi xộc xệch. Mỗi lần dì chỉ ăn một chén cơm, nên mỗi ngày phải ăn sáu bảy lần… Báu tặng ba đứa con bà Khả nhiều bánh kẹo, đồ chơi, để ban đêm chúng sang ngủ với dì Năm. Chu đáo. Dì như mẹ. Biết vậy, nhưng không phải ai cũng thương chú bác cô dì. Thử hình dung, người sống một mình trên đời, không nhà cửa, không cha mẹ chồng con, bệnh quặt quẹo…

Nghê đứng bên bờ ao, nhìn đồng ruộng khô rang trước mắt. Không trâu bò. Không heo gà. Ba, bốn người đội nón, che mặt đi lại, thơ thẩn. Mùa khô, ngó đâu cũng thấy eo xèo, héo úa, bệch bạc. Không thấy những cánh cò bay nhởn nhơ trong ráng chiều. Không có đàn trâu đỏ chạy ngang dọc, nổ máy vang trời. Cùng là người, nhưng những người sinh ra ở đây, sống trong tình cảnh này… Không lâu đài dinh thự cao sang, không phố xá đông đúc xe cộ sáng choang. Nắng nôi, liêu xiêu, mùa khô sẽ còn kéo dài bao lâu.

Về đây Báu sắm bộ mặt khác. Cô nàng nhét bộ quần áo diêm dúa vào giỏ, lôi đồ cũ ra mặc, “Nhân vật vẫn là nông dân, những con người có gốc rễ lâu đời ở đây, nhưng ông trời (đạo diễn) đã khác”, chỉ cái giếng nước cạn khô, Báu nói. “Trước kia trời thuận, mười năm gần đây bỗng nhiên trở chứng, gió nắng nhiều, mưa ít, năm nào cũng thiếu nước bốn, năm tháng. Ở quê mà phải mua nước uống, một ngàn ba chục lít, ốt dột!”

Bà Khả ngồi làm cá kế bên, góp chuyện: “Lão trời ác ôn, nói thêm mệt, than thở cho lắm chỉ tổ hao hơi!” Nghê đùa: “Trời xanh tâm thần”. Báu và bà Khả trò chuyện suốt buổi. Thì ra cái xứ èo uột này (Phú mà trơ xác, Vinh lại tối tăm) cũng có nhiều thứ để nói. Toàn chuyện vụn, nho nhỏ, phập phù, là lạ. Nghê ngồi nghe, như trẻ con nghe cổ tích… Bà Khả vào bếp. Nghê nói nhỏ: “Cách đây ba hôm Phú Vinh không nằm trong đầu anh”. Báu không nghĩ về chuyện làng, nàng nhớ bà động chủ.
“Ngủ với Mộng Hợi anh thấy thế nào?”
“Thế nào là sao”, Nghê ngạc nhiên “thì cũng vậy vậy, nồng nàn, nhiệt tình, rất… đàn bà”.
“Kể cũng buồn cười!”
“Nếu còn bơi trong môi trường đó, em sẽ gặp nhiều chuyện tréo ngoe, trái ngang, rối nùi… Này, người đẹp, hãy quên nó đi, coi như anh chưa nói”.
Anh chị ra chợ xã ăn tối. Quán nhỏ, tám cái bàn, hai bàn có khách. Một người nấu, một người bưng bê. Đồ ăn ngon, có mấy món lạ. Chị tiếp viên đến tán gẫu với Báu một lúc. Chị hỏi Báu ra phố làm gì, ở đâu, lương lậu thế nào. Chị nói, chồng chị vào Biên Hòa làm mướn đã hơn nửa năm. Gặp gì làm nấy, do anh chỉ biết cày bừa, không rành nghề nào khác. “Lương tháng chỉ hơn bốn triệu, nặng nhọc, làm phờ râu, cũng phải làm, vì nắng hạn, ruộng nẻ đất, ở nhà làm gì. Hai bạn thấy không, trai trẻ đi hết, làng xóm chỉ còn rặt đàn bà trẻ con, đồng khô cỏ cháy… Con gái vùng này đi làm nhiều. Làm gì. Không nghề, ngơ ngác, nghe nói lên đó toàn ở đợ, nói cho đẹp là giúp việc nhà, bán buôn lông nhông, làm điếm”.

Chị bỏ đi, nhưng âm hưởng buồn của mấy tiếng làm điếm, đồng khô cỏ cháy như vẫn còn lởn vởn quanh bàn ăn… Ra đường, lên xe, Nghê nói bâng quơ “mưa dội nắng thiêu, nắng lửa mưa dầu”. Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến nàng Báu mạ non biến thành em Lily Ha mướt rượt.

Lê Văn Thiện

[/read]