Vĩnh Hảo

Vĩnh Hảo

Khoảng Trống

(viết cho người anh đã khuất, đồng thời kính dâng Me,
và thương tặng tất cả anh chị em của tôi)

Chúng tôi cùng được sinh ra từ một người cha, một người mẹ.
Chúng tôi cùng được lớn lên trong một căn nhà, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc chỗ này, lúc chỗ kia, nhưng cuộc sống gia đình tương đối êm ấm, thuận hòa.

Cha mẹ chúng tôi thương yêu, kính thuận nhau, và cũng hết mực thương yêu con trẻ, không bao giờ có ý ngăn cản sự góp mặt chào đời của mỗi đứa chúng tôi trong gia đình ấy. Vì vậy mà anh chị em ruột thịt chúng tôi thật là đông: đến 7 gái, 7 trai!

Bầy con lớn như thổi, thoắt cái mà người chị cả đã trên 70, và cậu em út thì năm nay đúng 50. Anh chị em chúng tôi, mỗi người mỗi ý hướng, mỗi sở thích khác nhau, chọn lấy lối sống của mình theo lý tưởng riêng, hay theo sự xô đẩy của hoàn cảnh xã hội. Nhiều anh chị em đã đi thật xa, không ở gần ngôi từ đường bên ngoại mà mẹ đang sống với chuỗi ngày cuối đời ở tuổi cửu tuần.

Cuộc sống tất bật áo cơm, việc công, việc tư, cùng với khoảng cách không gian đã chia cách anh chị em chúng tôi bao năm tháng, khó có cơ hội gặp nhau riêng rẽ từng người, nói gì một cuộc đoàn tụ đông đủ. Nhưng chúng tôi biết chúng tôi còn có nhau. 14 anh chị em trọn vẹn. 14 anh chị em của một cha, một mẹ. 14 anh chị em có tiếng “phong lưu” theo cái nghĩa là văn nghệ; nói chính xác hơn, là những anh chị em đồng nghiệp, nối bước cha mẹ trên con đường văn học nghệ thuật. Từ những bàn viết cách xa nhau, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn còn liên lạc và thưởng thức nhau qua những sáng tác văn thơ đăng báo này báo nọ, hoặc trên những websites, blogs, facebooks…

Gần 30 năm trước, cha chúng tôi ra đi. Tang lễ của ông, anh chị em chúng tôi có người về được, có người không. Tất cả chúng tôi, trong đó có người chị cả ở nước ngoài và hai em trai đang ở tù, đã cùng mẹ chia sẻ nỗi mất mát to lớn lần đầu tiên đến với gia đình. Mẹ ngồi lại nơi căn từ đường suốt những năm dài sau đó, mỗi dịp sinh nhật, đón nhận lời chúc tụng của bầy con 14 đứa cùng với một đàn cháu chắt ở gần, ở xa. Mẹ đã ngoài 90, như ngọn đèn trước gió. Nhưng tâm mẹ thanh thản, hạnh phúc nhìn bầy con 14 đứa vuông tròn, dù trong gian khó vẫn sống an vui, giữ được nhân đức và phong cách của những người nghệ sĩ ôm đàn, cầm cọ, cầm bút. Hơn 70 năm nuôi dạy con cái, cha mẹ đã không để lại gia sản gì cho bầy con ngoài hai chữ “nhân đức,” và năng khiếu văn nghệ ươm trong máu huyết. Anh chị em chúng tôi thật sự vui hưởng gia sản ấy, không kêu ca than vãn gì. Nhưng có thể nói, trong tất cả những đứa con cưng của cha mẹ (đứa nào cha mẹ cũng cưng), đặc biệt chỉ có anh tôi, Vĩnh Hiền—nhà thơ Phù Du, mới đích thực là một nghệ sĩ tài hoa, đúng nghĩa nhất.

Những anh chị em khác, kể cả tôi, cũng viết văn, làm thơ, vẽ, đàn ca… nhưng hầu như trong đời sống cũng như trong biểu đạt nghệ thuật, ai cũng cố gắng gìn giữ nề nếp gia phong và tư cách cá nhân, do ảnh hưởng bởi chức năng nhà giáo, nhà tu, công chức, và trên tất cả: con của cha mẹ, của một gia đình hoàng phái (dù chỉ còn trên danh nghĩa). Không ai trong anh chị em chúng tôi thực sự sống như một nghệ sĩ, mà chỉ là những nhà giáo, những người đạo đức làm văn nghệ.

Vĩnh Hiền đã sống một đời sống đúng mực phong lưu, nghệ sĩ. Hai câu thơ của anh—mà tất cả anh chị em trong nhà, cũng như bằng hữu văn nghệ đều nhớ nằm lòng, có thể nói là châm ngôn, là quan niệm sống (và chết) của chính anh:
“Sống là thơ mộng mà chơi
Chết là nhảy giữa giọng cười hư không.”

Anh không sợ sống với nghèo khổ, gian khó. Anh cũng không sợ đớn đau, không sợ chết. Anh thách thức đời sống, và thách thức cái chết.

Hơn bốn mươi năm làm thơ, viết văn, trải cả tâm can và trí tuệ cho văn thi đàn, để lại nhiều tác phẩm tuyệt vời. Vẽ tranh, đàn ca, uống rượu, giốc hết chân tình với bằng hữu bốn phương. Đã từng yêu hết mực, và đã từng khổ đau hết mực vì tình yêu. Đã từng xót đau cái khổ chung của quê hương mà múa bút cất lời hiệu triệu để phải trải thân tù tội bao năm. Đã từng một lần trúng số độc đắc, chia sẻ tận cùng với anh chị em và bằng hữu để rồi tiếp tục trắng tay làm nghệ sĩ nghèo. Đã từng vào ra bệnh viện mấy lần, mổ xẻ, đối diện với thần chết vì bệnh nan y. Gã nghệ sĩ ấy, không ai can ngăn được thói phong lưu, bạt mạng. Nhưng ở nơi căn gác xép tồi tàn kia, gã vẫn chu toàn trách nhiệm của người chồng quí vợ, và người cha tận tụy thương yêu chăm sóc con.

Một con người như thế, một đời sống như thế, quá phong phú, quá “chịu chơi,” đâu phải ai cũng làm được. Cho nên, 63 năm ở đời của anh, không thể nói là mệnh yểu. Khi một người hạnh phúc với từng giây phút hiện hữu của mình, người ấy không có tuổi; và cuộc đời người ấy không thể đo bằng thời gian, năm tháng.

Một chiều đầu năm, anh nằm đọc báo trên chiếc giường xếp, rồi ra đi.

Gia đình không dám báo tin cho mẹ biết, sợ bà buồn lòng, chịu không nổi với tuổi già yếu. Đã hơn 70 năm đếm 14 đứa con đầy đủ gần 3 lần trên bàn tay năm ngón, nay hụt mất đi một đứa, mẹ sẽ đau xót xiết bao! Đứa con nào mẹ cũng thương, nhưng đứa mẹ quan tâm nhất là đứa không chịu nghe lời khuyên của bà: không chịu bớt hút thuốc, không chịu cữ rượu… để giữ gìn sức khoẻ, để sống lâu bên mẹ. Ôi, mẹ ơi, hẳn mẹ cũng biết rằng dù anh ấy không giảm thuốc, cai rượu như lời mẹ dặn, anh ấy cũng thương mẹ vô vàn, như 13 đứa con kia, có khác gì. Nhưng nếu con người nghệ sĩ bạt mạng kia chưa từng hút thuốc uống rượu trước đây, hoặc đã từng mà ngày nay phải ngưng hút thuốc, ngưng thù tạc cốc rượu với bạn bè văn nghệ… e rằng đã không có một cõi thơ bát ngát và một con người nghệ sĩ đích thực trong gia đình chúng ta.

Nếu một lúc nào đó mẹ vô tình đọc đến những giòng này và biết là anh con đã vĩnh viễn ra đi trước khi mẹ trăm tuổi, con xin thay mặt người anh quá cố của con, cũng như thay mặt tất cả anh chị em còn lại, sám hối với mẹ, xin mẹ hãy bình tâm, đừng quá xót lòng. Mẹ hãy cứ an vui và tiễn anh con bằng một bài thơ; và hãy tin rằng sự ra đi của anh con như thế là tốt đẹp, không có gì đáng phải phiền nàn. Anh đã sống hết mình, sống trọn vẹn, cuộc đời của một nghệ sĩ tài hoa, luôn thiếu thốn vật chất nhưng rất giàu có về tinh thần. Anh con đã rất vững vàng khi sống, và hẳn nhiên cũng rất vững vàng, thản nhiên khi chết. Mẹ hãy lau khô nước mắt và đọc thơ cho anh con đi.

Riêng tôi, lần đầu tiên trong đời, trải nghiệm nỗi đau mất mát của tình anh em ruột thịt. Ngạn ngữ có nói, “Anh em như thể tay chân.” Tôi xa gia đình từ bé, không cảm nhận được sự gắn bó thiêng liêng ấy như các anh chị em tôi. Chỉ đến bây giờ, khi nghe tin anh tôi mất, tôi đã im lặng nhiều ngày… và quả nhiên, có cảm giác là tay chân tôi tuy còn đây, mà như rụng rời, đứt đoạn. Có một khoảng không, một sự trống rỗng, hụt hẫng nào đó ở trong tôi khi mất đi một người anh ruột, một nhà thơ đã từng gây hứng cảm và mở đường nghệ thuật cho những thành viên trong gia đình, trong đó có tôi.

Bất Sinh

Lá đã úa màu trên cây. Cũng có những lá đã vàng, khô, rơi lác đác trên thảm cỏ xanh, và trên những con đường dẫn quanh khu xóm. Trời bắt đầu lạnh. Từ lúc trời sẩm tối cho đến buổi sớm hôm sau, sương giăng dầy đặc khiến cho ngọn đèn đầu đường chỉ có thể tỏa ra một vùng sáng nhỏ, lòa nhòa.
Khi mùa thu chuẩn bị qua đi, mùa đông chớm đến.
Thực ra thì mùa đông đã có trong mùa thu. Mùa thu đã có trong mùa hạ. Mùa hạ đã có trong mùa xuân. Mùa xuân đã có trong mùa đông.

Cái này luôn có mặt trong cái khác, và ngược lại.
Nếu cái này có một thực thể, một thực tánh nhất định thì không cái gì khác có thể làm duyên hay kết hợp với nó, và ngược lại.
Như vậy, nhờ không có thực tánh nhất định mà tất cả mọi sự vật đều có thể nương vào nhau mà sinh khởi, cũng nương vào nhau mà thay đổi và hủy diệt.
Triết lý nhà Phật nói sát-na sinh-diệt: nếu cái sinh ra không diệt đi ngay trong sát-na ấy thì nó sẽ sanh mãi không ngừng.
Thực ra thì không có cái gì sanh mãi. Nếu sanh mãi thì đất rộng trời cao này, không gian vũ trụ kia, có chỗ đâu mà dung chứa những con người, muông thú và sự sự vật vật!
Cho nên dù thế nào, tất cả những gì có thể nắm bắt, thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm nhận được, đều phải sinh-diệt.
Mong đợi hay trốn chạy, nó vẫn như thế, vẫn đến trên những chập chùng có-không, mộng-thực; vẫn đến lững thững chậm chạp như con ốc sên bò qua vùng cỏ rối, như lá xanh chuyển màu thơ mộng trên những hàng cây, hay cuồng nộ thần tốc như bão lũ cuốn trôi những con người, làng mạc và ruộng đồng…
Chúng ta sáng tạo, diễn tả, hân thưởng cuộc sống của chính chúng ta và muôn loài muôn vật trên giòng thời gian chuyển biến và trong không gian đổi dời ấy. Vẽ trên mặt cát những ước mơ thật đơn giản đến ngây ngô, cho đến những giấc mộng hão huyền vĩ đại không bao giờ trở thành hiện thực. Những ước mơ và giấc mộng ấy có khi là thảm họa dài lâu cho đồng loại.
Vậy mà, đâu đó quanh ta, vẫn có những con người dường như không hề hay biết gì về những thống khổ bất an của kẻ khác. Vẫn có những con người loay hoay một đời, chuẩn bị cho mình nơi chốn an thân, nhàn nhã; mặc tình cơn bão lốc vô thường có thể quét qua những lâu đài thần thoại cổ tích, cuốn đi những dinh thự kiên cố hiện đại, hoặc phủi sạch những dự án mơ hồ ngày mai…
Và cũng đâu đó quanh ta, có những kẻ nghịch thường, đi ngược dòng đời, như thể đang đi tìm một cái gì trường cửu bất diệt.
Có chăng một cái gì bất diệt? — Đó là cái chưa từng sinh. Đó là cái bất sinh. Cái đó không thể tìm (vì chưa bao giờ mất); không thể sở hữu (vì luôn hằng hữu). Vậy mà vẫn tìm kiếm. Cũng không phải là tìm kiếm, mà thực ra là lên đường, trở về cội nguồn xưa.

Trần gian trôi mãi trong giòng cuồng lưu biến-dị vô cùng. Con đường trở về cũng dài bất tận, bởi lẽ, nó chưa từng được sinh ra, chưa từng được vẽ vời hay sáng tạo bởi bất cứ ai trong cõi trời, cõi người.
Và trong khi những con thú đông-miên chuẩn bị tìm nơi an ổn cho giấc ngủ dài, từ nơi băng tuyết, vươn lên những loài dị thảo.

Biển Đời Muôn Thu

Biển buổi sớm yên tĩnh như thể chưa muốn vươn dậy để đón chào ánh nắng mai rực rỡ đang trải một tấm lụa kim tuyến khắp không gian mênh mông, soi chiếu xuống tận bề sâu thăm thẳm của đáy nước. Thỉnh thoảng mới có một gợn sóng nhỏ phả vào bờ nhưng không gây được một âm thanh nào đáng kể. Sóng vỗ như vỗ lấy lệ và biển hãy còn ngơi nghỉ.

Nhưng, trên bãi cát ướt keo sơn với biển cả chạy dài từ góc trời này đến góc trời kia, bao nhiêu sinh vật li ti đang múa nhảy, đang trườn tới, đang nỗ lực chống lại sự cuốn hút của biển hoặc đang tự thả trôi đời mình cho sự đẩy xô của sóng nước vô tận.

Con ốc xoay mình theo cơn sóng nhỏ, lăn lóc và cạ cái vỏ cứng của nó trên nền cát lạnh sắc. Sự cọ xát này có vẻ như không gây tác động nào vào linh hồn bé nhỏ của nó nhưng ít ra cũng nói lên được ý nghĩa rằng cái vỏ ốc đủ cứng, đủ kín đáo để vây bọc và che chở nó trong một thế giới riêng biệt, an ổn và thầm lặng. Tuy nhiên, cũng chính từ trong cái thế giới bưng bít kia, nó lắng nghe được một nỗi niềm gì đó như là một sự thúc bách, một sự mời gọi, một sự lôi cuốn đầy khích lệ của những mới lạ từ thế giới bên ngoài. Nó không thể chịu đựng nổi sự khép kín vĩnh viễn của cặp vỏ dù rằng đó là cách duy nhất để tự vệ và được an ổn. Nhưng cũng chính từ sự an ổn đó, cảm giác trơ trọi trống vắng cũng cùng hiện hữu. Vì thế, nó hé mở cặp vỏ: ánh sáng, nước và bụi cát lùa vào. Đau rát, ê ẩm. Nó phải chống lại và chịu đựng tất cả những thứ ấy để xông xáo tìm hiểu thế giới bên ngoài và mặt khác, sự phóng ngoại này cũng là cách để trốn chạy niềm cô đơn man rợ tự bên trong. Đau khổ, đau khổ. Thế giới bên ngoài chỉ tạo nên những đau khổ. Nó cảm nhận được điều đó rất sớm, ngay tự phút đầu của chặng đường tìm kiếm, nhưng nó vẫn hy vọng sẽ bắt gặp được một cái gì khác hơn, mới lạ hơn, một cái gì đó mà nó chưa hiểu. Cái đó sẽ mang lại cho nó hạnh phúc, cái đó sẽ vĩnh viễn xóa lấp đi nỗi buồn trơ trụi của nó. Nó tin như vậy và nó đi tìm. Nó lên đường chạy theo tiếng gọi mơ hồ bí ẩn kia. Nó vượt qua bao thử thách, bao khó khăn và khốn khổ. Và cuối cùng, nó tìm thấy một con ốc khác. Một con ốc đồng loại nhưng khác giới tính. Hai con ốc cô đơn tìm thấy nhau. Bàng hoàng, rung động. Chúng lập tức nghe được trong nhau thứ ngôn ngữ của yêu thương và chúng quyện lấy nhau, gắn bó với nhau trong khoảnh khắc phù du nhưng đầy lạc thú, bỏ quên thế giới biến động vây quanh. Biển, cát, ánh sáng lòa chói, không là gì cả. Chỉ có hai tâm hồn, hai thể xác thể nhập trong nhau trong một giao cảm tuyệt vời. Nhưng sau cái khoảnh khắc cực kỳ thỏa mãn kia, chúng bỗng nhận chân rằng sự nỗ lực hướng ngoại của chúng để chạy trốn cô đơn chỉ làm tê buốt và lạnh giá thêm nỗi hiu quạnh ngàn đời của chúng mà thôi.“Ngà ơi, có bao giờ em cảm nhận được điều đó không?”

“Có. Đã có lần anh hỏi vì sao em buồn. Em chẳng biết trả lời sao. Em chỉ thấy buồn, buồn kinh khiếp lắm mà không hiểu gì cả. Em không muốn nhìn nhận nó, không muốn tìm hiểu nó, không dám đối diện với nó. Nó như là một khoảng không, hay một vực thẳm sâu hút… Em chỉ biết có anh, tin vào anh và trao hết thương yêu cho anh để mà xua đuổi nó. Là nó đó, có lẽ. Em chẳng hiểu vì sao.”“Là bởi chúng ta cố gắng đi tìm sự đồng nhất. Chúng ta không muốn mãi mãi là một cá thể bị cô lập. Nhưng chính cái khuynh hướng “đi tìm” đã là một tiền đề đầy mâu thuẫn rồi. Anh đi tìm em có nghĩa rằng anh đã và sẽ chẳng bao giờ là em cả; cũng vậy, em đi tìm anh, em cũng chẳng bao giờ là anh cả. Thì làm sao có sự đồng nhất! Cuối cùng, anh vẫn là anh, em vẫn là em. Chúng ta chỉ gượng gạo chấp nhận nhau để mà lãng quên nỗi cô đơn của chúng ta mà thôi.”“Anh đừng nói nữa.”

Chương ôm lấy Ngà. Nàng nép gọn vào lòng chàng như muốn tìm một chỗ nương tựa. Chương hỏi nhỏ: “Em sợ à?”“Vâng, em sợ. Đừng nghĩ đến nó được không anh?”

Chương bật cười:
“Đừng nghĩ. Điều này chứng tỏ rằng em công nhận có nó, phải không?”
“Em không biết… nhưng nếu chúng ta đào sâu về nó… có ngày chúng ta sẽ chán nhau, phải không anh? Em không muốn vậy. Em có thể chịu đựng được một nỗi buồn vu vơ thỉnh thoảng mới xâm chiếm lòng mình chứ không thể tưởng tượng nổi là sẽ có một cuộc chia xa vĩnh viễn với những gì mình yêu quí.“
“Yên tâm đi, anh chỉ thắc mắc, chỉ suy tư về nó. Trên thực tế, anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em mà.”
“Nhưng cần gì phải suy tư về nó, hở anh? Những suy tư như vậy phỏng có ích lợi gì thêm cho tình yêu, cho cuộc sống của chúng ta chứ?
“Bởi anh hy vọng rằng khi chúng ta hiểu thấu được bản chất của tình yêu, hiểu thấu về bộ mặt thực của nỗi cô đơn trong ta, có lẽ từ đó chúng ta sẽ có hạnh phúc hơn.”
“Vậy lâu nay anh không cảm thấy hạnh phúc khi chung sống với em sao?”
“Anh không có ý nói vậy. Anh chỉ nghĩ là có một thứ hạnh phúc to lớn và trọn vẹn hơn cái hạnh phúc mà chúng ta đang hưởng.”
“Vậy thì anh hãy làm Thượng Đế đi.”
Cả hai cùng cười. Rồi im lặng. Trời đổ mưa bên ngoài. Lạnh.

Một chốc, Ngà bước xuống giường, sửa ngay lại cái gối của nàng, không nhìn Chương, nàng nói:
“Trên thực tế, anh vẫn là con người.”
“Và anh vẫn là chồng em, vẫn yêu em như thuở ban đầu.”
“Và cũng sắp đến giờ anh đi làm rồi đó.”
***

Chương mang dù bước ra xe. Trên đường đến sở, Chương nhớ lại một ngày mưa như hôm nay cách đây hai năm, chàng đã quen Ngà. Lúc đó, vì một cơn mưa bất ngờ, hai người phải đứng nấp mưa dưới một hàng hiên rộng của một khu phố. Quanh đó chỉ toàn người Mỹ. Hai người Việt Nam nhìn thấy nhau, câm lặng chẳng nói gì, nhưng hai tâm hồn bỗng dưng gần lại với nhau, cảm thấy ấm áp, quen thuộc và tự nhiên với nhau qua một tia nhìn và một nụ cười mỉm. Ngà đẹp lắm, đẹp một cách nghiêm trang và thầm kín. Thế giới trong chàng, thế giới trong nàng, cùng mở ra một lúc, cùng đón nhận và trao nhau một cách trọn vẹn mà hầu như không cần một sự giải thích nào. Không phải trước đây chàng chưa từng gặp một đối tượng khác. Có, nhiều lắm. Nhưng chỉ là những thoáng bất chợt, gượng gạo. Chàng cũng chưa hề có ý nghĩ rằng sẽ lấy một cô gái nào đó làm vợ cho đến khi gặp Ngà. Tự thâm tâm, Chương biết rằng không phải chỉ vì Ngà đẹp mà chàng quyết định cưới nàng. Nhưng chính vì từ nơi Ngà, từ nơi cái phút đầu nàng mỉm cười chào chàng, Chương đã bắt gặp được cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà chàng tìm kiếm bấy lâu. Và như thể Ngà là hiện thân của một cái gì ở trong chàng mà chàng không sao nhìn thấy rõ; hoặc của cái gì mà chàng đã đánh mất. Chàng lao theo bóng dáng đó với trọn vẹn bản thể của mình, chinh phục nó, chiếm hữu nó. Chàng đã được tất cả mà không cần phải tìm hiểu, phân tích hay suy tư gì về nó cả. Nhưng bây giờ, chẳng biết sao chàng lại thấy muốn tìm hiểu, muốn có một cái nhìn thấu đáo tận nguồn cội nỗi khát vọng yêu thương trong chàng.

Có thật là có tình yêu không? Chương tự hỏi. Khi người ta vẽ ra những điều kiện về tính chất (với hiền thục, đoan trang, nhu mì…) và về thể chất (với đôi mắt phải như vậy, cái mũi phải như vậy, đôi môi phải như vậy và dáng dấp phải thế kia…) trong một tiêu chuẩn khả dĩ đáp ứng được sự đòi hỏi của sở thích, liệu rằng sự đòi hỏi đó có khách quan không và đó có phải là tình yêu chân thật và toàn vẹn hay không? Rõ ràng là chàng đã tự phác họa sẵn một kiểu mẫu ở trong chàng và khi Ngà xuất hiện một cách trùng hợp và y khuôn với kiểu mẫu đó, chàng liền rung cảm đón nhận và khao khát chiếm lấy. Như thế chàng đã yêu chính mình và yêu cho mình, vì mình, yêu cái bóng dáng của sự toàn vẹn mà mình ôm ấp. Nếu Ngà không có sẵn trong chàng, nàng sẽ không bao giờ làm rung động được nỗi khao khát chiếm hữu của chàng. Nhưng cái bóng dáng đó đã được vẽ ra, được thoát thai từ nỗi cô đơn của chàng. Chàng nghĩ rằng khi tìm được nó, nỗi cô đơn sẽ tan biến. Đến khi tìm được nó, chàng lại thấy rằng bóng dáng vẫn là bóng dáng; sự hiện diện của một bóng dáng bên ngoài mình chỉ tô đậm và xác nhận thêm rằng chàng vẫn mãi mãi là một con ốc tự ly cách mình với thế giới chung quanh mà thôi.

Thời gian gần đây, những suy tư đó ám ảnh Chương liên tục trong nhiều ngày. Chàng vẫn chung sống với Ngà, vẫn ăn chung ngủ chung, trò chuyện, đọc sách, đi làm. Nhưng có một cái gì đó gượng gạo, vô hồn len lỏi vào từng phút giây của cuộc sống. Chàng thấy buồn cười cho những vở kịch mà mọi người, kể cả chàng, đã và đang phải đóng một cách mù lòa, an phận và lặng câm trong suốt cuộc tình mâu thuẫn của họ.

Sau cuộc truy hoan, hai con ốc buồn bã rời nhau. Không phải là cơn buồn nôn, chán chường và mệt mỏi của thể xác sau khi trút hết sinh lực để đắm say trong khoái cảm, mà là nỗi thất vọng trong nỗ lực khỏa lấp cô đơn. Một con ốc tiếp tục buông mình theo sóng nước và sỏi cát. Con còn lại cố gắng lách mình, nương sóng trườn lên một hốc đá, nơi đó nó tránh được sự vồ chụp của những cơn sóng và cũng không còn nữa, những bụi cát mù mịt làm đau rát cơ thể; nơi đó, nó mỉm cười tự hỏi tại sao những con ốc khác không tìm đến những hốc đá cao như nơi chốn nó tìm đến để được thong dong, nhàn hạ.

Không thể chịu đựng nổi thái độ lạnh nhạt, dửng dưng và sự trầm tư ngùn ngụt bất thường trong nhiều ngày của Chương, một đêm nọ, Ngà hỏi chàng:
“Anh nói đi, sao mấy hôm nay anh thay đổi quá vậy?”
Chương ngập ngừng một lúc:
“Anh thấy có một cái gì đó thật phi lý trong tình yêu.”
“Tình yêu cũng cần có lý nữa sao?”
“Ở đời chẳng có gì mà chẳng có lý lẽ của nó.”
“Nhưng nếu cần phải viện dẫn lý lẽ một cách tường tận thì anh và em đã không thể nào yêu nhau, anh không thấy vậy sao?”
“Bởi vậy anh mới nói là có cái gì phi lý đó.”
“Để rồi đi đến đâu? Những suy tư rởm đời của anh có giải quyết được cái gì chăng? Hàng tỉ người trên thế giới, tự cổ chí kim, không thắc mắc, họ đã yêu nhau, sống với nhau hết một đời.”
“Nếu phải y khuôn với mọi người thì…”
“Tầm thường quá, phải không? Anh à, anh tưởng rằng một con ốc nằm trên hốc đá cao thì khác với những con ốc ở dưới nước cạn và sình lầy sao? Vẫn chỉ là con ốc mà thôi. Chưa đập vỡ cái vỏ thì con ốc muôn đời vẫn là con ốc. Nhìn lại thực tế đi, anh là con người, phải không? Nếu anh cho rằng cuộc sống chung này thất bại, rằng chẳng có gì thực sự là tình yêu, em chấp nhận chia tay theo ý anh. Nhưng trước khi quyết định, anh hãy suy nghĩ đi, trong ba ngày hay trong một tuần cũng được. Em chờ đợi câu trả lời của anh.”
Nói rồi, Ngà ôm chăn gối qua phòng khách ngủ riêng. Chương nằm lại một mình trên giường. Chàng thử tưởng tượng không có Ngà, chàng sẽ sống thế nào. Sáng dậy ăn điểm tâm, đi làm, tối về tắm, nấu ăn, ăn, đọc sách, rồi ngủ một đêm, lại thức dậy tiếp tục một ngày khác. Những ngày đó sẽ không có mái tóc Ngà buông dài qua bờ vai nhỏ mà rộng dáng bao dung. Những ngày đó sẽ không có cái nhìn sâu thẳm tình tứ từ đôi mắt mang đầy ẩn ngữ của Ngà. Những ngày đó sẽ không có đôi môi hồng nũng nịu thèm khát yêu đương. Sẽ không có tất cả. Khi chưa tìm thấy cái toàn vẹn thì bóng dáng của nó có vẻ như chính là nó. Bám chặt lấy bóng dáng này vẫn thấy cô đơn, nhưng buông bỏ nó thì niềm cô đơn cũng ác liệt không kém. Cái cô đơn truyền kiếp kia cứ bám theo, bám theo hoài, không sao khỏa lấp.

Trằn trọc mãi đến nửa đêm, cuối cùng, Chương cũng ngủ được một giấc. Trong mơ, Chương thấy Ngà nằm trong vòng tay kẻ khác và chàng điên tiết.

Đến sáng, đồng hồ báo thức gọi chàng dậy, nhưng chàng biết hôm nay là thứ bảy, nghỉ làm; chàng nằm đó, nhìn bâng quơ ra cửa sổ. Trời hãy còn mưa. Mưa suốt đêm rồi. Trời mưa gợi đầy kỷ niệm. Chàng đưa tay qua bên cạnh, không thấy Ngà. Chàng nằm im rất lâu trong tư thế của một con ốc nhỏ bị kẹt lại trong hốc đá. Cảm thấy thiếu vắng một cái gì.

Con ốc bỗng nhớ sóng, nhớ nước, nhớ những hạt cát quất vào thịt da đau rát, nhớ cả con ốc khác giới tính hôm nào.
Và con ốc lên đường, trở về biển cát.
Ngà bước vào phòng thay đồ. Chương nhìn ngắm nàng. Ngà vẫn đẹp như thuở nào. Từ đường cong của đôi môi cho đến đường cong của ngực nàng, không chỗ nào mà không nói lên ý nghĩa sâu kín và toàn vẹn của vũ trụ mênh mang muôn thuở. Nơi đó, thật là vô ích và thừa thãi cho một tiếng nói hay một ý niệm được cất lên.
Chương rời khỏi giường, đến ôm lấy thân thể nóng bỏng của Ngà.
Hai con ốc im lặng quyện lấy nhau.
Và họ tiếp tục trò chơi tình yêu.

Vĩnh Hảo

Phan Ni Tấn

Phan Ni Tấn

Khạc Ra Ma

Không biết trong tương lai tôi có còn gặp ma nữa hay không, nhưng tính đến nay tôi bị ma nhát cả thảy chín lần. Xin kể các bạn nghe.
*
1. Ma hiền
Hồi nhỏ có lần tôi đi học về, đứng ở dưới bếp đang ngửa cổ uống nước, liếc mắt lên nhà trên tôi thấy rõ ràng dáng một người đàn bà mặc áo dài lam, tóc xõa ngang lưng, từ trong phòng ngủ của bà nội vén màn đi ra hướng về phía bàn Phật. Dáng đi thật nhẹ nhàng, thanh thoát của một người quí phái. Hồi đó nhà ba má tôi thỉnh thoảng hay có bà con ở Sài Gòn lên thăm nên tôi chạy lên định chào hỏi nhưng lạ quá không thấy bóng người nào. Ngạc nhiên tôi chạy xuống bếp hỏi thì nội cười nói nhà mình tối nào cũng tụng kinh niệm Phật nên những oan hồn thường hiện về nương bóng Phật nghe kinh. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ma.

2. Ma rải sỏi
Sau ngày 10 tháng 3 năm 1975, Ban Mê Thuột thất thủ, tôi và nhiều người lính bị bên thắng trận chĩa súng bắt nhốt vào quân lao BMT. Đây là trại giam do người Pháp xây năm 1930 rất kiên cố dùng để nhốt các chính trị phạm. Ai từng bị nhốt vào đây, ít nhiều gì cũng nghe thấy nhiều hiện tượng ma quái thường xuất hiện lúc đêm về.
Khoảng một tháng đầu vào trại, ban đêm vào giờ đi ngủ, chúng tôi đều bị lùa vào phòng giam khóa kín cửa. Căn buồng vuông vức, chật hẹp, ẩm thấp, không có cửa sổ, chỉ độc một cánh cửa ra vô đúc bằng thép dầy. Nói dại, đêm hôm lỡ xẩy ra hỏa hoạn chắc chắn không một mống nào sống sót. Mấy bữa đầu còn hoang mang, lo sợ, mệt mỏi, nằm xuống ai nấy đều ngủ thiếp đi. Nhưng tuần lễ kế tiếp thì xẩy ra hiện tượng lạ. Hầu như đêm nào cũng vậy, cứ tới nửa khuya là tôi bị thức giấc vì nghe như có ai rải sỏi trên nóc nhà. Tiếng sỏi rải đều như mưa, từ đầu phòng tới cuối phòng. Tôi lấy làm lạ, nằm im lóng tai nghe một hồi thì quả quyết đó không phải là tiếng mưa. Hơn nữa nhà dân bên kia đường cách trại giam khá xa, có thần thánh mấy cũng không ai tài nào hốt từng nắm sỏi mà vung vãi tới nóc nhà tù được. Đợi hồi lâu không nghe động tịnh gì nữa tôi thiếp đi hồi nào không hay.
Đêm hôm sau, khoảng canh một, lại nghe tiếng sỏi rải đều trên nóc nhà như trước. Lần này tôi ngóc đầu lên nhìn quanh thấy vài người vẫn còn trằn trọc trở mình; đúng lúc đó tiếng động im bặt khoảng năm giây lại tiếp tục. Sáng ra tuyệt nhiên không một ai trong phòng có phản ứng gì, dường như họ không hề nghe thấy gì hết, ngoài tôi. Cho đến khi tôi đổi qua phòng giam khác thì hiện tượng ma quái này không còn xẩy ra nữa.

3. Ma chọi đá
Một hôm trời vừa sụp tối, anh em tù chúng tôi đang đứng trước cửa miếu âm hồn hóng gió, nói chuyện tầm phào thì bị ai đó chọi đá. Dù không thấy nhưng nghe cũng đoán biết những viên đá hoa cương to bằng nắm tay, ước chừng vài chục cục từ ngoài cổng trại lăn sàn sạt trên nền xi măng nhắm thẳng vào chân chúng tôi mà lao tới. Tất cả đều hoảng hốt nhảy dựng lên rồi xô nhau chạy vào trong miếu. Lúc đầu tôi nghĩ mấy tên cảnh vệ gác cổng chọi, nhưng khoảng cách từ cổng đến miếu sức người không thể chọi tới, cũng như những cục đá to tướng đó không bay bổng hoặc bay ngang tầm ngực mà lăn sàn sạt trên nền xi măng với một vận tốc cực nhanh. Sáng ra tôi lại lấy làm lạ là không một người nào tỏ vẻ sốt ruột như tôi chạy ra trước miếu tìm “tang chứng”, nhưng chẳng thấy cục đá nào, dù chỉ là một cục nhỏ, ngoài rác và lá khô. Lúc lên rừng lao động, vào giờ ăn trưa tôi băn khoăn nhắc lại chuyện xẩy ra tối hôm qua thì ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, nhìn tôi bằng ánh mắt kỳ lạ pha chút chế giễu; có người cười nói tôi mắc bệnh “hoang tưởng”. Trời đất! Cái cảnh tối hôm qua anh em bị chọi đá còn ràng ràng ra đó mà nói không ai nghe thấy gì, không ai hay biết gì, không ai bị gì hết thì quái lạ thật? Chẳng lẽ lâu nay chỉ có một mình tôi nặng bóng vía nên thường bị ma chiếu cố hay sao!?

4. Ma vượt ngục
Như đã nói trại giam này do người Pháp xây năm 1930. Nó trở nên nổi tiếng vì có lần giam giữ các cán bộ Cộng sản gộc như LD, TC… Trại giam được bao quanh bằng bốn bức tường gạch dầy trên một gang, cao hơn hai thước, phía trên có hàng rào kẽm gai. Ngoài bót gác cổng trước, phía sau trại giam còn có hai lô cốt đặt ở hai đầu góc. Ban đêm những ngọn đèn vàng ệch trên lô cốt lia qua lia lại tăng thêm phần lạnh lùng, ma quái.
Một hôm, tù đang say giấc thì nghe có tiếng còi tu huýt thổi ren rét nhiều tràng dài; tiếng còi nghe có vẻ như hối hả, áp đảo, vừa giục giã như đuổi bắt người nào. Tất cả tù bị lùa ra sân tập họp xếp hàng. Mặt mũi mấy anh cán bộ quản giáo và cảnh vệ, người nào cũng đằng đằng sát khí. Sau khi kiểm điểm nhân số toàn trại xong tù được lệnh trở vô phòng. Sáng hôm sau chúng tôi nghe phong phanh là tối hôm qua cảnh vệ gác phía sau trại giam phát giác có hai bóng người leo rào vượt ngục.
Sau vụ này tôi chắc dù theo chủ nghĩa vô thần, mấy anh Cộng sản tin có ma hay không cũng phải suy nghĩ về hiện tượng siêu hình này.

5. Ma thở dài
Sau nhiều đợt tù chuyển trại đi Méval, Củng Sơn, ra Bắc, bù lại có những loạt “ngụy quân ngụy quyền” khác lần lượt bị đưa vào trại giam ước lượng trên dưới ngàn người. Kinh có, Thượng có, tội phạm hình sự cũng có. Vì “trên” cần hồ sơ cá nhân những người mới vô gấp nên “trên” chỉ định tôi và một anh phụ tá lo việc sổ sách. Ghi chép tên tuổi, hồ sơ lý lịch tù nhân chẳng có gì đáng kể, ngặt nỗi là căn phòng chúng tôi làm việc một hôm lại xảy ra hiện tượng lạ.
Càng gần đến cuối năm gió càng nhiều, trời càng lạnh. Một hôm, toàn trại giam chìm sâu trong tịch mịch, hai anh em chúng tôi đang cặm cụi ghi ghi chép chép thì đột nhiên có tiếng thở dài vô cùng não ruột từ trong buồng tắm vọng ra. Tiếng thở dài không bình thường chút nào. Nó làm cho người nghe phải sợ hãi, vì tiếng thở dài đó không phải là của… người sống. Nếu chỉ có tôi nghe thôi thì chẳng nói làm gì, đằng này chính anh bạn phụ tá cũng ngóc đầu lên lắm lét nhìn tôi bằng ánh mắt đầy nghi hoặc. Sợ, nhưng chúng tôi cũng làm gan rón rén lần tới trước cửa buồng tắm rọi đèn pin xộc vào. Dĩ nhiên chẳng có… ma nào, ngoài buồng tắm tối tăm, lạnh lẽo, ẩm ướt và trơn trợt.
Sau này một anh tù hình sự, trước 75 vào tù ra khám như cơm bữa, cho biết: năm 19… có một anh bạn tù thâm niên gốc thợ mộc không biết vì lý do gì một hôm lẻn vô buồng tắm lấy dùi đục tự đâm họng mình mà chết.

6. Ma Mỹ
Hồi đi làm rẫy ở cây số 21 trên quốc lộ 21 hướng Khánh Dương, đang lui cui cuốc đất trồng khoai, lúc ngước lên tôi giựt mình thoáng thấy dáng một người lính Mỹ đang đứng giữa lưng chừng trời nhìn xuống tôi trong vài giây rồi biến mất. Đến nay tôi vẫn còn nhớ như in: người lính trẻ này không có vũ khí, mặc bộ đồ rằn ri rách rưới, bụi bậm, bạc màu, đầu đội nón nhà binh rộng vành thủng một lỗ, râu tóc mọc dài; đặc biệt cặp mắt thật sâu nhìn tôi bằng một ánh nhìn cực kỳ buồn bã, như muốn nhắn nhủ điều gì. Tôi biết anh đã chết trận nhưng chẳng biết chết ở đâu, lúc nào; xác được đồng đội mang đi hay đã vùi lấp bờ bụi nào trên mảnh đất dưới chân tôi.
Trong thời chiến, hồi đóng quân ở Cam Ranh Bay, tôi có quen biết vài người bạn Mỹ. Thỉnh thoảng ngoài mặt trận trở về, cuối tuần họ rủ tôi ra phố nhậu. Tuổi đôi mươi lúc xỉn thường hăng máu phá phách, đánh lộn với mấy anh lính địa phương. Cùng binh nghiệp, tôi chẳng bao giờ tỏ ra ghét bỏ những người bạn đồng minh trẻ tuổi này. Vì lý tưởng tự do đã mang bầu nhiệt huyết bay nửa vòng trái đất qua đây chiến đấu cho một đất nước xa lạ. Sống sót thì trở về với gia đình. Chết thì trở về với cát bụi, tên được khắc trên những bức tường đá đen. Sự hy sinh nào cũng đẹp mà buồn.

7. Ma biển
Cuối năm 1979 trên đường vượt biên tìm tự do, chẳng biết mắc mớ gì nửa đêm nửa hôm không ngủ được tôi lại nằm chăm chú lắng nghe tiếng máy ghe đơn độc nổ rì rà rì rầm giữa trùng dương mênh mông sóng cả. Tôi như quên mất thân phận mong manh giữa hai lằn sinh tử, cứ mải miết lắng nghe. Tiếng máy nghe thật trơn tru, đều đặn, thật giòn, thật ngọt. Nghe suốt đêm như vậy có lúc thật vui tai nhưng rồi cũng có lúc nhàm chán sinh uể oải. Vậy mà một hồi trời xui đất khiến lại bắt tôi phải banh tai tiếp tục lắng nghe. Tôi nghe hoài nghe hủy, nghe đến độ từ lúc nào không biết, tiếng máy ghe chuyển giọng thành ra… tiếng người. Tôi rùng mình lắc lắc đầu, chà mặt, dụi mắt, bứt tóc, bịt tai, vùng vẫy cố thoát ra, nhưng những tiếng kêu la, tiếng cầu cứu, tiếng khóc than, tiếng rên rỉ, tiếng tru tréo, tiếng sặc nước, tiếng thét gào tuyệt vọng của những oan hồn uổng tử bị chết chìm giữa đêm khuya ngoài biển cứ văng vẳng trong tai tôi, dìm tôi xuống.
Hôm nay viết xuống dòng này tôi không biết hồi vượt biển có ai cũng từng rơi vào tình trạng thính giác bị quấy nhiễu thê thảm như tôi không.

8. Ma bệnh viện
Bạn tôi bệnh nằm bệnh viện tôi vào thăm. Lúc trở về trời đã sụp tối. Đang loay hoay trả tiền ngoài cổng kiểm soát thì lờ mờ thấy bên kia có người lái xe chạy ngược vô, cất tiếng: “Anh ba!”. Nghe có người gọi tên mình, tôi nhướng mắt ngoái cổ nhìn qua coi ai, chợt rùng mình: tôi hoàn toàn không thấy ai hết, ngoài bóng đêm rờn rợn bao trùm. Trên đường về tóc tôi cứ dựng ngược.
***
9. Nhà Ma

Bên cạnh nhà bạn tôi có một căn nhà bỏ hoang đã nhiều năm, mặc cho bảng For Rent treo trước cửa nhà đã phai màu, xọc xệch, rệu rã theo mưa nắng. Thật ra trước đó có nhiều gia đình dọn vô ở không bao lâu đã vội vàng dọn ra. Hỏi thì họ nói nhà có ma. Lần đầu tiên tới thăm gia đình bạn, liếc qua tôi đã cảm nhận ngay căn nhà đó có nhiều âm khí. Ngay cả cây bom (táo) trồng sau hè, cành lá cũng cằn cỗi, xiêu vẹo trông ma quái như căn nhà. Mùa hè, trái bị sâu rụng đầy sân.
Buổi tối bạn bè chúng tôi tụ tập bên hông nhà chuyện trò, ăn uống, đờn ca xướng hát tới nửa khuya thì… có chuyện. Phải nói “tôi có chuyện” thì đúng hơn, vì lúc đó không khí văn nghệ đã lắng xuống, mọi người cũng nhỏ tiếng hơn, vậy mà chẳng một ai nhận thấy có chuyện gì vừa xẩy ra.
Đêm sâu tịch mịch. Làng xóm hoàn toàn chìm trong giấc ngủ, ngoài tiếng côn trùng rả rích, buồn tẻ. Tôi nghe rất rõ tiếng trái bom xuất phát từ phía căn nhà hoang chọi thẳng vào miếng tôn làm hàng rào dựng bên hông nhà bạn tôi. Tiếng chọi rất mạnh như muốn sinh sự của người nào đó đang gặp phải chuyện bực mình. Đúng lúc đó, tôi nghe có tiếng la hét, đập phá, tiếng dồ đạt đổ bể, tiếng kéo lê xền xệch lẫn tiếng người đàn bà rền rỉ khóc than bên kia căn nhà hoang văng vẳng vọng qua. Mặc tôi trở nên căng thẳng, bạn bè ngồi quanh vẫn tỉnh bơ vui vẻ, cười đùa; rõ ràng họ không nghe thấy gì. Rồi phía xa xa có tiếng chó hùa nhau sũa dữ dội. Hàng trăm tiếng chó sũa ma vang dội cả đêm trường.
Sáng hôm sau, đứng trước vườn bắp, tôi hỏi nhỏ thì bạn cười giả lả nói cũng nghe đồn nhà hàng xóm có ma nhưng bạn tôi chưa từng chứng kiến bao giờ.
* * *
Nghe nói người yếu bóng vía thường hay bị ma nhát, không biết có đúng không. Nếu đúng như vậy, lỡ gặp người yếu tim lăn đùng ra chết thì ma càng thêm mang tội, biết kiếp nào mới đi đầu thai.
Dĩ nhiên nhiều người không tin có ma, nói ma trong tâm nhảy ra. Riêng tôi sau 9 lần gặp ma, đến ngần tuổi này, tôi mà… khều một cái, búng một cái, nạt một tiếng, thậm chí khạc một phát cũng có thể… ra ma.

Phan Ni Tấn

Xuân Bích

Xuân Bích

Lặng Bước Đêm

lặng bước đêm – khuya khoắt cuộc đời
chênh vênh tiếng nói gọi “người ơi”
nghiêng theo số phận tìm soi bóng
vẫn thoáng dung nhan cuối mặt trời

lỡ phút mê quên ngang hẹn thề
bao niêu mơ ước tạc hồn quê
giờ như chìm lắng vào ngôn ngữ
để gửi bâng quơ tiếng gọi về…

đã biết không gian vốn lạnh lùng
thời gian ai đếm nhịp buồn rung
con tim thế hệ cần hơi thở
để thổi vào nhau dưỡng khí hùng

nếp sống tình xưa xưa bốn ngàn
bốn ngàn năm ấy một trần gian
và em còn nhớ hồn dân tộc
như sóng tình quê dâng ngập tràn

những mảnh tình cài trong khúc ca
có em và có cả mầu hoa
cây tre cành trúc con đường cỏ
em có khi nào chợt nhớ ra.

Tóc Thề

tóc thề buông xõa ngang vai
bao nhiêu hứa hẹn man khai một đời
chuyện tình là chuyện muôn nơi
trăm năm riêng rẽ một trời lứa đôi
nhớ thương vây kín chỗ ngồi
bâng khuâng quên lãng một hồi sinh quen
biết nhau khung cửa sách đèn
những tờ thư lén hờn ghen học trò
nhớ xưa một thuở quạt mo
hồn nhiên trong xóm chơi trò ca dao
có em và có trời sao
bỗng nhiên giờ lại tiếc bao dại khờ
lỡ làng còn lại trong thơ
trao em lưng vốn để chờ vần lơi
thế gian ta vốn đổi rời
sao không khác lạ cho vời vợi nhau
lắng nghe trong những niềm đau
băn khoăn đứng lại nhìn sau dáng mình

Lặng Bước Đêm

lặng bước đêm – khuya khoắt cuộc đời
chênh vênh tiếng nói gọi “người ơi”
nghiêng theo số phận tìm soi bóng
vẫn thoáng dung nhan cuối mặt trời

lỡ phút mê quên ngang hẹn thề
bao niêu mơ ước tạc hồn quê
giờ như chìm lắng vào ngôn ngữ
để gửi bâng quơ tiếng gọi về…

đã biết không gian vốn lạnh lùng
thời gian ai đếm nhịp buồn rung
con tim thế hệ cần hơi thở
để thổi vào nhau dưỡng khí hùng

nếp sống tình xưa xưa bốn ngàn
bốn ngàn năm ấy một trần gian
và em còn nhớ hồn dân tộc
như sóng tình quê dâng ngập tràn

những mảnh tình cài trong khúc ca
có em và có cả mầu hoa
cây tre cành trúc con đường cỏ
em có khi nào chợt nhớ ra.

Khúc Giao Mùa

Cuối thứ bẩy – đêm côn trùng kể lể
tháng năm mòn trên hệ lụy lá xơ
chủ nhật chìm trong cơn nhớ vỡ bờ
lời định nghĩa trơ vơ thềm thư viện
chân lữ thứ đi trên giầy kỷ niệm
khúc giao mùa còn hát đuổi nhau chơi
những tình nhân chưa quên phút nghẹn lời
chưa nguôi được niềm vui thai nghén cũ
nghe vời vợi trên vai trần giấc ngủ
những vòng tay âu yếm thuở vào nôi
và mùi thơm trên môi má cuộc đời
chân dẫm nát những ru hời dưới bóng
xoay rạo rực cho nghi ngờ cô đọng
những bàn tay gian dối tự bao giờ
vun đam mê theo nhịp thở thờ ơ
đêm bốc cháy cơn mơ hồ sa mạc
bầy chim dõi bay theo mùa cỏ rác
những mảnh đời vừa thất lạc đâu đây
vội tìm nhau chia xớt nghiệp lưu đầy
trên chiếc áo xanh rêu còn vết tích
đời bật ngã theo nhau ngày đếm lịch
đêm vong thân từng sợi xích thời gian
đi qua nhau qua những chặng bụi tàn

hôm nay nhớ như mình đang vẫn nhớ
tay dụi mắt xua tan từng bỡ ngỡ
mỗi niềm tin đều tự cứu riêng mình
mỗi lầm than đều có một hành tinh
như đã mất cả cung đình tuổi trẻ
sao không giữ lại trăng thề thế hệ
mượn cuộc chơi chia dĩ vãng làm đôi
nửa lên ngôi nửa đi xuống ngậm ngùi
đêm gái góa nuôi con bằng tủi hận
chiều biên giới mồ hôi đầm trên trán
dưới màn mưa bụi muông thú tìm ăn
khắc trên lưng đôi ba vết tục tằn
đời cơm áo vốn no lành – đói rách
thời nghiên bút thiếu chi phường đốt sách
cơn mê điên trong huyết mạch tràn tuôn
đem hoang vu đi gán nợ mất còn
ôi điên loạn cơn di truyền dã thú
đem nanh vuốt ghim trên mình lịch sử
dựng đời lên so cuồng vọng đổi trời
gom thiên thu vào rộng lớn mù khơi

ta viết ngược tên mình trên giấy lạ
song vẫn giữ nguyên hương trời cỏ lá
nhớ mặt nhau và nhớ cả gì đâu….
vẫn nguyên mình và nguyên mãi về sau.

Gió Mùa

gió mùa len lén ru hồn
cây rưng rưng lá hoàng hôn mận đào
vấn vương từ ở phương nào
theo tương tư nắng về sao lá vàng

một người hôm ấy lang thang
tìm trong hà nội áo vàng tay lơi
lạc mình trong những chơi vơi
lạc người ngay giữa những nơi hẹn hò

sương thu vời vợi giăng mờ
chiều lên ngơ ngẩn bên bờ sông đêm
lá rơi thao thức khoang thềm
tiếng ca ai rót buồn thêm đêm người

chắt chiu từ tuổi mấy mươi
bây giờ huyễn hoặc nụ cười triết nhân
phồn hoa trên ngõ phong trần
tình yêu say sóng cho vần thơ nghiêng

phía em thần thoại cồng chiêng
phía ta thu vẫn vàng riêng lá mùa
bao nhiêu hôm ấy cho vừa
để hong vơi cạn ngày xưa chúng mình

bao nhiêu cơn nhớ tội tình
rủ nhau vào nẻo quyên sinh muộn màng
hóa thân từ ngõ thôn trang
em về phố thị mang mang ngợ hờ

nửa hồn em vướng vào thơ
đôi mi xanh khép lững lờ miền xa
mùa thu năm ấy mười ba
nửa hồn em chớm ngã sa giận hờn

bây giờ em có buồn hơn
bao nhiêu thu ấy chập chờn trong mơ
áo xưa còn óng vàng tơ
hay giờ đã ngả sang ngơ ngác đời.

Hoài Thu

mỗi năm một mùa lá rụng
con người lặng lẽ xa xôi
gió mềm ru cơn thoảng nhớ
những lời chiều lạnh chơi vơi

giữa đêm lá mưa xào xạc
tình yêu ngơ ngác mơ hoang
lối xưa chập chờn bóng đổ
hồn lay đôi cánh lỡ làng

giấc mơ hồi hương khô – ướt
như từng giọt trắng long lanh
trên mệnh trầm du hoa lá
hoen nhòa hữu thể mong manh

mỗi đêm một lần thức giấc
chia đời mật mã hư vô
chia mình thời gian khuya khoắt
chia ai nghiệp dĩ thờ ơ

mùa thu nay về ngược lối
chỉ vàng trên những ngõ sâu
cỏ may ngập bờ hoang vắng
nhặt vờ mượn cớ gần nhau

những mùa thu xưa tuổi nhỏ
quê hương vàng mộng ấu thơ
tình yêu vụng thầm e ấp
băn khoăn thứ bảy học trò

Em Về

em về như cơn gió ngoài song
đánh thức cơn đau đã thuộc lòng
những phút bên nhau buồn lẩn tránh
khu vườn thương nhớ lại vào đông

em về như giọt nắng pha sương
ướt thảm tương tư ướt cỏ trường
năm tháng chung đường vui đại học
nhưng rồi hai đứa lại hai phương

em về đong lại một đầy vơi
giếng mắt sâu dung chứa cuộc đời
vẫn giấu cho nhau lời uẩn ức
chia hoài con số lẻ phân đôi

bao giờ bôi xóa được hoài nghi
và để em nghe hết những gì
và để em không còn lưỡng lự
không còn lần nữa tiễn em đi

khi nào em trở lại quê này
đời vốn vô thường sao chẳng hay
sao vẫn phiền nhau câu hỏi ấy
cuộc đời muôn nẻo lối mây bay

em về ta ở lại hoàng hôn
mầu nắng sa – tan vẫn đủ buồn
thiêu cháy một khoang nhìn ảo tượng
khi mình rất thật một cô đơn

Bóng Lẻ Mùa Đông

Đông về chín lạnh miền xanh
chiều đơn bảng lảng trên cành hở hang
lá rơi rơi vướng ngỡ ngàng
chênh vênh ý nghĩ từng trang vô đề

mắt nai và cõi đam mê
thu hình đêm ủ trên hè lá khô
nghe quen xào xạc bây giờ
âm thanh vọng tới biên bờ ngày sau

tim ta còn lại vết đau
chờ thoa hơi ấm cau trầu thuyền quyên
gói nguyên câu nói tật nguyền
vào đêm chôn cất từng phiên lạc loài

mùa thu chưa dối gạt ai
sao mùa đông nỡ khổ sai hợp đề
tóc xưa buông chạm lời thề
trăng mười sáu vụng về khoe dáng buồn

giọt sương chiều gội hoàng hôn
trầm tư bóng lẻ như còn thôi miên
bên ngoài gió thổi nhiều thêm
bên trong lũng nhớ về đêm bão hòa

Xuân Bích

Nguyễn Kim Hương

NG K HUONG

Nhớ Cha

Qua sông bỗng thấy ngậm ngùi
Để cha ở lại, con xuôi dòng đời
Một mình cha với mây trời
Theo chồng con vẫn không nguôi nhớ về

Cha ngồi nắng úa ven đê
Hai bờ xa cách chiều quê mịt mù
Rụng đầy trước ngõ mùa thu
Lá vàng đã mấy bận từ ngày đi

Xa cha, buồn nhớ từng khi
Dầm mưa dãi nắng chỉ vì nuôi con
Nhớ ngày mắc bệnh, xót lòng
Cõng con lội mấy dòng mương, cánh đồng

Suốt đời cực khổ long đong
Cho con êm ấm thoả lòng trẻ thơ
Ánh hồng toả rạng giấc mơ
Làm sao trở lại. Chỉ ngơ ngẩn buồn

Bóng ai độc mộc chèo xuồng
Nhớ cha quê cũ chạnh buồn không phai
Mong cha vui khoẻ từng ngày
Dù xa cách mấy, một mai cũng về

Nguyễn Kim Hương

Nghiêu Minh

Nghiêu Minh

Mai Ta Về

Mai ta về nằm chung một nghĩa trang
Có kẻ thù thân mộ bia cùng hàng
Những ngày giỗ kỵ cô hồn cả nước
Thù thân gì cũng hưởng một nén nhang !

Mai ta về nếu còn sống được vài năm
Ta sẽ tỉnh bơ bắt tay từng thằng
Dù ngày trước hắn đương quyền chụp mũ
Cái mũ phía Bắc, cái mũ phía Nam

Ta sẽ rủ hắn xíu mại cà phê
Hoặc trái mận trái cốc quán đồng quê
Để mọi phía khề khà ngất ngưỡng
Nghe sai trái nhau kẻ dưới người trên

Mai ta về đến thăm cô bồ cũ
Để thấy hạnh phúc con cháu đầy nhà
Nếu còn nhìn nhau trong đôi mắt nụ
Ấm được cả hai răng móm mắt lòa!

Mai ta về thăm lại cây trứng cá
Quang Trung tan trường ghé lại hát đàn
Thời chị đệ nhất yêu tôi đệ tứ
Nắng Hốc Môn có ‘nhạt nắng’ Bình Nhâm?

Mai ta về tìm thằng hay phá chọc
Lấy cần câu và bắt đi đường vòng
Sợ hắn chận đường ta hay nghỉ học
Trường học đầu sông hắn giữa sông

Mai ta về làm lại giấy khai sinh
Trước phòng hộ tịch ông xã nạt nộ
Cha mẹ nhà quê sợ tăng thêm tuổi
Đổi tháng ngày sinh ta mất tử vi

Mai ta về ngồi đưa ngọt đưa cay
Mấy thằng nối khố vợ một vợ hai
Và chụp hình chung để làm kỷ niệm
Còn nhớ mặt nhau phúng điếu tương lai!

Mai ta về trên lối mòn lụm cụm
Em Nhuyễn, A Lành rót rượu bên đường
Ta sẽ làm thơ tặng em răng sún
Em hát xàng xê rượu ngọt phi thường!

Mai ta về thăm ‘thằng thầy’ cờ tướng
Dạy ta không thắng thì biết thủ huề
Ta bỏ học lê la tiệm hớt tóc
Say mê ngựa xe chốt đi không về

Mai ta về đi qua sân banh xã
Những chiều đá độ nước đá chanh đường
Ta làm thủ môn banh cứng như đá
Bất tỉnh mấy lần uống nước tiểu luôn

À, mai ta về thăm em học hát
Biết em yêu thầy mà thầy rất nghiêm
Em tự tử ta mất ngủ cả tháng
Lỗi tại tôi, lỗi mình không nợ duyên

Mai ta về còn trăm nghìn nơi chốn
Ta thăm hết và kễ chuyện huyên thiên
Vì thời gian và tuổi ta lộn xộn
Như chuyện một ngàn lẻ một đêm

Mai ta về như cây và cối
Vẫn lặng thinh nhìn bầy thú rừng
Đang soi bóng chờ trăng bên suối
Thỉnh thoãng nghe đất chuyển lửa bùng

Cuối cùng, mai ta về em kè bên
Em của trăm năm của nợ nần
Ba mươi năm em như gái thượng
Tưởng ta cái gùi đeo hoài sau lưng!

Nghiêu Minh

1 12 13 14 15 16 58